Xã hội

Bác sĩ 'thuộc bài nhưng lúng túng cứu người' sẽ bị đào thải trước kỳ thi quốc gia

Văn Hiền 28/07/2025 06:22

(CLO) Trước yêu cầu đổi mới toàn diện của hệ thống khám chữa bệnh và kỳ vọng ngày càng cao của xã hội, mô hình đào tạo hiện nay đang bộc lộ nhiều khoảng trống lớn về thực hành, tư duy lâm sàng và năng lực hành nghề độc lập.

Trong những năm qua, chương trình đào tạo bác sĩ y khoa tại Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua đã đóng vai trò chủ lực trong việc cung ứng đội ngũ nhân lực cho ngành y tế.

Do đó, Kỳ thi đánh giá năng lực hành nghề Quốc gia đối với chức danh bác sĩ từ năm 2027 theo quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được xem là “cú huých lịch sử” sẽ thúc đẩy mạnh mẽ các cơ sở đào tạo y khoa phải chuyển mình.

492148518_700294402656460_607294120484464306_n.jpg
Chương trình đào tạo bác sĩ y khoa truyền thống tại Việt Nam đóng vai trò then chốt trong việc cung cấp nhân lực y tế trong nhiều thập kỷ.

Từ “học để biết” sang “học để hành” – Bước chuyển không thể trì hoãn

PGS.TS Phạm Quốc Bình, Chủ tịch Hội đồng Trường Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam, nhận định: “Ngành Y tế Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển đổi sâu rộng về quản lý hành nghề, đào tạo nhân lực và kiểm định chất lượng. Trong đó, kỳ thi quốc gia năm 2027 sẽ là bước ngoặt lớn định hình lại toàn bộ hệ sinh thái đào tạo y khoa”.

Theo ông, các trường y không thể tiếp tục duy trì mô hình đào tạo nặng tính hàn lâm, xa rời thực tiễn. Thay vào đó, cần nhanh chóng cập nhật các văn bản pháp lý mới, xác định rõ phạm vi hành nghề và chuyển hướng sang đào tạo dựa trên chuẩn năng lực đầu ra, giúp sinh viên đủ điều kiện dự thi và hành nghề độc lập, an toàn.

490096638_686762610676306_5430816235758983716_n.jpg
Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã chính thức quy định về việc triển khai Kỳ thi đánh giá năng lực hành nghề Quốc gia đối với chức danh bác sĩ từ năm 2027 – một dấu mốc quan trọng cho sự thay đổi toàn diện trong đào tạo và công nhận năng lực hành nghề y.

TS Phạm Thái Hưng, Khoa Y học lâm sàng, Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam, cho rằng: “Chúng ta đang đối mặt với nghịch lý: nhiều bác sĩ tốt nghiệp đạt điểm cao, nhưng lúng túng trong xử lý tình huống lâm sàng, thiếu tự tin khi tiếp xúc với người bệnh và yếu về kỹ năng giao tiếp, ra quyết định, đạo đức nghề nghiệp”.

Ông nhấn mạnh, chương trình hiện tại chưa tích hợp sớm thực hành lâm sàng, chưa đánh giá đầy đủ các năng lực toàn diện, dẫn đến khoảng cách ngày càng lớn giữa nhà trường và thực tiễn ngành y, đặc biệt ở tuyến y tế cơ sở – nơi bác sĩ phải độc lập xử lý đa dạng ca bệnh.

Kỳ thi quốc gia năm 2027: Cơ hội sàng lọc và nâng chuẩn đào tạo

Theo TS Hưng, kỳ thi đánh giá năng lực hành nghề từ năm 2027 sẽ là thước đo thực chất để sàng lọc trình độ chuyên môn, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp của sinh viên sau tốt nghiệp.

“Không còn là chuyện học thuộc và thi lý thuyết, mà là kiểm tra năng lực hành nghề thực sự. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để các trường y chuyển mình theo hướng hiện đại và hội nhập”, TS Hưng bày tỏ.

Giải pháp chiến lược: Thiết kế lại chương trình theo chuẩn năng lực quốc gia

475344300_634223975930170_7780825018882598888_n.jpg
Chương trình đào tạo y khoa ở Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam hiện nay vẫn còn nặng lý thuyết, thiếu lồng ghép sớm kỹ năng thực hành và chưa đồng bộ trong việc đánh giá năng lực toàn diện của người học.

Để đáp ứng yêu cầu mới, TS Hưng đề xuất 5 hướng cải cách cốt lõi trong đào tạo bác sĩ y khoa: Chuyển sang đào tạo theo năng lực đầu ra, thay vì đào tạo theo niên chế truyền thống; tăng thời lượng thực hành lâm sàng sớm, lồng ghép kỹ năng mềm, y đức, tư duy lâm sàng từ những năm đầu; chuẩn hóa công cụ đánh giá năng lực minh bạch nhất quán khách quan; linh hoạt chương trình giảng dạy, thích ứng với bối cảnh dịch tễ, công nghệ y tế mới; lấy người bệnh làm trung tâm, đào tạo bác sĩ có khả năng phục vụ tốt tại mọi tuyến y tế.

“Thiết kế lại chương trình đào tạo theo hướng tích hợp, gắn chặt với chuẩn năng lực hành nghề, không chỉ để vượt qua kỳ thi quốc gia, mà còn đảm bảo người học ra trường đủ năng lực hành nghề, tạo niềm tin cho người bệnh và xã hội”, TS Hưng khẳng định.

Việc tổ chức kỳ thi quốc gia năm 2027 đã đặt các trường y trước ngưỡng cửa phải cải cách toàn diện. Đây không còn là lựa chọn, mà đòi hỏi cấp thiết để đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực y tế, phục vụ tốt nhất cho mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân trong giai đoạn mới.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bác sĩ 'thuộc bài nhưng lúng túng cứu người' sẽ bị đào thải trước kỳ thi quốc gia
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO