Bắc Trà My (Quảng Nam): Đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân khi xảy ra thiên tai
(CLO) Huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam) đã có nhiều phương án để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân khi xảy ra thiên tai như bão, mưa lớn kéo dài...
Nhiều tổn thất vì thiên tai
Phòng Tài nguyên môi trường huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam) cho biết, trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu toàn cầu và tình hình thiên tai xảy ra tại Quảng Nam nói chung, huyện Bắc Trà My nói riêng ngày càng diễn biến phức tạp.
Từ năm 2021 đến nay, địa bàn huyện thường chịu tác động mạnh của các cơn bão khi đổ bộ vào đất liền. Ngoài ra, hàng loạt đợt mưa lớn kéo dài dẫn đến hiện tượng sạt lở đất, đá, lũ ống, lũ quét… gây thiệt hại lớn về người, tài sản và môi trường sinh thái.
Điểm sạt lở tại xã Trà Tân (huyện Bắc Trà My) năm 2020.
Cụ thể, chỉ trong năm 2022, huyện Bắc Trà My đã hứng chịu 2 đợt mưa lớn gây thiệt hại nặng cho ngành sản xuất nông nghiệp. Tháng 9/2022, bão số 4 (bão Noru) đổ bộ đã gây thiệt hại lớn khi khiến 50 căn nhà của người dân bị tốc mái, nhiều diện tích cây ăn quả, cây Keo của người dân bị ngã, gãy.
“Đây là những diễn biến thiên tai rất phức tạp mà trước đây trên địa bàn huyện Bắc Trà My ít thấy. Tổn thất vì thiên tai của người dân ngày càng lớn và khó lường hơn trước”, ông Nguyễn Đình Thông, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bắc Trà My nhận định.
Hình ảnh vụ sạt lở đất ở tại tổ Trung Thị, thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam vào tháng 11/2021.
Theo ông Thông, trong năm 2023, dự báo tình hình khí hậu, thời tiết sẽ tiếp tục có thêm nhiều diễn biến phức tạp. Trong đó đáng lo ngại nhất là mưa bão cực đoan. Phòng Tài nguyên và Môi trường cho hay, đáng lo nhất hiện nay trên địa bàn huyện là nguy cơ sạt lở đất đá. Tại huyện Bắc Trà My còn 98 điểm có nguy cơ sạt lở, trong đó một số vị trí đặc biệt nguy hiểm, có dân cư đông đúc.
Ưu tiên bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân
Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bắc Trà My cho biết, trước những diễn biến phức tạp của khí hậu, thời tiết, UBND huyện Bắc Trà My đã chỉ đạo phòng có các biện pháp để chủ động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống xảy ra.
Người dân huyện Bắc Trà My thường xuyên đối diện rủi ro do thiên tai gây ra.
UBND huyện Bắc Trà My đã thành lập Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, xây dựng phương án ứng phó với thiên tai theo cấp đội rủi ro; chỉ đạo xây dựng thành lập lực lượng xung kích cấp xã; Thành lập các đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai, kiểm tra rà soát các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, xây dựng bản đồ, kế hoạch sơ tán di dời dân khi có tình huống xảy ra.
Đặc biệt, UBND huyện Bắc Trà My ban hành 5 nhiệm vụ để đảm bảo an toàn tính mạng của nhân dân, tài sản của Nhà nước, người dân và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại khi xảy ra rủi ro, thiên tai.
Lực lượng chức năng huyện Bắc Trà My tiến hành thông tuyến một đoạn Quốc lộ 40 bị sạt lở qua xã Trà Giác, huyện Bắc Trà My.
Cụ thể, nhiệm vụ đầu tiên là các cấp chính quyền phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để thay đổi nhận thức, tư tưởng của người dân, giúp người dân không được chủ quan, lơ là, xem nhẹ rủi ro thiên tai. Thực hiện các giải pháp ứng phó đúng với từng loại hình thiên tai và từng cấp độ thiên tai.
Các cấp chính quyền luôn dự phòng hình dung đến tình huống nguy cơ cao hơn một cấp để hạn chế thấp nhất về thiệt hại. Các văn bản, quy định hướng dẫn, thông tin về nội dung phòng chống thiên tai được đăng tải công khai để cán bộ và người dân cùng biết, thấy được trách nhiệm của mình. Đăng tải các nội dung chỉ đạo của Trung ương, tỉnh, huyện lên phương tiện thông tin đại chúng để người dân nắm bắt, hiểu được, từ đó đạt được sự đồng thuận cao trong quá trình tổ chức thực hiện.
Nhiệm vụ thứ hai là chính quyền cấp xã, cấp huyện phải kiện toàn, hoàn thiện phương án ứng phó, thường xuyên nắm bắt thông tin diễn biến thiên tai để vận dụng kịch bản ứng phó phù hợp khi xảy ra rủi ro thiên tai. Trong đó, các cấp phải có phương án gộp các tình huống thiên tai nhiều loại hình cùng lúc để đưa ra hành động phù hợp nhất với phương châm “việc đề phòng không bao giờ là thừa”.
Nhiệm vụ thứ ba là chính quyền các xã, huyện phải thực hiện nguyên tắc “phòng là chính”, đảm bảo tốt “ba sẵn sàng” gồm phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả và “4 tại chỗ” gồm chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ trong việc phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
UBND huyện Bắc Trà My xác định lực lượng quan trọng nhất vẫn là từng người dân, từng thôn tổ, xã, thị trấn đồng thời phát huy chức trách nhiệm vụ của lực lượng xung kích xã, đội xung kích thôn để bảo vệ tính mạng và tài sản của mình và người thân trước hiểm họa thiên tai.
Tuyến quốc lộ 40B qua xã Trà Tân huyện Bắc Trà My thường xuyên bị sạt lở.
Nhiệm vụ thứ tư là chuẩn bị đầy đủ các kế hoạch, điều kiện phục vụ cho công tác ứng cứu, khắc phục hậu quả, trong đó có vai trò quan trọng của các cơ quan, bộ phận chuyên môn như công an, quân sự, kinh tế hạ tầng… UBND các xã xây dựng đầy đủ các kế hoạch, phương tiện, dụng cụ... để kịp thời huy động ứng cứu, khắc phục thiên tai được nhanh chóng, an toàn.
Nhiệm vụ thứ 5 là tập trung khắc phục nhanh, gọn hậu quả, tránh để kéo dài gây thêm hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề cho sự phát triển kinh tế.
Ban Chỉ huy quân sự và dân quân tự vệ huyện Bắc Trà My cứu hộ vụ sạt lở núi xảy ra tại thôn 3, xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My vào tháng 11/2020.
Ngoài ra, UBND huyện Bắc Trà My còn thường xuyên tranh thủ nguồn vốn từ các chương trình dự án để xây dựng các khu, điểm tái định cư tập trung để bố trí di dời sắp xếp cho các hộ dân sinh sống tại các khu vực bị ảnh hưởng của thiên tai có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt đến sinh sống an toàn.
Huyện cũng đang từng bước hỗ trợ người dân ở vùng ảnh hưởng của thiên tai đến nơi ở mới để có cuộc sống ổn định theo Nghị quyết số 23/2021/NQ-HĐND.
Đặc biệt, huyện Bắc Trà My đang kêu gọi các chương trình dự án và kêu gọi sự hỗ trợ các mạnh thường quân đồng thời tuyên truyền vận động nhân dân xây dựng nhà ở kiên cố theo thiết kế có móng, trụ bằng bê tông cốt thép vững chắc, đỗ bê tông sàn để làm nơi trú bão, tránh lũ.
Huyện đã xây dựng trên 70 ngôi nhà cho người dân bị thiệt hại mưa bão năm 2020. Đến nay, những ngôi nhà này đang phát huy hiệu quả trong phòng tránh thiên tai năm 2021, 2022.