“Bạch mã” và những chuyện thực hư

04/03/2017 20:14

Dân gian xưa cho rằng, tác dụng với xương khớp con người, cao ngựa bạch thường được xếp hàng thứ 3 sau sừng tê giác và cao hổ. Vì thế mà gần đây trên thị trường đã lên cơn sốt về thứ cao này. 500 nghìn/lạng, 700 nghìn/lạng, 1,2 triệu/lạng thậm chí lên tới trên 3 triệu/lạng nhưng chưa chắc đã mua được đồ chuẩn. Thực chất công dụng của cao ngựa bạch là gì, có dễ mua và nhiều như thế không? Đây là những câu chuyện chúng tôi đã “nhặt” được ở một số bản làng miền núi!

(NB&CL) Dân gian xưa cho rằng, tác dụng với xương khớp con người, cao ngựa bạch thường được xếp hàng thứ 3 sau sừng tê giác và cao hổ. Vì thế mà gần đây trên thị trường đã lên cơn sốt về thứ cao này. 500 nghìn/lạng, 700 nghìn/lạng, 1,2 triệu/lạng thậm chí lên tới trên 3 triệu/lạng nhưng chưa chắc đã mua được đồ chuẩn. Thực chất công dụng của cao ngựa bạch là gì, có dễ mua và nhiều như thế không? Đây là những câu chuyện chúng tôi đã “nhặt” được ở một số bản làng miền núi!

Quý và… rất hiếm!

Nhiều cụ cao niên ở khu vực miền núi Đông và Tây Bắc mà chúng tôi tiếp xúc đều không phủ nhận về giá trị của cao ngựa bạch với xương khớp con người. Nhưng khi được hỏi, ngựa bạch có dễ tìm và dễ kiếm hay không thì rất nhiều người cùng bảo… rất khó. Thậm chí có cụ đã “gần hai năm mươi” rồi khẳng định rằng cả đời chỉ một hay hai lần nhìn thấy thôn bản mình có ngựa bạch xuất hiện. Ngày nay, ngựa được nuôi ít đi nên ngựa bạch cũng hiếm dần.

[caption id="attachment_151180" align="aligncenter" width="640"] Mổ ngựa bạch để nấu cao trước đây ở các phiên chợ vùng cao.[/caption]

Vậy ngựa bạch có phải do ngựa bạch sinh ra không? Chúng tôi đem câu hỏi này đến với ông Trương Văn Kim, một người dân tộc Tày, hiện đang sống ở dưới chân dốc Tấng, xã Ngọc Linh (Vị Xuyên, Hà Giang) thì nhận được một câu trả lời hoàn toàn bất ngờ: Không phải! Ông Kim cho biết trước đây xã ông là một trong những xã ở Vị Xuyên có sự xuất hiện tương đối thường xuyên của ngựa bạch. Chính mắt ông đã thấy những con ngựa bạch được sinh ra từ những cá thể bố mẹ có màu đen, khoang hoặc cánh gián. Vì quý nên ngựa bạch rất hiếm. Vì ít, hiếm và có tác dụng nên ở xã nào, huyện nào có ngựa bạch sinh ra thì ở khu vực đó hoặc các xã, huyện cận kề ai cũng biết. Hễ có tin mổ ngựa là có người tìm đến để mua thịt hoặc đặt cao đem về dùng.

Ông Nguyễn Văn Tung (trú tại km 26, Thị trấn Việt Lâm, Hà Giang) khi được hỏi chuyện cũng có những lý giải hết sức hấp dẫn. Vốn là giáo viên cắm bản từ những năm 60 - 70 của thế kỷ 20, đi nhiều, đọc nhiều, ông khẳng định ngựa bạch xuất hiện là do sự đột biến của nguồn gen. Đó là sự kết hợp của hai nguồn gen bệnh vốn có của loài ngựa để sinh ra ngựa bạch. Ông Tung cũng đã nhìn thấy những chú ngựa bạch được sinh ra từ hai bố mẹ vốn không phải là ngựa bạch. Theo lý giải của ông Tung thì ngựa bạch chính là con ngựa bệnh tương tự như con người bị bệnh bạch tạng vậy.

Nói về ngựa bạch, theo ông Nguyễn Huấn, cựu giáo viên có thâm niên cắm bản ở các vùng miền khốn khó trên địa bàn Hà Giang thì hồi trên đây còn thâm u, ông đã rất nhiều lần nhìn thấy những chú ngựa bạch được sinh ra mà bố mẹ chúng… chẳng bạch tí nào. Ông Huấn kể, những ngày ấy, bản làng nào mà có ngựa bạch xuất hiện thì dân làng quý lắm. Họ coi đó như vận may của trời đất ban cho vì cao ngựa bạch tốt và là loại thuốc quý để chữa xương khớp. Theo ông Huấn thì tỷ lệ ngựa bạch so với các thứ ngựa khác chỉ chiếm 1/100.

[caption id="attachment_151181" align="aligncenter" width="640"] Chú ngựa bạch này đang do ông chủ ở quán ngựa km9 đường Đồng Văn – Hà Giang sở hữu và là một trong số ít ngựa bạch chính thống có ở đất này.[/caption]

Nói về tác dụng của cao ngựa bạch chính thống, ông Nguyễn Trọng Quyên ở Thị trấn Việt Lâm cho biết: Ông có bà vợ là người miền dưới lên đây khai hoang. Vốn là dân miền chiêm trũng, lại thêm cái khí hậu đặc thù của vùng cao nên vợ ông mắc chứng xương khớp kinh niên. Sau khi sinh con đầu lòng, vào mùa đông, hai đầu gối vợ ông sưng to như hai trái bưởi. Ê ẩm và đau buốt không đi đâu được. Trong một lần vào công tác tại khu xã Linh Hồ, ông đã đem chuyện này kể với ông Dương Chương vốn là tỷ phú trên đây. Nghe chuyện, vốn là người đã biết và quý ông Quyên nên ông Dương Chương đã biếu ông Quyên nửa lạng cao ngựa bạch và hướng dẫn cách sử dụng: Đem về hầm với gà rồi cho vợ ăn. Về nhà, ông Quyên đã dùng số cao ấy, chia và hầm với 10 con gà, lạ kỳ thay sau đó vợ ông khỏi bệnh. Trừ đứa con đầu, 4 đứa con tiếp theo của ông cũng không mắc chứng bệnh khớp của mẹ nữa. Thế mới thấy cao ngựa bạch có tác dụng với xương khớp thế nào!

Như lời ông Kim, ông Tung, ông Huấn, vì ngựa bạch sinh ra do hai nguồn bệnh kết hợp với nhau nên thực tế các con ngựa bạch đều không khỏe và rất hay chết yểu. Vậy nên, những nhà có những chú ngựa bạch này phải chăm chút chúng rất kỹ. Ít bắt ngựa thồ hàng, chăm sóc chu đáo, họ đều mong muốn chúng sống được đến năm thứ 5 – thứ 6 để đủ tuổi và đủ chắc về độ xương để… nấu cao.

Thật giả khó lường

Hiện nay, đi đến các thôn bản ở khu vực miền núi, hỏi cao ngựa bạch rất ít người nói có để bán. Nhiều người còn nói thật, cao ngựa bạch trên đây không bao giờ có bán cả, phần lớn họ đều dành cho gia đình vì chúng rất quý và hiếm. Vì hiếm, vì được coi là thứ ngựa bệnh nên ngựa bạch có rất nhiều cái lạ với các loài ngựa khác, kể cả ngựa trắng (hay còn gọi là bạch kim), loại mà người ta hay nhầm với ngựa bạch bây giờ.

Một con ngựa đủ tiêu chuẩn được coi là ngựa bạch phải hội tụ đủ mấy tiêu chuẩn sau: Toàn bộ da, lông, móng của ngựa bạch không có một điểm đen hay màu hanh đen nào. Vào lúc trời nắng, nhìn lông ngựa bạch phần bên ngoài có màu hung cánh gián. 4 vó ngựa màu hồng trắng trông rất bắt mắt. Mũi ngựa bạch hay ướt và rất hồng. Vào lúc trời nắng, đúng ngọ, chúng thường nằm phủ phục hay đứng im tại chỗ vì theo quan niệm dân gian vào lúc này ngựa bạch bị “mù màu” và chúng không thể nhìn thấy gì.

Theo ông Mùa A Chua, một người Mông giàu có và nổi tiếng ở Hồng Ngài, Bắc Yên, Sơn La thì cần phải phân biệt rõ giữa ngựa bạch và ngựa trắng. Ngựa trắng hiện nay rất nhiều, chúng sinh sản thường xuyên như những loài ngựa khác nên không được coi là quý hiếm và giá trị không thể so với ngựa bạch – thứ được coi là trời cho. Ông Chua cho biết, trước đây, do nuôi nhiều ngựa nên Bắc Yên cũng thỉnh thoảng xuất hiện ngựa bạch. Gia đình nào mà có thì đều giữ lấy, đủ tuổi thì nấu cao dùng cho gia đình.

[caption id="attachment_151182" align="aligncenter" width="640"] Ngựa bạch khác hẳn các loài ngựa khác kể cả giống ngựa trắng mà người ta hay nhầm lẫn.[/caption]

Vì quý và hiếm nên hiện nay người ta không thể định giá và có giá cụ thể cho thứ cao này. Hiện nay, ở Thành phố Hà Giang có một quán đặc sản ngựa rất nổi tiếng nằm ở km 9 đường lên Cao nguyên đá toàn cầu Đồng Văn. Ngoài cách chế biến đặc sắc thì lượng khách trong đó có cả người Hà Giang lên đây để chiêm ngưỡng chú ngựa bạch hy hữu này rất đông. Thấy bảo, ông chủ này đã kì công “săn” và đặt tiền gia đình có chú ngựa bạch này từ khi chú vừa ra đời. Giá hữu hảo, không kể trượt giá vì giao tiền trước để giữ, ông chủ bảo phải mua với cái giá 90 triệu.

Theo cánh nấu cao, với 90 triệu này ông chủ còn phải mất thêm tiền thuê người nấu, tiền củi lửa, tiền mua các vị thuốc và các loại xương khác (chủ yếu là khỉ, mai rùa) để trộn. Giá đầu tư rẻ nhất cũng mất khoảng 100 – 120 triệu nhưng chỉ lấy được khoảng 3kg cao. Vị chi muốn có 1 lạng cao ngựa bạch, người ta phải chi khoảng gần 3,5 triệu/lạng. Thế nhưng có tiền chưa hẳn đã mua được cao. Ở Hà Giang không thiếu gì cao nhưng rất nhiều người quen của ông chủ này đã rất siêng lên đây đều với ý định: Khi ông ấy mổ ngựa, nấu cao sẽ hy vọng mua được 1 hoặc 2 lạng về để dùng.

Anh Đoàn Luyện, nhà mãi tận Lào Cai, nơi nổi tiếng về các chợ ngựa như Cán Cấu hay Bắc Hà, khi hỏi chuyện về cao ngựa bạch cũng bảo hiếm. Anh Luyện thấy rất nhiều nơi rao bán cao ngựa bạch nhưng ở trên chốn này anh biết ngựa bạch và cao ngựa bạch hiện rất khó kiếm. Ông cậu anh vốn là một doanh nghiệp, nổi tiếng là giàu có. Ông này có cái thú sưu tầm và săn lùng ngựa bạch về nấu cao, nhưng cũng chẳng bao giờ có để bán cho người ngoài. Người thân hay anh em bạn bè quý lắm nếu gạ gẫm, nể quá ông ấy mới để cho đôi lạng với giá 2,5 triệu đồng/lạng. Cũng theo anh Luyện, loại cao ngựa hiện nay đang được giao bán trên thị trường từ 1,2 triệu đến 700 hoặc 500 nghìn/lạng chắc chắn không phải cao ngựa bạch xịn.

Mặc dù quý và hiếm như vậy, nhưng theo khảo sát của Hội Chăn nuôi Việt Nam, nước ta hiện chỉ còn khoảng 500 con ngựa bạch, nếu không có biện pháp bảo vệ và phát triển đàn ngựa hữu hiệu, rồi đây, chúng ta sẽ không còn cơ hội để được chiêm ngưỡng loài ngựa bạch quý hiếm này nữa!

Một số quốc gia xếp ngựa bạch vào danh sách động vật quý hiếm cần được bảo vệ. Ở Việt Nam, chưa có quy định về việc bắt giữ người tàng trữ, mua bán trái phép ngựa, xương ngựa bạch hay cao ngựa bạch. Hoạt động kinh doanh, chế biến các sản phẩm ngựa bạch trong đó có cao ngựa bạch cũng ít được quan tâm quản lý.

Đơn Thương

    Nổi bật
        Mới nhất
        “Bạch mã” và những chuyện thực hư
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO