Bài 1: Bồi dưỡng nghiệp vụ trên nền tảng nguyện vọng của hội viên
(NB&CL) Công tác bồi dưỡng, rèn giũa nghiệp vụ cho các tay bút, tay máy, các “nhà báo số” đang cần một “tốc lực” mạnh mẽ… Các chương trình kế hoạch tại Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí - Hội Nhà báo Việt Nam với rất nhiều lớp học bổ ích, thiết thực, được triển khai đều đặn… với tinh thần “không mang đến những gì mình có mà mang đến những thứ học viên cần”.
Hướng đến Kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam: Nâng kỹ năng, rèn nghiệp vụ cho “nhà báo số”… Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho các hội viên đã và đang trở thành hoạt động trọng tâm, sôi nổi tại các cấp Hội Nhà báo cả nước. Xác định tầm quan trọng của việc “bắt nhịp” xu hướng báo chí hiện đại, đặc biệt là trước sức ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo, Hội Nhà báo Việt Nam chủ trương phải bắt tay ngay vào kế hoạch bồi dưỡng một cách bài bản, khoa học và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người làm báo và các cơ quan báo chí… |
Kế hoạch bài bản, đáp ứng nhu cầu cấp thiết
Tính cấp thiết ở đây chính là sự bắt buộc phải “xoay chuyển” theo dòng chảy thời cuộc. Một trong những nỗ lực quan trọng mà Hội Nhà báo Việt Nam thời gian qua đã triển khai chính là vấn đề nâng cao được “năng lực nghiệp vụ” cho hội viên. Trong vai trò của mình, Hội Nhà báo Việt Nam coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cần kíp đối với hội viên, nhà báo thời điểm này.
Bà Nguyễn Thị Hải Vân – Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ Báo chí - Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ, ngay từ đầu năm 2025, Trung tâm đã có chương trình kế hoạch cho một năm bồi dưỡng với đa dạng các hình thức, nội dung đào tạo, trong đó hướng đến các chương trình đào tạo mới ở cả báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình, ảnh…
Việc triển khai chương trình bồi dưỡng với nhiều đổi mới về nội dung học là bởi hiện nay, các cơ quan báo chí đã và đang thực hiện Nghị quyết 18, các phóng viên hơn lúc nào hết cần có sự “tích hợp kĩ năng” để tác nghiệp được trên mọi loại hình, biết ứng dụng công nghệ để triển khai tin bài trên mọi nền tảng, đáp ứng được yêu cầu của Ban Biên tập và nhu cầu tiếp nhận thông tin của công chúng.
Chính vì vậy chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ năm 2025 của Trung tâm đổi mới phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Những lớp học vẫn được chia ra ngắn ngày để cho các học viên tham dự chủ động về thời gian. Các nội dung học đa dạng hướng trọng tâm vào rèn giũa kỹ năng chuyên sâu, lựa chọn các ứng dụng công nghệ phù hợp, cập nhật trong tác nghiệp để kịp thời trau dồi thêm cho người làm nghề có thể “tác chiến” hiệu quả hơn trong bối cảnh mới.

Bà Nguyễn Thị Hải Vân - Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí Hội Nhà báo Việt Nam. Ảnh Sơn Hải
“Để có các kế hoạch chương trình sát với nguyện vọng, sau mỗi khóa học, Trung tâm đã gửi các phiếu đánh giá, phản hồi về lớp học, thu thập nguyện vọng của học viên, thậm chí tham vấn từ lãnh đạo các đơn vị về nhu cầu học tập, bổ sung kiến thức để xây dựng chương trình bồi dưỡng phù hợp nhất. Chúng tôi cho rằng, những người làm việc trực tiếp cần có nhu cầu đào tạo bồi dưỡng về kỹ năng nào thì Trung tâm sẽ nắm bắt và lên kế hoạch xây dựng ngay. Thậm chí các khóa học này cũng rất hữu ích cho các quản lý cấp phòng, một số lãnh đạo Báo cũng đều có thể tham dự…” – Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí khẳng định.
Bà Hải Vân cũng thông tin thêm về kế hoạch đào tạo sắp tới dự kiến được tổ chức vào tháng 5 - một cuộc tập huấn đặc biệt về trí tuệ nhân tạo do Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh chủ trì, mời chuyên gia AI và dự kiến tổ chức online và offline vào tháng 5, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam. Để sẵn sàng cho cuộc tập huấn “chưa từng thấy” này, Trung tâm đã tổ chức chạy thử nghiệm ở Zingnews vào tháng 3 vừa qua và dự kiến trong tháng 4 sẽ tổ chức tại Báo Nhân dân. Sau hai khóa này, Ban Tổ chức sẽ cùng ngồi lại đánh giá và xây dựng chương trình để tiến hành khóa tập huấn trong toàn quốc. Dự kiến đây sẽ là cuộc tập huấn lớn với số lượng lên đến 1.000 người với hình thức offline, đợt 1 đào tạo 3.000 học viên.

Bà Nguyễn Thị Hải Vân trao chứng nhân cho các học viên sau mỗi khoá bồi dưỡng.
Đào tạo phải nhào nặn, ứng dụng phải làm ngay
Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, việc trang bị kiến thức và kỹ năng ứng dụng AI vào báo chí không chỉ giúp đội ngũ làm báo nâng cao năng lực tác nghiệp mà còn góp phần tạo ra những sản phẩm báo chí chất lượng, hấp dẫn hơn. Trên tinh thần “bắt nhịp” xu hướng mới, các lớp bồi dưỡng kỹ năng về ứng dụng trí tuệ nhân tạo rất được khuyến khích, quan tâm… Nhưng việc bắt kịp với sự thay đổi của báo chí thế giới như chuyển đổi số, sản xuất long-form (bài chuyên đề) cho báo mạng, sản xuất Podcast, công cụ trực tuyến để làm báo, cách thức lan toả thông tin trên nền tảng facebook, ngăn chặn tin tức giả… đều phải cần có sự thực hành nghiêm túc.
Qua các khoá bồi dưỡng nghiệp vụ giúp cho các phóng viên, hội viên nhà báo ứng dụng tiềm năng của trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực báo chí, hỗ trợ các nhà báo trong việc thu thập thông tin, phân tích dữ liệu, tạo ra nội dung tự động, thiết kế đồ họa, biên tập video và nhiều khía cạnh khác của công việc. Đặc biệt, các học viên đã được thực hành ứng dụng Gemini, một mô hình AI tiên tiến, vào việc sáng tạo nội dung báo chí… Mặc dù các hội viên tham gia rất tích cực, các lớp đều từ 30 – 40 người và đang tạo nên một phong trào học tập rộng khắp nhưng một trong những trăn trở lớn vẫn là việc đào tạo phải thường xuyên, phải là sự “nhào nặn” đều đặn, đào tạo đi đào tạo lại.
Và quan trọng, học xong là phải áp dụng vào thực tế chứ nếu học xong để đấy thì sẽ trôi sông, trôi bể… Điều này đòi hỏi các cơ quan báo chí cần phải coi đây là một cuộc tổng lực bồi dưỡng, phải làm từ chủ trương, từ lãnh đạo cơ quan cho đến từng bộ phận trong toà soạn… từ đó mới có sự vào cuộc và đổi mới toàn diện, hiệu quả. Mục tiêu hướng đến là giúp cho người làm báo không phải gồng mình “đánh trận trên giấy”, mà khi đã có vốn kiến thức sâu rộng, thành thạo kĩ năng thì sẽ linh hoạt tác nghiệp “đa năng”.

Ngay từ những tháng đầu năm các lớp học đa dạng với nhiều nội dung mới đã được tổ chức ở các tỉnh thành cả nước.
Có thể nói, trong năm 2025 với dấu ấn 75 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, câu chuyện bồi dưỡng nghiệp vụ cho hội viên “đa phương tiện” thích ứng với tình hình mới, kỷ nguyên mới… là hoạt động trọng tâm. Việc tổ chức khoá bồi dưỡng “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tác nghiệp báo chí đa phương tiện”, các ứng dụng AI trong kĩ năng tác nghiệp ở các loại hình… thể hiện sự chủ động của Hội Nhà báo Việt Nam trong việc nâng cao năng lực cho đội ngũ báo chí cả nước, góp phần đào tạo đội ngũ làm báo ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại và đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin ngày càng cao của công chúng.
Hà Vân