Bài 1: Chủ trương đúng đắn nhưng phát sinh bất cập khi “nhập” theo “cơ học”

17/09/2022 16:52

(CLO) Theo ghi nhận, một trong những khó khăn, trở ngại rất lớn trong việc sáp nhập những thôn, xóm ở vùng sâu, vùng xa là do địa bàn quá rộng, địa hình bị chia cắt, giao thông khó khăn, dân cư sống rải rác… Để tổ chức sinh hoạt, tuyên truyền chủ trương, chính sách đến người dân là cả “bài toán khó”.

LTS: Việc sắp xếp lại quy mô khu dân cư, sáp nhập, kiện toàn thôn, tổ dân phố là một chủ trương lớn, đúng đắn của Đảng, Nhà nước, nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW của Đảng, các địa phương đã tiến hành rà soát lại toàn bộ số thôn, tổ dân phố và xây dựng đề án về sáp nhập thôn, tổ dân phố. Việc sáp nhập này nhận được sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của chính quyền địa phương và nhân dân. Tuy nhiên, trên thực tế, ngoài những kết quả đạt được thì việc áp dụng "rập khuôn" các tiêu chí tại Thông tư 04/2012/TT-BNV (có sửa đổi, bổ sung) của Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố khiến nhiều địa phương đang tự "làm khó" mình, đặc biệt là ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, từ đó nảy sinh nhiều khó khăn, bất cập.

Để bạn đọc có cái nhìn rõ hơn về thực trạng này, nhóm phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã dành nhiều tháng đi ghi nhận thực tiễn tại một số tỉnh miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa của khu vực phía Bắc, để lắng nghe phần nào những “tiếng nói từ cơ sở” xung quanh vấn đề này.

bai 1 chu truong dung dan nhung phat sinh bat cap khi nhap theo co hoc hinh 1

Một góc thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn.

Bài liên quan

Bài 2: Địa bàn chia cắt, khó phát huy vai trò lãnh đạo của Chi bộ thôn

Bài 3: Sát dân, chủ trương mới “đi vào cuộc sống”

Tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả

Ngày 25/10/2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (Hội nghị lần thứ 6) đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Để sớm đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết và Kế hoạch thực hiện Nghị quyết; Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng chỉ đạo các cấp ủy cụ thể hóa nội dung của Nghị quyết thành kế hoạch, chương trình hành động, đề án phù hợp với điều kiện, đặc điểm của từng địa phương, cơ quan, đơn vị; xác định rõ nhiệm vụ thường xuyên, nhiệm vụ theo lộ trình, thời gian thực hiện và nhiệm vụ cụ thể của các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc, cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy...

bai 1 chu truong dung dan nhung phat sinh bat cap khi nhap theo co hoc hinh 2

Đường tới một điểm trường ở xã biên giới Đào Viên, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn.

Bên cạnh đó, hệ thống các văn bản để triển khai thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW được ban hành đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện các chủ trương mà Nghị quyết đề ra.

Quốc hội ban hành Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14, ngày 12/3/2019, về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021. Đồng thời, Quốc hội đã bổ sung vào chương trình xây dựng pháp luật để sửa đổi, bổ sung các Luật có liên quan đến thực hiện đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy.

Chính phủ xây dựng và ban hành Nghị quyết về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện các Nghị quyết trên của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và của Quốc hội; ban hành, sửa đổi, bổ sung các Nghị định về tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW…

bai 1 chu truong dung dan nhung phat sinh bat cap khi nhap theo co hoc hinh 3

Một trong những vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm, đó là việc sáp nhập thôn, xóm ở vùng cao, vùng sâu.

Theo báo cáo (tháng 9/2022) từ Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, qua giám sát, Đoàn giám sát xác định việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021 đạt được kết quả nổi bật: Cả nước đã giảm được 3.437 cơ quan ở cấp xã và 429 cơ quan ở cấp huyện. Trong đó, khối hành chính giảm 752 cơ quan; khối đoàn thể giảm 2.856 cơ quan; khối cơ quan thuộc hệ thống ngành dọc của Trung ương đóng tại địa phương giảm 73 cơ quan; khối đơn vị sự nghiệp giảm 185 đơn vị... Đặc biệt, sau sáp nhập, tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị được đổi mới, sắp xếp tinh gọn, nâng cao hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phát huy tốt nguồn nhân lực, tiết kiệm chi phí…

Một trong những vấn đề kéo theo và đang được dư luận đặc biệt quan tâm, đó là các địa phương tổ chức sắp xếp, sáp nhập lại thôn, tổ dân phố. Trong đó, ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, việc "rập khuôn" theo Thông tư 04/2012/TT-BNV ngày 31/8/2012, Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố (sau đó, do bất cập và để phù hợp với thực tiễn, Bộ Nội vụ đã nhiều lần sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 04/2012/TT-BNV; mới đây nhất là lần sửa đổi, bổ sung vào tháng 5/2022- Thông tư 05/2022/TT-BNV) đang cho thấy những bất cập cần được tháo gỡ kịp thời. 

Nhóm phóng viên Báo Nhà báo và Công luận đã ghi nhận các ý kiến tại nhiều địa phương, theo đó, đều khẳng định, việc sắp xếp lại nhằm khắc phục tình trạng thôn, tổ dân phố có quy mô dân số nhỏ, không đồng đều, phân tán, ảnh hưởng đến huy động sức dân đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đồng thời giảm gánh nặng ngân sách chi trả phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố và kinh phí hoạt động cho các tổ chức chính trị - xã hội ở thôn, tổ dân phố… là một chủ trương đúng đắn, phù hợp. Trên thực tế, ở khu vực đồng bằng, vùng trung du, giao thông thuận tiện thì việc sáp nhập thôn đã phát huy tốt hiệu quả.

bai 1 chu truong dung dan nhung phat sinh bat cap khi nhap theo co hoc hinh 4

Những cung đường lầy bụi trên hành trình tác nghiệp của nhóm phóng viên Báo Nhà báo & Công luận.

Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ, việc sáp nhập thôn tại các địa phương chủ yếu căn cứ vào 3 yếu tố chính đó là: Quy chuẩn về số hộ dân, diện tích và bản sắc văn hóa tương đồng. Việc thành lập thôn mới tại các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc phải có từ 150 hộ gia đình trở lên (trước đây quy định từ 200 hộ); thôn ở xã biên giới phải có từ 100 hộ trở lên. Đối với các thôn có quy mô số hộ gia đình dưới 50% theo quy định này thì phải sáp nhập. Trường hợp “đặc thù” thì quy mô thôn có từ 50 hộ gia đình trở lên... Nếu "áp" theo "khung" chung thì việc sáp nhập thôn, xóm ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa gặp rất nhiều khó khăn, bất cập khi triển khai thực hiện công tác này. 

bai 1 chu truong dung dan nhung phat sinh bat cap khi nhap theo co hoc hinh 5

Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn cùng địa phương giúp bà con làm đường lên xóm vùng cao, vùng sâu.

Quy định chung nhưng không nên “rập khuôn”

Xã Đào Viên thuộc huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn là một xã biên giới, có đường biên giới quốc gia dài trên 16km, mật độ dân cư thưa thớt, chỉ đạt khoảng 30 người/km². Nơi đây, có dòng sông Kỳ Cùng uốn lượn quanh núi đồi, xóm bản ở thôn Pác Lạn, như lưu luyến mảnh đất này trước khi chảy qua bên kia biên giới Việt – Trung. Trước đây, xã Đào Viên có 19 thôn, xóm, sau khi sáp nhập thì chỉ còn 5 thôn. Đời sống nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

bai 1 chu truong dung dan nhung phat sinh bat cap khi nhap theo co hoc hinh 6

Phóng viên Báo Nhà báo & Công luận cùng chính quyền địa phương và cán bộ Đồn Biên phòng Bình Nghi thăm khu vực biên giới xã Đào Viên, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn.

Chúng tôi theo chân đồng chí Hoàng Văn Huân - Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Pác Lạn (xã Đào Viên) cùng Bộ đội Biên phòng (Đồn Biên phòng Bình Nghi) đi thăm bản, nắm tình hình an ninh trật tự ở vùng giáp biên.

Hướng ánh mắt về phía đồi núi trùng điệp, đồng chí Hoàng Văn Huân thổ lộ, các thôn, xóm ở miền núi nếu áp dụng tiêu chí “cứng” theo hướng dẫn tại Thông tư của Bộ Nội vụ thì vô cùng bất cập, đủ tiêu chí này thì lại thiếu tiêu chí khác. Bởi vậy, không thể áp dụng tiêu chí chung mà cần chủ động, linh hoạt trong cách thực hiện để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Việc đảm bảo đầy đủ các tiêu chí của thôn như Bộ Nội vụ hướng dẫn là rất khó khăn. Nếu đủ số hộ dân thì diện tích lại quá lớn, không thể quản được. Mà có khi đủ số hộ dân thì lại bất cập, khác biệt trong nét văn hóa của các dân tộc sinh sống tại các thôn được “ghép” lại. Cho nên, theo tôi, không nên áp dụng quy định “cứng” mà cần hài hòa các yếu tố, đặc thù vùng miền” - Bí thư, Trưởng thôn Pác Lạn bày tỏ quan điểm.

bai 1 chu truong dung dan nhung phat sinh bat cap khi nhap theo co hoc hinh 7

Đoàn phóng viên Báo Nhà báo & Công luận cùng với đại diện Ban Tổ chức Huyện ủy Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn, làm việc với Đồn Biên phòng Bình Nghi (Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn) và cán bộ xã Đào Viên (huyện Tràng Định).

Độ “vênh” trong phong tục, tập quán và trong cách áp dụng quy định

Cũng trong hành trình của đợt công tác, nhóm phóng viên Báo Nhà báo và Công luận có mặt tại Nhà văn hóa xóm Thành Công (xóm ở đây tương đương với tổ chức thôn), thuộc xã Đức Long, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng khi mặt trời đã đứng bóng, giữa cái nắng chính Ngọ gay gắt cuối mùa hạ. Nhà sinh hoạt cộng đồng của xóm nằm xen kẽ giữa một cụm dân cư (chưa đến chục hộ), được xây bên sườn đồi.

bai 1 chu truong dung dan nhung phat sinh bat cap khi nhap theo co hoc hinh 8

Những ngọn núi trập trùng nơi biên cương Tổ quốc, địa hình chia cắt khiến dân cư phân tán, ở rất xa nhau, phong tục tập quán cũng có phần khác biệt.

Tiếp chúng tôi tại ngôi nhà có diện tích chỉ khoảng vài chục mét vuông, đồng chí Đinh Văn Dưỡng - Bí thư Chi bộ, Trưởng xóm Thành Công chia sẻ: Hiện nay, xóm có 105 hộ gia đình, chia thành một số cụm dân cư, phân bố rải rác tại các sườn đồi, khe suối… Trước đây, vốn là hai xóm Nà Mản và Bản Là, đến năm 2019 thì sáp nhập hai xóm này thành xóm Thành Công. Trên địa bàn xóm có các dân tộc khác nhau sinh sống, có yếu tố lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán khác nhau. Đây là vấn đề cần lưu ý trong việc sáp nhập thôn, xóm ở vùng cao, vùng sâu.

bai 1 chu truong dung dan nhung phat sinh bat cap khi nhap theo co hoc hinh 9

Đồng chí Đinh Văn Dưỡng - Bí thư Chi bộ, Trưởng xóm Thành Công bày tỏ quan điểm.

Theo tôi, nên giữ nguyên xóm Thành Công như hiện nay, không nên sáp nhập thêm các xóm khác vào, bởi vì sẽ có sự mất cân bằng về phong tục, tập quán. Nếu tiếp tục sáp nhập sẽ càng khó khăn, vất vả cho những người làm công việc chủ chốt trong thôn, xóm”, Bí thư, Trưởng xóm Thành Công giãi bày.

Theo Bí thư, Trưởng xóm Thành Công, trước khi sáp nhập thôn, xóm ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới thì các cơ quan có thẩm quyền cần tìm hiểu kỹ, tính toán đến yếu tố văn hóa, phong tục, lối sống, tín ngưỡng, tôn giáo của từng đồng bào dân tộc thiểu số, truyền thống dòng họ… Nếu sáp nhập theo “cơ học” thì sẽ không giữ lại được những nét riêng biệt của thôn cũ, bởi tên thôn thường mang ý nghĩa về cội nguồn lịch sử, đặc trưng, truyền thống văn hóa, tinh thần của một cộng đồng... Nhưng khi sáp nhập các thôn thành một, việc lựa chọn đặt tên thôn cũng là vấn đề cần cân nhắc kĩ, để tạo sự đồng thuận. Có trường hợp, cụm dân cư nào cũng muốn giữ lại tên của xóm mình vì nó gắn với truyền thống lâu đời, yếu tố lịch sử hoặc họ không muốn sáp nhập vì sợ mất bản sắc văn hóa. Do sự khác biệt về phong tục, tập quán nên khi sáp nhập thành một thôn rất khó khăn.

Quá trình tìm hiểu, chúng tôi được biết, xã Đức Long là một xã biên giới, phía Đông giáp Trung Quốc. Nơi đây gắn liền với chiến thắng Chiến dịch Biên giới năm 1950. Khi đó, đài quan sát chiến dịch được đặt ở đỉnh Ngườm Cuông, núi Báo Đông thuộc bản Nà Lạn, xã Đức Long, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng. Bởi vậy, có những địa danh đã gắn với yếu tố lịch sử hào hùng của dân tộc. Bà con dân nhân mong muốn, việc sáp nhập, đặt tên các thôn, xóm cũng cần cân nhắc lưu giữ những cái tên đã gắn với lịch sử, truyền thống…

bai 1 chu truong dung dan nhung phat sinh bat cap khi nhap theo co hoc hinh 10
bai 1 chu truong dung dan nhung phat sinh bat cap khi nhap theo co hoc hinh 11

Đường vào địa bàn xã biên giới Đức Long, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng.

Đồng thời, cử tri miền núi cũng kiến nghị các cấp có thẩm quyền, cũng như Bộ Nội vụ lắng nghe, chia sẻ với những “tiếng nói từ cơ sở”, nghiên cứu thật kỹ tình hình thực tiễn, tiếp thu ý kiến dư luận một cách đầy đủ, khách quan, toàn diện để đưa ra các quy định phù hợp, có tính ổn định; tránh trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật vừa mới đưa ra lại sửa đổi, bổ sung. Chẳng hạn như Thông tư 04/2012/TT-BNV của Bộ Nội vụ vừa sửa đổi năm 2017 thì năm 2018 tiếp tục sửa đổi và lần sửa đổi gần đây nhất là tháng 5/2022. Theo Thông tư sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì quy định chung về điều kiện thành lập một thôn mới ở vùng miền núi phải có từ 200 hộ gia đình trở lên. Còn theo Thông tư sửa đổi, bổ sung năm 2018 thì lại quy định tiêu chí chung tại các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc phải có từ 150 hộ gia đình trở lên, thôn ở xã biên giới phải có từ 100 hộ trở lên… Việc văn bản hướng dẫn nhanh chóng bị thay đổi cũng khiến cho các địa phương lúng túng trong thực hiện, trong khi quy định cũ còn chưa kịp thấy “kết quả” thì quy định mới đã “ra lò”. Cho nên có sự “vênh” khi áp dụng quy định sáp nhập thôn ngay từ chính các thôn, xóm trong cùng một khu vực. 

Nhóm phóng viên Nội chính

Bài 2: Địa bàn chia cắt, khó phát huy vai trò lãnh đạo của Chi bộ thôn

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bài 1: Chủ trương đúng đắn nhưng phát sinh bất cập khi “nhập” theo “cơ học”
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO