Bài 1: Trung tâm truyền thông Quảng Ninh và cuộc chiến với bão

20/09/2024 06:25

(CLO) Ngay khi có những thông tin đầu tiên về bão số 3, Trung tâm Truyền thông tỉnh đã liên tục cập nhật các thông tin về diễn biến của bão trên tất cả các hạ tầng của Trung tâm. Đồng thời đăng tải kịp thời các văn bản, công điện chỉ đạo của trung ương, của tỉnh về việc chủ động ứng phó với bão. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức của các cơ quan, đơn vị và nhân dân trong việc chủ động ứng phó với phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, hạn chế tối đa thiệt hại, đảm bảo an toàn.

LTS: Cơn bão số 3 mang tên Yagi đổ bộ vào Quảng Ninh và một số tỉnh thành miền Bắc với sức tàn phá nặng nề để lại nhiều thiệt hại về người và tài sản. Trong thiên tai nguy cấp, cùng với các lực lượng chức năng, các nhà báo phóng viên trên địa bàn, các phóng viên báo chí Trung ương, phóng viên thường trú đều xông pha tác nghiệp không quản ngày đêm, không để gián đoạn thông tin, kịp thời phản ánh thông tin về hậu quả tàn khốc, những khó khăn, mất mát của người dân, cũng như nỗ lực của các cấp ủy đảng, chính quyền trong việc cứu hộ cứu nạn, chăm lo cho người dân, khắc phục hậu quả thiên tai do bão số 3 gây ra... 

Chủ động các phương án

Trước tình huống cấp bách dự kiến bão số 3 sẽ đổ bộ Quảng Ninh ngày 7/9 với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166km/h), giật cấp 17, với tinh thần phòng chống thiên tai “từ sớm, từ xa, từ cơ sở”, ngay trong sáng 6/9, Trung tâm đã tổ chức cuộc họp trực tiếp gồm lãnh đạo các phòng và phóng viên để chỉ đạo, thống nhất triển khai phương án phối hợp phòng chống ứng phó với bão. Đồng thời xây dựng chiến dịch thông tin, huy động 100% CB, PV, BTV, quay phim các phòng chuyên môn triển khai nhiệm vụ.

bai 1 trung tam truyen thong quang ninh va cuoc chien voi bao hinh 1

Đồng chí Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, động viên cán bộ, công nhân kỹ thuật đang làm nhiệm vụ sản xuất các chương trình truyền hình. Báo Quảng Ninh

Nhà báo Nguyễn Thế Lãm, Giám đốc Trung tâm Truyền thông tỉnh, cho biết: Trung tâm đã thực hiện nghiêm túc, triệt để các công điện, văn bản chỉ đạo của cấp trên đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và thông tin tuyên truyền. Đồng thời kích hoạt, kiện toàn Ban Chỉ huy và Đội phòng, chống thiên tai do đồng chí Phó Giám đốc làm Trưởng Ban. Ban lãnh đạo Trung tâm trực tiếp kiểm tra thực địa, rà soát vị trí xung yếu, nhất là trụ sở cơ sở 2, các Đài phát sóng Cột 5, Bãi Cháy, Móng Cái, thực hiện giải pháp an toàn về người, thiết bị, đảm bảo hệ thống thông tin thông suốt. Ban lãnh đạo Trung tâm giao Phòng Thời sự chủ trì sản xuất nội dung, phối hợp với các phòng chuyên môn để phân phối thông tin trên các nền tảng. Để tập trung cho công tác tuyên truyền về bão số 3, từ trưa 6/9 đến hết ngày 11/9, Trung tâm đã nhập 2 kênh phát thanh QNR1 và QNR2; đồng thời tăng cường các bản tin về phòng, chống bão đảm bảo mỗi giờ 1 bản tin.

Bám sát sự chỉ đạo của lãnh đạo Trung tâm, các bộ phận chuyên môn đã chủ động các phương án, xây dựng kế hoạch, tăng cường sản xuất tin bài, cập nhật kịp thời, đầy đủ thông tin về bão trên các hạ tầng. Phòng Thời sự sản xuất các bản tin thời sự trực tiếp để cập nhật nhanh nhất thông tin phòng chống bão; Phòng Biên tập Báo Quảng Ninh điện tử và Cổng thông tin đăng tải theo hình thức trực tiếp cập nhật công tác phòng chống, diễn biến, hậu quả và khắc phục của địa phương và tỉnh; phát trực tiếp các bản tin thời sự, chương trình dự báo thời tiết, thông tin của PV tại địa bàn và cập nhật thường xuyên thông tin trên fanpage QMG - Tin tức Quảng Ninh 24/7 nói riêng và các nền tảng xã hội nói chung; Phòng Phát thanh chủ động kết nối với các PV để thực hiện các bản tin trực tiếp trên kênh phát thanh của Trung tâm.

Nhà báo Vũ Mạnh Cường, Trưởng Phòng Thời sự, cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của lãnh đạo Trung tâm, Phòng Thời sự được giao nhiệm vụ chủ trì phối hợp cùng các phòng chuyên môn thông tin truyền thông về bão số 3. Với quan điểm “đảm bảo đầy đủ thông tin cập nhật toàn diện trên tất cả các địa phương của tỉnh”, từ chiều 6/9 trước khi bão đổ bộ, Phòng đã phân công PV, BTV, quay phim có mặt tại 12/13 địa phương để tác nghiệp; lưu trú đến khi bão tan để kịp thời cập nhật, phản ánh, truyền tải thông tin về bão trên các hạ tầng của Trung tâm. Riêng đối với huyện Cô Tô, Phòng phối hợp với Trung tâm TT&VH huyện để triển khai tác nghiệp. Chúng tôi đã xây dựng bản tin thời sự 1 tiếng/lần từ 6 giờ để đảm bảo cập nhật thông tin liên tục về bão. Đội ngũ PV, BTV của Phòng Thời sự nói riêng, Trung tâm nói chung, đã rất nỗ lực, trách nhiệm, vượt qua bão gió để chuyển tải thông tin đầy đủ, liên tục về diễn biến của bão cũng như công tác chỉ đạo, phòng chống bão của tỉnh.

Chúng tôi luôn nhắc nhở nhau phải giữ an toàn cho mình và ekip

Với tâm thế "đi trước về sau" vì mục tiêu duy trì dòng thông tin liên tục, các PV của Trung tâm đã dũng cảm, không quản vất vả, lao vào cuộc chiến với bão. Những dòng tin nhanh nhất, những hình ảnh sống động nhất, những tiếng nói chân thực nhất từ các địa phương chuyển tới người dân trong và ngoài tỉnh chính nhờ các ekip PV tác nghiệp đầy dũng cảm, chuyên nghiệp và tâm huyết.

bai 1 trung tam truyen thong quang ninh va cuoc chien voi bao hinh 2

Các phóng viên Trung tâm truyền thông Quảng Ninh tác nghiệp trong bão Yagi. Ảnh: báo Quảng Ninh

Mỗi lần cập nhật thông tin bão số 3 là mỗi lần PV chạy đua với thời gian, chủ động, linh hoạt ứng phó với tình hình để làm sao nhanh chóng gửi thông tin về. Trong điều kiện điện mất, nước mất, sóng mất, mỗi PV phải linh hoạt vượt gió, lội nước, tìm điểm gần nhất có phát máy nổ để tìm kiếm chút sóng yếu ớt.

PV Việt Hoa (Phòng Chuyên đề) chia sẻ: Tôi được phân công tăng cường cho Phòng Thời sự để phối hợp với các đồng nghiệp phản ánh tại TP Uông Bí. Một ngày trong tâm bão, tôi lại càng hiểu rõ hơn sự nguy hiểm và khó lường của thiên tai. Khi bão đổ bộ vào Quảng Ninh, chúng tôi vừa quay trở về trụ sở của thành phố, do ảnh hưởng của bão, toàn thành phố rơi vào tình trạng “3 không” nên chúng tôi phải tranh thủ, tận dụng tối đa thời gian, di chuyển liên tục đến khu vực có mạng di động hoặc internet để gửi ngay tin, bài về Trung tâm. Tin, bài là rất quan trọng song chúng tôi luôn nhắc nhở nhau phải giữ được sự an toàn cho mình và ekip thì mới có thể truyền tải những thông tin nóng hổi nhất từ hiện trường đến với công chúng.

Những ngày trước, trong và sau bão, công việc của lãnh đạo, CB, BTV, PV, NLĐ của Trung tâm bắt đầu từ sáng sớm và kết thúc lúc tối khuya, có khi là những đêm thức trắng để phản ánh về cơn bão, thiệt hại và mất mát. Có những ngày sau bão, công việc tưởng rằng dễ thở hơn thì do hoàn lưu sau bão, trận mưa lớn nguy cơ ngập lụt, sạt lở nhiều nơi, anh em PV lập tức lên đường...

Không chỉ vượt qua khó khăn, họ cũng không khỏi nghẹn ngào, xúc động trước những mất mát của người dân, sự vất vả của lực lượng và những đêm trắng của người lính, người thợ, công nhân. Quay phim Nguyễn Soái (Phòng Thời sự) vẫn không khỏi nghẹn ngào: Cơn bão đi qua để lại cho Quảng Ninh quá nhiều thiệt hại. Được tận mắt chứng kiến, ghi lại những hình ảnh của người thợ điện áo cam bất kể mưa xối xả hay nắng chói chang, ngày hay đêm, tranh thủ từng giờ, từng phút để khắc phục sự cố, cấp điện. Trong đó nhiều người thợ từ các tỉnh, thành phố trong nước về hỗ trợ Quảng Ninh; đã có không ít những giọt mồ hôi rơi, thậm chí cả những mất mát, hy sinh. Chúng tôi vừa ngưỡng mộ, vừa khâm phục và cảm ơn họ, những người hùng thầm lặng thông qua những dòng tin chân thực, những câu chuyện xúc động gửi đến công chúng, để mọi người cùng hiểu, đồng cảm, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau.

Không để đứt mạch thông tin

Cũng như nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh, bão số 3 đổ bộ vào Quảng Ninh khiến nhiều tài sản, cơ sở vật chất của Trung tâm bị hư hại nặng. Tuy nhiên, với sự chuẩn bị từ sớm, không bị động trong mọi tình huống, dưới sự chỉ đạo sát sao và liên tục của Ban Giám đốc, cán bộ lãnh đạo, PV, BTV, nhân viên các phòng đã phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, vừa bảo vệ máy móc, trang thiết bị, hạn chế tối đa thiệt hại cho cơ quan, vừa nỗ lực khắc phục khó khăn để đảm bảo các điều kiện về điện lưới, đường truyền. Qua đó những thông tin nóng hổi cập nhật liên tục 24/24h về bão do đội ngũ PV, BTV, CTV khắp mọi nơi trong tỉnh gửi về, kịp thời được đăng tải trên các nền tảng.

Ông Lương Ngọc Điền, Trưởng phòng Kỹ thuật truyền dẫn, Trung tâm Truyền thông tỉnh, cho biết: Mặc dù đã chủ động triển khai các phương án phòng chống thiên tai theo chỉ đạo của lãnh đạo Trung tâm song do cường độ của cơn bão số 3 quá mạnh khiến cho khu vực trạm phát sóng cột 5 bị vỡ toàn bộ vách kính, nước tràn, không sử dụng được; hai máy phát thanh phục vụ hai kênh QNR1 và QNR2 bị ngấm nước phải tắt máy ngừng hoạt động; hệ thống cáp bị hỏng; hệ thống điện cao thế bị mất, cột phát sóng trạm cột 5 bị nghiêng; các máy phát sóng của VTV, VOV, VTC bị ngấm nước, các chảo thu vệ tinh band C, band KU của VTV, VOV bị đổ, hỏng, lệch vị trí…

Không những vậy, toàn bộ con đường lên trạm phát sóng la liệt các cây xanh gãy đổ nằm chắn ngang đường khiến cho công tác khắc phục cũng khó khăn hơn. Do đó, ngay sau cơn bão suy giảm, lãnh đạo Trung tâm và phòng trực tiếp có mặt tại các khu vực để khắc phục sự cố. Anh em trong phòng đã phối hợp cùng chính quyền địa phương nhanh chóng dọn đường mở lối đưa các máy móc thiết bị lên ứng cứu, sử dụng các thiết bị dự phòng để cung cấp tín hiệu phát thanh truyền hình, đảm bảo không để mất kênh, mất sóng. Đến nay, Trạm phát sóng cột 5 đã cơ bản được khôi phục…

Có thể nói, chiến dịch thông tin về bão số 3 thêm một lần nữa khẳng định sự ưu việt của mô hình tòa soạn hội tụ đa phương tiện; khẳng định vai trò quan trọng của Trung tâm Truyền thông tỉnh, là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Quảng Ninh; “người thư ký thời đại” theo sát phản ánh cả khó khăn, thử thách lẫn những thành tựu đáng tự hào trong chặng đường phát triển của quê hương…

Sông Mây – Cao Quỳnh

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bài 1: Trung tâm truyền thông Quảng Ninh và cuộc chiến với bão
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO