Bài 2: Ân tình với mảnh đất Quảng Trị kiên cường

01/05/2022 08:33

(CLO) Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu chia sẻ, ơn nghĩa đối với núi sông Quảng Trị đã vô cùng lớn lao, chẳng bao giờ trả hết, thế nhưng sự cưu mang của nhân dân Quảng Trị đối với những người lính giải phóng còn vĩ đại hơn…

Cất giấu liệt sĩ dưới đáy sông

Thượng tướng - Viện sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Huy Hiệu có quá nhiều kỷ niệm với mảnh đất Quảng Trị kiên cường, với cả những dòng sông Thạch Hãn, Ô Lâu, Cam Lộ, Ba Lòng… Nơi đây một thời máu lửa, đồng đội đã cùng ông sát cánh chiến đấu, nhiều người đã mãi mãi nằm xuống với đất mẹ anh hùng.

Nhắc đến dòng sông Cam Lộ, ai cũng biết dòng sông này đã nhuốm máu biết bao anh hùng, liệt sĩ của quân đội ta thời kháng chiến chống Mỹ. Nhưng còn một câu chuyện chưa mấy ai rõ là dòng Cam Lộ đã từng che chở, cất giấu các liệt sĩ dưới đáy sông, câu chuyện đó diễn ra cách đây nửa thế kỷ, mà nếu ai đã từng được nghe Thượng tướng - Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu kể lại thì khó cầm lòng được…

bai 2 an tinh voi manh dat quang tri kien cuong hinh 1

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu (đứng giữa) cùng đồng đội thăm lại chiến trường xưa tại Quảng Trị.

Ông kể rằng: “Sau trận đánh, đêm mùng 4 rạng ngày mùng 5 tháng 4 năm 1970. Trận ấy, đơn vị tôi quần nhau với lính thuỷ đánh bộ của địch suốt ngày đêm ở thế không cân sức và quá quyết liệt. Đơn vị tôi bắn cháy 16 xe tăng địch và tiêu diệt gần 100 lính Mỹ. Phía ta, 2 đồng chí hy sinh và một số bị thương. Địch thua đau nên phản công mạnh mẽ. Pháo bắn như mưa. Không thể để liệt sĩ tại trận địa, đơn vị tôi phải rút quân ra gần bờ sông Cam Lộ, đào hầm trú quân.

Trong lúc rút quân, chúng tôi cõng theo thương binh hoặc thi thể liệt sĩ. Anh em trong đơn vị về được đến bờ sông thì màn đêm đã buông xuống mịt mùng, đào xong hầm trú ẩn thì ai nấy dường như đã hoàn toàn kiệt sức, đói lả, không kéo nổi thi thể liệt sĩ đi tìm đất mai táng”.

Ai cũng biết tính thủ trưởng Hiệu, dù hoàn cảnh ác liệt, ngặt nghèo đến thế nào ông cũng không bao giờ cho phép lính chôn cất liệt sĩ một cách cẩu thả hoặc bỏ liệt sĩ ngoài trận địa. Trong hoàn cảnh này, lính tráng đã kiết sức, chẳng nhẽ cứ để 2 thi thể bên bờ sông qua đêm? Như vậy rất dễ bị thám báo phát hiện. Hơn nữa, lúc đó trời gần sáng, bom, pháo địch lại bắn liên tục. Liệt sĩ không mai táng kịp có thể lại bị bom, pháo làm tan nát hoặc bị vùi lấp. Mọi người đang rất đỗi băn khoăn chưa biết xử lý thế nào thì vị chỉ huy - Nguyễn Huy Hiệu đã ra lệnh cho mọi người dùng dây dù buộc đá vào thi thể thả xuống sông.

Tướng Hiệu xúc động nhớ lại: “Tôi đành lòng cùng anh em cõng 2 chiến sĩ đã hy sinh ra sông Cam Lộ, đưa xuống sông cất giấu tương đối an toàn. Đêm hôm sau chúng tôi đến đưa các liệt sĩ lên mai táng cẩn thận tại khu vực Tân Kim”.

bai 2 an tinh voi manh dat quang tri kien cuong hinh 2

Thượng tướng – Viện sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Huy Hiệu.

Những dòng sông cưu mang

“Không chỉ con sông Cam Lộ, Ô Lâu mà tất cả những con sông ở Quảng Trị đều là nguồn thực phẩm thuỷ sản vô cùng quan trọng nuôi sống bộ đội ta. Chúng tôi gọi đó là những dòng sông cưu mang. Trong những trường hợp cụ thể, những dòng sông này là bậc cứu tinh mạng sống của người lính giải phóng”, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã dành những lời chân thành nhất, thân thương nhất cho những dòng sông ở Quảng Trị như vậy.

Trong ký ức của ông, rất nhiều những kỷ niệm về dòng Ô Lâu lại lần lượt hiện về. Một lần, sau trận đánh, đơn vị ông rơi vào một hoàn cảnh rất cam go, ngặt nghèo. Đánh địch suốt hai ngày liền mà đơn vị lại bị mất liên lạc với cấp trên, đường tiếp tế lương thực, thực phẩm cũng bị đối phương chặn, trong khi đó mọi người thì đói lả, chỉ còn đủ gạo rang và lương khô cầm hơi. Thương binh lại nhiều, chưa thể chuyển lên tuyến trên, có người bị thương nặng, máu ra rất nhiều đã bị ngất xỉu.

Nhìn địa đồ, thủ trưởng Hiệu biết cách đó không xa có con sông Ô Lâu liền động viên anh em cố gắng hành quân về phía trước. Quả nhiên, đêm đó đơn vị của Nguyễn Huy Hiệu đã đến được bên bờ sông Ô Lâu.

Con sông không rộng nhưng nếm mùi nước, Nguyễn Huy Hiệu biết dưới sông không hiếm cá tôm. Không ngần ngại, ông liền nhảy xuống sông lặn ngụp, dùng tay bới bùn dưới đáy sông thì túm được những con trai to.

“Sống rồi, anh em thương binh sống rồi! Cả đơn vị sống rồi”, Nguyễn Huy Hiệu vừa tiếp tục mò trai vừa thầm nghĩ như thế. Ông gọi thêm lính xuống để hướng dẫn cho họ cách mò trai. Đêm ấy, ông và đồng đội đã mò được hàng trăm con trai to. Các chiến sĩ cởi áo ngoài để đựng trai đưa lên bờ. Trai rửa sạch, bỏ vào nồi quân dụng luộc lên, khi trai há miệng thì vớt ra bóc vỏ lấy ruột nấu cháo. Một nồi quân dụng nấu cháo trai, cả đơn vị ăn. Sau “bữa tiệc” cháo trai giàu dinh dưỡng, các thương binh tỉnh táo hơn, anh em trong đơn vị cũng khỏe lên trông thấy…

bai 2 an tinh voi manh dat quang tri kien cuong hinh 3

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu thăm lại chiến trường xưa tại Quảng Trị và thắp hương tri ân các Anh hùng liệt sĩ.

bai 2 an tinh voi manh dat quang tri kien cuong hinh 4
bai 2 an tinh voi manh dat quang tri kien cuong hinh 5

Đó là sự cưu mang, che chở của những dòng sông ở Quảng Trị, còn núi rừng, khe suối trên dãy Trường Sơn thuộc địa phận tỉnh Quảng Trị cũng là nơi dung dưỡng, cưu mang những người lính quân giải phóng. Có những vùng quân ta và quân địch ở thế “cài răng lược”, hay thế “da báo”, nghĩa là ở xen kẽ nhau, giành giật từng tấc đất, có nơi ban ngày địch chiếm, ban đêm lại thuộc về sự kiểm soát của quân ta. Nếu dưới sông cho tôm cá thì núi rừng Trường Sơn cho rau, cho măng, cho lá thuốc chữa bệnh. Rau tàu bay, rau môn thục, măng, hoa chuối rừng, củ sắn… đã trở nên quen thuộc với Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu.

 Vị Tướng bảo rằng, ơn nghĩa đối với núi sông Quảng Trị đã vô cùng lớn lao, chẳng bao giờ trả hết, thế nhưng sự cưu mang của nhân dân Quảng Trị đối với những người lính giải phóng còn vĩ đại hơn.

Ông nhớ rất rõ, mỗi khi bộ đội đi trinh sát, đi hái rau rừng, hái lá thuốc cho thương binh thì đồng bào Vân Kiều luôn là người dẫn đường nhiệt tình. Không ít người Vân Kiều vì chở che cho bộ đội mà đã hy sinh. Để xóa đi nỗi đau chia cắt đất nước, nhân dân Quảng Trị đã không nề hy sinh, gian khổ, không lùi bước trước bất kỳ khó khăn nào. Cho đến tận bây giờ, chiến tranh đã lùi xa, nhưng những đêm thao thức nhớ về kỷ niệm chiến trường, thì các địa danh mà Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu từng chiến đấu, từng được núi sông, đồng bào che chở, cưu mang vẫn còn hiện lên nguyên vẹn…

(Ghi theo lời kể của Thượng tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Huy Hiệu)

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bài 2: Ân tình với mảnh đất Quảng Trị kiên cường
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO