Bài 2: Địa bàn chia cắt, khó phát huy vai trò lãnh đạo của Chi bộ thôn

18/09/2022 10:01

(CLO) Chủ trương “đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” là chủ trương đúng đắn, tuy nhiên, có một số vấn đề phát sinh từ thực tiễn cần điều chỉnh cho phù hợp để phát huy hơn nữa vai trò lãnh đạo của Chi bộ thôn.

Bài liên quan

Bài 1: Chủ trương đúng đắn nhưng phát sinh bất cập khi “nhập” theo “cơ học”

Bài 3: Sát dân, chủ trương mới “đi vào cuộc sống”

Sáp nhập xong, xóm nào vẫn… sinh hoạt xóm đấy!

Trong số rất nhiều nơi trên hành trình đi ghi nhận thực tế của nhóm phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, chúng tôi đã tìm đến xã Triệu Nguyên, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.

Vượt khoảng 300km từ Thủ đô Hà Nội về phía Đông Bắc, xe đưa đoàn chúng tôi đến trung tâm xã Triệu Nguyên. Đây là xã có độ cao trên 1.000m so với mực nước biển, mật độ dân cư thưa thớt, đạt khoảng 34 người/km². Con đường từ trung tâm huyện Nguyên Bình đến trụ sở xã Triệu Nguyên, có những đoạn dốc dựng đứng, cảm giác như đang lên “cổng trời”. Những người ở dưới xuôi mới đến, còn chưa quen với địa hình nơi đây, dễ cảm thấy bị ù tai, chóng mặt.

Cả đoạn đường dài nằm trên địa bàn xã dẫn tới trụ sở Ủy ban, chúng tôi không gặp bất cứ người dân nào, chỉ duy nhất thấy có một chiếc xe máy dựng ven đường. Như hiểu ý thắc mắc của nhóm phóng viên, vị cán bộ huyện ủy đi cùng cười giải thích “bà con đi làm nương, không thể mang xe lên rẫy, họ phải đi bộ quãng đường xa nữa, cho nên mới để xe ở vệ đường, chiều về sẽ lấy”.

bai 2 dia ban chia cat kho phat huy vai tro lanh dao cua chi bo thon hinh 1

Con đường từ trung tâm huyện Nguyên Bình (tỉnh Cao Bằng) dẫn lên xã Triệu Nguyên, bắt đầu bằng con dốc quanh co, như đi về phía "cổng trời".

Tiếp chúng tôi tại trụ sở xã, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Triệu Nguyên – Lục Mùi Pu cho biết: “Xã Triệu Nguyên là một xã đặc biệt khó khăn, với 86% hộ dân nằm trong diện hộ nghèo. Gần như chỉ có cán bộ xã, trưởng thôn, các cán bộ thoát ly lên huyện làm thì mới nằm trong diện cận nghèo hoặc thoát nghèo”.

Quá trình tìm hiểu, chúng tôi được biết, trước đây, xã Triệu Nguyên có 10 xóm (tương đương tổ chức thôn), nhưng đến tháng 9/2019, Hội đồng Nhân dân tỉnh Cao Bằng ban hành Nghị quyết số 27/NQ-HĐND về việc sáp nhập 3 xóm Pác Tháy, Khuổi Tông, Cảm Ngọa thành xóm Lê Lợi; sáp nhập 3 xóm Đán Khao, Khau Khít, Khau Vai thành xóm Bình An; sáp nhập 3 xóm Khau Khác, Thin Pản, Lũng Roọc thành xóm Minh Khai. Sau khi tiến hành sáp nhập, hiện nay, xã Triệu Nguyên chỉ còn 4 xóm là: Bình An, Lê Lợi, Minh Khai và Nặm Rằng.

Chia sẻ với phóng viên về những khó khăn sau khi sáp nhập xóm (thôn), nữ Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Triệu Nguyên giãi bày: “Xóm xa nhất tính từ trụ sở Ủy ban xã là xóm Nặm Rằng, cách hơn 14km, bây giờ đường cũng chưa được bê tông hóa. Xóm đó chủ yếu là dân tộc Dao, địa bàn đi lại bị chia cắt, rất khó khăn trong việc tuyên truyền trực tiếp cho người dân về các chủ trương, chính sách”.

bai 2 dia ban chia cat kho phat huy vai tro lanh dao cua chi bo thon hinh 2

Đồng chí Lục Mùi Pu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Triệu Nguyên băn khoăn về những khó khăn sau khi sáp nhập xóm (thôn).

Theo đồng chí Lục Mùi Pu, khi sáp nhập các xóm, cán bộ xã cũng đã gặp các hộ dân để nắm tâm tư, tình hình dư luận. Tuy nhiên, do đặc thù địa bàn chia cắt, mặc dù đã sáp nhập xóm nhưng bà con nhân dân vẫn sinh hoạt “xóm nào xóm đấy” như trước đây. Khi tổ chức họp theo xóm mới, không thể tập trung đông đủ bà con.

Chỉ tay về phía ngọn núi trước mặt, nữ Bí thư xã như mong muốn nhận được sự thấu hiểu, đồng cảm của chúng tôi: Khi sáp nhập mấy xóm vào thành một xóm, từ Ủy ban xã đến xóm là 14km, nhưng từ trung tâm xóm về đến nhà dân có khi phải tới 12km nữa, phạm vi quá rộng, có nơi còn chưa có điện lưới, không có sóng điện thoại. Trưởng xóm hoặc Bí thư Chi bộ xóm muốn triệu tập một cuộc họp thì phải lặn lội đi xa hàng chục cây số, thậm chí phải đi bộ đến nhà dân để thông báo. “Trong khi đó, cán bộ đi họp ở xã hoặc họp trực tuyến với xã xong về phải phổ biến ngay. Không phổ biến thì không được. Nhưng phổ biến thì đi lại rất khó khăn, người dân ở rải rác trên những quả đồi, sườn núi, mất nhiều thời gian, dẫn tới độ “trễ” của việc tuyên truyền chủ trương, chính sách. Đó là một trăn trở lớn của tôi”, đồng chí Lục Mùi Pu chia sẻ.

bai 2 dia ban chia cat kho phat huy vai tro lanh dao cua chi bo thon hinh 3

Trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã Triệu Nguyên, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng còn rất khó khăn, thiếu thốn.

Ảnh hưởng việc phát huy vai trò của Chi bộ thôn

Ghi nhận của nhóm phóng viên khi sáp nhập thôn, xóm ở miền núi, vùng sâu, vùng xa tại tỉnh Bắc Kạn cho thấy, khó khăn lớn nhất là giữa các thôn, các dân tộc khác nhau, địa giới hành chính quá xa, khi sáp nhập như thế sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt Chi bộ, cũng như công tác tuyên truyền, vận động, triển khai các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước sẽ khó được “trọn vẹn” như trước. Do địa bàn các thôn, xóm cũ cách xa nhau, lại ở vùng cao, nhiều đảng viên lớn tuổi không thể đi bộ mấy tiếng đồng hồ để đi dự sinh hoạt Chi bộ hàng tháng được, nên việc tập trung về một địa điểm họp Chi bộ rất khó khăn và không thể làm thường xuyên.

Hơn nữa, do địa bàn quá rộng, không gần dân, “sát” dân nên khó phát huy được vai trò lãnh đạo của Chi bộ thôn, từ đó sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả đưa chủ trương, nghị quyết đi vào cuộc sống, cũng như khó nhân rộng các mô hình kinh tế để giữ chân đảng viên làm giàu tại chính mảnh đất quê hương mình...

bai 2 dia ban chia cat kho phat huy vai tro lanh dao cua chi bo thon hinh 4

Khi sáp nhập thôn ở miền núi, khó khăn lớn nhất là giữa các thôn, các dân tộc khác nhau, địa giới hành chính quá xa, khi sáp nhập như thế sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt Chi bộ.

Chia sẻ với phóng viên báo Nhà báo và Công luận, đồng chí Triệu Thị Thơm, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Sau khi sáp nhập các thôn, xóm vùng cao, địa bàn sẽ rất rộng, thậm chí các cụm dân cư ở cách xa nhau cả chục km, đường đi trắc trở. Vậy mà bây giờ bà con chủ yếu làm nông nghiệp, ban ngày họ đi làm đồng, buổi tối bà con mới tham gia sinh hoạt cộng đồng hoặc sinh hoạt Chi bộ. Mùa hè còn đỡ, chứ như mùa đông mà sinh hoạt đến 8-9 giờ tối thì rất muộn, vì bà con phải di chuyển quãng đường rất xa nữa để về nhà. Một quả đồi có khi chỉ có vài hộ gia đình sinh sống”.

Cũng theo Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Ba Bể, hiện nay, các Chi bộ thôn, xóm đang chủ yếu đăng ký sinh hoạt ban đêm. Câu chuyện các đồng chí Ủy viên Ban thường vụ Huyện ủy được phân công phụ trách Chi bộ cơ sở, tham gia sinh hoạt cùng các Chi bộ thôn, nhiều lần quay về nhà lúc 11 – 12 giờ đêm là điều không lạ ở Ba Bể. “Vậy thì làm thế nào để cấp ủy cơ sở nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, giúp cho thôn, xóm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, điều hành hoạt động của Chi bộ được tốt?”, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Ba Bể đặt vấn đề.

bai 2 dia ban chia cat kho phat huy vai tro lanh dao cua chi bo thon hinh 5

Đồng chí Triệu Thị Thơm, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn chia sẻ, việc sáp nhập thôn ở miền núi, vùng sâu, vùng xa có những khó khăn nhất định.

Đồng chí Triệu Thị Thơm gợi mở: “Nếu như tiếp tục thực hiện chủ trương sáp nhập thôn, xóm thì cấp huyện sẽ có chỉ đạo đối với một số Chi bộ thôn là phải sinh hoạt về ban ngày, để làm sao cho đảng viên ở những nơi xa đi lại thuận lợi. Tôi nghĩ như thế sẽ phù hợp hơn. Tuy nhiên, trên thực tế sẽ vẫn có những khó khăn nhất định. Chẳng hạn như đối với những đảng viên hoặc trường hợp đang trong diện đối tượng cảm tình đảng mà sinh sống ở nơi hẻo lánh, vùng cao, không có sóng điện thoại, muốn tập hợp họ trong một buổi họp thì rất vất vả, mất nhiều thời gian. Các đồng chí trong Chi ủy phải đến tận nhà để thông báo. Đối với Ba Bể, có một số thôn vùng cao chưa có điện, chưa bao phủ hết bê tông hóa tuyến đường cho nên cũng có những khó khăn. Còn vùng thấp thì sẽ dễ dàng hơn. Các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư Chi bộ hoặc tham gia Chi ủy viên rất nhiệt tình, người ta cũng nghĩ vì nhân dân, vì địa bàn mình và được bà con tin tưởng cho nên họ cũng cố gắng hết sức để thực hiện nhiệm vụ”.

bai 2 dia ban chia cat kho phat huy vai tro lanh dao cua chi bo thon hinh 6
bai 2 dia ban chia cat kho phat huy vai tro lanh dao cua chi bo thon hinh 7

Bộ đội Biên phòng giúp bà con vùng cao lao động sản xuất, phát triển kinh tế ở địa phương, ổn định an sinh xã hội.

Nơi thừa, nơi thiếu nhà văn hóa thôn

Một vấn đề bất cập khác phát sinh sau khi sáp nhập thôn, xóm ở miền núi, vùng sâu là việc sử dụng cơ sở vật chất sau khi sáp nhập. Theo ghi nhận của nhóm phóng viên, hiện nay, ở hầu hết các thôn, xóm đều đã có nhà văn hóa được xây dựng nhưng chỉ phù hợp với quy mô thôn, xóm cũ. Khi sáp nhập thôn, xóm thì số hộ dân tăng lên, các nhà văn hóa cũ không đủ lớn để tổ chức hoạt động sinh hoạt cộng đồng.

Một nhà văn hóa trước đây chỉ xây cho vài chục người họp hành, sinh hoạt cộng đồng thì không thể đủ sức chứa cho hàng trăm người được. Nhiều khi, người dân phải ngồi tràn ra ngoài sân, trời tạnh thì không sao, trời mưa thì rất khổ. Vậy là câu chuyện sáp nhập thôn mới thì bây giờ sử dụng nhà văn hóa nào? Dùng nhà văn hóa ở phía này thì phía kia đi xa hàng cây số, cho nên họ cũng băn khoăn. Bởi vậy mà có khi cùng một nội dung cuộc họp nhưng phải tổ chức hai lần ở hai khu vực nhà văn hóa khác nhau. Hoặc là nếu dùng một nhà văn hóa thì lãng phí nhà văn hóa còn lại. Thế nhưng bây giờ, tuyên truyền, vận động bà con đóng góp tiếp để xây nhà văn hóa mới thì rất khó khăn” – đó là trăn trở của đồng chí Đinh Văn Hái, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Đức Long, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng.

bai 2 dia ban chia cat kho phat huy vai tro lanh dao cua chi bo thon hinh 8

Nhà văn hóa thôn Nà Loọc, xã Bằng Lãng, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn được xây với quy mô nhỏ, chỉ đủ cho bà con trong thôn hiện tại sinh hoạt cộng đồng, nếu sáp nhập thêm thôn khác thì nhà văn hóa sẽ "quá tải" và người dân đi lại để họp tập trung cũng rất vất vả.

Đồng chí Đinh Ngọc Lang, Phó Bí thư thường trực huyện ủy Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng cũng thừa nhận: “Qua các lần tiếp xúc cử tri, qua hội nghị của Ban chấp hành Đảng bộ huyện, qua kiểm tra tại các cơ sở đảng, đảng viên tại các thôn xóm thì thông tin này đã được lĩnh hội, tiếp thu và đã gửi lên UBND tỉnh, tỉnh ủy. Tôi cho rằng, những vấn đề bất cập, khó khăn thì cần được quan tâm từ các cấp, giải quyết thấu đáo”.

bai 2 dia ban chia cat kho phat huy vai tro lanh dao cua chi bo thon hinh 9

Đồng chí Đinh Ngọc Lang, Phó Bí thư thường trực huyện ủy Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng tiếp phóng viên Báo Nhà báo & Công luận.

Đồng tình với quan điểm trên, đồng chí Trần Thị Sen, Trưởng phòng Nội vụ huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn cho hay: “Khó khăn sau khi sáp nhập là diện tích nhà họp thôn hơi nhỏ, giờ sáp nhập 2 thôn vào thì số hộ dân tăng. Với phạm vi, quy mô dân số lớn hơn, các nhà văn hóa trước đây không còn đáp ứng được nhu cầu của người dân, trong khi đó những khó khăn về kinh phí cải tạo, xây dựng mới, bố trí địa điểm quỹ đất xây dựng nhà văn hóa mới, khu vui chơi, các thiết chế văn hóa ở xóm, tổ dân phố mới cũng được đặt ra... Đấy là bất cập”.

bai 2 dia ban chia cat kho phat huy vai tro lanh dao cua chi bo thon hinh 10

Chiều biên giới mù sương, đi từ huyện Tràng Định sang huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn.

Có thể thấy, tình trạng thừa, thiếu nhà văn hóa thôn, xóm đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc sinh hoạt cộng đồng của người dân. Đây là cũng là vấn đề chung của hầu hết các xã khu vực miền núi có thôn, xóm sáp nhập.

Nhóm phóng viên Nội chính

Bài 3: Gần dân, sát cơ sở, chủ trương mới “đi vào cuộc sống”

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bài 2: Địa bàn chia cắt, khó phát huy vai trò lãnh đạo của Chi bộ thôn
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO