Hướng tới bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026: 75 năm - Ngày hội của tinh thần dân chủ

Bài 2: Tưng bừng Ngày hội non sông đầu tiên

Thứ sáu, 23/04/2021 10:28 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Ngày 6/1/1946, trong không khí của ngày hội lớn, toàn thể nhân dân Việt Nam từ miền xuôi đến miền ngược, từ miền Bắc đến miền Nam, từ nông thôn đến thành thị, không phân biệt già, trẻ, gái, trai đã nô nức đi bầu cử, bỏ phiếu, “lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc của nước nhà”.

Bài liên quan

Sau những chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, quyết liệt, ngày 6/1/1946, người dân nước Việt lần đầu tiên, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh “hưởng dụng quyền dân chủ của mình”. Trong không khí của ngày hội lớn, toàn thể nhân dân Việt Nam từ miền xuôi đến miền ngược, từ miền Bắc đến miền Nam, từ nông thôn đến thành thị, không phân biệt già, trẻ, gái, trai đã nô nức đi bầu cử, bỏ phiếu, “lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc của nước nhà”.

Ngày Chủ nhật lịch sử

Với những cử tri được vinh dự thực thi quyền công dân trong cuộc Tổng Tuyển cử đầu tiên cách đây 75 năm, ngày 6/1/1946 thực sự là ngày Chủ nhật lịch sử, là vệt ký ức không thể nào quên. Sáng hôm đó, Báo Quốc hội số đặc biệt đã trân trọng đăng trên trang nhất ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với bút tích của Người: “Khuyên đồng bào nam nữ 18 tuổi trở lên hôm nay tất cả đều đi bỏ phiếu để bầu những người đại biểu xứng đáng vào Quốc hội đầu tiên của nước ta”.

bai 2 tung bung ngay hoi non song dau tien hinh 1

Nhân dân lao động Thủ đô cổ động cho ngày Tổng Tuyển cử đầu tiên. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Đáp lại lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn thể nhân dân Việt Nam nô nức đi bỏ phiếu với tất cả niềm vui sướng, nỗi háo hức vô bờ. Vui sướng, háo hức, không thể nào quên… cũng là điều dễ hiểu bởi đó là lần đầu tiên trong lịch sử, nhân dân Việt Nam được tham gia bầu cử với một thể thức dân chủ. Nhiều đảng phái, tổ chức phản động ra sức phá hoại, ngăn cản.

Như tại Hà Nội, như hồi ức của Trung tướng Phạm Hồng Cư, thời điểm đó là Trung đội trưởng Trung đội Hà Huy Tập thuộc Đội tự vệ chiến đấu cứu quốc thành Hoàng Diệu: "Đội quân phản động dưới danh nghĩa Việt Nam quốc dân đảng, Việt Nam cách mệnh ra sức đòi Chính phủ lâm thời và Chủ tịch Hồ Chí Minh phải từ chức và chống lại cuộc Tổng Tuyển cử. Chúng tổ chức các cuộc mít tinh biểu tình, ra báo phản động, đặt loa ở các phố lớn tuyên truyền chống Chính phủ Hồ Chí Minh và chống phá bầu cử. Cấp trên chỉ đạo kiên quyết trừng trị bọn phản động nhưng tuyệt đối không để xảy ra nổ súng.

Ngày 13/12/1945, chúng tôi đã giải quyết vụ một nhóm vài chục tên phản động đang tổ chức biểu tình và phân phát báo ở ngay trước cửa chợ Đồng Xuân. Ngày hôm sau, bọn phản động tiếp tục tổ chức mít tinh ở Bờ Hồ. Chúng huy động nhiều người, chiếm các toa tàu điện để tiến vào đây, phương thức vẫn là dùng loa hô hào đả đảo Chính phủ và đả đảo Tổng Tuyển cử. Đội chúng tôi cũng đã trấn áp và giải tán thành công.

Ngày 20/12, bọn phản động lại tập hợp đông hơn, đi từ phố Ngũ Xã theo đường Cổ Ngư, mục đích cũng tiến ra Bờ Hồ. Lần này đội tự vệ chiến đấu tổ chức thành nhiều tốp, chặn đầu, chặn đuôi và đi cả vào giữa. Đồng bào cũng xông ra trấn áp bọn phản động. Tên cầm đầu chạy trốn, bị lực lượng của ta bắt được và cảnh cáo. Đây là cuộc biểu tình phản đối Tổng Tuyển cử lớn nhất của bọn phản động bị ta đập tan".

Còn trong ký ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì: “Cho tới hôm qua (ngày 5/1 - PV), vì những lá phiếu này, máu vẫn phải đổ. Bốn mươi hai cán bộ đã hy sinh tại miền Nam trong công tác vận động tổng tuyển cử”. Còn tại Nam bộ và miền Nam Trung bộ, trong ký ức của Đại tướng: “Cuộc tuyển cử diễn ra dưới bom phá, bom lửa và đạn liên thanh của quân thù (…) Một số đồng bào ở Tân An, Khánh Hòa bị thương và bị chết vì máy bay địch ném bom vào nơi bỏ phiếu”.

bai 2 tung bung ngay hoi non song dau tien hinh 2

Cử tri ngoại thành Hà Nội bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa I ngày 06/01/1946 (Ảnh: quochoi.vn)

Nhưng tất cả không cản nổi “làn sóng” cử tri tham gia cuộc Tổng Tuyển cử. Sáng ngày 6/1/1946, cũng theo hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Thành thị, xóm thôn, đâu đâu cũng rực rỡ cờ, đèn và hoa. Nhân dân không phân biệt giàu, nghèo, già, trẻ, gái, trai nô nức đi tới các nơi bỏ phiếu”.  Cũng bởi hiểu thấu rằng “chẳng phải một sớm một chiều mà có được lá phiếu hôm nay. Lá phiếu của tự do, giành được từ cuộc đấu tranh lâu dài bằng biết bao máu và nước mắt”, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu vẫn rất cao. Ở cả 71 tỉnh, thành trong cả nước, có 89% tổng số cử tri đã đi bỏ phiếu, phổ biến là 80%, nhiều nơi đạt 95%.

Chuyện kể rằng người già được con cháu cõng đi bỏ phiếu, người mù thì được dẫn đến tận hòm phiếu để tự tay mình làm nhiệm vụ công dân; Những người biết đọc, biết viết thì tự làm thủ tục bầu cử theo danh sách đã ghi ở bảng đen; Những người không biết chữ cố gắng tự học thuộc lòng mặt chữ để được tự tay viết lên lá phiếu đầu tiên trong đời.

Như mọi người dân bình thường khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng trực tiếp đi bỏ phiếu, như lời các nhân chứng kể lại thì, “đúng 7g sáng ngày 6/1/1946, Hồ Chủ tịch vui vẻ đi bỏ phiếu bầu Đại biểu Quốc hội ở thùng phiếu tại nhà số 10 Hàng Vôi, Hà Nội. Bác đi đến đâu, nhân dân ùa đến hân hoan, vỗ tay chào đón”.

Trừ một số nơi bầu bổ sung còn tuyệt đại đa số các địa phương chỉ bầu một lần. Cả nước đã bầu được 333 đại biểu, trong đó có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau; 43% số đại biểu không đảng phái; 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng; 10 đại biểu nữ và 34 đại biểu dân tộc thiểu số. Ra ứng cử ở Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trúng cử với số phiếu cao nhất 98,4%.

Bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ

Có thể nói, cuộc Tổng Tuyển cử đầu tiên ngày 6/1/1946 bầu Quốc hội khóa I năm 1946 được tiến hành theo nguyên tắc dân chủ, tiến bộ nhất, đó là phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín đã hoàn toàn thắng lợi trên phạm vi cả nước. Giá trị của cuộc Tổng tuyển cử, như nhìn nhận của nhà sử học Dương Trung Quốc: Không ai có thể tưởng tượng nổi, vào thời điểm cách đây 70 năm, đất nước vừa thoát khỏi cảnh lầm than, hơn 90% người dân còn mù chữ, vậy mà lại có một cuộc Tổng tuyển cử dân chủ và văn minh như vậy...

Vào thời điểm đó, ngay ở một số nước châu Âu, quyền bình đẳng về giới, để phụ nữ được tham gia bầu cử, ứng cử chưa phải đã phổ quát. Còn theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên là mốc son đánh dấu bước phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam.

bai 2 tung bung ngay hoi non song dau tien hinh 3

Khu vực bỏ phiếu trong ngày Tổng Tuyển cử 6/1/1946. (Ảnh: TTXVN)

Thắng lợi của cuộc Tổng Tuyển cử như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói trong kỳ họp thứ nhất của Quốc hội đầu tiên: “Là kết quả của sự hy sinh, tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam, sự đoàn kết của toàn thể đồng bào không kể già, trẻ, lớn, bé, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối, hy sinh không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc”.

Thắng lợi của cuộc Tổng Tuyển cử cũng đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước Cách mạng Việt Nam, mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội, đối ngoại.

Cuộc bầu cử là căn cứ để khẳng định Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có tính chất hợp pháp, dân chủ - Nhà nước của dân, do dân và vì dân, được quốc dân giao phó trọng trách điều hành đất nước, tổ chức toàn dân kháng chiến kiến quốc, giải quyết mọi quan hệ của Việt Nam trên trường quốc tế.

bai 2 tung bung ngay hoi non song dau tien hinh 4

Chuẩn bị bầu cử Quốc hội khóa I tại ngõ Phất Lộc (Hà Nội) năm 1946 - Ảnh: T.L

Nói về cuộc Tổng Tuyển cử đầu tiên ngày 6/1/1946 trong “Hồi ký Đại biểu Quốc hội khóa I”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Với sự kiện trọng đại này, dân tộc Việt Nam ta sau khi là dân tộc đầu tiên ở Đông Nam Á làm cuộc cách mạng giải phóng dân tộc thành công, trở thành dân tộc đầu tiên thiết lập được Nhà nước có chế độ chính trị với hình thức dân chủ cao nhất là phổ thông đầu phiếu. Không phải ngẫu nhiên mà vinh quang này thuộc về dân tộc Việt Nam ta, mà tên tuổi mãi mãi gắn liền với tên tuổi người con vĩ đại của mình: Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Hà Anh

Tin khác

Ông Nguyễn Tiến Thanh giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Ông Nguyễn Tiến Thanh giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn vừa ký Quyết định số 1279/QĐ-BGDĐT về việc bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên đồng thời là Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Tin tức
Khởi công 7 dự án nguồn điện với tổng công suất 3.643 MW và 150 MWp

Khởi công 7 dự án nguồn điện với tổng công suất 3.643 MW và 150 MWp

(CLO) Giai đoạn 2021 - 2025 sẽ khởi công 07 dự án nguồn điện với tổng công suất 3.643 MW và 150 MWp gồm: Thủy điện Hòa Bình MR, thủy điện Ialy MR, nhiệt điện Quảng Trạch I, thủy điện Trị An MR, thủy điện tích năng Bác Ái và điện mặt trời Phước Thái 2, 3.

Tin tức
Hà Nội tăng cường xe buýt phục vụ dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Hà Nội tăng cường xe buýt phục vụ dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

(CLO) Nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp nghỉ 30/4, 1/5, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch vận tải hành khách công cộng phục vụ Nhân dân.

Tin tức
Xem xét hỗ trợ phí khi làm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID

Xem xét hỗ trợ phí khi làm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID

(CLO) Dự kiến, kỳ họp thứ 16 HĐND TP Hà Nội (kỳ họp chuyên đề) sẽ xem xét, quyết nghị 08 nội dung, trong đó có Nghị quyết về “Hỗ trợ phí yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp khi công dân thực hiện thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID”.

Tin tức
Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO thăm và làm việc tai Ninh Bình

Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO thăm và làm việc tai Ninh Bình

(CLO) Ngày 26/4, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn đã tiếp và làm việc với Chủ tịch Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) lần thứ 42 Simona-Mirela Miculescu cùng đoàn công tác nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam, tham dự Lễ kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.

Tin tức