Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 25/8/2021): Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Võ công truyền quốc sử Văn đức quán nhân tâm

Bài 2: Vị tướng tài và Cách mạng tháng Tám

Thứ năm, 29/07/2021 10:19 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Theo nhìn nhận của phần đa các sử gia, các nhà nghiên cứu, nói đến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, bên cạnh vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Đông Dương cùng toàn thể dân tộc Việt Nam, không thể không nói tới Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Bài liên quan

Vị Đại tướng, Tổng Tư lệnh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam có vai trò to lớn trong việc xây dựng đội quân chủ lực, góp phần làm nên thắng lợi của cuộc cách mạng  mùa thu năm 1945.

Từ lời căn dặn của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trên đất Trung Hoa 

Tháng 6/1940, sau khi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, nhà cách mạng Võ Nguyên Giáp với bí danh là Dương Hoài Nam cùng với người đồng chí Phạm Văn Đồng với bí danh Lâm Bá Kiệt được cử sang Trung Quốc gặp Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Theo nhìn nhận của các sử gia, đây thực sự là cuộc gặp gỡ đầy nhân duyên của lịch sử. Lịch sử đã đưa hai con người xuất chúng ấy đến gần với nhau, sau này trở thành hai thầy trò, hai người đồng chí, hai người tri kỷ.

Chuyện kể rằng, chỉ sau một thời gian ngắn, bằng tầm nhìn và trí tuệ thiên tài, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sớm nhận ra tài năng thiên bẩm của nhà cách mạng trẻ Võ Nguyên Giáp, giới thiệu Võ Nguyên Giáp đi học trường Quân chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Diên An và căn dặn “lên trên ấy nghiên cứu lý luận chính trị, phương pháp vận động quần chúng. Nếu có thể nên nghiên cứu về đường lối quân sự, cách chỉ huy”.

Tháng 1/1941, trước khi về nước để trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng, Người lại một lần nữa căn dặn nhà cách mạng trẻ, lúc đó đang ở lại Trung Quốc học tập với lời căn dặn: “Chú Văn phải chú trọng thêm quân sự”.

bai 2 vi tuong tai va cach mang thang tam hinh 1

Đại tướng Võ Nguyên Giáp duyệt đơn vị giải phóng quân tại Hà Nội, tháng 8/1945. Ảnh: Nguyễn Bá Khoản.

Sau khi về nước, qua phân tích tình hình cũng như thực tiễn của cuộc đấu tranh, riêng về mặt quân sự, Người đã đánh giá “lực lượng vũ trang của ta đã ít lại dễ phân tán, thiếu hẳn một lực lượng nòng cốt”. Chính thực tiễn đó đã đặt ra vấn đề cần phải “tập trung những cán bộ và chiến sĩ anh dũng nhất, những vũ khí tốt nhất, tổ chức ra một đội vũ trang tập trung, một đội quân chủ lực để hoạt động, đội vũ trang đó là Đội Quân giải phóng. Ta sẽ dùng hình thức vũ trang để gây ảnh hưởng cách mạng sâu rộng trong quần chúng”.

Chú Văn - Võ Nguyên Giáp đã là cái tên được Người “nhắm tới” cho trọng trách đứng ra thành lập nên “lực lượng vũ trang nòng cốt” này.

Tới trọng trách lập nên đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam

Tháng 12/1944, chú Văn - Võ Nguyên Giáp được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - Đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ngoài khả năng thiên bẩm, ngoài vốn kiến thức quân sự mà Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã căn dặn phải “chú trọng” trong những ngày học tập trên đất Trung Hoa, Võ Nguyên Giáp còn có cho mình những trải nghiệm thực tế quý báu khi trước đó gần 3 năm, đầu năm 1941, Võ Nguyên Giáp về nước, đã tham gia công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang ở căn cứ địa Cao - Bắc - Lạng; năm 1942, phụ trách Ban xung phong Nam tiến, tuyên truyền giác ngộ nhân dân, tổ chức con đường quần chúng từ Cao Bằng về Thái Nguyên.

“Nhận trách nhiệm” được giao phó, Võ Nguyên Giáp đã cùng Lê Quảng Ba - đội trưởng Đội du kích Pác Bó - tổ chức nên một đội gồm 34 chiến sĩ ưu tú được chọn lựa từ các đội vũ trang đã hình thành từ trước đó, lấy tên là “Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân”.

Ngày 22/12/1944, “Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân” ra đời tại chiến khu Trần Hưng Đạo với 34 đội viên. Đội trưởng của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân là đồng chí Hoàng Sâm, Chính trị viên là đồng chí Xích Thắng.  34 đội viên là những đồng chí trung kiên nhất của các đội vũ trang Cao - Bắc - Lạng, một số trong đội quân Nam tiến; một số trong Cứu quốc quân, có người đã đi học quân sự ở nước ngoài về.

Số lượng đội viên tuy ít, vũ khí thô sơ, thiếu thốn, nhưng Đội Việt Nam Tuyên  truyền Giải phóng quân - đội quân chủ lực đầu tiên của cách mạng Việt Nam là “một đoàn quân gang thép, rắn chắc không sức mạnh nào khuất phục nổi, sẵn sàng quật nát kẻ thù”.

Minh chứng đầu tiên cho nhận định ấy là việc chỉ hai hôm sau ngày thành lập, vào ngày 24 và 25/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã liên tiếp đánh thắng hai trận vang dội, diệt gọn hai đồn Phai Khắt và Nà Ngần của địch.

Góp phần vào thắng lợi rực rỡ của cách mạng mùa Thu

Trong cuốn hồi ức “Những năm tháng không thể nào quên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp” do nhà văn Hữu Mai thể hiện, “người anh cả” của Quân đội nhân dân Việt Nam đã chia sẻ nhiều hồi ức vô giá về những ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945 - cuộc cách mạng mùa Thu.

Đại tướng cho biết, vào những ngày này, ông cùng các đồng chí trong Ủy ban dân tộc giải phóng được phân công về Hà Nội trước để chuẩn bị cho việc thành lập Chính phủ lâm thời (theo quyết định của Hội nghị toàn quốc họp tại Tân Trào).

bai 2 vi tuong tai va cach mang thang tam hinh 2

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp trên chiếc xe đến Quảng trường Ba Đình, ngày 2/9/1945. Ảnh: Võ An Ninh

Trong ký ức của Đại tướng, những ngày tháng lịch sử ấy, theo lời hiệu triệu của Đảng, của lãnh tụ Hồ Chí Minh, cả dân tộc ta từ Bắc chí Nam đã vùng dậy với một sức mạnh như triều dâng, thác đổ. Chỉ có một điều mà vị Đại tướng đã không nhắc đến nhiều, đó là ông đã góp sức như thế nào vào những ngày “cách mạng triều dâng, thác đổ” ấy.

Chuyện là, trong 5 ngày, từ 15 đến 20/4/1945, Hội nghị Quân sự Bắc kỳ đã được triệu tập. Những vấn đề liên quan đến việc gấp rút tạo thời cơ và kịp thời nắm bắt thời cơ, sẵn sàng phát động tổng khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền trong cả nước đã được quyết định tại Hội nghị.

Cũng trong hội nghị này, Ủy ban Quân sự Bắc kỳ, gồm 5 đồng chí được thành lập, với mục đích “phụ trách chỉ huy các chiến khu miền Bắc Đông Dương, đồng thời có nhiệm vụ giúp đỡ cho toàn quốc về mặt quân sự”. Võ Nguyên Giáp được cử vào Ủy ban.

Thực hiện chỉ thị đã đề ra trong Hội nghị Quân sự Bắc kỳ, ngày 15/5/1945, Võ Nguyên Giáp đã có mặt tại Định Biên Thượng (Chợ Chu, Thái Nguyên) để làm lễ thành lập “Việt Nam Giải phóng quân”. Mười ba đại đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân và Cứu quốc quân được thống nhất thành bộ đội chủ lực đầu tiên của cả nước với tên gọi “Việt Nam Giải phóng quân”, dưới quyền chỉ huy của Bộ Tư lệnh miền Bắc, gồm Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh và Chu Văn Tấn. 

Tháng 6/1945, Võ Nguyên Giáp được Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ thành lập Ủy ban Chỉ huy lâm thời khu giải phóng và là Ủy viên Ban Chỉ huy lâm thời Khu giải phóng Việt Bắc. Cũng trong thời kỳ này, Võ Nguyên Giáp mở khóa thứ 2 của Trường Quân chính kháng Nhật, khẩn trương chuẩn bị lực lượng vũ trang ở Tân Trào cũng như các địa bàn khác trong toàn khu giải phóng.

Ngày 13/8, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra chỉ thị thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc (bao gồm các đồng chí: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh, Lê Thanh Nghị, Chu Văn Tấn) và thông qua Quân lệnh số 1 do Trần Huy Liệu soạn thảo. 23 giờ cùng ngày, Võ Nguyên Giáp thay mặt Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, ký vào quân lệnh số 1, từ trung tâm Tân Trào lệnh tổng khởi nghĩa đã được truyền đi khắp nơi trong cả nước.

Ngày 16/8, Đại hội quốc dân khai mạc ở đình Tân Trào. Đại hội nhiệt liệt tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương và 10 chính sách của Việt Minh. Chiều cùng ngày, Võ Nguyên Giáp thay mặt Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc đọc bản Quân lệnh số 1, chính thức phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

Chiều 16/8/1945, thực hiện mệnh lệnh của Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, một đội quân cách mạng do đích thân đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy, xuất phát từ Tân Trào tiến về giải phóng thị xã Thái Nguyên, mở đầu cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên phạm vi cả nước.

Các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Cạn… là những địa phương nổi dậy giành chính quyền sớm nhất trong cả nước. Làn sóng tổng khởi nghĩa lan truyền như vũ bão, lần lượt các tỉnh trong cả nước đứng lên giành chính quyền…

Vị tướng thiên tài của quân đội nhân dân Việt Nam đã hòa mình, góp phần trong những ngày Cách mạng tháng Tám mùa thu năm 1945 như thế…

Hà Anh

Tin khác

Ông Nguyễn Tiến Thanh giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Ông Nguyễn Tiến Thanh giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn vừa ký Quyết định số 1279/QĐ-BGDĐT về việc bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên đồng thời là Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Tin tức
Khởi công 7 dự án nguồn điện với tổng công suất 3.643 MW và 150 MWp

Khởi công 7 dự án nguồn điện với tổng công suất 3.643 MW và 150 MWp

(CLO) Giai đoạn 2021 - 2025 sẽ khởi công 07 dự án nguồn điện với tổng công suất 3.643 MW và 150 MWp gồm: Thủy điện Hòa Bình MR, thủy điện Ialy MR, nhiệt điện Quảng Trạch I, thủy điện Trị An MR, thủy điện tích năng Bác Ái và điện mặt trời Phước Thái 2, 3.

Tin tức
Hà Nội tăng cường xe buýt phục vụ dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Hà Nội tăng cường xe buýt phục vụ dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

(CLO) Nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp nghỉ 30/4, 1/5, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch vận tải hành khách công cộng phục vụ Nhân dân.

Tin tức
Xem xét hỗ trợ phí khi làm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID

Xem xét hỗ trợ phí khi làm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID

(CLO) Dự kiến, kỳ họp thứ 16 HĐND TP Hà Nội (kỳ họp chuyên đề) sẽ xem xét, quyết nghị 08 nội dung, trong đó có Nghị quyết về “Hỗ trợ phí yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp khi công dân thực hiện thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID”.

Tin tức
Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO thăm và làm việc tai Ninh Bình

Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO thăm và làm việc tai Ninh Bình

(CLO) Ngày 26/4, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn đã tiếp và làm việc với Chủ tịch Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) lần thứ 42 Simona-Mirela Miculescu cùng đoàn công tác nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam, tham dự Lễ kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.

Tin tức