Bài 3: Công tác thi cử, cần một cuộc cải cách toàn diện, tổng thể
(CLO) Theo các chuyên gia, việc thi cử điểm cao đã phản ánh không đúng thực chất năng lực của học sinh vì thế cần phải có những kỳ thi chất lượng hơn để làm cơ sở tuyển sinh đại học.
Bài liên quan
Bài 2: Điểm chuẩn đại học cao chót vót: Mừng hay lo?
Thi tốt nghiệp khó gánh được nhiệm vụ xét tuyển đại học
Thực trạng điểm thi tốt nghiệp THPT 2022 cao, đặc biệt ở những môn thi Ngữ văn, Lịch sử điểm co nhiều khiến cho điểm chuẩn tuyển sinh đại học rất cao. Nhiều ngành học tuyển sinh trên 27 điểm. Đơn cử như trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) có ngành lấy điểm chuẩn 29,95, các ngành khác cũng lấy điểm chuẩn chuẩn từ 27 điểm đến 29,90 điểm.
Ngoài ra các trường như Trường Đại học Giáo dục, Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), Học viện Ngoại giao, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Luật Hà Nội, Đại học Hồng Đức... cũng có nhiều ngành có điểm chuẩn trên 29.

Nhiều chuyên gia cho rằng cần bỏ Kỳ thi tốt nghiệp THPT thay bằng xét tốt nghiệp (ảnh Quang Hùng).
Bàn luận về mức điểm chuẩn năm nay, Giáo sư Đào Trọng Thi nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội (nay Ủy ban Văn Hóa, Giáo dục) cho rằng, nhìn chung điểm cao quá có nghĩa điểm thi hiện nay chưa phù hợp với đánh giá. “Khi người ta có một kỳ thi, kiểm tra thì điểm trung bình sẽ khoảng 15 điểm (3 môn). Nó phải ứng với trình độ trung bình của học sinh.
Học sinh đạt 30 điểm rất là xuất sắc. Thế nhưng chưa xuất sắc mà được 30 điểm thì thang điểm rất rộng cần phải điều chỉnh lại làm sao sát thực tế.
Nếu như để thang điểm rộng như vậy, nhiều em điểm cao quá. Với cách thi như hiện nay thì em 30 điểm chưa chắc đã hơn em 29 điểm” – Giáo sư Đào Trọng Thi nhấn định.
Theo Giáo sư Đào Trọng Thi việc thi cử làm sao để thang điểm phản ánh đúng trình độ của học sinh. Hiện nay, kỳ thi của chúng ta là kỳ thi tốt nghiệp THPT bởi vậy cái mục tiêu chính là để xét tốt nghiệp. Vì thế khi lấy điểm kỳ thi này để xét tuyển trường đại học sẽ bị lệch.
Mục tiêu của kỳ thi này không còn là ưu tiên cho tuyển sinh đại học nữa nên ưu tiên mục đích đánh giá tốt nghiệp nên khi dùng kết quả kỳ thi này để tuyển sinh đại học chỉ đáp ứng được một phần nào của tuyển sinh.
“Mục tiêu của kỳ thi không ưu tiên để tuyển sinh đại học nên dùng điểm thi để tuyển sinh sẽ xảy ra bất cập. Về tương lai không nên ghép hai kỳ thi này làm một. Đây không còn là kỳ thi 2 trong 1 nữa” – thầy Đào Trọng Thi nhấn mạnh.
Nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp, tập trung vào tổ chức thi tuyển sinh đại học
Cũng liên quan đến vấn đề thi cử, Giáo sư Đặng Quốc Bảo nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục và Đào tạo (nay là Học viện Quản lý Giáo dục) cho rằng đổi mới giáo dục từ 2013 đến nay cũng có nhiều thành tựu.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều ngổn ngang, dở dang và luẩn quẩn. Trong đó thi cử và đánh giá học sinh thể hiện rất rõ những bất cập trên.
Thi cử và đánh giá hiện nay đầy những hiện tượng nghịch lý. Việc thủ khoa kỳ thi thấp hơn điểm chuẩn tuyển sinh đại học là một nghịch lý.
“Bây giờ cần mạnh dạn đổi mới, với em nào học xong 12 thì cần thừa nhận tốt nghiệp cho các em vào đời.
Dùng những kỳ kiểm tra thường xuyên để đánh giá, nếu các em vượt qua các kỳ kiểm tra ở lớp 10, lớp 11 và lớp 12 thì các em coi như hoàn thành chương trình và tốt nghiệp.
Đừng tổ chức kỳ thi tốt nghiệp như hiện nay. Em nào học xong 12 năm, nhân cách không nghiêng ngả, xộc xệch thì công nhận tốt nghiệp THPT cho các em” - Giáo sư Đặng Quốc Bảo nhận định.
Cũng theo vị này, tuyển sinh đại học nên có hình thức tuyển sinh riêng. Mặc dù hiện nay Luật Giáo dục đòi hỏi có kỳ thi tốt nghiệp THPT tuy nhiên luật có thể "dĩ bất biến, ứng vạn biến”.
“Như hiện nay, nhiều em học sinh thi xong không biết mình đậu đại học hay không mặc dù điểm cao ngất ngưởng. Nếu xét đại học căn cứ điểm học bạ thì dễ có xu hướng đánh giá vống lên nhằm cho học sinh mình có cơ hội trúng tuyển” – Giáo sư Đặng Quốc Bảo lo lắng.
Cũng theo chuyên gia này, việc có tình trạng nhiều học sinh có điểm xét tuyển đại học trên 30 điểm thì chắc chắn đánh giá không chuẩn. Kiểm tra chuẩn thì không có kết quả như vậy. Nếu trong giáo dục đánh giá không sát thì hệ lụy sẽ rất lớn.
“Lúc này cần phải thực sự bình tĩnh, cái đầu phải tỉnh táo để đưa ra các phương án trong cải cách đổi mới giáo dục mà trước hết phải bắt đầu từ cải cách đổi mới trong thi cử, đánh giá học sinh” – Giáo sư Đặng Quốc Bảo nhấn mạnh.
Như vậy qua trao đổi với chuyên gia có thể thấy việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp để lấy điểm xét đại học là cách thức tồn tại nhiều mâu thuẫn.
Do đó, cần đổi mới thi cử, thậm chí không nên thi tốt nghiệp mà xét tốt nghiệp. Tập trung vào tổ chức tuyển sinh đại học để có những kỳ thi chất lượng, từ đó các trường đại học căn cứ vào kết quả kỳ thi để tuyển sinh.