Nhân sự Đại hội Đảng lần thứ XIII: Quyết tâm lớn- Kỳ vọng lớn

Bài 3: Khi lãnh đạo, cán bộ “phô trương” tài sản khủng

Thứ năm, 06/08/2020 06:15 AM - 0 Trả lời

(CLO) Biệt thự, đất đai, tài sản khủng được lãnh đạo doanh nghiệp, cán bộ nhà nước sở hữu nhưng lại kê khai một cách gian dối. Có những lãnh đạo, cán bộ giàu lên một cách nhanh chóng, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc.

Trong bài viết có tựa đề: Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng; Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ: Kiên quyết không bỏ sót những người thật sự có đức, có tài, đủ tiêu chuẩn; đồng thời không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII những người có một trong các khuyết điểm sau: Kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính.

Thời gian qua, việc kê khai tài sản, thu nhập của lãnh đạo, cán bộ trong các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước đã được thực hiện tốt theo đúng Luật Phòng chống tham nhũng và Nghị định 78/2013 của Chính phủ về minh bạch, tài sản thu nhập.

Tuy nhiên, nhìn qua thực thế có thể thấy, không ít lãnh đạo, cán bộ còn kê khai tài sản không trung thực. Có những lãnh đạo doanh nghiệp còn phô trương tài sản trong khi đằng sau là sự “bết bát” trong chính doanh nghiệp mình đang là người đứng đầu.

Biệt thự xa hoa của ông Trần Văn Khâm, cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) trái ngược với tình cảnh làm ăn bết bát của TISCO.

Biệt thự xa hoa của ông Trần Văn Khâm, cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO) trái ngược với tình cảnh làm ăn bết bát của TISCO.

1. Ở TP Thái Nguyên hầu như ai cũng biết đến ông Trần Văn Khâm, cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO). Dư luận biết đến ông Khâm không chỉ bởi vì ông bị khởi tố, bắt giam mà ông còn là chủ nhân của ngôi biệt thự “khủng” được xây dựng từ năm 2013 - thời điểm Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Gang thép Thái Nguyên nợ nần chồng chất, hàng nghìn tấn vật liệu bị bỏ hoang, "ngốn" tiền của Nhà nước.

Cho đến nay, tại phường Trung Thành, TP Thái Nguyên; người dân nơi đây luôn vẫn trầm trồ bởi căn biệt thự xa hoa, bề thế, to nhất vùng của gia đình ông Khâm. Theo mô tả, căn biệt thự của ông cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc TISCO được bảo vệ bởi thống an ninh điện tử, phải có người trong nhà ra mở mới vào được. Ông Khâm cũng thường tiếp khách ở hiên nhà chứ không phải bên trong phòng khách.

Theo giấy phép xây dựng, căn biệt thự có tổng diện tích sàn xây dựng: 420m2, chiều cao công trình: 7m, số tầng được phép xây dựng: 2 tầng. Quá trình hoàn thiện, cơ quan chức năng xác định biệt thự của ông Khâm xây dựng sai phép.

Ngày 23/5/2015, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, ông Trần Văn Khâm thừa nhận việc xây dựng sai phép nhưng lại “đổ lỗi” cho người nhà khi đi xin giấy phép, lẽ ra xin xây 4,5 tầng thì chỉ xin xây 2,5 tầng !? Ông Khâm từ chối bình luận về giá trị ngôi nhà cũng như im lặng khi nhắc đến dư luận về “cây bồ đề dát vàng” và việc rước đoàn nhà sư từ Ấn Độ sang cúng lễ. 

Sự xa hoa của căn biệt thự do ông Trần Văn Khâm làm chủ lại trái ngược với tình cảnh của TISCO. Theo đó, tháng 7/2009, ông Khâm lên làm Tổng Giám đốc và kiêm luôn chức vụ Chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp này cho đến năm 2013. Đây cũng là giai đoạn dự án này đội vốn khủng, lâm cảnh đắp chiếu, dở dang không lối thoát.

Tháng 5/2013 ông Trần Văn Khâm đã bị miễn nhiệm tư cách thành viên Hội đồng quản trị, rời khỏi ghế chủ tịch Hội đồng quản trị. Dù vậy, ông Khâm vẫn được giữ chức Bí thư Đảng ủy TISCO - đứng đầu một Đảng bộ trực thuộc quản lý của Tỉnh ủy Thái Nguyên cho đến thời điểm bị khởi tố.

Ông Nguyễn Phú Thái Bí thư Chi bộ, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế-Xã hội Đà Nẵng bỏ quên 9 lô còn lại không kê khai.

Ông Nguyễn Phú Thái Bí thư Chi bộ, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế-Xã hội Đà Nẵng bỏ quên 9 lô còn lại không kê khai.

2. Tháng 6/2019, ông Nguyễn Phú Thái Bí thư Chi bộ, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế-Xã hội Đà Nẵng bị Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Đà Nẵng Quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách với lý do ông Thái đã kê khai tài sản, thu nhập không đúng quy định, ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân ông và tổ chức Đảng nơi ông sinh hoạt, công tác.

Cụ thể, trong các năm 2013 - 2018, ông Thái kê khai, giải trình tài sản, thu nhập không đúng quy định. Vợ chồng ông đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng 11 lô đất nhưng chỉ kê khai 2 lô, 9 lô còn lại không kê khai (đến nay vợ chồng ông còn đứng tên 4 lô, 5 lô đã chuyển nhượng).

Ông Thái cũng không kê khai, giải trình số tiền 700 triệu đồng mua ôtô và hơn 124 triệu đồng trong tài khoản cá nhân tại thời điểm kê khai năm 2018; không kê khai, giải trình các khoản thu nhập không thường xuyên như tham gia đề tài nghiên cứu khoa học, dự án, thù lao giảng dạy.

Như vậy, ông Nguyễn Phú Thái đã vi phạm Nghị định 78 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập; Thông tư số 08 của Thanh tra Chính phủ hướng dẫn thi hành các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập; Quy định số 47 của Ban Chấp hành trung ương về những điều đảng viên không được làm.

Trên đây chỉ là điển hình cho nhiều vụ việc được báo chí, dư luận phanh phui về cán bộ “nhiều nhà, nhiều đất, phô trương tài sản khủng” trước đó như: vụ  ông Nguyễn Sỹ Kỷ, Phó Ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk ở tổ dân phố 11, phường Ea Tam (TP Buôn Ma Thuột) chạy xe ôm xây biệt thự; ông Phạm Thanh Hà (Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Kon Tum, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy) biệt phủ xây dựng trên đất nông nghiệp; 2 căn biệt thự hoành tránh, sa hoa của anh em ông Nguyễn Đức Vượng (Bí thư huyện Duy Tiên, Hà Nam) tọa lạc tại khu đô thị Hòa Mạc (thị trấn Hòa Mạc, huyện Duy Tiên); Biệt phủ toàn bằng gỗ của Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Quảng Trị;

Vụ Bí thư Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Bí thư Huyện ủy Sa Pa và gia đình một cán bộ biên phòng tỉnh Lào Cai trúng đấu giá 6 biệt thự có diện tích từ 400 đến hơn 600m2, tọa lạc trên một khu đất rộng khoảng 2.700m2, được quy hoạch ở vị trí đắc địa nằm ở phường Kim Tân (TP Lào Cai).

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn). Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn). Ảnh: quochoi.vn

3. Trong các kỳ họp Quốc hội, nhiều Đại biểu đã lên tiếng về tình trạng nhiều lãnh đạo, cán bộ kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc. Trong đó, Đại biểu Quốc hội còn đề nghị tịch thu tài sản nếu cán bộ không giải trình được nguồn gốc.

Tại phiên Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn) cho rằng: "Người đã được bổ nhiệm, phê chuẩn mà bị kết luận là không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập thì phải từ chức hoặc tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị kỷ luật bằng một trong các hình thức cách chức, giáng chức...".

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) nhấn mạnh về trách nhiệm giải trình tài sản; ông Sơn cho rằng, chủ sở hữu tài sản phải có trách nhiệm chứng minh tài sản đó là hợp pháp, nếu không chứng minh được thì nhà nước có quyền thu hồi. Việc chứng minh tài sản do phạm tội mà có là trách nhiệm chứng minh của cơ quan nhà nước.

Theo Tiến sĩ Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ: Có một thực tế là không ít cán bộ, công chức có khối tài sản lớn, vượt xa so với lương và thu nhập bình thường của một công chức, thậm chí có biệt phủ nhiều chục tỷ, đã có hành vi kê khai thiếu trung thực. Ảnh: TTCP

Theo Tiến sĩ Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ: Có một thực tế là không ít cán bộ, công chức có khối tài sản lớn, vượt xa so với lương và thu nhập bình thường của một công chức, thậm chí có biệt phủ nhiều chục tỷ, đã có hành vi kê khai thiếu trung thực. Ảnh: TTCP

4. Để xác định một lãnh đạo, cán bộ kê khai tài sản không trung thực liệu có dễ? Trong cuộc trả lời phỏng vấn với báo chí, Tiến sĩ Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ nhận định: Việc xác định một cán bộ kê khai tài sản trung thực là điều không dễ dàng, bởi vấn đề tài sản gắn với cá nhân nên nó cũng có tính bảo mật và chúng ta phải tôn trọng quyền của cá nhân.

Ông Minh cho rằng, đối với cán bộ công chức có những biểu hiện không bình thường thì có thể xác định rõ bởi Nhà nước có quyền quản lý đối với toàn xã hội, với bất cứ công dân nào trên cơ sở tôn trọng quyền tự do của họ.

Trong đó, đội ngũ cán bộ công chức, đặc biệt đội ngũ cán bộ đảng viên còn có những quy định nghiêm túc để đảm bảo việc thực hiện kê khai một các trung thực.

Thứ ba, nếu quyết tâm làm chúng ta còn có những cơ chế khác, còn những biện pháp quản lý khác nữa để xác định dấu hiệu kê khai không đầy đủ, không trung thực. Vấn đề là phải quyết tâm làm; bản thân các cơ chế phải đồng bộ, đặc biệt phải xử lý nghiêm minh những trường hợp kê khai không trung thực.

Tiến sĩ Đinh Văn Minh cũng cho rằng có trường hợp giấu được, có trường hợp không giấu được, nên thông tin từ phía xã hội, từ phía người dân, từ các cơ quan báo chí được trân trọng. Tất nhiên cũng phải loại trừ những thông tin độc hại, bịa đặt, như vậy trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trước các loại thông tin phải có một thái độ rõ ràng, cái gì đúng phải xác nhận đúng, cái không đúng thì phải chủ động thông tin, tránh những ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, của cán bộ.

Đại biểu Trần Tất Thế (Hà Nam) đề cập việc kê khai tài sản. Đó là chỉ cơ quan quản lý cán bộ mới được tiếp cận bản kê khai. Theo ông Thế, quy định như vậy không phù hợp vì một cơ quan như vậy phải quản lý bản kê của nhiều người, khó thẩm tra, lại thêm tâm lý cùng cơ quan đơn vị thì dễ bao che cho nhau. Ông Thế đề nghị giao cho cơ quan khác thực hiện việc giám sát này như HĐND cấp huyện, tỉnh.

Quốc Trần

Tin khác

Quận Hoàng Mai lựa chọn được nhà thầu các dự án xây dựng trường học với tổng giá trúng thầu 827 tỷ đồng

Quận Hoàng Mai lựa chọn được nhà thầu các dự án xây dựng trường học với tổng giá trúng thầu 827 tỷ đồng

(CLO) Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã công bố kết quả lựa chọn nhà thầu 5 gói thầu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị của các dự án xây dựng trường học với tổng giá trúng thầu 827 tỷ đồng.

Tin tức
Hà Nội: Xe vận chuyển chất thải phải có camera hành trình, GPS

Hà Nội: Xe vận chuyển chất thải phải có camera hành trình, GPS

(CLO) Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Công điện số 03/CĐ-CT về việc tăng cường bảo đảm vệ sinh môi trường trong công tác thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn Thành phố.

Tin tức
Đến năm 2030, tỷ lệ hòa giải thành trên phạm vi cả nước đạt từ 85% trở lên

Đến năm 2030, tỷ lệ hòa giải thành trên phạm vi cả nước đạt từ 85% trở lên

(CLO) Chính phủ phấn đấu đến hết năm 2030, tỷ lệ hòa giải thành trên phạm vi cả nước đạt từ 85% trở lên. Đối với các xã, phường, thị trấn được chọn làm điểm chỉ đạo của trung ương, tỷ lệ này là trên 90%.

Tin tức
Bổ sung một số loại hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng

Bổ sung một số loại hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng

(CLO) Liên quan đến dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính rà soát đầy đủ các hàng hóa, dịch vụ/nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng; xem xét, bổ sung một số loại hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Tin tức
Chính phủ ban hành quy định về giao đất, cho thuê đất, giao khu vực biển để lấn biển

Chính phủ ban hành quy định về giao đất, cho thuê đất, giao khu vực biển để lấn biển

(CLO) Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 42/2024/NĐ-CP ngày 16/4/2024 quy định về hoạt động lấn biển có hiệu lực từ ngày 16/4/2024. Trong đó, Nghị định quy định rõ về giao đất, cho thuê đất, giao khu vực biển để lấn biển.

Tin tức