Bài 3: Gần dân, sát cơ sở, chủ trương mới “đi vào cuộc sống”

19/09/2022 10:35

(CLO) Sau sáp nhập thôn, công việc của các "cán bộ không chuyên trách" nặng nề hơn nhưng chế độ, phụ cấp thì vẫn giữ nguyên khiến nhiều người băn khoăn. Bởi vậy, một số nơi rất khó tìm ra "cán bộ" thôn tâm huyết để gần dân, sát dân, tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến người dân.

Bài liên quan

Bài 1: Chủ trương đúng đắn nhưng phát sinh bất cập khi “nhập” theo “cơ học”

Bài 2: Địa bàn chia cắt, khó phát huy vai trò lãnh đạo của Chi bộ thôn

Nan giải bài toán chính sách cho "cán bộ" không chuyên trách

Đồng chí Hoàng Văn Huân - Bí thư, Trưởng thôn Pác Lạn, xã Đào Viên, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn chia sẻ, thôn chỉ có vài chục hộ dân, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Hàng tháng, mức phụ cấp vừa là Bí thư, đồng thời là Trưởng thôn, đồng chí Huân nhận được là hơn 2 triệu đồng/tháng. Còn Phó thôn thì không được hưởng phụ cấp, nhưng Phó thôn kiêm công an viên thì được hưởng chưa đầy 1 triệu đồng/tháng. Phó Bí thư, đồng thời là Trưởng ban công tác Mặt trận thôn thì được hơn 1 triệu đồng/tháng.

Mặc dù các đồng chí "chủ chốt" của thôn, xóm ở miền núi rất tâm huyết với công việc chung của thôn, nhưng hiện nay, công việc của các thôn đã tăng lên rất nhiều, ít nhất là chiếm ½ thời gian trong tháng, thậm chí có tháng còn không có thời gian để làm việc gia đình. Từ thực tế này, nhiều cán bộ thôn, bản cảm thấy tâm tư vì mức phụ cấp thấp. Họ đều là những người có uy tín, được bà con thôn xóm tín nhiệm, vì trách nhiệm với thôn nên họ làm, nhưng cũng phải chia sẻ thật, anh em cũng là trụ cột lao động của gia đình, nếu không giúp được gia đình ổn định cuộc sống thì anh em cũng tâm tư”- đồng chí Hoàng Văn Huân chia sẻ.

bai 3 gan dan sat co so chu truong moi di vao cuoc song hinh 1

Trên những con đường dẫn vào các thôn, xóm ở miền núi, nhóm phóng viên di chuyển có lúc hàng cây số nhưng không nhìn thấy một mái nhà.

Ghi nhận ý kiến của những người làm công tác không chuyên trách tại các thôn, xóm trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn thì khi chưa sáp nhập, địa bàn không rộng như hiện nay, mặc dù các khu dân cư trong bản tuy riêng lẻ nhưng Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn khi cần tổ chức họp dân, tuyên truyền vận động sẽ thuận lợi hơn bởi cán bộ thôn sinh sống ở gần các khu dân cư lân cận. Nhưng hiện nay, khoảng cách giữa các khu dân cư xa hơn, việc đi lại để tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách sẽ mất nhiều thời gian hơn, đi lại khó khăn, vất vả hơn, trong khi chế độ, phụ cấp không thay đổi.

bai 3 gan dan sat co so chu truong moi di vao cuoc song hinh 2

Trụ sở Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.

Đơn cử như xóm Minh Khai (tương đương tổ chức thôn), thuộc xã Triệu Nguyên, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng là một ví dụ. Nói về vấn đề này, đồng chí Hoàng Văn Vậy, Bí thư Chi bộ xóm Minh Khai trầm giọng: “Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, mặt bằng chung về trình độ văn hóa, nhận thức của người dân ở đây còn thấp, chưa đồng đều. Những nội dung mình tuyên truyền, vận động theo văn bản từ cấp trên phổ biến xuống, nhiều lúc nhân dân địa phương không hiểu được ý nghĩa của từng câu, từng chữ trong văn bản đó. Mình gần như phải phiên dịch văn bản cho họ. Ở đây có 3 dân tộc Nùng, Mông, Dao là chủ yếu. Mình phải phiên dịch, tuyên truyền văn bản theo cách riêng để họ hiểu. Có khi người dân không đi sinh hoạt thôn thì mình phải đến tận nhà để tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Trong xóm có một số hộ ở những nơi đặc biệt, không có sóng điện thoại, muốn đến nhà thì phải leo đường đá, hết sức khó khăn. Nếu đi buổi tối là rất nguy hiểm. Thế nhưng, đến ban ngày thì người ta đi làm nương rẫy, không có ai ở nhà, phải đến ban đêm thì mới gặp được để trao đổi”.

bai 3 gan dan sat co so chu truong moi di vao cuoc song hinh 3

Đồng chí Hoàng Văn Vậy (áo xanh), Bí thư Chi bộ xóm Minh Khai, xã Triệu Nguyên, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng chia sẻ với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận về những băn khoăn đối với chế độ phụ cấp dành cho "cán bộ" thôn, xóm.

Cũng bởi bất cập trong thực hiện chế độ, chính sách đối với người tham gia hoạt động không chuyên trách tại các thôn, xóm rất thấp nên xảy ra thực tế một số nơi rất khó tìm ra “cán bộ” thôn ở miền núi.

Quy mô tổ chức Đảng và dân số tăng nhưng chế độ phụ cấp cho người không chuyên trách vẫn giữ nguyên như trước đây là không hợp lý. Các cấp có thẩm quyền nên phân loại thôn, xóm theo quy mô dân số, theo đặc thù địa bàn để áp dụng chế độ phụ cấp phù hợp”, Bí thư Chi bộ xóm Minh Khai đề xuất.

bai 3 gan dan sat co so chu truong moi di vao cuoc song hinh 4

Đoạn đường bùn đất trên hành trình nhóm phóng viên Báo Nhà báo & Công luận tác nghiệp tại các tỉnh miền núi, biên giới phía Bắc.

Đồng quan điểm về vấn đề trên, đồng chí Bàn Văn Điểm, Bí thư thôn Dài Khao (xã Thượng Giáo, Ba Bể, Bắc Kạn) giãi bày: “Sau khi 2 Chi bộ thôn sáp nhập vào nhau thì quãng đường xa, phong tục tập quán 2 nơi khác nhau, công tác lãnh đạo cũng gặp khó khăn, đi lại nhiều hơn. Trong khi, phụ cấp của Bí thư Chi bộ thôn và Trưởng thôn chỉ được 1,6 triệu đồng/tháng là rất thấp. Nếu bây giờ tôi phải đi làm thêm cách đây xa để kiếm thêm thu nhập, nhưng khi cần việc, bảo có mặt ngay thì sẽ khó. Trong khi phụ cấp lại rất ít ỏi, nói thật là với mức sinh hoạt như hiện nay thì không đủ chi phí đi lại và cước điện thoại phục vụ cho công việc hàng tháng. Mong rằng, các cấp có thẩm quyền xem xét, nâng mức phụ cấp cho các chức danh không chuyên trách ở thôn, xóm”.

bai 3 gan dan sat co so chu truong moi di vao cuoc song hinh 5

Đồng chí Bàn Văn Điểm, Bí thư thôn Dài Khao (xã Thượng Giáo) thổ lộ, với mức sinh hoạt như hiện nay thì phụ cấp hàng tháng không đủ chi phí đi lại và cước điện thoại phục vụ cho công việc. Mặc dù rất nhiệt huyết và trách nhiệm với công việc của Chi bộ, của thôn, nhưng phụ cấp thấp cũng khiến đồng chí không khỏi băn khoăn.

Bên cạnh đó, Bí thư, Trưởng thôn ở những địa phương vùng cao thường là những người có uy tín nhất định, được bà con, dòng họ tín nhiệm. Việc tìm được người đáp ứng tiêu chí về năng lực, trình độ, uy tín như vậy là một thách thức không nhỏ. Tại các thôn trước khi sáp nhập thì đã có những “cán bộ” thôn phụ trách, nhưng sau khi sáp nhập thì sẽ giảm bớt số người. Vì vậy, theo ghi nhận từ địa phương, bà con mong rằng, cần có chính sách hỗ trợ phù hợp đối với những cá nhân không được tham gia “cán bộ” thôn sau khi sáp nhập. Ở một góc độ nào đó, những người này có vai trò rất quan trọng trong việc góp phần tuyên truyền những chính sách của Đảng, Nhà nước đến đồng bào các dân tộc ở địa phương.

bai 3 gan dan sat co so chu truong moi di vao cuoc song hinh 6

Việc sáp nhập thôn, xóm ở miền núi, vùng sâu, vùng xa cần giải quyết thấu đáo những khó khăn vướng mắc hiện tại, để chính sách thực sự đi vào cuộc sống.

Chủ trương phải gắn với thực tiễn thì mới phát huy hiệu quả

Chia sẻ với phóng viên, đồng chí Dương Mạc Hào, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Triệu Nguyên, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng cho biết: “Trên đường các phóng viên vào đây đã thấy, địa bàn xã toàn đồi núi. Có khi đứng bên ngọn đồi này nhìn thấy người ở ngọn đồi kia, thế nhưng sang thăm nhau thì phải đi bộ cả buổi mới tới nơi. Bởi vì, phải di chuyển từ trên đồi xuống dưới khe sâu, sau đó mới tìm đường sang bên kia được. Ở đây nhiều rừng nguyên sinh, cây cối um tùm, đi lại rất khó khăn”.

bai 3 gan dan sat co so chu truong moi di vao cuoc song hinh 7

Theo đồng chí Dương Mạc Hào, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Triệu Nguyên: "Chủ trương phải gắn liền với thực tiễn, được nhân dân đồng thuận thì mới phát huy hiệu quả".

Phó Bí thư thường trực xã Triệu Nguyên bày tỏ băn khoăn: “Việc sáp nhập thôn, xóm, tổ dân phố sẽ tiếp tục được triển khai giai đoạn tiếp theo trên toàn tỉnh. Tuy nhiên, ở các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa sẽ gặp phải những khó khăn, bất cập tương tự. Đây là những vấn đề xuất phát từ thực tiễn, đòi hỏi các cấp, các ngành sớm vào cuộc, lắng nghe ý kiến từ cơ sở, nắm rõ những vướng mắc, để có hướng giải quyết phù hợp, giúp các địa phương ổn định và phát triển. Tôi nghĩ rằng, bất kỳ chủ trương nào cũng phải gắn với thực tiễn, nhận được sự đồng thuận của nhân dân thì mới phát huy hiệu quả”.

Về vấn đề này, ghi nhận của nhóm phóng viên tại nhiều xã khác của các tỉnh miền núi phía Bắc cũng cho thấy khó khăn tương tự khi sáp nhập thôn, xóm ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa.

bai 3 gan dan sat co so chu truong moi di vao cuoc song hinh 8

Đồng chí Nguyễn Văn Côi, Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Bắc Kạn cho rằng, việc sáp nhập thôn ở miền núi cần căn cứ vào điều kiện cụ thể, không nên làm theo “cơ học”.

Đồng chí Nguyễn Văn Côi, Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Bắc Kạn cho biết: Bắc Kạn là một tỉnh miền núi cao, địa hình bị chi phối bởi những dãy núi vòng cung xen lẫn với thung lũng. Đối với sáp nhập thôn, bản, khó khăn lớn nhất ở địa bàn miền núi là diện tích rất rộng, số đảng viên vừa phải hoặc ít, dân cư ở thưa thớt, cho nên việc tổ chức sinh hoạt chi bộ gặp khó khăn. Người ở đầu thôn, cuối thôn, đi lại sinh hoạt rất vất vả.

Theo Phó trưởng ban Tổ chức tỉnh ủy Bắc Kạn thì chủ trương “đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” là chủ trương đúng đắn, tuy nhiên, có một số vấn đề phát sinh từ thực tiễn cần điều chỉnh cho phù hợp. Việc sáp nhập thôn ở miền núi phải căn cứ vào điều kiện cụ thể, không nên làm theo “cơ học”.

bai 3 gan dan sat co so chu truong moi di vao cuoc song hinh 9

Một nếp nhà lấp ló bên sườn núi mà nhóm phóng viên quan sát được trên hành trình chuyến công tác tại vùng sâu, vùng xa.

Theo quy định của pháp luật thì thôn, xóm, tổ dân phố không phải là cấp hành chính mà là một tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư nhưng có vai trò quan trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nơi chứa đựng và giải quyết các mối quan hệ xã hội, cũng là nơi các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được thực thi trong thực tế.

Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng chỉ rõ "vừa làm vừa rút kinh nghiệm, từng bước hoàn thiện, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội”. Những mâu thuẫn, bất cập từ nội bộ nhân dân trong quá trình tiến hành sáp nhập, nếu không được kịp thời khắc phục sẽ tiềm ẩn nguy cơ đối với an ninh trật tự của các địa phương, vì vậy cần được làm từng bước, có lộ trình và quy định phù hợp với từng nơi.

bai 3 gan dan sat co so chu truong moi di vao cuoc song hinh 10

Những ngọn núi cao ngút tầm mắt, nhìn từ trụ sở UBND xã Đức Long, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng.

Như vậy, những vấn đề bất cập mà nhóm phóng viên Báo Nhà báo và Công luận đã đi ghi nhận từ cơ sở, thực tiễn ở các tỉnh miền núi, biên giới phía Bắc cho thấy để thực hiện sáp nhập thôn, xóm ở miền núi, vùng sâu, vùng xa thì cần giải quyết thấu đáo những khó khăn vướng mắc hiện tại, để nhận được sự đồng thuận của nhân dân, từ đó giúp chính sách đi sâu vào thực tiễn, phát huy hiệu quả, sát với “hơi thở cuộc sống”.

Nhóm phóng viên Nội chính

Bài 4: Thực tiễn sáp nhập "phong phú", cần đánh giá lại toàn diện, đưa giải pháp linh hoạt

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bài 3: Gần dân, sát cơ sở, chủ trương mới “đi vào cuộc sống”
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO