Kinh tế báo chí nhìn từ Đại dịch Covid -19:

Bài 4: Chính sách nào cho "mũi tiên phong"?

Thứ năm, 09/04/2020 14:02 PM - 0 Trả lời

(CLO) Cơn bĩ cực của báo chí âm ỉ bấy lâu, bị dồn đẩy bởi đại dịch Covid-19 đã là một thực tế. Đau đáu hiện tại là việc gỡ khó cho báo chí. Báo chí cần nỗ lực tự thân hay cần sự thay đổi trong chính sách cho báo chí? Congluan.vn trò chuyện với một số TBT, PV về những trăn trở này.

Giải được bài toán khó khăn của báo chí hiện là điều không hề dễ dàng. (Ảnh: TTXVN)

Giải được bài toán khó khăn của báo chí hiện là điều không hề dễ dàng. (Ảnh: TTXVN)

Bài liên quan

Nhà báo Lê Xuân Sơn – Tổng Biên tập báo Tiền Phong: "Mong Bộ Thông tin & Truyền thông nhanh chóng triển khai các gói hỗ trợ như đã dự kiến"

Nhà báo Lê Xuân Sơn – Tổng biên tập báo Tiền Phong

Nhà báo Lê Xuân Sơn – Tổng biên tập báo Tiền Phong

Bình thường thì để đảm bảo cân đối thu chi, duy trì một mức thu nhập trung bình so với mặt bằng xã hội đối với một tờ báo chính trị-xã hội như Tiền Phong đã là một nhiệm vụ đau đầu. Bởi nhiệm vụ tuyên truyền được đặt ở vị trí hàng đầu, mà việc thực hiện nhiệm vụ này thường không đồng hành với việc tăng hiệu quả kinh tế báo chí.

Đại dịch COVID-19 sẽ là một thử thách cực lớn đối với báo chí trong đó có Tiền Phong vì sức khoẻ của kinh tế báo chí phụ thuộc vào sức khoẻ của nền kinh tế, vào sức khoẻ của doanh nghiệp mà các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng như thế nào trong dịch bệnh này chúng ta đã thấy. Nguồn thu của chúng tôi đang sút giảm thấy rõ. Phát hành sút giảm vì nhiều cơ quan, đơn vị, trường học không làm việc. Về quảng cáo, truyền thông thì do không có hoạt động hoặc giảm thiểu hoạt động, các doanh nghiệp, các nhà quảng cáo cũng đang cắt giảm ngày càng nhiều hơn. Một số nhà quảng cáo đã đề nghị giảm hợp đồng còn 25% so với thường khi.

Tuy nhiên, hậu quả đối với kinh tế báo chí nặng nề đến đâu chắc chúng ta còn phải đợi một vài tháng nữa khi nền kinh tế và các doanh nghiệp thật ngấm những tác động của dịch, đặc biệt trong trường hợp dịch kéo dài. Tai hoạ này đến khi báo chúng tôi lại đang thực hiện việc nhận một cơ quan báo chí khác sáp nhập vào. Tình hình thực sự khó khăn. Chúng tôi vẫn đang tích cực làm việc. Các phóng viên của chúng tôi, thậm chí còn làm việc nhiều hơn so với trước khi có dịch, nhất là trong điều kiện cách ly toàn xã hội. Nhưng chúng tôi thực sự cần sự hỗ trợ của nhà nước trong tình huống này. Như các Tổng biên tập khác đã nói, Đảng, Nhà nước nên có các chương trình hỗ trợ về kinh phí đối với các cơ quan truyền thông của mình. Có thể có một khoản kinh phí đáng kể cho việc thông tin, tuyên truyền phòng chống COVID- 19. Mong Bộ TT&TT nhanh chóng triển khai các gói hỗ trợ như đã dự kiến.

Nhà báo Lưu Quang Định – Tổng Biên tập báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt: "Báo chí vẫn cần những lối đi, cần có những cơ chế thoáng hơn nữa"

Nhà báo Lưu Quang Định – Tổng biên tập báo Nông thôn Ngày Nay/Dân Việt

Nhà báo Lưu Quang Định – Tổng biên tập báo Nông thôn Ngày Nay/Dân Việt

Hội Nhà báo Việt Nam đã có những kiến nghị dưới góc độ chính sách, tôi nhất trí với điều đó. Những gì khó khăn thì chúng ta đã nói, tôi cho rằng, trong lúc này phải tìm một hướng đi mới.

Tôi lấy ví dụ như có lần Thủ tướng nói về câu chuyện vay ngân hàng chính sách xã hội với lãi suất ưu đãi như các doanh nghiệp làm các dự án mới. Tôi đề nghị là nếu có những dự án gì mới khả thi thì báo chí cũng được vay tiền để phát triển những dự án mới theo diện này. Với báo Nông thôn Ngày nay chẳng hạn, chúng tôi đang tiếp tục tăng cường kết nối với nông dân nông nghiệp nông thôn thực hiện các ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối tiêu thụ nông sản mà những cái đó thì rất đắt tiền. Ngoài ra, điều cần của các cơ quan báo chí lúc này là được cơ quan chủ quản, Bộ Thông tin & Truyền thông, Chính phủ xem xét hỗ trợ về quy định, cơ chế để các cơ quan báo chí được phép tăng cường làm những việc ngoài mặt báo, theo tôn chỉ mục đích của mình, như chúng tôi là hỗ trợ nông dân... Báo chí vẫn cần những lối đi, cần có những cơ chế thoáng hơn nữa, bởi nhiều khi thực hiện lại vướng cái này cái khác, điều này cũng sẽ khiến các cơ quan báo chí khó khăn hơn trong việc triển khai. 

Ngay cả câu chuyện đặt hàng báo chí, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông cũng đã nói rất nhiều trong hai năm qua mà đến nay chẳng thấy gì cả, vẫn chưa có được một cơ chế cụ thể nào đối với chuyện đặt hàng với báo chí trong công tác thông tin. Báo chí thực hiện nhiệm vụ chính trị, phục vụ mục đích chung và mong muốn có được cơ chế đặt hàng từ Bộ, từ Chính phủ theo tinh thần và chủ trương đã đưa ra từ lâu.

Điều tôi trăn trở thêm nữa là câu chuyện “luật chơi chưa sòng phẳng” giữa báo chí với các nhà mạng viễn thông. Tôi nói cụ thể như này, nếu công chúng truy cập đọc báo thì nhà mạng lại trực tiếp hưởng lợi trong khi báo chí thì không. Các đơn vị viễn thông sử dụng nội dung của báo chí nhưng lại không chia sẻ với báo chí về lợi nhuận. Như báo Dân Việt của chúng tôi, khi công chúng truy cập đọc báo, công chúng phải trả tiền nhà mạng chứ chúng tôi không được gì. Tôi thấy Bộ Thông  tin & Truyền thông nên có kiến nghị sửa đổi quy định trong vấn đề này, các đơn vị viễn thông có nguồn lực tài chính dồi dào, với tệp khách hàng “khủng” với nền tảng cung cấp dịch vụ hội tụ đã đến lúc cần nhận lấy vai trò là nhà đầu tư cho báo chí, truyền thông để đảm bảo cho những nội dung có chất lượng được sản xuất và lan tỏa. Các nhà mạng Viễn thông giờ đây là những “ông lớn” duy nhất đủ nguồn lực làm việc này, và cần coi đây là hướng đi đúng, là trách nhiệm xã hội của mình.

Nhà báo, TS. Nguyễn Anh Tuấn – Tổng biên tập Tạp chí Nhà Đầu tư: "Báo chí ít nhất cũng phải được hỗ trợ như doanh nghiệp"

Nhà báo, TS. Nguyễn Anh Tuấn – Tổng biên tập Tạp chí Nhà Đầu tư

Nhà báo, TS. Nguyễn Anh Tuấn – Tổng biên tập Tạp chí Nhà Đầu tư

Tôi thấy rằng, kinh tế báo chí từ trước tới nay đều rất khó khăn, đại dịch Covid-19 đúng như "giọt nước tràn ly", đặc biệt là báo in. Thế nên trong cơn bĩ cực này, báo chí ít nhất cũng phải được hưởng hỗ trợ của Chính phủ như doanh nghiệp khó khăn. Tôi nói thế là vì mặc dù báo chí là một đơn vị sự nghiệp có thu nhưng bản chất về kinh tế thì cơ quan báo chí hạch toán như một doanh nghiệp. Tức là báo chí phải đóng tất cả các loại thuế, bao gồm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân. Doanh nghiệp đóng thuế như thế nào thì báo chí cũng phải đóng như thế có khác gì đâu.

Vì sao lại nói “ít nhất” bởi khác với doanh nghiệp thuần túy, sản phẩm của báo chí là thông tin, một loại hàng hóa đặc biệt. Báo chí có chức năng là công cụ tuyên truyền, tiếng nói của báo chí là vô cùng quan trọng trong đời sống xã hội, giúp cho người dân thực hiện đúng những chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Thêm nữa, từ trước đến nay báo chí rất gần với doanh nghiệp, phản ánh rất sát tình hình của doanh nghiệp, phản biện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để làm sao sự hỗ trợ đó đến đúng địa điểm, đảm bảo kích thích phát triển nền kinh tế. Giải bài toán khó khăn trước mắt trong đại dịch này, tôi nghĩ là nên phân loại báo chí, đánh giá mức độ khó khăn của báo chí từ đó có hỗ trợ sát thực tiễn nhất, như cách mà chúng ta đang làm với doanh nghiệp. Mà cụ thể, ít nhất là với các cơ quan báo chí hoàn toàn tự trang trải về tài chính thì cần được xem xét như doanh nghiệp và nằm trong đối tượng điều chỉnh của Dự thảo Nghị định mà Bộ Tài chính đang chủ trì hoàn thiện theo Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

Nhà báo Lê Trọng Minh – Tổng Biên tập báo Đầu tư: "Cho phép báo chí dùng quỹ của chính mình để tự cân đối"

Nhà báo Lê Trọng Minh – báo Đầu tư

Nhà báo Lê Trọng Minh – báo Đầu tư

Trong bối cảnh hiện nay, khi cả nước đang cùng ưu tiên tập trung các nguồn lực để đẩy lùi dịch Covid-19, đảm bảo an sinh xã hội và chặn đà suy giảm sản xuất kinh doanh, việc phân bổ nguồn ngân sách hạn hẹp quý báu từ chương trình hỗ trợ của Chính phủ để hỗ trợ các cơ quan báo chí là khó có thể và cũng không nên. Mặc dù vậy, Chính phủ vẫn có thể hỗ trợ các cơ quan báo chí khắc phục khó khăn bằng việc tạm thời cho phép điều tiết Quỹ phát triển sự nghiệp của chính cơ quan báo chí để trả lương, nhuận bút. Quỹ này hàng năm vẫn được bổ sung từ chính phần chênh lệch thu chi của cơ quan báo chí (nếu có), nghĩa là từ nguồn do chính mình tự làm ra và có thể hiểu nôm na là “dùng tiền trong chính túi mình”. Vì vậy, việc bổ sung quy định tạm thời, chẳng hạn chỉ trong năm 2020 hoặc nếu tốt hơn nữa là đến tháng 6/2021, cho phép cơ quan báo chí được dùng nguồn Quỹ phát triển sự nghiệp để bù đắp thu nhập cho cán bộ nhân viên bên cạnh những khoản chi hợp lý, hợp lệ khác từ quỹ này theo quy định hiện hành sẽ không làm ảnh hưởng gì đến các nguồn lực của nhà nước. Như vậy cơ quan báo chí sẽ có thêm nguồn bù đắp hết sức quý báu để bình ổn thu nhập vào thời điểm khó khăn này và cũng là để động viên CBNV yên tâm làm việc, tiếp tục gắn bó, cống hiến lâu dài.

Nhà báo Nam Sơn – báo Thanh Niên: "Chúng tôi mong mỏi kiến nghị về hỗ trợ chính đáng sẽ được xem xét, sớm được chấp thuận"

Các phóng viên y tế và những người làm công tác thông tin về phòng chống dịch Covid-19 (Bộ Y tế) trong chuyến công tác về Huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc), nơi từng có số BN mắc Covid-19 cao trong cả nước (Ảnh: Nam Sơn)

Các phóng viên y tế và những người làm công tác thông tin về phòng chống dịch Covid-19 (Bộ Y tế) trong chuyến công tác về Huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc), nơi từng có số BN mắc Covid-19 cao trong cả nước (Ảnh: Nam Sơn)

Là phóng viên y tế, hầu như ai cũng cảm thấy may mắn vì công việc cho phép họ được tiếp nhận các kiến thức về chăm sóc sức khỏe từ những chuyên gia y tế giỏi. Chúng tôi cảm nhận được những mối nguy luôn cận kề với nhân viên y tế. Đó là nguy cơ nhiễm chéo khi tiếp xúc, khi điều trị ca bệnh. Đặc biệt với bác sĩ làm về truyền nhiễm, cán bộ chống dịch thì nguy cơ bị nhiễm bệnh càng cao hơn. Nhưng cũng nhờ được các thầy thuốc, nhân viên, y tế chấp nhận để các  phóng viên tham gia, đồng hành trong một phần của công việc, dù vậy, trong không ít những tình huống người làm báo cũng có thể phải đối mặt với nguy cơ bị lây nhiễm chéo. Không như nhân viên y tế chống dịch là những người có chuyên môn, có phương tiện phòng hộ và đặc biệt là kiến thức phòng ngừa lây nhiễm, các phóng viên y tế hầu như chỉ có thể dự phòng theo cách được hướng dẫn thực hành tại chỗ. Trong nhiều tình huống, họ gần như không thể có đầy đủ các phương tiện phòng hộ như nhân viên y tế nếu như cùng tiếp cận một sự việc trong quá trình ghi nhận sự việc.

Mới đây nhất, các đồng nghiệp của chúng tôi khi tác nghiệp tại ổ dịch Covid-19 tại Bệnh viện Bạch Mai hay khi tác nghiệp nơi có những điểm xét nghiệm lưu động sàng lọc Covid-19 trong cộng đồng, phương tiện bảo hộ của họ chủ yếu là đeo 2 chiếc khẩu trang ghép vào nhau với hy vọng tránh các giọi bắn, tránh nguy cơ nhiễm virus gây dịch Covid-19.

Trong công tác chống dịch, các nhà báo cùng thức, cùng dõi theo, cùng ghi nhận, cùng đồng hành với y bác sĩ, nhân viên chống dịch nhưng chính họ vẫn chưa được nhìn nhận, đánh giá đúng về vai trò của mình. Về cơ bản, họ vẫn chỉ được coi là những người đưa tin, chứ chưa thực sự được nhìn nhận đang là một thành viên trong đội ngũ chống dịch.

Đáng lưu ý, trong khi các cán bộ chống dịch có hỗ trợ thêm kinh phí, dù không nhiều, dù chưa thể thật xứng đáng với những khó khăn họ phải đối mặt, thì những nhà báo chống dịch đang có nguy cơ bị cắt giảm nhuận bút, thu nhập do cơ quan giảm nguồn thu. Việc giảm thu nhập với các phóng viên cũng không khó hiểu, bởi, khi  dịch bệnh, báo in giảm số lượng phát hành, tòa soạn giảm các nguồn thu từ quảng cáo thì việc phải giảm mức chi lương, thưởng cho phóng viên là hoàn toàn dễ hiểu. Mỗi người làm báo trong vụ dịch này đều nhìn thấy sự thật đó, sẵn sàng chấp nhận và chia sẻ khó khăn chung với cơ quan. Vì với họ, nếu có khó khăn cũng là do mỗi người đã lựa chọn, do đặc thù nghề nghiệp mà họ mong muốn gắn bó.

Tuy nhiên, về phía chính sách chung, các cơ quan báo chí cần nhận được sự hỗ trợ để vượt qua khó khăn. Khi các doanh nghiệp được nhà nước có các chính sách hỗ trợ về lãi suất, giãn nợ…thì các cơ quan báo chí cũng không thể ngoại lệ. Như chúng tôi được biết, Hội Nhà báo Việt Nam đã kiến nghị Thủ tướng xem xét hỗ trợ một số nội dung: cho phép các cơ quan báo chí được gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân năm 2020…; Cho phép các cơ quan báo chí được sử dụng Quỹ phát triển sự nghiệp, được sử dụng một phần kinh phí từ quỹ này để chi cho một số hoạt động phục vụ công tác bảo vệ, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh trong cơ quan, như mua sắm vật tư, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ công tác phòng chống dịch của cơ quan và phóng viên tác nghiệp tại hiện trường... Chúng tôi mong mỏi và tin tưởng, kiến nghị về hỗ trợ chính đáng đó sẽ được xem xét, sớm được chấp thuận.

Nhà báo Hồ  Thủy Tiên – Báo Kinh tế & Đô thị: "Công việc gấp nhiều lần so với trước nhưng vẫn phải chấp nhận nhuận bút giảm 15%"

Nhà báo Hồ Thủy Tiên – Báo Kinh tế & Đô thị

Nhà báo Hồ Thủy Tiên – Báo Kinh tế & Đô thị

Trong khi thực hiện giãn cách xã hội, ngoài lực lượng chức năng làm nhiệm vụ phòng chống dịch thì còn có cả phóng viên tác nghiệp thực tế ở ngoài đường. Ở đâu có thông tin về tình hình dịch bệnh từ các cuộc họp Ban chỉ đạo chống dịch Trung ương, thành phố Hà Nội, đến địa phương; rồi thông tin ở các bệnh viện đang điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19, hay ở những khu cách ly tập trung... thì phóng viên đều có mặt.

Trong mọi cuộc họp, báo chí luôn được nhắc đến với vai trò cực kỳ quan trọng của công tác tuyên truyền. Báo chí là kênh thông tin chính thống để người dân nắm bắt thông tin mới nhất về tình hình dịch bệnh cũng như các quy định, biện pháp phòng chống dịch. Là một phóng viên nội chính, tôi được phân công theo dõi thường trực các thông tin từ ban chỉ đạo chống dịch của thành phố Hà Nội. Cùng với các thành viên trong ban chỉ đạo, nhóm phóng viên theo dõi chúng tôi cũng bám sát 1 tuần ít nhất 3 cuộc họp, chưa kể có những cuộc họp khẩn diễn ra lúc 23 giờ đêm và kết thúc vào lúc gần 1 giờ sáng, có những cuộc họp đột xuất được thông báo trước 30 phút bắt đầu cuộc họp... Dù có vất vả, nhưng tất cả phóng viên chúng tôi đều mong muốn truyền tải thông tin chính thống, kịp thời và trung thực nhất tới xã hội. Bởi chúng tôi xác định, trong cuộc chiến đấu trường kỳ này, phóng viên là chiến sỹ tuyến đầu để chống nạn tin giả. Thậm chí, còn rất nhiều phóng viên vất vả hơn phóng viên nội chính như tôi khi phải vào ghi nhận, phản ánh những ổ dịch, khu điều trị, khu cách ly - những nơi tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao. Sau khi làm xong, họ cũng phải tự cách ly 14 ngày để đảm bảo an toàn cho chính gia đình của họ. Thậm chí, do mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, văn hoá nghệ thuật đều ngừng nên phóng viên mảng văn hoá, thể thao, đô thị đều rơi vào cảnh bơ vơ, "thất nghiệp".

Dịch bệnh đã tác động tiêu cực đến tất cả các ngành nghề lĩnh vực cũng như các đối tượng trong xã hội, trong đó có nhà báo. Trong bối cảnh khó khăn chung, mặc dù công việc gấp nhiều lần so với trước nhưng chúng tôi vẫn phải chấp nhận nhuận bút giảm 15%. Chúng tôi buộc phải chấp nhận vì không còn cách nào khác. Dù rất tâm huyết với nghề và luôn có ý thức trách nhiệm cần phải thông tin đến bạn đọc, nhưng việc bị cắt giảm nhuận bút cũng khiến chúng tôi không khỏi nhiều tâm tư. Khi được biết Hội Nhà báo Việt Nam có công văn gửi Thủ tướng để kiến nghị có chính sách hỗ trợ báo chí trong thời dịch Covid-19, anh em báo chí chúng tôi đều rất phấn khởi và mong đợi kiến nghị này sẽ được đưa vào nội dung xem xét. Nếu được, đây là một nguồn động viên vô cùng lớn đối với chúng tôi, những người làm báo.

Nhà báo Phùng Thị Hồng Hạnh-  Báo Đầu tư: "Lẽ ra nhà báo phải luôn là đối tượng trong nhóm được ưu tiên bảo vệ"

Phùng Thị Hồng Hạnh, biên tập viên/ phóng viên báo Đầu tư

Phùng Thị Hồng Hạnh, biên tập viên/ phóng viên báo Đầu tư

Gần chục năm làm nghề, chưa bao giờ tôi chứng kiến người làm báo lâm vào cảnh khốn đốn như lúc này. Những người làm báo chân chính thực sự rất tâm tư, bởi tài sản duy nhất của chúng tôi chính là thông tin, nhưng thời điểm này, thông tin bị thu hẹp, thậm chí có lúc cạn kiệt. Vì dường như, đề tài nào không liên quan đến Covid-19 đều là khiên cưỡng nếu được đăng tải và việc tác nghiệp ngày càng khó khăn gấp bội. Điều đó đồng nghĩa, “bát cơm” của phóng viên đang vơi dần. 

Báo chí chính thống không bao giờ cạnh tranh với mạng xã hội bằng tốc độ truyền tin mà chỉ có thể cạnh tranh bằng những bài viết tốt với những phân tích/bình luận sắc sảo và thông minh. Muốn thế, chúng tôi phải có nguồn thông tin đa chiều sau đó mới vận dụng kỹ năng để tạo nên những tác phẩm, những câu chuyện hữu ích và thú vị cho bạn đọc. Và hơn bao giờ hết, lúc này, muốn có thông tin tốt, cánh phóng viên phải bền bỉ, nhọc nhằn tạo dựng bằng tất cả đức liêm chính, sự quả cảm, lòng trung thực và tính chuyên nghiệp của mình. Chính vì thế, khi buộc phải “chôn chân” ở nhà tác nghiệp cả tháng nay, lượng tin bài của cá nhân tôi đã giảm một nửa so với trước đây. Tất nhiên, thu nhập của tôi cũng sẽ giảm theo lượng tin, bài.

Báo Đầu tư, nơi tôi làm việc chưa hề cắt giảm lương, thưởng hay nhuận bút của phóng viên. Nhưng chuyện cắt giảm các khoản lương, thưởng, nhuận bút, tôi nghĩ sớm muộn gì cũng xảy đến. Rất nhiều đồng nghiệp của tôi đã phải chân trong chân ngoài, vừa là phóng viên, vừa bán hàng online, quản trị fanpage, dịch thuật,…để có thêm thu nhập. Nói một cách hình tượng (tuy có hơi khiên cưỡng), nếu cơ quan báo chí là một cơ thể thì Ban Biên tập chính là bộ não, tòa soạn chính là phủ tạng và bộ phận phát hành, quảng cáo chính là chân tay của cơ thể đó. Khi dịch bệnh tràn vào cơ thể ấy, nếu không được tăng sức đề kháng, nó sẽ nhanh chóng suy yếu và đến một lúc nào đó sẽ thua con virus quái ác.

Thế nên, cũng như gia đình tôi phải rút khoản tiền nhiều năm tích cóp để trang trải trong lúc này, tôi mong muốn sớm có cơ chế cho các Tổng biên tập được sử dụng Quỹ phát triển sự nghiệp của báo để cứu báo, cứu chúng tôi. Như Tổng biên tập báo Đầu tư Lê Trọng Minh từng chia sẻ: “Không có cơ quan báo chí nào dự trữ quá nhiều “lương khô”... Một phần trong khoản thu nhập chung của toàn soạn hàng năm đều được trích vào Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp theo quy định nhưng không được sử dụng vào mục đích trả lương, trả nhuận bút nên khó lại càng khó”. Tôi nghĩ, nếu bây giờ không được dùng Quỹ đó thì đến lúc nào mới dùng? Có khi nào cơ quan khốn khó như lúc này?  Khi các Tổng biên tập bị dày vò, nhiều đêm thức trắng vẫn không có cách nào kiếm tiền cứu nhân viên thì chẳng phải đó là nguồn “lương khô” cứu chúng tôi hay sao? Dẫu được kích hoạt Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để cứu cơ quan thì tôi nghĩ, về lâu dài, “lương khô” rồi cũng sẽ phải ăn hết.

Thế nên, nếu dịch bệnh dai dẳng, tôi ước Chính phủ sẽ cấp “máy thở” cho báo. Máy thở ở đây chính là cơ chế, chính sách để các cơ quan báo chí có được khoản tiền bù đắp một phần thu nhập cho cán bộ, nhân viên, trong bối cảnh sụt giảm doanh thu nghiêm trọng, thậm chí lỗ nặng giai đoạn này. Nếu không, các Tòa soạn sẽ phải cắt giảm và cắt giảm. Hết cắt giảm lương, thưởng, nhuận bút, cạn nguồn “lương khô” sẽ đến cho nhân viên nghỉ việc. Vì đâu có sự lựa chọn nào khác trước câu hỏi “tồn tại hay biến mất”? Và tôi không phải ngoại lệ trong công cuộc cắt giảm đó, nên không tâm tư sao được. Nhưng nếu đến nước đó thì chắc chắc sẽ kéo theo hệ lụy khó lường đối với nền báo chí nước nhà. Các nhà báo, các cơ quan báo chí thiết nghĩ phải luôn là đối tượng trong nhóm được ưu tiên bảo vệ, vì trong “mũi tên, đạn lửa” nào không có báo chí, phóng viên lao vào, dấn thân, thậm chí hy sinh. Chúng tôi đang phải chật vật nuôi nhau trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Hà Vân (ghi)

Bài 5: "Kịp thời tiếp thêm nguồn lực để báo chí hoàn thành tốt nhiệm vụ"

Tin khác

TP.HCM bồi dưỡng kỹ năng cho người phát ngôn sở ban ngành, quận huyện và TP Thủ Đức

TP.HCM bồi dưỡng kỹ năng cho người phát ngôn sở ban ngành, quận huyện và TP Thủ Đức

(CLO) Ngày 18/3, Trung tâm Báo chí TP.HCM khai giảng lớp bồi dưỡng người phát ngôn sở ban ngành, quận huyện và TP Thủ Đức từ ngày 18 đến 25/3. Tham gia tập huấn có 300 học viên là cán bộ các sở ngành, UBND quận huyện, phường xã.

Nghề báo
Sớm xây dựng liên minh bảo vệ bản quyền giữa các cơ quan báo chí và cơ quan bảo vệ pháp luật

Sớm xây dựng liên minh bảo vệ bản quyền giữa các cơ quan báo chí và cơ quan bảo vệ pháp luật

(CLO) Chiều 16/3, trong khuôn khổ Diễn đàn Báo chí Việt Nam 2024, phiên thảo luận với chủ đề "Bảo vệ bản quyền báo chí trong kỷ nguyên số" đã được diễn ra.

Nghề báo
Lễ hiến tặng hiện vật và trưng bày chuyên đề Báo chí Cách mạng Việt Nam 1925 - 2024

Lễ hiến tặng hiện vật và trưng bày chuyên đề Báo chí Cách mạng Việt Nam 1925 - 2024

(CLO) Trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2024, sáng 16/3 đã diễn ra buổi lễ hiến tặng hiện vật và trưng bày Chuyên đề Báo chí Cách mạng Việt Nam 1925 - 2024: 99 chuyện nghề.

Nghề báo
Đa dạng nguồn thu báo chí: Cơ hội chỉ đến với những bộ óc đã chuẩn bị, các cơ quan sẵn sàng tìm lối đi

Đa dạng nguồn thu báo chí: Cơ hội chỉ đến với những bộ óc đã chuẩn bị, các cơ quan sẵn sàng tìm lối đi

(CLO) Nhận định chưa bao giờ nguồn thu bị tác động mạnh như bây giờ, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng "cơ hội chỉ đến với các bộ óc đã chuẩn bị, các cơ quan đã sẵn sàng và tự tìm đường, lối ra".

Nghề báo
Làm thế nào để có phóng sự điều tra hấp dẫn bạn đọc, tạo sức lan tỏa, làm điều có ích?

Làm thế nào để có phóng sự điều tra hấp dẫn bạn đọc, tạo sức lan tỏa, làm điều có ích?

(CLO) Tiếp tục nội dung trong khuôn khổ Diễn đàn Báo chí Toàn quốc 2024, sáng 16/3, phiên thảo luận về “Phóng sự, phóng sự điều tra và hành trình làm điều có ích” đã được diễn ra.

Nghề báo