Bài 4: Phụ huynh mất niềm tin, chưa an tâm về chất lượng các hình thức học liên kết

10/10/2024 08:30

(CLO) Trái ngược với những bày tỏ thiếu thiện chí của nhiều phụ huynh với các hình thức học liên kết trong nhà trường thì người trong ngành giáo dục lại đề cao hình thức học này.

Chi phí học tập ngày càng đắt đỏ, chi tiêu cho giáo dục của phụ huynh cho con em mình ngày càng lớn. Điều đáng bàn, hiện nay chi phí để học những môn học ngoài chương trình ngày càng nhiều khi chủ trương cho phép học tập ngoài chương trình ngày càng trở nên đa dạng, phong phú. Điều đó khiến cho mức chi tiêu giáo dục ngày càng nhiều khiến gánh nặng giáo dục ngày thêm nặng nề đối với phụ huynh học sinh.

Phụ huynh chưa có niềm tin về chương trình liên kết

Các khóa học liên kết trong trường công ngày càng đắt đỏ đồng thời đã trở thành xu thế phổ biến tại các thành phố và một số địa phương như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh Nghệ An... 

Bài liên quan

Bài 1: Tiếng Anh liên kết tại Hà Nội tiêu tốn bao nhiêu tiền của phụ huynh?

Bài 2: Mức chi tiêu khủng của phụ huynh học sinh cho liên kết dạy tiếng Anh tại TP Hồ Chí Minh

Bài 3: Chi phí đắt đỏ từ các chương trình dạy toán, khoa học bằng tiếng Anh

Tuy nhiên, bàn về dạy liên kết ngoại ngữ cũng như nhiều chương trình liên kết hiện nay, nhiều phụ huynh thể hiện mất niềm tin vào thực tế dạy và học. Theo chị Kim Chung ở quận Hà Đông, Hà Nội, con chị trước cũng học liên kết ngoại ngữ nhưng thấy không hiệu quả nên đã dừng đăng ký theo học. Có nhiều lớp học, vì chất lượng không đảm bảo, sau khi học một thời gian đã có 26/42 phụ huynh đã từ chối cho con theo học chương trình.

Trên nhiều diễn đàn bàn về chủ đề liên kết ngoại ngữ, nhiều bạn đọc đã chia sẻ về chất lượng các chương trình mà con họ đang theo học. Theo đó, có phụ huynh cho rằng, thời khóa biểu cả tuần ngày nào cũng có tiết tiếng Anh, có hôm còn 2 tiết (chưa kể rất nhiều bạn còn đi học thêm nữa) nhưng khả năng tiếng Anh của các bạn vẫn kém chứng tỏ dạy không hiệu quả. Một tuần có một tiết giáo viên nước ngoài nhưng không chú trọng vào dạy giao tiếp.

bai 4 phu huynh mat niem tin chua an tam ve chat luong cac hinh thuc hoc lien ket hinh 1

Hiện nay, việc dạy liên kết trong nhà trường đang có xu hướng mở rộng và tăng cường nhiều chương trình liên kết khác nhau (ảnh minh họa, Quang Hùng).

“Dạy học có 35 phút/1 tiết nhưng gần nửa tiết là viết vở. Bảo con tận dụng những tiết có giáo viên nước ngoài mà tập nói, giao tiếp tiếng Anh nhưng con bảo cô toàn chỉ nói mấy câu trong sách với đã học rồi. Đi họp nhiều giáo viên cũng giải thích rõ tiết tiếng Anh bổ trợ là tiết dạy liên kết với trung tâm ngoài, không bắt buộc.. Nhưng thấy gần như tất cả phụ huynh đều cho con học, nên mình cũng đăng ký. Mỗi tháng 1 lớp mất gần 6 triệu học tiếng Anh và mình thấy quá lãng phí” – một phụ huynh chia sẻ.

Thực tế hiện nay, mặc dù đã chi phí cho con theo học tiếng Anh liên kết trong nhà trường tiêu tốn nhiều tiền của phụ huynh nhưng vì muốn con học giỏi ngoại ngữ nên các phụ huynh lại phải đưa con đến các trung tâm dạy học tiếng Anh để học. Chính vì thế, chi phí của việc học ngoại ngữ lại đội lên khi nhà trường tổ chức dạy các chương trình liên kết tiếng Anh.  

Lãnh đạo phòng Giáo dục và Đào tạo cho rằng cần được mở rộng hình thức học liên kết để nâng cao chất lượng

Trái ngược với những bày tỏ thiếu thiện chí của nhiều phụ huynh với các hình thức học liên kết trong nhà trường thì các lãnh đạo phòng sở lại đề cao hình thức liên kết hiện nay. Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông – bà Phan Thị Lệ Hằng cho rằng, việc liên kết với các công ty bên ngoài với các trường công và trường công chất lượng cao là một xu thế của xã hội hóa giáo dục.

Hiện ở Hà Nội, một số trường chất lượng cao đã đưa vào dạy toán, khoa học bằng tiếng Anh. Còn lại một số trường dạy tiếng Anh có yếu tố nước ngoài. “Đây là xu hướng hay, phù hợp” –  bà Phan Thị Lệ Hằng chia sẻ.

Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông, để nhiều trẻ em được tiếp cận cần được tạo điều kiện từ cấp trên để các cơ sở giáo dục tăng giờ học tiếng Anh, các bậc phụ huynh và người dân cần hiểu được tầm quan trọng của tiếng Anh trong nhà trường.

“Theo định hướng tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 cần có sự đầu tư về đội ngũ giáo viên tiếng Anh. Cần phối hợp với các trung tâm, các đơn vị có người nước ngoài, có giáo viên người nước ngoài, giáo viên bản ngữ tốt. Tăng thời lượng tiếng Anh nhiều hơn trước đây. Hiện tại, số tiết tiếng Anh đưa vào tương đối rồi, còn ngoài ra, phải có thêm dạy bổ trợ, là quen tiếng Anh từ mẫu giáo, từ lớp 1 và lớp 2” – bà Hằng nêu.

Cũng theo bà Hằng, trước việc nhiều phụ huynh có ý kiến trái chiều về việc dạy liên kết, bà Hằng cho rằng, trong nhà trường hiện học sinh đã được học tương đối cơ bản. Tuy nhiên, trong nhà trường các giáo viên của mình theo dạy chương trình của bộ. Ngoài ra, nếu các con được học thêm với các trung tâm liên kết, chất lượng sẽ tốt lên vì các trung tâm có đội ngũ giáo viên nước ngoài, phong cách giảng dạy sẽ khác, có chương trình dạy học rất dễ hiểu.

Muốn có chất lượng bắt buộc phụ huynh phải chi tiêu. Thực tế ngân sách nhà nước theo đầu học sinh. Đầu tư chỉ ở mức để đáp ứng mức tối thiểu. Do đó, rất cần phải xã hội hóa giáo dục. Việc xã hội hóa giáo dục để bổ trợ cho các em ngoài kiến thức cơ bản của nhà trường. Các mô hình này đang được nhiều trường đưa vào và trên tinh thần xã hội hóa, tự nguyện. Các trường học trong các quận nội thành việc này đang được làm rất tốt. Còn lại các vùng khó khăn thì đúng là khó. Điều kiện kinh tế không cho phép. Các bạn ở vùng núi, xa xôi không thể được bằng khu vực thành thị” – bà Hằng phân tích.

Theo bà Hằng, về điều kiện gia đình và cách nhìn nhận của mỗi gia đình về đầu tư giáo dục là khác nhau. Hiện ở các quận nội thành, các bậc phụ huynh đã thay đổi cách nghĩ rất nhiều. Ngoài chương trình của bộ ra, cho các con tham gia nhiều như câu lạc bộ ngoại khóa, kỹ năng sống, đặc biệt tiếng Anh. “Các bậc phụ huynh rất quan tâm, không chỉ học trong trường mà còn đi ra ngoài các trung tâm lớn, cho con học rất nhiều" - bà Hằng cho biết.

Đã từng có trường hợp bị xử lý hình sự liên quan đến dạy liên kết trong nhà trường

Năm học 2023- 2024, Sở GD&ĐT Nghệ An đã công bố tên 10 trung tâm vi phạm và buộc dừng hoạt động liên kết dạy chương trình tiếng Anh tăng cường trong trường học. Lý do, Sở đã thành lập tổ thẩm định để rà soát và yêu cầu các trung tâm phải cung cấp đầy đủ các chứng chỉ quốc tế, văn bản gốc theo quy định đối với giáo viên dạy liên kết ngoại ngữ. Kết quả, có 10 trung tâm cung cấp bản scan nhưng không có bản gốc. Do đó, Sở đã yêu cầu những đơn vị này dừng việc liên kết dạy tiếng Anh tăng cường trong các trường. Trong khi đó, tại Thanh Hóa trong năm học 2023-2024, một nữ giám đốc đã bị bắt vì làm giả hồ sơ, tài liệu để làm thủ tục mời, bảo lãnh, đề nghị cấp giấy phép lao động và cấp thẻ tạm trú cho 30 người nước ngoài nhập cảnh và ở lại Việt Nam trái phép. Điều đáng bàn, những cá nhân này sau khi nhập cảnh vào Việt Nam đã tham gia giảng dạy ngoại ngữ tại các trung tâm và trong các trường học.Thực tế cho thấy, công tác quản lý, giám sát dạy liên kết ngoại ngữ nếu không được siết chặt sẽ dẫn đến tình trạng sai phạm.

(Còn nữa).

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bài 4: Phụ huynh mất niềm tin, chưa an tâm về chất lượng các hình thức học liên kết
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO