“Bài ca kết đoàn”- dâng trào cảm xúc tự hào và thấm thía hơn những lời Bác dặn!
(CLO) Nhân dịp 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tối 1/9, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện cầu THTT "Bài ca kết đoàn", đưa người xem tiếp cận nhiều cung bậc cảm xúc, để thấm thía hơn những lời dặn của Bác trước lúc đi xa.

Tại điểm cầu Thừa Thiên – Huế, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự chương trình. Ảnh: TTXVN
Chương trình được thực hiện tại 4 điểm cầu: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (Hà Nội), Bến Nhà Rồng (Thành phố Hồ Chí Minh), Trường Quốc học Huế (Thừa Thiên - Huế) và Khu di tích Kim Liên (Nghệ An), là những địa danh gắn bó với cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Bài ca kết đoàn” thực sự đã mang tới góc nhìn khách quan và lạc quan về hành trình thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong 50 năm qua.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước dâng hoa tại tượng đài Nguyễn Tất Thành tại trường Quốc Học Huế. . Ảnh: TTXVN
Tham dự chương trình tại 4 điểm cầu có các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước như: Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; cùng các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Ủy viên TƯ Đảng, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành TƯ và địa phương; cùng đông đảo đại biểu và nhân dân.
"Bài ca kết đoàn" là một chương trình giao lưu - văn hóa - nghệ thuật đưa người xem tới nhiều cung bậc cảm xúc, để thấm thía hơn những lời dặn dò của Bác trước khi đi xa; cùng nhìn những chặng đường gian truân và rất đỗi tự hào 50 năm qua để thực hiện 5 di nguyện lớn của Người: Đó là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; xây dựng đất nước Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn; xây dựng đội ngũ Đảng viên trong sạch, vững mạnh; bồi dưỡng thế hệ trẻ cách mạng; củng cố khối đại đoàn kết quốc tế...
Cầu truyền hình "Bài ca kết đoàn" gồm 4 chương: "Đoàn kết để thống nhất đất nước", "Đoàn kết để phát triển đất nước", "Trong sạch để giữ khối đại đoàn kết" và "Củng cố khối đại đoàn kết dân tộc".

Cố đô Huế là nơi đã ghi dấu ấn đậm nét những kỷ niệm thuở thiếu thời trong 10 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh sống và học tập tại đây. Ảnh: vov.vn
Tại điểm cầu Trường Quốc Học, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã dâng hoa trước tượng đài Nguyễn Tất Thành ở trường Quốc học Huế.
Với sự tham gia của hơn 1.000 nghệ sĩ, diễn viên, chiến sĩ, học sinh trên địa bàn tỉnh, chương trình còn có các hoạt động phong phú như: Chương trình nghệ thuật chào mừng, giới thiệu phóng sự “Cội nguồn của đoàn kết - phát triển tư tưởng đoàn kết dân tộc trong quãng thời gian Người ở Huế”, giới thiệu về trường Quốc Học Huế nơi Nguyễn Tất Thành tham gia học tập những năm 1907 - 1908, các công trình về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Huế. Chương trình còn có các tiết mục biểu diễn “Dấu chân phía trước”, hợp xướng "Đất nước trọn niềm vui" do đoàn nghệ sĩ, diễn viên Huế thực hiện, liên khúc “Hồ Chí Minh - Người thầy vĩ đại; gió lộng bốn phương...

Chương trình có sự tham gia của hơn 1.000 nghệ sĩ, diễn viên, chiến sĩ, học sinh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: TTXVN
Cố đô Huế là nơi đã ghi dấu ấn đậm nét những kỷ niệm thuở thiếu thời trong 10 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh sống và học tập tại đây. Đó là thời kỳ từ năm 1895 đến năm 1901, khi Người ở tuổi nhi đồng mang tên Nguyễn Sinh Cung (5 - 11 tuổi). Thời kỳ thứ 2 từ năm 1906 - 1909, khi Người đã ở tuổi thanh niên, mang tên Nguyễn Tất Thành (16 - 19 tuổi). Đặc biệt là địa danh Trường Quốc học Huế - cái nôi ươm mầm tri thức và tài năng cách mạng cho miền Trung và của cả nước. Chính tại ngôi trường này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu những tri thức và được giác ngộ để trở thành một thanh niên trí thức yêu nước. Hơn 120 năm tuổi, Trường Quốc học Huế với nhiều thay đổi, phát triển, nhưng kỷ niệm thiêng liêng nhất là những năm tháng Bác Hồ học ở mái trường này - một tượng đài Bác được đặt trang nghiêm ngay tại sân trường. Với những ý nghĩa đặc biệt đó, Cầu truyền hình trực tiếp "Bài ca kết đoàn" đã chọn cổng chính trường Quốc Học Huế làm nơi thực hiện chương trình.

“Bài ca kết đoàn” thực sự đã mang tới góc nhìn khách quan và lạc quan về hành trình thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong 50 năm qua. Ảnh: TTXVN
Bên cạnh đó, với số lượng 13 phóng sự phát sóng trong cầu truyền hình, ê-kíp sản xuất đã tỏa đi nhiều vùng miền của đất nước, gặp nhiều nhân chứng lịch sử, truyền tải những câu chuyện ý nghĩa về sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, về hành trình 50 năm thực hiện Di chúc của Người.
Một dấu ấn không thể bỏ qua trong cầu truyền hình "Bài ca đoàn kết" là những tiết mục được đầu tư công phu và hoành tráng. Chương trình có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ như NSND Quang Thọ, NSƯT Tạ Minh Tuấn, Tùng Dương, Vũ Thắng Lợi, Phạm Thu Hà...
"Với một chương trình giúp khán giả truyền hình tại 4 điểm cầu nói riêng và cả nước nói chung nhớ lại quãng đường thực hiện Di chúc của Người trong 50 năm qua, đó là một khối lượng nội dung khổng lồ. Chúng tôi phải bám theo từng Di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh như thống nhất đất nước, trong sạch Đảng, làm bạn với thế giới. Những điều được Chủ tịch Hồ Chí Minh cất chứa trong những dòng Di chúc giản dị nhưng có chiều sâu, quá trình thực hiện những di nguyện này cũng là một chặng đường dài", nhà báo Đặng Diễm Quỳnh - Trưởng Ban Thanh Thiếu niên, Đài THVN chia sẻ về quá trình thực hiện cầu truyền hình.

“Bài ca kết đoàn”- dâng trào cảm xúc tự hào và thấm thía hơn những lời Bác dặn trước lúc đi xa! - Ảnh: vov.vn
"Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một hành trình dài, chúng ta chưa thể tuyên dương một điều gì đó ngay lúc này nhưng để có một góc nhìn khách quan, lạc quan về tương lai và tin vào những điều chúng ta đã làm được, thừa nhận những nỗ lực của nhiều thế hệ người Việt trong những năm qua, chương trình mang lại cảm xúc tự hào, ấm áp và một niềm vui", nhà báo Đặng Diễm Quỳnh xúc động chia sẻ.
P.V