(NB&CL) Là một đơn vị thông tin bằng ảnh báo chí lớn nhất cả nước với đội ngũ phóng viên trải dài khắp trong và ngoài nước, Ban Biên tập Ảnh- Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) từ nhiều năm nay, luôn là một hạt nhân tích cực của Giải Báo chí Quốc gia (BCQG) với lượng thành tích Giải thưởng đáng tự hào (1A, 2B và các giải C, Khuyến Khích…)
Với khoảng hơn 50 tay máy cùng với hệ thống gần 100 phân xã trong và ngoài nước cùng thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền bằng hình ảnh, đây là đặc thù và cũng chính là lợi thế của Ban Biên tập Ảnh. Chính vì vậy, hầu như các chủ đề nóng, thời sự ở khắp mọi miền đất nước đều được đội ngũ phóng viên ảnh của TTXVN bắt kịp, phản ánh hiệu quả.
Theo nhà báo Đinh Ngọc Liên- Thư ký Chi hội, Trưởng phòng Ảnh Tư liệu- Ban Biên tập Ảnh TTXVN, để có được những thành tích trong các cuộc thi ảnh trong và ngoài nước, đặc biệt là Giải BCQG, đầu tiên phải kể đến sự nỗ lực và sức sáng tạo không mệt mỏi của đội ngũ phóng viên vững tay nghề, giỏi chuyên môn của Ban Biên tập Ảnh trong việc lựa chọn đề tài và phương thức thể hiện. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của Ban Lãnh đạo đơn vị trong việc xử lý và chỉ đạo thông tin. Nói một cách đơn giản, các sự kiện lớn trong năm đã được lên kế hoạch ngay từ đầu năm để các phóng viên có cơ hội chuẩn bị, bố trí lực lượng.
[caption id="attachment_164998" align="aligncenter" width="640"]
Hình ảnh gây xúc động trong phóng sự ảnh “Giải cứu thành công 12 công nhân trong vụ sập hầm thuỷ điện Đạ Dâng”- tác phẩm đoạt Giải A Giải BCQG lần thứ IX- năm 2014.[/caption]
Cụ thể, ngay từ đầu năm, Ban Biên tập Ảnh và Chi hội nhà báo của Ban đã lên danh sách những sự kiện lớn trong năm, những vấn đề thời sự “mang sức bùng nổ” lớn có khả năng thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của nhân dân và dư luận, đặc biệt là chuẩn bị sẵn sàng cho những “sự kiện quan trọng đột xuất” như: thảm họa, thiên tai, bảo vệ chủ quyền biển đảo, an ninh trật tự xã hội… để chuẩn bị lực lượng tinh nhuệ, dự kiến các tình huống xảy ra, lên phương án “tác chiến”, định hướng tuyên truyền cụ thể để vừa đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ của một đơn vị thông tin bằng hình ảnh lớn nhất cả nước, vừa tham gia tích cực vào Giải BCQG trong năm.
Nhà báo Đinh Ngọc Liên nêu ví dụ như sự kiện sập hầm Đạ Dâng cuối năm 2014, khi điều động phóng viên ảnh chuyên nghiệp từ Đắk Lắk về Lâm Đồng tham gia cùng phóng viên thường trú tại địa bàn phản ánh những giờ phút cuối cùng của chiến dịch giải cứu công nhân. Ban phụ trách đã xác định rõ với phóng viên, đây sẽ là một trong 10 sự kiện lớn trong năm (Bình chọn của báo chí hàng năm) đang thu hút từng phút, từng giờ sự quan tâm và tình cảm của nhân dân cả nước. Phóng viên bằng mọi giá phải phản ánh được và truyền về “tổng hành dinh” một cách nhanh nhất, đặc biệt là không bỏ sót những khoảnh khắc xúc động, ấn tượng nhất (của những nạn nhân, những lính cứu hộ, Ban chỉ huy chiến dịch giải cứu, của người dân tại hiện trường…) khi những người công nhân được đưa lên mặt đất sau 82 giờ đối mặt với cái chết trong lòng đất. Ban phụ trách cũng đã “sớm khẳng định” với phóng viên Dương Giang (người được điều động): Nếu thể hiện tốt, phóng sự ảnh về sự kiện này sẽ là một trong những tác phẩm đoạt Giải cao tại Giải Báo chí năm nay.
Và từng tình huống có thể xảy ra, những biện pháp tác nghiệp cụ thể… đã được trao đổi nhanh giữa phóng viên và Ban phụ trách. Một lực lượng biên tập giàu kinh nghiệm cũng đã được điều động để đảm bảo xử lý, biên tập thông tin một cách nhanh nhất, tốt nhất. Chính vì thế, với sự nỗ lực cao nhất của phóng viên, sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của lãnh đạo cơ quan, phóng sự ảnh “Giải cứu thành công 12 công nhân trong vụ sập hầm thuỷ điện Đạ Dâng” của hai tác giả Dương Giang và Nguyễn Dũng đã mang về cho TTXVN, sau nhiều năm chờ đợi, Giải thưởng cao nhất về ảnh (Giải A) tại Giải BCQG lần thứ IX- năm 2014.
Bên cạnh đó, nhà báo Đinh Ngọc Liên cho biết thêm, một tác phẩm của Ban Biên tập Ảnh khi đến được với Giải BCQG phải trải qua nhiều vòng tuyển chọn khá ngặt nghèo. Trước tiên là tác phẩm ấy phải nằm trong những tác phẩm ảnh tốt hàng năm của Ban. Đây là một cuộc thi tổ chức định kỳ 2 lần/năm trong nội bộ Ban Biên tập Ảnh nhằm động viên, tìm kiếm các tay máy tiềm năng và đây cũng là cơ hội để ban tuyển chọn các tác phẩm tốt dự thi Giải Báo chí TTXVN và Giải BCQG. Sau khi các tác phẩm này đã đạt ảnh tốt thì lại được Hội đồng tuyển chọn xem xét một lần nữa, cả về nội dung và hình thức thể hiện, rồi tác phẩm mới được tiếp tục dự thi ở cấp cao hơn.
Ngọc Lành