Bán các nhà máy phát điện do EVN đầu tư: Phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ

Thứ bảy, 06/06/2020 16:28 PM - 0 Trả lời

(CLO) Việc bán các nhà máy phát điện cho tư nhân cần được xem xét, giám sát chặt chẽ để tránh việc định giá thấp hoặc sau khi bán, nhà đầu tư có thể chuyển đổi mục tiêu nhà máy.

Sự kiện: EVN

Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình với tổng mức đầu tư 1,27 tỷ USD, khánh thành tháng 2/2019. Ảnh: EVN

Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình với tổng mức đầu tư 1,27 tỷ USD, khánh thành tháng 2/2019. Ảnh: EVN

Bước đột phá

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến các bộ, ngành thẩm định Đề án Chiến lược phát triển Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đến năm 2030, tầm nhìn 2045 (gọi tắt là Đề án).

Trong đó, dự thảo Đề án đề xuất bán toàn bộ nhà máy phát điện sau khi đi vào hoạt động để huy động vốn cho các dự án mới.

Theo các chuyên gia, đây là bước đột phá song cần hết sức tránh tình trạng bán với giá thấp hơn giá thị trường, gây thất thoát cho Nhà nước.

Theo bản dự thảo, chiến lược phát triển EVN sẽ trở thành tập đoàn kinh tế mạnh, kinh doanh bền vững, hiệu quả và có lãi; bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu nhà nước đầu tư tại EVN và vốn của EVN đầu tư vào các doanh nghiệp khác…

Mục tiêu đến năm 2030, tổng công suất nguồn điện đạt khoảng 125 - 130GW, sản lượng điện đạt khoảng 550 - 600 tỷ kWh; tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20% vào năm 2030 và đạt 25 - 30% vào năm 2045…

Đáng chú ý, trong phần định hướng phát triển EVN, liên quan đến phương án thu xếp vốn đầu tư các dự án mới, dự thảo nêu rõ: “nghiên cứu phương án bán toàn bộ nhà máy đối với các nhà máy phát điện sau khi đi vào hoạt động cho các nhà đầu tư bên ngoài để huy động vốn cho các dự án đầu tư mới bảo đảm phù hợp với kế hoạch giảm nợ công của Chính phủ và EVN có cơ sở bổ sung vốn tự có thực hiện các dự án điện mới”.

Nhìn nhận về đề xuất này, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam Trần Đình Long cho rằng “đây là bước đột phá”. Bởi lẽ, thực tế thị trường phát điện cạnh tranh đang thực hiện theo lộ trình và từ tháng 1/2019 chính thức triển khai thị trường bán buôn điện cạnh tranh.

“Như vậy, khâu phát điện đã cạnh tranh bình đẳng. Do đó, nếu tư nhân muốn tham gia vào các nhà máy điện mới hoặc mua lại nhà máy phát điện của Nhà nước hay của nhà đầu tư khác là hoàn toàn chấp nhận được, là hình thức đa dạng hóa chủ sở hữu các nhà máy này. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh Nhà nước đang thiếu vốn, cần huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác để đầu tư các dự án mới”, ông Long nói.

Còn theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, thông thường, với các dự án phát điện, EVN phải đi vay có bảo lãnh của Chính phủ - một phần của nợ công. Ông Ánh cho rằng, với việc đi vay này, EVN dễ rơi vào tình trạng rủi ro tỷ giá vì thường vay bằng ngoại tệ, thậm chí EVN phải chịu lỗ do tỷ giá thay đổi.

Do vậy, với phương án bán lại các nhà máy phát điện do EVN đầu tư để thu hồi vốn và có nguồn vốn đầu tư vào các dự án điện mới là hoàn toàn phù hợp với phát triển thị trường cũng như tình hình tài chính thực tế của EVN, vấn đề nợ công và ngân sách nhà nước, ông Vũ Đình Ánh nêu quan điểm.

Mấu chốt là hành lang pháp lý

Mặc dù đồng tình với đề xuất bán các nhà máy phát điện do EVN đầu tư được nêu trong dự thảo, song các chuyên gia nhấn mạnh, cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng các vấn đề pháp lý liên quan để tránh những rủi ro đáng tiếc.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, đây là một dạng bán tài sản công nên phải hết sức tránh tình trạng như đã từng xảy ra với việc bán đất công giá rẻ, mà mấu chốt là phải theo nguyên tắc thị trường.

“Thông thường, với các dự án BOT, nhà đầu tư tư nhân sẽ chuyển giao cho Nhà nước nhưng với việc bán các nhà máy phát điện này theo quy trình ngược lại là Nhà nước bán cho nhà đầu tư tư nhân. Trên thế giới đã thực hiện từ lâu nhưng ở nước ta vẫn còn khá mới và hành lang pháp lý hiện chưa đầy đủ. Do đó, muốn thực hiện việc bán các nhà máy này, phải tạo được hành lang pháp lý chặt chẽ, gồm cơ chế bán, việc lựa chọn nhà đầu tư mua dự án cùng các điều kiện ràng buộc để bảo đảm phát điện cũng như an ninh năng lượng… Việc mua bán này phải bảo đảm tính cạnh tranh và hoàn vốn đầu tư dự án”, ông Ánh đề xuất.

Một vấn đề được các chuyên gia quan tâm là có nên đặt điều kiện, tiêu chí nhà máy phát điện nào được phép mua bán? Theo ông Vũ Đình Ánh, điều này không cần thiết, vì với các nhà máy phát điện thường là nhà đầu tư chiến lược chứ không phải nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư dự án phát điện đều phải bảo đảm đúng quy định phát điện cùng các mục tiêu khác trong phạm vi hoạt động của công trình đó nên không đáng ngại việc nhà đầu tư sẽ vi phạm, song “vấn đề là phải có cơ chế kiểm soát việc thực hiện”.

Tuy nhiên, chuyên gia Trần Đình Long lại tỏ ý phân vân. Khẳng định việc bán nhà máy phát điện do EVN đầu tư là giao dịch thương mại thông thường và phải dựa trên nguyên tắc thuận mua vừa bán, song ông Long lưu ý cần đưa ra điều kiện, tiêu chuẩn đối với các nhà máy được quyền bán.

“Với những nhà máy phát điện đa mục tiêu, gồm phát điện, thủy lợi, giao thông thủy… cần hết sức thận trọng; chỉ nên bán các nhà máy đơn thuần để phát điện”, ông Long nói.

Thế Vũ

Tin khác

CEO Vinamilk: Ưu tiên tiếp tục tăng thị phần, đảm bảo hiệu quả kinh doanh và cổ tức cho cổ đông​

CEO Vinamilk: Ưu tiên tiếp tục tăng thị phần, đảm bảo hiệu quả kinh doanh và cổ tức cho cổ đông​

(CLO) Ngày 25/4/2024, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm 2024. Theo đó, dựa trên kỳ vọng tình hình vĩ mô cải thiện trong năm 2024, công ty đặt mục tiêu tăng trưởng 4,4% về doanh thu và 5% về lợi nhuận trước thuế. Bên cạnh đó, chiến lược đổi mới về thương hiệu, sản phẩm và phát triển bền vững của Vinamilk cũng được cổ đông quan tâm.

Thị trường - Doanh nghiệp
Techcombank huy động thành công khoản vay hợp vốn thứ tư trị giá 200 triệu USD

Techcombank huy động thành công khoản vay hợp vốn thứ tư trị giá 200 triệu USD

(CLO) Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) huy động thành công khoản vay hợp vốn trị giá 200 triệu USD. Đây là giao dịch hợp vốn thứ 4 của Techcombank, thu hút 15 ngân hàng tham gia với tỉ lệ đăng ký cho vay dư ở mức cao.

Thị trường - Doanh nghiệp
Các nhà sản xuất năng lượng mặt trời Mỹ kêu gọi Nhà Trắng áp thuế đối hàng nhập khẩu từ châu Á

Các nhà sản xuất năng lượng mặt trời Mỹ kêu gọi Nhà Trắng áp thuế đối hàng nhập khẩu từ châu Á

(CLO) Một nhóm các nhà sản xuất tấm pin mặt trời lớn của Mỹ đã kiến nghị lên Tổng thống Joe Biden kêu gọi áp thuế nhập khẩu đối với tấm pin nhập khẩu từ Campuchia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Lý do: giá thấp đang ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động kinh doanh của họ.

Thị trường - Doanh nghiệp
Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới vì bán ôtô điện giá rẻ?

Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới vì bán ôtô điện giá rẻ?

(CLO) Trong khi các nhà sản xuất ô tô của Mỹ và châu Âu đang vật lộn với nhu cầu xe điện yếu, Trung Quốc đang tung ra ngày càng nhiều xe điện cỡ nhỏ và giá rẻ nhằm chiếm lĩnh thị trường ôtô trong nước và các thị trường khác ở châu Á.

Thị trường - Doanh nghiệp
Cơ hội cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Singapore

Cơ hội cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Singapore

(CLO) Để có thể giữ vững và nâng cao thứ hạng, tăng thị phần và tăng giá trị xuất khẩu thủy sản sang Singapore, Việt Nam cần tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng các mặt hàng thủy sản. 

Thị trường - Doanh nghiệp