Bản Dạ cổ hoài lang nguồn cảm hứng vô tận của vùng đất phương Nam

19/11/2019 22:05

(CLO) Chiều ngày 19/11, Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhà báo & Công luận phối hợp với Sở Văn hóa, Thông tin Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu tổ chức Chương trình tọa đàm "Bản Dạ cổ hoài lang dưới góc nhìn người làm báo".

Bản Dạ Cổ Hoài Lang mang dấu ấn lịch sử quan trọng trong quá trình phát triển văn hóa tỉnh Bạc Liêu.

Bản Dạ Cổ Hoài Lang mang dấu ấn lịch sử quan trọng trong quá trình phát triển văn hóa tỉnh Bạc Liêu.

Đến dự buổi tọa đàm có ông Nguyễn Bé, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; bà Lâm Thị Sang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu; bà Cao Xuân Thu Vân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu, nhà báo Mai Phúc, Trưởng cơ quan đại diện Báo Nhà báo & Công luận phía Nam cùng các cơ quan thông tấn báo chí tại địa phương.

Chương trình tọa đàm "Bản Dạ cổ hoài lang, dưới góc nhìn người làm báo" lần này nằm trong chuỗi sự kiện của Tuần Văn hóa – Du lịch Bạc Liêu 2019, với ý nghĩa tôn vinh và tri ân công lao của các thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ đã có những đóng góp to lớn cho nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và nghệ thuật cải lương.

Quang cảnh buổi tọa đàm “Bản Dạ cổ hoài lang” dưới góc nhìn người làm báo.

Quang cảnh buổi tọa đàm “Bản Dạ cổ hoài lang” dưới góc nhìn người làm báo.

Theo bà Lâm Thị Sang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Nhận thức rõ giá trị của Bản Dạ cổ hoài lang đối với đời sống xã hội, những năm qua, tỉnh Bạc Liêu đã tiến hành nhiều hoạt động bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc như sưu tầm các bài gốc của Bản Dạ cổ Hoài lang, tổ chức các lớp bồi dưỡng, các cuộc thi...để “truyền lửa” cho thế hệ trẻ và người mộ điệu.

Đặc biệt, với tình cảm và sự chăm chút dành cho Dạ cổ hoài lang của những người làm báo, tỉnh Bạc Liêu mong muốn thời gian tới sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ hơn nữa của Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan thông tấn báo chí giúp cho tỉnh làm tốt hơn việc quảng bá, tuyên truyền về vùng đất con người Bạc Liêu nói chung và nhất là giá trị của “Bản Dạ cổ hoài lang” nói riêng. Đồng thời, thông qua buổi tọa đàm tìm ra những phương thức, những biện pháp hành động hợp lý đối với “Bản Dạ cổ hoài lang” nhằm phát huy tối đa giá trị và tạo sự lan tỏa nét văn hóa đặc trưng của vùng đất phương Nam đối với bạn bè trong nước và quốc tế.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, nhà báo Mai Phúc, Trưởng cơ quan đại diện Báo Nhà báo & Công luận phía Nam, cho biết: Xuyên suốt chiều dài lịch sử đã có nhiều nhà văn, nhà báo vẫn luôn tìm những chiều sâu lắng đọng trong từng ca từ, giai điệu của Bản Dạ cổ hoài lang. Người làm báo chúng ta luôn xem bản Dạ cổ hoài lang là dấu ấn lịch sử quan trọng trong quá trình phát triển văn hóa Bạc Liêu - một trong những trung tâm tinh thần kết nối các giá trị văn hóa của các vùng đất ĐBSCL nói riêng và Nam bộ nói chung. Với những giá trị của mình, Bản Dạ Cổ hoài lang của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà còn là di sản văn hóa lớn của nhân dân và nhân loại cần phải được bảo tồn và phát triển, là nguồn cảm hứng vô tận theo thời gian.

Trải qua 100 năm, Bản Dạ cổ hoài lang đã phát triển mãnh liệt, mang dấu ấn lịch sử quan trọng trong quá trình phát triển văn hóa tỉnh Bạc Liêu và là nguồn cảm hứng vô tận kết nối các giá trị văn hóa của vùng đất phương Nam.

Ông Nguyễn Bé, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại buổi tọa đàm.

Ông Nguyễn Bé, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại buổi tọa đàm.

Tại buổi tọa đàm còn có nhiều ý kiến tham luận như ý kiến của nhà báo Dương Thành Truyền, nhà báo Nguyễn Chiến (Tổng biên tập báo Cà Mau)...nhằm mục đích tôn vinh giá trị của Bản Dạ cổ hoài lang, gợi mở nhiều vấn đề về bảo tồn và phát triển Bản Dạ cổ hoài lang trong ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội như hiện nay.

Phát biểu kết luận tại buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Bé, cho biết: Bản Dạ cổ hoài lang có một sứ mệnh đặc biệt quyết định cho Đờn ca tài tử và sân khấu Cải lương Nam bộ phát triển rực rỡ, góp phần rèn luyện bao thế hệ nghệ sĩ và làm nên bản sắc văn hóa đặc trưng cho tỉnh Bạc Liêu.

Thực tiễn cho thấy, việc phát triển văn hóa của Bạc Liêu đã góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa của nước nhà. Những năm gần đây, khi nhắc đến Bạc Liêu ai cũng nói đến văn hóa. Văn hóa hiện diện từ bộ máy lãnh đạo cao nhất của tỉnh qua phong cách lãnh đạo điều hành cho đến cơ sở.

Người ta xem văn hóa là động lực, là bước đi trong phát triển của tỉnh và xem đây như là “Kỷ nguyên văn hóa của Bạc Liêu”. Đặc biệt là Bản Dạ cổ hoài lang và đờn ca tài tử đã làm hứng khởi bao người, cho cả thế hệ hôm nay và mai sau. Để rồi những giá trị tinh thần đó trở thành báu vật của quê hương Bạc Liêu và rộng hơn là của nhân loại.

Minh Luân

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bản Dạ cổ hoài lang nguồn cảm hứng vô tận của vùng đất phương Nam
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO