Ban hành các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 7/2022
(CLO) Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo các Nghị quyết, trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành trong tháng 7/2022.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường vừa có văn bản số 1281/TB-TTKQH thông báo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; dự thảo Nghị quyết về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Công tác đại biểu. Trong đó, nhấn mạnh yêu cầu tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành trong tháng 7/2022.

Phiên họp thứ 13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua nội dung của dự thảo Nghị quyết Hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; thống nhất ban hành Nghị quyết hướng dẫn có tính chất cẩm nang về hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đồng thời yêu cầu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn chỉnh văn bản, bổ sung một số nội dung sau đây:
Một là, quy định cụ thể về việc giám sát thường xuyên, chuyên đề; phạm vi giám sát văn bản quy phạm pháp luật theo lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và theo sự phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
Hai là, việc báo cáo kết quả giám sát được thực hiện theo định kỳ hằng năm đối với văn bản quy phạm pháp luật được ban hành từ ngày 01/01 đến hết ngày 31/12; báo cáo chuyên đề, báo cáo đột xuất khi có yêu cầu hoặc khi phát hiện văn bản có dấu hiệu trái pháp luật cần xử lý để bảo đảm tính thường xuyên, kịp thời của hoạt động giám sát;
Ba là, bổ sung nguyên tắc giám sát văn bản quy phạm pháp luật; việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật có nội dung thuộc bí mật nhà nước; quy định về làm việc với cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong trình tự, thủ tục giám sát; trách nhiệm báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát; công khai kết luận giám sát.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chỉ đạo Thường trực Ủy ban Pháp luật chủ trì, phối hợp với Văn phòng Quốc hội và các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết theo ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản để hoàn thiện, trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành Nghị quyết trong tháng 7/2022.
Đối với dự thảo Nghị quyết về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Công tác đại biểu: Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí thông qua về mặt nguyên tắc dự thảo Nghị quyết về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Công tác đại biểu.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Thường trực Ủy ban Pháp luật chủ trì, phối hợp với Ban Công tác đại biểu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiếp tục rà soát các nội dung liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, chế độ làm việc của Ban Công tác đại biểu bảo đảm phù hợp với thực tiễn và thống nhất với các văn bản pháp luật có liên quan; gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản để hoàn thiện, trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành Nghị quyết trong tháng 7/2022.