Nhà báo Lê Thị Bích Ngọc – Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô:

"Bàn tay người tặng hoa hồng bao giờ cũng phảng phất hương thơm"

Thứ tư, 22/01/2020 14:00 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Không biết có phải vì cùng là phụ nữ mà tôi cứ có một cảm giác rất dễ chịu khi trò chuyện với nhà báo Lê Thị Bích Ngọc – Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô.

Sự quyết liệt luôn có trong một trái tim dịu dàng có lẽ đã giúp bà cùng đồng nghiệp làm nên một tờ báo có bản sắc rất riêng. Như cái cách của một người bộ hành băng qua sa mạc đầy gió cát, bà và báo Lao động Thủ đô đã bền bỉ, kiên nhẫn với mục tiêu bằng sự chân thành, làm việc tử tế để đi qua những sóng gió của giai đoạn báo chí cạnh tranh với mạng xã hội.

Tôi chọn chịu trách nhiệm an toàn

+ Tôi được biết, Lao động Thủ đô là một trong số ít tờ báo mà phóng viên chỉ phải làm tốt chuyên môn còn “mọi thứ để Ban Biên tập lo”... Lo nhiều thế, người đứng đầu tờ báo có quá áp lực trong bối cảnh hiện nay hay không, thưa bà?

- Cũng có nhiều tòa soạn hiện nay Ban biên tập đang “định vị” phóng viên chỉ cần làm tốt chuyên môn như chúng tôi. Làm Tổng Biên tập thời này như người đi trên dây, luôn là người phải chịu trách nhiệm mọi vấn đề của tòa soạn, thì thà rằng Ban Biên tập lo tốt đời sống việc làm cho phóng viên để phóng viên dồn hết tâm sức làm nội dung tốt, khi nội dung tốt tờ báo sẽ có thương hiệu, sẽ giúp cho mình làm kinh tế báo chí tốt hơn. Còn hơn là mình giao chỉ tiêu làm kinh tế, phóng viên làm không đâu vào đâu thì cuối cùng mình vẫn phải gánh trách nhiệm. Thế nên, tôi chọn chịu trách nhiệm an toàn.

Tôi cho rằng uy tín của tờ báo, của cá nhân Tổng Biên tập, thậm chí uy tín của phóng viên là vô cùng quan trọng trong quan hệ với các đối tác. Nếu người ta thấy một tờ báo có bản sắc riêng, người đứng đầu và cán bộ phóng viên có mục tiêu làm những điều tốt cho xã hội, có độ nhanh nhạy, sáng tạo thì đương nhiên người ta sẽ tìm đến, người ta sẽ quý trọng, muốn phối kết hợp. Mặc dù là một trong những tòa soạn không giao chỉ tiêu làm kinh tế báo chí cho cán bộ nhân viên nhưng với Lao động Thủ Đô, đời sống việc làm của phóng viên ổn định. Khi họp giao ban, chúng tôi vẫn thường nói với nhau: “Ai làm việc gì, ở vị trí nào thì hãy làm tốt nhất công việc của mình, nếu tất cả làm tốt công việc của mình thì công việc của tòa soạn sẽ trôi chảy, tòa soạn sẽ phát triển”. Tôi cũng rất tự hào vì có một đội ngũ phóng viên yêu nghề, nhiệt huyết và tôi muốn hướng cho họ chuyên tâm với nghề.

Nhà báo Lê Thị Bích Ngọc – Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô.

Nhà báo Lê Thị Bích Ngọc – Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô.

+ Nhưng tôi thấy phóng viên của Lao động Thủ đô kể rằng chỉ riêng việc triển khai các ý tưởng về nội dung của bà cũng phải “chạy” theo mệt nhoài, chứ chưa nói đến chuyện làm kinh tế?

- Nói chung đã chọn nghề báo là chọn vất vả, nhưng chúng tôi đều tự nguyện. Để làm tốt thì điều đầu tiên là mình phải hòa mình vào trong một tập thể. Tức là mình phải đưa lợi ích của tập thể lên, trong lợi ích tập thể đều có lợi ích mỗi cá nhân rồi. Thứ hai, tất cả những việc của mình làm là phải thực tế. Tôi là kiểu người hay nghĩ ra việc, nhìn chỗ nào cũng thấy việc, chỗ nào cũng ra đề tài. Đôi khi tôi đùa với cán bộ phóng viên rằng tôi “chạy” nhanh quá, các em “chạy” theo chắc mỏi lắm. Nhưng các bạn lại bảo “chạy” thế dù mệt nhưng thích hơn, tìm việc bây giờ nói là dễ thì dễ nhưng nói là khó cũng cực khó. Có việc để làm là vui rồi, có nhiều việc thì càng vui hơn. Có việc thì sẽ có tất cả, từ hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tờ báo đến đảm bảo đời sống, xứng đáng với công sức cán bộ phóng viên bỏ ra.

Chúng tôi muốn độc giả của mình là vĩnh viễn...

+ Trong bối cảnh báo chí không dễ sống như hiện nay, báo Lao động Thủ đô đã có hướng đi như thế nào để đảm bảo đời sống việc làm cho cán bộ phóng viên, thưa bà?

- Với đặc thù của tờ báo là ngay từ tên đã khu trú địa phương, bị gói vào hai chữ “Thủ đô” nhưng chúng tôi xác định tên báo không quan trọng, nội dung và sức lan tỏa của tờ báo mới quan trọng. Chúng tôi không lựa chọn đưa tin nhanh, vì cạnh tranh tin nhanh không phải thế mạnh của báo, mà lựa chọn đưa tin có vấn đề, có kiểm chứng, làm chậm nhưng chắc. Chúng tôi muốn độc giả của mình là vĩnh viễn chứ không phải họ vào đọc xong một lần rồi chán và không vào đọc nữa. Vậy nên, báo Lao động Thủ đô chọn đưa những thông tin chỉ riêng có, người ta muốn đọc tin đó thì tìm vào tờ báo của chúng tôi. Vấn đề được chọn để phản ánh phải đảm bảo tiêu chí có liên quan đến nhiều người và đúng tôn chỉ mục đích của báo. Chúng tôi đã lựa chọn lĩnh vực đời sống việc làm của người lao động để chuyên sâu, trong đó chú trọng bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người lao động. Tôi cũng chia sẻ thêm rằng đối với báo điện tử, tới thời điểm này, chúng tôi chưa dùng một thủ thuật kỹ thuật nào để tăng lượt view, tất cả lượng độc giả là thuần túy, là thật sự có nhu cầu đọc tờ báo. Cái này có lẽ làng báo chẳng còn mấy tờ như thế. Từ nhiều năm nay chúng tôi cho rằng mình cần có nội dung riêng và ổn định để bạn đọc đánh giá, sau đó mới làm SEO, làm view.

+ Tôi thấy, trong khi nhiều tờ báo chạy theo vụ việc tiêu cực để phản ánh mà đọc báo Lao động Thủ đô cứ thấy... cuộc sống có vẻ tươi đẹp quá!

- Đúng như bạn nói và đó cũng là một “đặc sản” của chúng tôi. Đây là cách mà chúng tôi đang đi và rất tự tin với lựa chọn đó. Chúng tôi thường nói với phóng viên của mình, chúng ta phải xây dựng một tờ báo phản ánh được thật nhiều điều tốt đẹp trong xã hội. Nếu có gặp những vấn đề tiêu cực, thì phải phản ánh đúng bản chất vấn đề, ở góc độ xây dựng để triệt tiêu tiêu cực, không đẩy nóng vấn đề. Cũng có người đã nói với tôi rằng, không “chạm” vào cái sai của doanh nghiệp thì rất khó để có được cái “bắt tay” trong hỗ trợ truyền thông. Tôi thì nghĩ khác. Tôi lựa chọn sự chân thành qua công việc khi đến với người lao động, với doanh nghiệp, với các ban, ngành, đơn vị. Nói vậy để thấy, không nhất thiết chúng ta phải làm cái gì “đao to búa lớn” thì người ta mới biết đến mình. Tôi luôn quan điểm rằng, hãy làm những điều tốt thì ắt hẳn những điều tốt sẽ đến với mình.

Hàng năm báo Lao động Thủ đô tổ chức Ngày hội hướng nghiệp và việc làm, góp phần giải quyết việc làm, định hướng nghề cho người lao động.

Hàng năm báo Lao động Thủ đô tổ chức Ngày hội hướng nghiệp và việc làm, góp phần giải quyết việc làm, định hướng nghề cho người lao động.

+ Ngoài hướng đi rất riêng mà Lao động Thủ đô đang lựa chọn, có hoạt động nào của báo mà bà cho rằng rất riêng nữa không, thưa bà? 

- Đối với báo điện tử, từ 10 năm nay chúng tôi đã triển khai tổ chức các cuộc đối thoại, giao lưu trực tuyến trực tiếp với công nhân viên chức lao động. Gần đây mỗi năm chúng tôi tổ chức 6 đến 8 cuộc, mỗi cuộc thu hút từ 200 đến 400 công nhân viên chức lao động tham dự. Chúng tôi trực tiếp xuống các khu công nghiệp, khu đông công nhân lao động để tổ chức. Mỗi cuộc chọn một chủ đề, có thể là vấn đề nóng dư luận đang quan tâm hoặc chọn các vấn đề liên quan trực tiếp đến nghĩa vụ, quyền lợi hợp pháp chính đáng của người lao động như các điều luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chế độ tiền lương… Chúng tôi mời đến các buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến những chuyên gia là các luật sư, những nhà làm chuyên môn giỏi các lĩnh vực, cơ quan quản lý. Tại đây công nhân lao động đặt các câu hỏi trực tiếp, liên quan đến họ, các chuyên gia sẽ giúp họ giải đáp các thắc mắc.

Chúng tôi xác định những cuộc đối thoại, giao lưu này là hoạt động xã hội của báo, không có tính lợi nhuận nhưng sẽ mang lại uy tín cho tờ báo, cũng là cách chúng tôi giúp đỡ những người lao động, làm thêm được việc tốt, lan tỏa thương hiệu cho tờ báo. Sau nhiều hoạt động bền bỉ, phi lợi nhuận như vậy thì bạn đọc xa gần, lãnh đạo các cấp, doanh nghiệp, người lao động đều biết đến tờ báo. Và cũng nhờ thế, khi tờ báo có việc gì cần thì đều được ủng hộ.

+ Vâng, xin trân trọng cảm ơn bà!

Sông Mây (Thực hiện)

Tin khác

Hải Dương sẽ có nhiều hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam

Hải Dương sẽ có nhiều hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam

(CLO) Chiều 19/4, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hải Dương tổ chức lấy ý kiến vào dự thảo kế hoạch kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025) để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Nghề báo
Thông tấn xã Việt Nam tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Điện Biên Phủ - Thiên sử vàng chói lọi'

Thông tấn xã Việt Nam tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Điện Biên Phủ - Thiên sử vàng chói lọi"

(CLO) Ngày 19/4, tại Tòa Nhà Trung Tâm Thông Tấn Quốc Gia, Hội Cựu Chiến binh Thông tấn xã Việt Nam cùng Hội Cựu Chiến binh Việt Nam tổ chức buổi sinh hoạt truyền thống mang tên “Điện Biên Phủ - Thiên sử vàng chói lọi”.

Nghề báo
MV “Going Home” sẽ lan tỏa giá trị lịch sử, văn hóa, vẻ đẹp con người Việt Nam

MV “Going Home” sẽ lan tỏa giá trị lịch sử, văn hóa, vẻ đẹp con người Việt Nam

(CLO) Chiều 19/4, Báo Nhân Dân phối hợp IB Group Việt Nam tổ chức ra mắt MV “Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt. Trong MV, nghệ sĩ Kenny G trình diễn ca khúc Going Home tại các địa danh nổi tiếng Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Nghề báo
Giải thưởng Sáng tạo nội dung số Việt Nam 2024 có nhiều điểm mới hấp dẫn hơn

Giải thưởng Sáng tạo nội dung số Việt Nam 2024 có nhiều điểm mới hấp dẫn hơn

(CLO) Ngày 19/4, Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức phát động Giải thưởng Sáng tạo nội dung số Việt Nam mùa thứ 2 (VCA 2024). Giải thưởng năm nay có những điểm mới trong thể lệ dự thi, trong khâu tổ chức chấm giải và đặc biệt là có thêm hạng mục giải thưởng do cộng đồng bình chọn trực tuyến.

Nghề báo
Cần Thơ sửa đổi nội dung quy chế tổ chức họp báo để phù hợp với quy định pháp luật

Cần Thơ sửa đổi nội dung quy chế tổ chức họp báo để phù hợp với quy định pháp luật

(CLO) Ông Huỳnh Hoàng Mến, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP Cần Thơ cho biết sẽ: "Sở sẽ có văn bản tham mưu UBND TP để ban hành lại quy chế họp báo theo đúng trình tự thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời sửa đổi một số nội dung cho phù hợp".

Nghề báo