Băng sóng gió, vượt thác ghềnh, đi đến phồn vinh!

Thứ năm, 27/08/2020 07:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Sau 75 năm từ khi bản “Tuyên ngôn độc lập” bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh vang lên, hành trình đi đến phồn vinh của dân tộc Việt Nam đang đứng trước thời cơ lịch sử, hứa hẹn làm nên những kỳ tích phát triển nhưng cũng đầy gian nan, “băng sóng gió, vượt thác ghềnh” chưa từng có...

1. Việt Nam đã trở thành một quốc gia có quy mô dân số gần 100 triệu người với mức thu nhập bình quân 2.800 USD/người; đã tham gia hầu hết các tổ chức quốc tế, trở thành một thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Không những vậy, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất trong vòng vài thập kỷ qua, đưa tỷ lệ đói nghèo từ gần 60% những năm đầu thập kỷ 90 xuống còn một con số ngày nay. Rõ ràng, như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, thế và lực của Việt Nam đã khác.

Một Hà Nội hiện đại năng động luôn ấn tượng đối với bạn bè quốc tế.

Một Hà Nội hiện đại năng động luôn ấn tượng đối với bạn bè quốc tế.

Thế và lực đã khác, nên các hiệp định thương mại song phương và đa phương, kể cả là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hay Hiệp định với EU (EVFTA, EVIPA), với Hàn Quốc, với Liên minh Kinh tế Á - Âu… đều có tên Việt Nam, với tư cách là một thành viên tích cực và có trách nhiệm. Với cam kết hội nhập quốc tế sâu rộng, chúng ta đang phấn đấu đi theo chiều hướng đạt tới những giá trị tiến bộ, phổ quát của nhân loại. Đó là động lực, là môi trường phát triển đưa đất nước đến bến bờ thịnh vượng và văn minh.

Cũng không thể không kể tới việc nền kinh tế Việt Nam đã hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, trong đó tốc độ tăng trưởng ở top đầu thế giới; xuất khẩu lần đầu tiên đạt mốc trên dưới 500 tỷ USD, với độ mở hiếm thấy trên toàn cầu, đóng góp trực tiếp vào GDP với thặng dư 10 tỷ USD xuất siêu. Trong cuộc chiến thương mại đang khó kiểm soát tại nhiều khu vực, trong công cuộc bảo vệ hòa bình và phát triển tại biển Đông, Việt Nam chứng tỏ đã xác lập được cho mình một bản lĩnh, vị thế mới giúp vượt qua nhiều trở ngại để mở đường đi tới thịnh vượng. Có thể coi đây là những kỳ tích trong nhiệm kỳ này, đất nước đứng trước những “bề bộn khó khăn” và tình hình thế giới đang biến động mạnh mẽ.

Toàn cảnh thành phố Hà Nội.

Toàn cảnh thành phố Hà Nội.

Và sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 vào đầu năm 2020 như một thử thách mang tính thời đại về trí tuệ, ý chí và bản lĩnh Việt Nam. Chính trong hoàn cảnh ngặt nghèo đó, người ta lại nhắc đến cụm từ “đoàn kết”, càng thấm thía giá trị của tình tương thân, tương ái, chung sức đồng lòng của toàn dân tộc. Vậy căn nguyên của sự đoàn kết đó là gì, nếu không phải xuất phát từ niềm tin của một dân tộc đã trải qua biết bao thăng trầm, biến cố lịch sử.

Đại dịch Covid-19 dù có gây nên những xáo trộn trong cuộc sống, nhưng cũng tạo ra những “sức đề kháng mới” của người Việt Nam khi công nghệ 4.0 đang lan tỏa trong mọi gia đình, mọi công sở, doanh nghiệp, mở đầu cho bước đột phá mới, những kỳ tích mới như lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Toàn thể dân tộc Việt Nam hãy cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch Covid-19”.

2. Đặc biệt, trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực, Đảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo, làm nhiều lần, làm quyết liệt từ nhiều năm nay, nhưng thời gian gần đây càng được đẩy mạnh hơn bao giờ hết, được chỉ đạo thực hiện ráo riết, quyết liệt, đạt những kết quả tích cực, rõ rệt.

Càng phấn khởi, tự hào, chúng ta càng tuyệt đối không chủ quan, thỏa mãn với những kết quả, thành tích đã đạt được, nhất là khi quốc nạn tham nhũng bắt nguồn từ vi phạm những nguyên tắc kỷ luật của Đảng và luật pháp của Nhà nước, hiện tượng “cả họ làm quan”, “bổ nhiệm thần tốc”, “đồng chí này là con đồng chí nào”,… vẫn còn diễn ra không ít. Chúng ta cũng đã tích cực cải cách, nhưng vẫn còn tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, “trên rải thảm, dưới rải đinh”. Thực tế vẫn tồn tại không ít thủ tục, “giấy phép con” không chỉ hành người dân, doanh nghiệp mà hành cả cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống công quyền, đến mức các đại biểu Quốc hội phải cảm thán trong phiên họp tại nghị trường được tường thuật trực tiếp tới đồng bào và cử tri cả nước.

Và đau xót hơn, lòng tham mù quáng, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm đã dẫn lối đưa đường khiến nhiều cán bộ cao cấp không chiến thắng được cám dỗ, thực hiện chuyến tàu vét vào buổi hoàng hôn nhiệm kỳ, dẫn tới bị kỷ luật, bị sa vào vòng lao lý. 

Chúng ta vẫn còn nhớ, lần đầu tiên tới dự và phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương, triển khai nhiệm vụ năm 2018, Tổng Bí thư nhấn mạnh quan điểm, “Phải ngăn ngừa tận gốc những sai phạm, khuyết điểm đó một cách căn cơ, bài bản, bằng các quy định, quy chế, bằng luật pháp, chính sách; phải “nhốt” quyền lực vào trong “lồng” cơ chế”.

Và ngay trong tháng đầu tiên của năm 2020, tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh được minh chứng bằng việc nhiều cán bộ cấp cao đã bị kỷ luật, thậm chí phải chịu trách nhiệm hình sự về những sai phạm của mình.

Việc chúng ta kỷ luật cán bộ thật đau xót nhưng không thể không làm bởi nói như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, chúng ta cần cảnh tỉnh 1 người để cứu vạn người, cứu cơ đồ của đất nước. Đúng như Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã tổng kết, cơ đồ chúng ta xây dựng 75 năm qua nếu có sụp đổ cũng do mình có làm tốt công tác cán bộ hay không chứ không phải do kẻ thù.

TP.Hồ Chí Minh - Top 10 thành phố tuyệt vời nhất Châu Á.

TP.Hồ Chí Minh - Top 10 thành phố tuyệt vời nhất Châu Á.

Do đó, những kết quả đạt được nói trên tiếp tục củng cố niềm tin xã hội, niềm tin của cán bộ đảng viên, không khí phấn khởi, tin tưởng tiếp tục lan rộng khắp cả nước. Nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, chúng ta đã đạt được những thành tựu lớn, tạo chuyển biến rõ rệt trên nhiều lĩnh vực. Điều này càng ý nghĩa trong bối cảnh chúng ta đang chuẩn bị tổng kết 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), nhìn lại 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991 và 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020. Đây cũng là dịp Đảng cùng toàn dân tổng kết 35 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, khép lại một chặng đường “dò đá qua sông” đầy sóng gió.

3. Việt Nam luôn cháy bỏng khát vọng thịnh vượng nhưng chúng ta chỉ còn 2 thập niên để làm nên những kỳ tích làm kinh ngạc thế giới và đưa Việt Nam đến phồn vinh, hùng cường vào năm 2045. Và năm 2045 cũng chính là năm chúng ta kỷ niệm 100 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập.

Tuy vậy, một dân tộc từ đói nghèo và “nhược tiểu” chỉ có thể trỗi dậy như rồng, như phượng nhờ “trí tuệ khai sáng”, với ý chí, nỗ lực, tinh thần đoàn kết, quyết tâm không ngừng nghỉ, không lùi bước trước khó khăn. Trên đôi cánh này, 3 động lực chủ đạo sẽ giúp Việt Nam làm nên những kỳ tích phát triển, là khát vọng dân tộc mãnh liệt, năng lực kiến tạo sức mạnh cộng hưởng trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp 4.0 và nỗ lực xây dựng thể chế vững mạnh. Khát vọng dân tộc mãnh liệt, đặc biệt trong thế hệ trẻ, đội ngũ trí thức, và cộng đồng doanh nhân - những người đứng mũi chịu sào trong kiến tạo nên của cải cho xã hội có vai trò rất quan trọng. Khát vọng dân tộc, nếu được thấm nhuần tinh thần khai sáng và ý chí học hỏi sẽ trở thành nguồn năng lượng nội sinh tiềm tàng và sống động cho toàn bộ công cuộc phát triển.

Xây dựng một xã hội phồn vinh, thịnh vượng là một hành trình vẻ vang và thôi thúc, nhưng cũng vô cùng gian khó và thách thức. Nó đòi hỏi không chỉ tài năng và cảm hứng mà cả tầm chiến lược và ý thức sứ mệnh. Nhưng sau ánh chớp thời cơ rực sáng, có thể chỉ còn lại niềm nuối tiếc nếu như cả bộ máy không gắng sức bằng tất cả tâm huyết, nhất là vào lúc này, bắt đầu nhuốm màu “hoàng hôn” nhiệm kỳ.

Đúng như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng nói, “chúng ta thắng con virus vô hình tên là Covid-19, không có lý do gì để thua con virus hữu hình tên là trì trệ”. Và trong các cuộc họp thường kỳ Chính phủ, Thủ tướng thường xuyên nhắc nhở các Bộ, ngành tập trung triển khai nhiệm vụ này. Ông nhấn mạnh, “phải nóng lòng, phải biết sốt ruột để đề ra những giải pháp, cách làm sáng tạo tận dụng cơ hội phát triển đất nước”. Trong đó, quan trọng hàng đầu là phải liên tục đổi mới tư duy, tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc, nhất là về cơ chế, chính sách đang cản trở sự phát triển, cản trở sự năng động, sáng tạo của người dân và doanh nghiệp.

Thực tiễn đó đang đòi hỏi tinh thần dám nghĩ, dám làm, tinh thần chủ động tiến công, dám vượt ra khỏi những tư duy theo nếp cũ, những lĩnh vực quen thuộc để có suy nghĩ và hành động vượt tầm quốc gia, đạt tới tầm khu vực và quốc tế. Khi mọi tiềm năng được khai phá, mọi sự sáng tạo được bùng nổ, đất nước ta nhất định sẽ tự tin bước vào chặng đường mới, nắm bắt được những cơ hội lịch sử đang mở ra phía trước, tạo nên một “Việt Nam thần kỳ” để ngàn năm sau con cháu chúng ta vẫn cảm kích và tự hào.

Đắc Nguyên

Tin khác

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn
Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

Giảm trừ gia cảnh: Cần linh hoạt theo thực tiễn đời sống

(NB&CL) Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay quá thấp so với mức chi tiêu cơ bản, mức sống thực tế của người dân và không phù hợp với sự biến động liên tục của mặt bằng giá. Điều này đã được giới chuyên gia cũng như báo chí lên tiếng khá nhiều nhưng cho tới nay, mức trừ gia cảnh vẫn không thay đổi...

Góc nhìn