Báo chí - Niềm tin & Trách nhiệm trên vai

Thứ ba, 21/06/2022 10:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Niềm tin luôn đi liền với trách nhiệm và sứ mệnh mà những người làm báo sẽ phải đảm nhiệm. Phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã trao đổi, gặp gỡ với một số nhà khoa học, Đại biểu Quốc hội về những kỳ vọng đối với những người làm báo hôm nay.

Đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư từng nhấn mạnh: “Vinh dự của nhà báo trong thời gian tới thật lớn lao, kỳ vọng của Đảng và nhân dân đối với báo chí thật chân thành và sâu sắc…”. Niềm tin luôn đi liền với trách nhiệm và sứ mệnh mà những người làm báo sẽ phải đảm nhiệm. Phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã trao đổi, gặp gỡ với một số nhà khoa học, Đại biểu Quốc hội về những kỳ vọng đối với những người làm báo hôm nay.

bao chi  niem tin trach nhiem tren vai hinh 1

Báo chí tác nghiệp.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đáng - Nhà nghiên cứu Quản trị công và Chính sách, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh:

Báo chí phải sẵn sàng đối diện với những góp ý, phản biện gay gắt

+ Ông đánh giá như thế về vai trò và tầm quan trọng của báo chí trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi đất nước đang có những vấn đề lớn cần giải quyết và đổi mới mạnh mẽ?

- Tầm quan trọng và sức mạnh của báo chí đã được thừa nhận từ lâu, với hình ảnh so sánh “báo chí là quyền lực thứ tư”, tức là chỉ sau ba loại quyền lực Nhà nước (Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp). Sức mạnh của báo chí đến từ khả năng thông tin nhanh chóng, từ đó hình thành các luồng dư luận xã hội bám sát các vấn đề mới và nóng bỏng nảy sinh trong đời sống hằng ngày.

Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên thông tin, tức là thông tin đã thay thế các yếu tố vật chất để có thể quyết định sự thành công hay thất bại của cá nhân, tổ chức, thậm chí cả một quốc gia. Sự phát triển của công nghệ hiện đại và internet đã tiếp thêm sức mạnh cho báo chí với sự ra đời của các hình thức báo mạng hiện đại, dễ truy cập, lan tỏa nhanh trên phạm vi rộng, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi chủ thể trong mỗi cộng đồng.

Đất nước đang phải đối diện với nhiều thách thức cho nỗ lực bứt phá để đạt được mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045. Bởi thế, với vai trò sẵn có, báo chí sẽ có ảnh hưởng đặc biệt quan trọng tới hoạt động quản trị quốc gia trên hai khía cạnh.

Thứ nhất, báo chí có thể trở thành diễn đàn thảo luận để qua đó góp phần định hình các vấn đề chính sách lớn của đất nước. Thứ hai, với ảnh hưởng sâu rộng cả trong hệ thống chính trị và ngoài cộng đồng xã hội, báo chí tạo sức ép cho cán bộ lãnh đạo, quản lý phải kịp thời có quan điểm và hành động trước những vấn đề chính sách cấp bách.

+ Hơn 2 năm qua, lực lượng báo chí đã tích cực đóng góp vào nỗ lực thích ứng an toàn với dịch COVID-19, mở cửa, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng. Ông nghĩ sao về điều này?

- Thành công của chúng ta trong nỗ lực vượt qua đại dịch COVID-19 không thể thiếu vai trò của lực lượng báo chí. Từng ngày, từng giờ, các phóng viên bám sát tình hình dịch bệnh, thông tin kịp thời về các điều chỉnh chính sách của Nhà nước, qua đó giúp cá nhân cũng như tổ chức nắm được diễn biến dịch bệnh và đồng hành cùng Chính phủ trong quá trình thích ứng an toàn với đại dịch.

Lực lượng báo chí cũng giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc kết nối giữa mong đợi của người dân và doanh nghiệp với hành động của chính quyền. Sự cập nhật và thông suốt về thông tin đã giúp chính quyền linh hoạt điều chỉnh chính sách cho phù hợp với diễn biến dịch bệnh, đáp ứng đúng nguyện vọng của các lực lượng xã hội.

Nhờ sự lăn xả của lực lượng báo chí, kịp thời đưa tin, nên nhân dân cả nước biết được và đồng cảm với những vất vả, gian nan của đội ngũ y tế ở tuyến đầu chống dịch. Cũng chính báo chí kịp thời phát hiện những tiêu cực của một bộ phận cán bộ đã ích kỷ, vụ lợi trong nỗ lực chống dịch. Từ đó, Đảng và Nhà nước đã nghiêm khắc xử lý để khẳng định quyết tâm hành động vì lợi ích của nhân dân.

bao chi  niem tin trach nhiem tren vai hinh 2

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đáng - Nhà nghiên cứu Quản trị công và Chính sách, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

+ Có ý kiến cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, để đổi mới chính mình, báo chí cũng cần lắng nghe những ý kiến phản biện lại mình. Quan điểm của ông về vấn đề này?

- Tâm lý chung, dù là cá nhân hay tổ chức, thì các chủ thể đều muốn nghe những ý kiến khen ngợi hoặc đồng thuận với mình, chứ không phải những góp ý phản biện. Thực tế cho thấy, nếu sự một chiều về ý kiến khen ngợi kéo dài thì dễ gây hệ lụy tiêu cực, nhất là không nhận ra những điểm yếu của mình, thậm chí là sự áp đặt quan điểm của mình mà trong đó không phải quan điểm nào cũng đã đúng hay phù hợp.

Bởi thế, để ngày càng trưởng thành hơn thì lực lượng báo chí cũng phải sẵn sàng đối diện với những góp ý, thậm chí là phản biện gay gắt.

Các nhà lãnh đạo, quản lý báo chí và mỗi phóng viên phải coi mọi sự góp ý là điều bình thường trong công việc hằng ngày, để từ đó chắt lọc ra những ý kiến đúng và điều chỉnh cho hoàn thiện hơn. Tất nhiên, không phải mọi ý kiến đều khách quan và mang tính xây dựng. Cho nên, chúng ta cũng cần hết sức tỉnh táo với những dạng ý kiến kích động theo hướng tiêu cực.

+ Ông kỳ vọng như thế nào về đội ngũ báo chí cũng như trách nhiệm của những “người cầm bút” trong thời gian tới?

- Thứ nhất, tôi cho rằng lực lượng báo chí cần trung thành với tôn chỉ, mục đích của mình. Chức năng số một của báo chí là thông tin thì cần thực hiện tốt nhất nhiệm vụ cung cấp thông tin cho mọi lực lượng xã hội. Làm được như thế, báo chí sẽ luôn có chỗ đứng trong lòng của mỗi người dân, tổ chức, và cả chính quyền.

Thứ hai, báo chí cần lan tỏa các quan điểm chính thống, có ảnh hưởng tích cực, qua đó kiến tạo tâm lý lạc quan cho cả xã hội để cùng vượt qua khó khăn hoặc thách thức luôn xuất hiện trong cuộc sống. Cũng có nghĩa, kể cả khi đưa tin về những vụ việc tiêu cực thì cũng nên theo tinh thần xây dựng, nêu vấn đề vì lợi ích chung chứ không phải chạy theo thỏa mãn tính hiếu kỳ hoặc toan tính vị kỷ của các nhóm xã hội.

Thứ ba, báo chí cần tích cực hơn nữa trong việc tạo diễn đàn tranh luận chính sách để tận dụng tri thức của mọi lực lượng xã hội, phát huy sự thông thái tập thể, qua đó cung cấp các lựa chọn chính sách đa dạng cho cán bộ chính quyền.

+ Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hường (Thực hiện)

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu - Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội:

"Sức mạnh mềm" của báo chí!

Báo chí trong thời gian qua đã tích cực tuyên truyền phổ biến đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống; tích cực phát hiện cổ vũ, động viên gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trên mọi lĩnh vực; chủ động bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo; không ngại khó, ngại khổ, lăn lộn nơi tuyến đầu, biên giới, hải đảo, kịp thời đưa tin về những sự kiện nóng ở khắp vùng miền, toàn diện, đa chiều, những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, thiên tai, bão lũ…

bao chi  niem tin trach nhiem tren vai hinh 3

Bên cạnh đó, giai đoạn vừa qua, chúng ta thấy rằng, công tác đối ngoại của đất nước đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, tốt đẹp. Việt Nam đã và đang tiếp tục xây dựng hình ảnh một đất nước thân thiện, hiếu khách, có nền văn hóa giàu bản sắc dân tộc, yêu chuộng hòa bình và giữ vững ý chí độc lập dân tộc… Trong đó, vai trò của báo chí rất quan trọng để góp phần tuyên truyền, quảng báo hình ảnh đất nước.

Báo chí cũng đóng vai trò rất quan trọng với hoạt động của Quốc hội, bảo đảm nguyên tắc hoạt động công khai của Quốc hội. Báo chí chính là công cụ hữu hiệu, toàn diện cùng đại biểu Quốc hội đưa hơi thở cuộc sống vào nghị trường. Thông qua hoạt động của báo chí, không chỉ người dân giám sát hoạt động của Quốc hội mà chính Quốc hội và người dân cũng giám sát lại hoạt động của báo chí…

Tôi mong rằng, Báo chí Cách mạng Việt Nam sẽ luôn thực hiện tốt vai trò ngôn luận, công luận của mình, xứng đáng với sự tin tưởng của nhân dân. Đặc biệt trong câu chuyện hiện nay, chúng ta đang quyết liệt phục hồi và phát triển bền vững kinh tế - xã hội, đưa đất nước hội nhập sâu rộng, thì cần phản ánh có tính chất xây dựng, tránh những thông tin không được kiểm chứng, gây hoang mang cho người dân.

Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa -  Đại biểu Quốc hội khóa XIII và XIV,  nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội:

Các phóng viên, nhà báo sẵn sàng lao vào điểm “nóng”!

Hoạt động của báo chí trong nhiều năm qua đã phản ánh tất cả các lĩnh vực rất kịp thời như kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... Đặc biệt, các phóng viên, nhà báo luôn sẵn sàng lăn xả, lao vào những điểm “nóng” để có những bài viết, thước phim, hình ảnh sinh động nhất!

Một mặt, báo chí kịp thời đưa tin về những thành tựu của đất nước, của nhân dân. Mặt khác, báo chí cũng tích cực phản ánh, đấu tranh với những mặt trái của xã hội trên các lĩnh vực như đất đai, công tác bộ máy, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, hàng giả, hàng nhái, an toàn thực phẩm... Tôi thấy báo chí phản ánh rất kịp thời, nhiều phóng viên, nhà báo rất tích cực, lăn xả.

bao chi  niem tin trach nhiem tren vai hinh 4

Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa - nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.

Năm 2021 là một năm đầy biến động đối với thế giới và cả trong nước, đó cũng là năm mà báo chí của chúng ta gặp rất nhiều thử thách trong quá trình tác nghiệp, tuyên truyền. Hai đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ ba và thứ tư lây lan mạnh mẽ trong cộng đồng, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Điều kiện tác nghiệp của các phóng viên gặp vô vàn khó khăn.

Thế nhưng, với tinh thần trách nhiệm, ý chí quyết tâm, đội ngũ những người làm báo vẫn vững vàng vượt qua thách thức, thể hiện rõ vai trò xung kích trên mặt trận thông tin, tuyên truyền. Các nhà báo sẵn sàng có mặt tại các vùng tâm dịch, đưa những hình ảnh sống động nhất về “cuộc chiến” với COVID-19, lan tỏa những tấm gương đẹp, phổ biến những cách làm hay, góp phần to lớn vào thành công chung của đất nước trong việc kiểm soát đại dịch COVID-19.

Cho đến hôm nay, khi đất nước đang trên đà phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, báo chí cũng đang đồng hành để tuyên truyền chủ trương, chính sách của Nhà nước, phản ánh thực tiễn để minh chứng cho hiệu quả của những chính sách đúng đắn; góp ý hoàn thiện những chính sách còn bất cập, cần đổi mới để đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn, vươn lên phát triển mạnh mẽ.

Trong hoạt động của Quốc hội, các phóng viên báo chí rất nhiệt tình, quan tâm đến tất cả 3 nội dung của Quốc hội. Thứ nhất là về lĩnh vực ban hành luật và xây dựng luật. Thứ hai là về chương trình giám sát. Thứ ba là các vấn đề quan trọng khác của Quốc hội.

Tôi lấy ví dụ, trong vấn đề ban hành luật, những luật nào liên quan thiết thực, sát sườn đến nhân dân, liên quan đến an sinh xã hội, kinh tế, quốc phòng, an ninh... các phóng viên rất quan tâm phỏng vấn đại biểu Quốc hội. Các nhà báo tập trung hỏi về việc điều hành của Chính phủ, của các thành viên Chính phủ, phát huy sức mạnh tổng hợp và đi sâu vào những mặt chưa hiệu quả, đánh giá trách nhiệm của các Tư lệnh ngành... Báo chí đã phản ánh rất kịp thời, cập nhật.

Sau các phiên chất vấn, báo chí đã phỏng vấn ý kiến của rất nhiều đại biểu Quốc hội và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung đặt câu hỏi cho các đại biểu, có sự tổng hợp rất cao, trao đổi thẳng thắn với các đại biểu, đưa tin hết sức khách quan.

Có thể nói rằng, báo chí là cầu nối của nghị trường đến với cử tri, nhân dân, cũng như phản ánh tiếng nói, nguyện vọng của cử tri đến với đại biểu Quốc hội, góp phần giúp cho các đại biểu Quốc hội nắm bắt sát tình hình thực tiễn, để hoạt động của Quốc hội ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả.

Thiên An (Ghi)

Bình Luận

Tin khác

Báo Nhà báo & Công luận trao học bổng cho sinh viên: Tạo động lực, tiếp lửa ước mơ…

Báo Nhà báo & Công luận trao học bổng cho sinh viên: Tạo động lực, tiếp lửa ước mơ…

(CLO) Ngày 25/4/2024, Đoàn công tác Báo Nhà báo & Công luận do nhà báo Lê Trần Nguyên Huy - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Q. Tổng biên tập báo Nhà báo & Công luận làm trưởng đoàn đã đến thăm và trao học bổng cho sinh viên có thành tích học tập cao, sinh viên nghèo vượt khó tại Viện Đào tạo Báo chí và truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn; Khoa Viết Văn – Báo chí, Đại học Văn hóa và Học viện báo chí và Tuyên truyền.

Nghề báo
Quỹ từ thiện 'Ước mơ xanh' - Báo Nhà báo & Công luận đồng hành với các bệnh nhi ung thư

Quỹ từ thiện "Ước mơ xanh" - Báo Nhà báo & Công luận đồng hành với các bệnh nhi ung thư

(CLO) Ngày 25/4, Đoàn công tác Báo Nhà báo & Công luận do nhà báo Trần Lan Anh - Phó Tổng biên tập Báo Nhà báo & Công luận làm trưởng đoàn đã đến thăm và trao quà cho các bệnh nhi ung thư đang điều trị tại Bệnh viện K Tân Triều và Bệnh viện Nhi Trung ương, Hà Nội.

Nghề báo
Báo Đồng Nai, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương đoạt giải nhất giải báo chí miền Đông Nam Bộ

Báo Đồng Nai, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương đoạt giải nhất giải báo chí miền Đông Nam Bộ

(CLO) Các tác phẩm vào chung khảo mùa giải lần thứ II có chất lượng tốt, đề tài hay, gần gũi với đời sống dân sinh, với yêu cầu phát triển của vùng Đông Nam Bộ. Số lượng bài tham gia nhiều hơn mùa giải thứ nhất, nhiều bài có chất lượng cao vào chung khảo.

Nghề báo
Ra mắt Tự truyện 'Sống đến bình minh' của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh

Ra mắt Tự truyện "Sống đến bình minh" của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh

(CLO) Sáng 25/4, tại Hà Nội đã diễn ra lễ ra mắt Tự truyện "Sống đến bình minh" của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh. Sự kiện do Đài tiếng nói Việt Nam (VOV), NXB Chính trị Quốc gia Sự thật và gia đình phối hợp tổ chức.

Nghề báo
Tôn vinh các tác giả tâm huyết, bản lĩnh, sáng tạo với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Tôn vinh các tác giả tâm huyết, bản lĩnh, sáng tạo với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

(CLO) Tối 24/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam và Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội tổ chức Lễ Tổng kết và trao giải Cuộc thi viết “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới” lần thứ ba (2023-2024); phát động Cuộc thi viết lần thứ tư (2024-2025).

Nghề báo