Nhà báo Nguyễn Ngọc Năm - Phó Giám đốc Cơ quan thường trú VOV khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long:

Báo chí có tác dụng rất lớn trong việc định hướng thông tin về những hiện tượng “lạ” trong xã hội

Thứ năm, 11/04/2019 11:44 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Ngoài Khá Bảnh, thời gian gần đây tại Việt Nam xuất hiện nhiều kênh Youtube xây dựng các nhân vật theo hình mẫu “giang hồ cộm cán”, “xã hội đen” với lối sống tiêu cực. Điều này đã và đang gây ra nhiều hệ lụy xấu đặc biệt cho giới trẻ.

Vậy báo chí và truyền thông đang có những tác động thế nào và cần phải có định hướng thông tin gì? Nhà báo và Công luận đã có cuộc trao đổi với nhà báo Nguyễn Ngọc Năm - Phó Giám đốc Cơ quan thường trú VOV khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long để làm rõ hơn về vấn để này.

Mạng ảo nhưng ảnh hưởng rất thật

+ Một điều khá bất ngờ và làm “dậy sóng” cộng đồng mạng khi xem những hình ảnh về sự “chào đón” của nhóm bạn trẻ mang đồng phục học sinh dành cho Khá Bảnh. Họ tung hô, xin chữ ký, xin chụp ảnh cùng “thần tượng”. Thậm chí có những người còn tự hào khoe ảnh “tự sướng” cùng với Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền cùng các nhân vật có “số má” khác lên trang cá nhân và ở dưới là vô vàn những bình luận ngưỡng mộ. Anh đánh giá thế nào về việc này?

- Tôi cho rằng đây là hiện tượng tất yếu trong xã hội khi internet phổ cập và mạng xã hội đã trở nên phổ biến. Tâm lý của bất cứ ai cũng muốn được mọi người quan tâm, chia sẻ, được ghi nhận, được thể hiện mình… trong cộng đồng, nhưng mỗi người một cách khác nhau. Và tâm lý của những “giang hồ mạng” cũng không ngoài quy luật đó. Nhưng khi thể hiện mình trên MXH, họ không chỉ được thể hiện cái “tôi” của mình khi được tung hô, được xem nhiều, được đăng ký theo dõi nhiều… gây ảnh hưởng, gây sự chú ý, gây “bão”, để thỏa mãn cái gọi là “thị dục bản ngã” của bản thân, mà còn để kiếm tiền. Và ngược lại, khi kiếm được tiền qua mạng như vậy, thì các “giang hồ mạng” lại có cách hành xử theo kiểu “khác người” và càng “khác người”, thì càng gây được sự chú ý. Hiện tượng này nếu tiếp tục diễn ra sẽ tạo hình ảnh, suy nghĩ không tốt tác động tới thanh thiếu niên.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Năm.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Năm.

+ Trước khi bị Google chính thức xóa, kênh YouTube của Khá Bảnh có hơn 2 triệu người theo dõi, trên 400 video được đăng tải cùng gần 400 triệu lượt xem... Vì sao những “giang hồ sống ảo” lại dễ dàng nổi lên như thế, thưa anh?

- Chúng ta có thể thấy đối tượng chủ yếu của Khá Bảnh và các “giang hồ mạng” hướng tới đại đa số là một bộ phận trong giới trẻ. Ngoài việc các em sử dụng thiết bị thông minh và mạng xã hội rất thành thạo so với người nhiều tuổi, các em có tâm lý tò mò, thích tìm hiểu, thích khám phá, thích cái gì “khang khác” so với cuộc sống thường ngày. Chẳng hạn, các em thích sự đối xử kiểu “anh hùng hảo hán”, kiểu “đàn anh” ngoài xã hội khác với những gì trong khuôn phép được giáo dục và đôi khi cũng mong mình được mạnh mẽ như thế, kiếm được nhiều tiền lại có nhiều “anh em xã hội” như họ. Các em thích hình ảnh xăm trổ, mặt mũi sáng sủa chút, bặm trợn chút, đầu tóc có vẻ chịu chơi chút… khác với khuôn mẫu người mà các em gặp hằng ngày v.v… Vì vậy, lượng người theo dõi, tung hô, bình luận ngày càng đông, và các “giang hồ mạng” kiếm được tiền từ nhà mạng ngày càng nhiều. Kiếm được tiền nhiều, dễ dàng thì họ dễ dàng nảy sinh tâm lý ngạo mạn, càng phải tìm kiếm, thể hiện những “kịch bản” khác biệt, thậm chí dị biệt để có thêm sự ủng hộ từ cộng đồng mạng.

+ Có thể nói mạng ảo nhưng ảnh hưởng rất thật. Giới trẻ lại bị thu hút bởi các nhân vật “giang hồ ảo” này vì tò mò và nông nổi. Từ đó dẫn đến xu hướng coi việc sử dụng các hành vi lệch chuẩn để làm “màu” và sống ảo, nổi tiếng trên mạng bất chấp mọi giá. Anh có thể chỉ ra hậu quả của xu hướng đó đến các nền tảng giá trị đạo đức hay thậm chí có các hành vi vi phạm pháp luật?

- Hậu quả tác động tới tâm lý tình cảm nó ngấm dần theo thời gian. Lớp trẻ nếu em nào có tư tưởng tung hô, ủng hộ sẽ ước mong có một ngày nào đó được làm “anh em xã hội” hoặc được như Khá Bảnh và các “giang hồ mạng”. Bởi các em rất dễ bị ảnh hưởng, dễ bị kích động do tâm lý lứa tuổi mà ra, đặc biệt với những thanh thiếu niên được sống và giáo dục trong gia đình không mấy yên ả.

Khi “ngấm dần” và nếu không được can ngăn, giáo dục kịp thời, sẽ có một số thanh thiếu niên biến ảo thành thực. Những suy nghĩ như vậy dẫn đến hành động coi thường đạo lý, coi thường gia đình… từ đó dẫn đến vi phạm đạo đức và pháp luật mà bản thân không nhận thức ra. Chẳng hạn, bỏ nhà đi “bụi” ít ngày; thuê nhà nghỉ sống bầy đàn thỏa mãn suy nghĩ lệch lạc về “tự do”; lôi kéo, khích bác nhau về sự “từng trải, biết ăn chơi” để sử dụng chất kích thích như rượu mạnh, đặc biệt là ma túy.

Góc nhìn đa chiều nhưng phải hướng đến ý thức xây dựng

+ Báo chí đã thông tin rất nhiều về vụ việc nhưng hình như đa phần chỉ thông tin vụ việc. Theo anh, báo chí có vai trò như thế nào để nâng cao được vai trò định hướng thông tin cho giới trẻ chứ không chỉ là chạy theo tin tức?

- Đã có nhiều bài báo, bình luận, phân tích nhiều chiều từ các chuyên gia tâm lý học, tội phạm học, luật học, ý kiến của các nhà quản lý. Câu chuyện về các hiện tượng “lạ” đó được phân tích khá nhiều ở các góc độ khác nhau đã cho thấy đây là hiện tượng không tốt trong xã hội, cần được giải quyết sao cho phù hợp. Chính bản thân tôi cũng đọc và thấy rõ bản chất của hiện tượng “giang hồ mạng”. Nhiều bài báo phỏng vấn các chuyên gia, theo tôi có tác dụng rất tốt trong việc giúp công chúng (trong đó có nhiều bạn trẻ) hiểu rõ hơn về giới “anh chị” trong “giang hồ mạng”. Biết để phân biệt hay dở, đúng sai, biết để tránh và biết để phê phán, thậm chí lên án và biết để ngăn cản con em mình không sa đà vào việc tung hô, cổ vũ những hiện tượng như vậy.

Tôi hỏi vui vui cậu con trai 17 tuổi của mình, đại ý “Con thấy anh Khá Bảnh hay không? Thích như anh ấy chứ”“Không bao giờ” – cậu con trai tôi trả lời ngay. Tôi cũng suy nghĩ rằng không phải thanh thiếu niên nào cũng mong muốn và tung hô các giang hồ mạng khi họ hiểu rõ. Từ đó tôi cũng đã viết bài “Hiện tượng Khá Bảnh và giang hồ mạng có đáng lo ngại?” và cũng có nhiều ngàn lượt đọc để thấy rằng cảnh báo là cần thiết, không chủ quan, nhưng đừng quá lo ngại.

Từ suy nghĩ của bản thân, từ gia đình và viết bài về hiện tượng này, tôi cho rằng báo chí có tác dụng rất lớn trong việc định hình, luận giải, mổ xẻ, phân tích một hiện tượng (tạm gọi là “lạ”) trong xã hội để mọi người hiểu rõ hơn bản chất của thông tin và có suy nghĩ chính xác về nó.

+ Chúng ta đều hiểu rằng để tránh những hiện tượng trên tiếp tục xảy ra với những người trẻ khác không gì quan trọng bằng kỹ năng và hiểu biết của các em. Vậy báo chí và truyền thông cần phải làm như thế nào để góp phần nâng cao nhận thức của các em trước những tác động tiêu cực đó?

- Mạng xã hội “xuất bản” thông tin không tốt rất nhanh, nhanh hơn cả báo chí, nhưng nhược điểm là “độ tin cậy không cao”, thì đây là “khe hở” mà báo chí có thể giành lại được bằng sự trung thực, chính xác và nhanh nhạy của mình.

Nhưng viết báo thế nào cho phù hợp là việc rất khó, làm đau đầu các nhà quản lý cơ quan báo chí hiện nay. Và như tôi đã nói ở trên, khi nêu về hiện tượng trên, báo chí nên có góc nhìn đa chiều, không né tránh. Góc nhìn đa chiều nhưng phải hướng đến ý thức xây dựng. Chẳng hạn hiện tượng Khá Bảnh và “giang hồ mạng” vì sao tập hợp được nhiều “anh em xã hội”? Vì sao được nhiều thanh thiếu niên tung hô? Đó phải chăng là tâm lý lứa tuổi, phải chăng là nhận thức lệch lạc ở một số ít bạn trẻ? Phải chăng là người lớn và cha mẹ chưa thực sự là bạn với các em? Những “giang hồ mạng” có điểm nào lệch chuẩn, điểm nào xấu, tiêu cực? Những hành vi nào vi phạm pháp luật và đạo đức xã hội cần lên án? v.v…

Không né tránh, nhưng cũng không nên khai thác quá sâu, quá chi tiết. Cũng là nhà báo nhưng tôi thấy ví dụ sau khi Khá Bảnh bị tạm giữ hình sự, có bài báo nào đó tung lên khai thác rất chi tiết quá khứ của thanh niên này với lời lẽ khá gay gắt. Tôi nghĩ không cần. Rồi có cả phỏng vấn người thân của Khá tỏ ra bất ngờ, rồi nói khá hay về thanh niên này. Có vẻ “đa chiều” đấy, nhưng lại góp phần làm nhiễu thông tin, không cần thiết.

Bên cạnh đó, mỗi bài báo phân tích (tạm gọi là khách quan, có chất lượng) cũng cần phải được chia sẻ trên các mạng xã hội. Hoặc khi có tài khoản mạng xã hội “tung tin” nghi vấn, báo chí cũng cần cập nhật ngay để có thông tin chính thức từ cơ quan chức năng. Đó là chức năng của báo chí và nhà báo trong cuộc cạnh tranh thông tin, giúp cho thông tin ngày càng chính xác hơn.

+ Vâng, xin trân trọng cảm ơn anh!

Nguyệt Hồ (Thực hiện)

Tin khác

Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo làm rõ và xử lý nghiêm vụ hành hung phóng viên ở Thanh Trì

Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo làm rõ và xử lý nghiêm vụ hành hung phóng viên ở Thanh Trì

(CLO) Chủ tịch UBND TP Hà Nội vừa có công văn giao UBND huyện Thanh Trì chủ trì, phối hợp với CATP Hà Nội làm rõ thông tin phóng viên bị hành hung khi tác nghiệp tại vụ cháy ở Thanh Trì.

Nghề báo
Khởi động cuộc thi viết Sống đẹp lần 4 với chủ đề 'san sẻ yêu thương'

Khởi động cuộc thi viết Sống đẹp lần 4 với chủ đề 'san sẻ yêu thương'

(CLO) Chiều 24/4, Báo Thanh Niên tổ chức lễ phát động cuộc thi Sống đẹp lần 4 – năm 2024 với chủ đề “San sẻ yêu thương”. Thời gian nhận bài dự thi kéo dài từ ngày 24/4 - 30/9.

Nghề báo
Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”

Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”

(CLO) Nhân dịp kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với một số đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”.

Nghề báo
Phát động cuộc thi bút ký, phóng sự viết về công đoàn, công nhân và người lao động Hà Tĩnh

Phát động cuộc thi bút ký, phóng sự viết về công đoàn, công nhân và người lao động Hà Tĩnh

(CLO) Sáng 24/4, tại UBND tỉnh Hà Tĩnh, Báo Lao Động phối hợp Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Tĩnh tổ chức lễ phát động cuộc thi bút ký, phóng sự viết về công nhân, công đoàn và người lao động tỉnh Hà Tĩnh năm 2024.

Nghề báo
Điều tra làm rõ vụ phóng viên bị hành hung khi tác nghiệp hiện trường vụ cháy ở huyện Thanh Trì

Điều tra làm rõ vụ phóng viên bị hành hung khi tác nghiệp hiện trường vụ cháy ở huyện Thanh Trì

(CLO) Mặc dù tác nghiệp tại hiện trường vụ cháy theo đúng quy định, nhưng phóng viên Thời báo VTV và VnExpress bất ngờ bị nhóm 3 đối tượng cản trở, hành hung.

Nghề báo