Báo chí dẫn dắt, cổ vũ công tác bảo vệ môi trường, chuyển đổi xanh
(CLO) Cùng với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh gắn với bảo vệ môi trường là xu hướng chủ đạo, tất yếu trong tiến trình phát triển hiện nay của Việt Nam. Nhận thấy công tác tuyên truyền phải đi trước một bước, một số cơ quan báo chí đã có những tuyến bài, chuyên mục để định hướng, cổ vũ, mang tính khai mở để cộng đồng và doanh nghiệp thay đổi nhận thức, chú trọng công tác bảo vệ môi trường, chuyển đổi xanh.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khoẻ Nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.
Đại hội cũng đã xác định, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số là hai chuyển đổi quan trọng nhất để Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao, hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045.

Thực hiện tinh thần đó, nhiều cơ quan báo chí đã tích cực tham gia tuyên truyền, đưa chủ trương của Đảng và nhà nước đến với nhân dân. Công tác này được thực hiện thường xuyên liên tục nhằm góp phần thay đổi tư duy, chuyển biến nhận thức, hành động cụ thể trong cộng đồng để cùng chung tay thúc đẩy Chuyển đổi xanh một cách bền vững.
Quá trình triển khai các chính sách, chiến lược, nhiệm vụ nhằm đảm bảo tính bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường. Như mục tiêu mà chuyển đổi xanh hướng đến, công tác tuyên truyền đóng vai trò định hướng, động lực, cổ vũ, khai mở để cộng đồng, doanh nghiệp đi từ nhận thức đúng đến hành động phù hợp, tích cực, mang lại kết quả mong đợi. Đồng thời, báo chí nêu những thách thức, vấn đề đặt ra trong quá trình chuyển đổi xanh, đòi hỏi có sự hợp sức, đồng lòng của các bên liên quan, từng ngành nghề để cùng giải quyết.
Tại tỉnh Bình Định, trong suốt quá trình hơn 10 năm chương trình trồng rau VietGAP, tỉnh xác định công tác truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin, định hướng, động viên, cổ vũ nông dân hướng đến nền sản xuất an toàn, đồng thời tăng lợi ích kinh tế trên cùng đơn vị diện tích.
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, báo Bình Định trong giai đoạn này đã tuyên truyền, giúp người đọc làm quen với những khái niệm ban đầu về rau an toàn, rau đạt chuẩn VietGAP, rau sản xuất theo hướng hữu cơ; những lợi ích mà người trồng rau có được khi tham gia sản xuất rau an toàn. Đồng thời, Báo Bình Định cũng giúp người đọc hiểu rõ về quy chuẩn, quy trình sản xuất rau an toàn, rau VietGAP.
Bên cạnh đó, trong khoảng 6 năm gần đây, một nội dung khác trong chuyển đổi xanh trên lĩnh vực nông nghiệp được Báo Bình Định tập trung tuyên truyền mạnh, đó là thực thi các giải pháp khai thác hải sản bền vững, chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) nhằm tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.
Không chỉ thông tin về tiến độ dự án, lợi ích của năng lượng tái tạo là vừa giúp tận dụng tối đa nguồn tài nguyên vô tận, giảm tác động xấu đến môi trường, khí hậu, vừa là giải pháp ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết, Báo Bình Định còn kịp thời phản ánh những vấn đề đặt ra ở lĩnh vực này, những “điểm nghẽn” về cơ chế, chính sách cần được giải quyết.
Thành công ở báo Bình Định cho thấy, để nâng cao hiệu quả công tác này, từ ban lãnh đạo báo đến mỗi biên tập viên, phóng viên cần chủ động tìm hiểu các chủ trương, nghị quyết, kế hoạch của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi xanh. Nêu ý kiến chỉ đạo, định hướng tuyên truyền của cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, cần cập nhật kịp thời sự thay đổi, nắm được sự chuyển biến của các xu hướng, cách thức thực hiện chuyển đổi xanh trên thế giới, trong nước và tại địa phương để tuyên truyền kịp thời, phù hợp.

Ngoài ra, mỗi phóng viên sâu sát địa bàn, thực tế hoạt động tại cơ sở, doanh nghiệp, địa phương để ghi nhận kịp thời những chuyển biến trong nhận thức, hành động của người dân, cộng đồng về chuyển đổi xanh trong lối sống, sản xuất, quy hoạch, phát triển.
Phóng viên cũng cần nêu bật những cơ hội và cả những thách thức trong chuyển đổi xanh, từ đó khẳng định, với việc chọn mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu, hàng hóa Việt Nam buộc phải đáp ứng các xu hướng mới, quy định mới và tiêu chuẩn mới của các thị trường, và chuyển đổi xanh là bắt buộc.
Tuyên truyền, phản ánh đa dạng các lĩnh vực thực hiện xanh hóa, từ bảo vệ môi trường đến sản xuất kinh doanh, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, hiện đại hóa dây chuyền sản xuất để giảm phát thải…
Không chỉ phản ánh, người làm báo còn phải biết dự báo, định hướng, dẫn dắt để xu hướng, tầm nhìn chuyển đổi xanh được rõ ràng hơn, dễ hình dung hơn, thể hiện qua hành động cụ thể của các chủ thể, có tác động tích cực đến đời sống, sản xuất.
Bên cạnh đó, để tạo điểm nhấn, khẳng định sự nhập cuộc của báo chí vào xu hướng phát triển tất yếu này, không thể thiếu các tuyến bài chuyên sâu về chuyển đổi xanh. Nội dung các tuyến bài chuyên sâu, loạt bài chuyên đề về chủ đề này cần được triển khai thực hiện trên tất cả các lĩnh vực, ở các cấp độ.
Không thể phủ nhận sự mới mẻ về nội dung, những bỡ ngỡ, khó khăn bước đầu trong cách thức tiếp cận vấn đề chuyển đổi xanh đòi hỏi các biên tập viên, phóng viên phải nỗ lực nhiều hơn, tự làm mới mình. Tuy nhiên, điều này đồng thời cũng tạo nên "lực hấp dẫn", sự hứng thú trong tiếp cận vấn đề mới, để từ đó báo chí ngày càng phát huy tốt hơn vai trò dẫn dắt, định hướng, kiến tạo những xu hướng tích cực.