Báo chí đi về đâu khi AI ngày càng 'giỏi viết'
(CLO) Trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo ngày càng thể hiện khả năng sáng tạo nội dung, câu hỏi về vai trò và tương lai của nhà báo đã trở thành tâm điểm của buổi tọa đàm "Nhà báo là ai? Báo chí đi về đâu khi AI sáng tạo nội dung ngày càng giỏi?"
Ngày 8/4, tại Hà Nội, Viện Đào tạo Báo chí & Truyền thông (SJC) phối hợp cùng Câu lạc bộ Cafe Số, Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông, thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam, tổ chức buổi tọa đàm “Nhà báo là ai? Báo chí đi về đâu khi ai sáng tạo nội dung ngày càng giỏi?”.
Sự kiện, được bảo trợ truyền thông bởi Tạp chí điện tử VietTimes, đã thu hút sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, nhà báo và những người làm trong ngành truyền thông.

Buổi toạ đàm với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực báo chí và công nghệ.
Buổi tọa đàm diễn ra trong bối cảnh AI đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong các cơ quan báo chí trên thế giới và tại Việt Nam. Từ việc viết tin nhanh, tóm tắt nội dung, dịch thuật đến tạo video và ảnh minh họa, AI đang dần thay đổi quy trình sản xuất tin tức truyền thống. Tuy nhiên, câu hỏi về vai trò và vị thế của nhà báo trong kỷ nguyên này vẫn đang được đặt ra một cách cấp thiết.
Mở đầu buổi tọa đàm, TS. Phan Văn Kiền, Viện trưởng SJC, đã nhấn mạnh sự thay đổi sâu sắc mà AI mang lại cho ngành báo chí: "Sự phát triển mạnh mẽ của AI là một xu thế không thể đảo ngược và nó đang tạo ra những thay đổi sâu sắc trong ngành báo chí. Buổi tọa đàm hôm nay là cơ hội để chúng ta cùng nhau nhìn nhận rõ hơn những thách thức và cơ hội mà AI mang lại cho người làm báo, từ đó định hướng lại các kỹ năng và vai trò của nhà báo trong tương lai".

TS. Phan Văn Kiền, Viện trưởng SJC.
Các diễn giả đã cùng nhau phân tích về sự xâm nhập mạnh mẽ của AI vào các công đoạn sản xuất tin tức. GS. Nguyễn Đức An - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Truyền thông về khoa học, sức khỏe và dữ liệu, ĐH Bournemouth, Vương quốc Anh, dẫn chứng, thực tế cho thấy, AI đang dần thay thế con người ở những công việc mang tính lặp lại và tốc độ cao.
Các hãng thông tấn lớn trên thế giới như AP đã sử dụng AI để viết hàng nghìn bản tin tài chính mỗi tháng, hay The Washington Post với AI 'Heliograf' tường thuật trực tiếp các sự kiện lớn.
Ngoài ra, một số công đoạn liên quan đến báo chí, như dịch thuật, tóm tắt nội dung báo chí nước ngoài hiện nay rất nhiều cơ quan sử dụng AI để dịch nhanh bài báo sang nhiều ngôn ngữ. Cụ thể, BBC, The New York Times sử dụng AI để dịch nội dung sang nhiều thứ tiếng mà không cần biên dịch viên.
Tại Việt Nam, nhiều cơ quan báo chí như Báo Nhân Dân, VietnamPlus, VnExpress, và Vietnamnet cũng đang thử nghiệm và ứng dụng AI trong tóm tắt tin tức, tạo video tự động, chuyển văn bản thành giọng nói và dịch thuật.
GS. Nguyễn Đức An cũng chỉ ra khả năng tạo nội dung trực quan của AI, với các công cụ như Runway AI, MidJourney và DALL·E giúp tạo video và ảnh minh họa một cách nhanh chóng, điều mà một số cơ quan báo chí trong nước như Tuổi Trẻ và VTV24 đang thử nghiệm.

GS. Nguyễn Đức An - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Truyền thông về khoa học, sức khỏe và dữ liệu, ĐH Bournemouth, Vương quốc Anh tại sự kiện.
Về những thách thức mà AI đặt ra, TS Phan Kiền nhấn mạnh, nhà báo sẽ phải đối diện với sự cạnh tranh trực tiếp từ AI, có nguy cơ bị thay thế ở những công việc mang tính lặp lại. Điều này đồng nghĩa với việc các tòa soạn có thể cắt giảm nhân sự. "Cơ hội sẽ chỉ đến với những nhà báo biết cách làm chủ công nghệ, trang bị cho mình những kỹ năng mới liên quan đến AI. Nếu không chịu học hỏi và ứng dụng AI, nhà báo sẽ bị tụt lại phía sau", TS Kiền nói.
Bên cạnh đó, Viện trưởng SJC cũng cảnh báo về nguy cơ tin giả gia tăng do khả năng tạo nội dung ngày càng tinh vi của AI: "Mô hình dữ liệu khác nhau có thể dẫn đến việc AI tạo ra những thông tin sai lệch một cách khó lường. Điều này đòi hỏi nhà báo phải nâng cao cảnh giác và kỹ năng kiểm chứng nguồn tin một cách nghiêm ngặt hơn bao giờ hết".
Bên cạnh đó, các chuyên gia đều đồng tình rằng dù AI có những ưu thế vượt trội trong việc xử lý thông tin và tạo nội dung nhanh chóng, nó vẫn chưa thể thay thế hoàn toàn vai trò của nhà báo. Những kỹ năng mang tính con người như phỏng vấn nhân vật, đặt câu hỏi sắc sảo, khả năng tham gia các cuộc phỏng vấn độc quyền hay thực hiện các phóng sự điều tra chuyên sâu vẫn là những thách thức lớn đối với AI.
AI có thể tổng hợp dữ liệu, nhưng không thể trực tiếp thu thập bằng chứng tại hiện trường như cách các nhà báo đã thực hiện trong vụ bê bối Panama Papers. Bên cạnh đó, khả năng phân tích chuyên sâu và đưa ra những bình luận sắc bén về các vấn đề chính trị, kinh tế vẫn là thế mạnh độc quyền của nhà báo.

Ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông.
Ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông nhận định, dù AI mang đến những công cụ mạnh mẽ và hiệu quả, nhà báo vẫn đóng vai trò then chốt trong việc xác minh thông tin, đảm bảo tính chính xác và đạo đức của nội dung. AI có thể tạo ra văn bản, hình ảnh, nhưng không thể thay thế khả năng tư duy phản biện, sự nhạy bén với các vấn đề xã hội và khả năng kể chuyện hấp dẫn mang đậm dấu ấn cá nhân của nhà báo.
Ông cũng nhấn mạnh đến vấn đề bản quyền khi ranh giới giữa nội dung do con người tạo ra và nội dung do AI tạo ra ngày càng mờ nhạt. "Việc xác định quyền sở hữu trí tuệ đối với những tác phẩm có sự tham gia của AI, cũng như việc bảo vệ nội dung báo chí truyền thống khỏi nguy cơ bị sao chép và sử dụng trái phép bởi các hệ thống AI, là một thách thức lớn cần được các cơ quan quản lý và giới truyền thông đặc biệt quan tâm", ông Đồng chia sẻ.
Buổi tọa đàm đã diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến đóng góp từ các nhà báo, chuyên gia, tập trung thảo luận về những cơ hội và thách thức mà AI đặt ra cho ngành báo chí Việt Nam. Các diễn giả đều thống nhất rằng, trong kỷ nguyên số, nhà báo cần chủ động trang bị những kỹ năng mới, làm chủ công nghệ AI để nâng cao hiệu quả công việc, đồng thời giữ vững những giá trị cốt lõi của nghề báo như tính trung thực, khách quan và trách nhiệm xã hội.
Phan Anh