Báo chí địa phương & Sự trưởng thành trên thảm đỏ Giải Báo chí Quốc gia

Thứ ba, 21/06/2022 10:30 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Các mùa Giải Báo chí Quốc gia những năm gần đây chứng kiến sự vươn lên khẳng định mình ngày càng rõ nét của các tác phẩm báo chí từ các cơ quan báo chí địa phương.

Thành quả ấy là “trái ngọt” của rất nhiều nỗ lực trong khoảng thời gian không hề ngắn của các cơ quan báo chí địa phương nói chung, của các tác giả nhà báo nói riêng. Dù rằng, hành trình chinh phục thảm đỏ Giải Báo chí Quốc gia vẫn luôn là một hành trình nhiều thử thách.

1. Những năm trở lại đây, Giải Báo chí Quốc gia đã ghi nhận những thành công xuất sắc của Hội Nhà báo các tỉnh như: Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Vĩnh Long, Quảng Ninh, Quảng Bình, Cần Thơ, Phú Thọ, Hưng Yên...

Là giám khảo chung khảo nhiều năm liền, nhà báo Hà Minh Huệ - nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, trong những lần chấm Chung khảo Giải Báo chí Quốc gia những năm gần đây, hầu hết các thành viên Ban Giám khảo đều nhất trí cho rằng mặt bằng chất lượng các tác phẩm báo chí dự thi của báo chí Trung ương và địa phương không còn chênh lệch là bao.

Hiện tại trong các loại hình báo in, báo hình, báo chí địa phương đã và đang vươn lên rõ rệt, đã có thể cạnh tranh sòng phẳng và nhận được giải cao trong các thể loại phản ánh, phóng sự, điều tra, những lĩnh vực trước đây do báo chí Trung ương thống trị. Tác phẩm báo chí của các Hội Nhà báo Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Thuận, TP. Hồ Chí Minh… đã được trao những giải A, B một cách xứng đáng.

bao chi dia phuong su truong thanh tren tham do giai bao chi quoc gia hinh 1

Các giám khảo chấm các tác phẩm ảnh vòng chung khảo.

Minh chứng cho nhận định ấy, nhà báo Hà Minh Huệ phân tích rất cụ thể trên cả góc độ chất lượng và số lượng.

Ông cho rằng: Sự thay đổi về chất của báo chí địa phương thể hiện ở số lượng các Hội địa phương gửi tác phẩm dự thi Giải Báo chí Quốc gia cao hơn. Đến nay đã có 63/63 tỉnh, thành phố có tác phẩm gửi tham dự Giải.

Trước đây, tôi cũng đã từng nhận xét rằng các Hội địa phương có vẻ đã “tự ti” khi quyết định gửi tác phẩm dự thi. Đã có lãnh đạo một vài tổ chức báo chí địa phương cho rằng “có gửi đi dự thi thì chắc gì đã được giải, vì các báo Trung ương mạnh hơn, chiếm hết giải rồi”.

Những năm gần đây, báo chí địa phương tin tưởng vào sức cạnh tranh của mình, đã chọn những tác phẩm chất lượng tốt nhất gửi về Hội đồng Giải và đoạt giải. Đề tài của các tác phẩm báo chí địa phương trở nên phong phú hơn, đi vào những vấn đề nóng, lớn của địa phương, của đất nước. Cộng với kỹ thuật thể hiện của các tác phẩm đó đã được nâng lên, đạt hiệu quả cao, nên chất lượng các tác phẩm tăng lên rõ rệt.

Trước đây, báo chí địa phương thường đặt trọng tâm phản ánh là các vấn đề riêng của địa bàn, của tỉnh, không “lạm bàn” về các vấn đề nóng, chung của đất nước, cho nên bị “lép về” trong bản đồ báo chí chung.

Về loại hình báo chí, Báo nói của địa phương chưa mạnh, chưa thể cạnh tranh với các tác phẩm của Đài Tiếng nói Việt Nam cũng dễ lý giải. Tuy vậy, trong Giải Báo chí Quốc gia năm 2020, các tác phẩm của Đài PT-TH Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng đã xuất sắc được trao Giải A…

“Những phân tích ở trên cho thấy, các cơ quan báo chí địa phương đã và đang  mạnh lên rất nhiều, mặt bằng chất lượng giữa báo chí Trung ương và địa phương không còn cách xa nhau nhiều nữa. Nếu được quan tâm đầu tư lớn hơn, toàn diện hơn nữa để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, qua đó nâng cao chất lượng chuyên môn thì các cơ quan báo chí địa phương có thể vươn tầm, nâng cao chất lượng một cách bền vững” - nhà báo Hà Minh Huệ khẳng định. 

2. Phải “nhìn lại quá khứ”, mới thấy những bước trưởng thành ấy đáng giá như thế nào. Trên thực tế, suốt hành trình hơn 15 mùa Giải, đã từng có những giai đoạn báo chí địa phương “vắng bóng” trên thảm đỏ danh giá bậc nhất này. Những cuộc họp của Hội đồng chấm giải nhiều năm trước, chất lượng chưa cao ở các tác phẩm báo chí địa phương được nhắc đến là một phần “hạn chế” của Giải.

Tuy nhiên, những điều chưa được thành công ấy không làm báo chí địa phương nản lòng. Nhiều tọa đàm, hội thảo của Hội Nhà báo Việt Nam, các cấp Hội địa phương hay như tại chính một số các cơ quan báo chí đều cấp tập được tổ chức, đưa ra thảo luận, tìm kiếm giải pháp. Cứ như thế dần dần những nỗ lực không nhỏ ấy đã gặt hái được thành quả, để rồi những năm gần đây, sự nổi lên của một số địa phương đã đem lại một bầu không khí mới, tạo nên động lực mạnh mẽ cho những người làm báo từng mang một tâm lý è dè, tự ti khi tham gia Giải.

Các Giám khảo vòng sơ khảo cũng như chung khảo ở Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã có nhiều nhận định khích lệ, động viên các tác giả ở địa phương, mong muốn báo chí địa phương tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa vào Giải Báo chí Quốc gia.

Việc sinh hoạt nghiệp vụ đã được nhiều địa phương coi trọng, trở thành nhiệm vụ quan trọng phải làm thường xuyên ở các Hội Nhà báo tỉnh, các Đài báo địa phương. Qua đó, hội viên thu nạp được những kinh nghiệm, đưa ra các giải pháp và hướng đi mới, nâng cao chất lượng tin bài, các tác phẩm có độ tin cậy cao tạo nên ưu thế của báo chí địa phương.

Đồng thời những năm gần đây, những đợt tập huấn, đào tạo nghiệp vụ đã khuyến khích các phóng viên có sự sáng tạo các tin, bài có cách thể hiện mới phù hợp với xu hướng làm báo hiện đại và nhu cầu cập nhật thông tin của công chúng.

Nỗ lực của báo chí Đồng Nai là một ví dụ. Ở Đồng Nai, qua 15 lần tổ chức Giải Báo chí Quốc gia, Hội Nhà báo tỉnh Đồng Nai đã đoạt được 30 giải, gồm 4 giải A, 4 giải B, 9 giải C và 13 giải Khuyến khích…

Với vinh dự 4 lần được trao giải A, trong đó có 2 giải A cho các loạt phóng sự điều tra truyền hình, tại Đài PT-TH Đồng Nai việc “uốn nắn” cho phóng viên, biên tập viên được thực hiện thường xuyên, liên tục thông qua các buổi nói chuyện của Ban Giám đốc với đội ngũ phóng viên trong các buổi họp mặt toàn cơ quan…

“Xác định việc tham dự Giải Báo chí Quốc gia cũng như các giải thưởng báo chí lớn khác là một trong những nhiệm vụ chuyên môn nghiệp vụ quan trọng, Ban Giám đốc Đài PT-TH Đồng Nai đã lãnh đạo, chỉ đạo các phòng chuyên môn phải có sự chuẩn bị từ rất sớm để tham dự giải.

Phải bắt tay ngay từ đầu vào khâu tuyển chọn đề tài, tổ chức thành các nhóm phóng viên để triển khai đề tài; đôn đốc phóng viên, các nhóm phóng viên nộp đề cương, tổ chức thực hiện viết kịch bản, tổ chức quay phim, phỏng vấn phát thanh, dựng hậu kỳ… đúng thời gian quy định.

Trước khi gửi Hội đồng tuyển chọn của Hội Nhà báo tỉnh Đồng Nai, thì ngay trong Đài, trực tiếp Ban Giám đốc và trưởng, phó các phòng chuyên môn cũng thành lập Hội đồng để xem, tuyển chọn các tác phẩm gửi dự thi…”,  nhà báo Trần Nam Đông - UVBCH Hội Nhà báo Việt Nam khóa XI, Giám đốc Đài PT-TH Đồng Nai chia sẻ.

Ngoài ra, vai trò của những giải báo chí trên địa bàn tỉnh thành phố cũng được coi là tiền đề quan trọng để đảm bảo chất lượng cho các tác phẩm vượt ra khỏi “ao làng” tham gia vào Giải Báo chí Quốc gia, Giải Búa liềm vàng, giải của bộ, ban, ngành... Có thể kể đến như Giải Báo chí tỉnh Quảng Ninh, Giải Búa liềm vàng tỉnh Quảng Ninh do Hội Nhà báo Quảng Ninh tổ chức, Giải Báo chí Nguyễn Văn Linh do Hội Nhà báo Hưng Yên tổ chức…

Bên cạnh đó, trong câu chuyện với các lãnh đạo cơ quan báo chí địa phương được biết, để động viên, khuyến khích phóng viên không ngừng nỗ lực có tác phẩm chất lượng, nhiều năm nay, một số các cơ quan báo chí địa phương đã ban hành và thực hiện Quy chế khen thưởng các tác phẩm báo chí đoạt giải.

Các tác phẩm đầu tư để dự thi, ngoài được đề xuất để tham dự và nhận tiền hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao của Hội Nhà báo Việt Nam, còn được đầu tư kinh phí, hỗ trợ các nhóm phóng viên thực hiện. Thậm chí, để kịp thời biểu dương các tác phẩm hay, chất lượng, nhiều lãnh đạo địa phương còn tổ chức “thưởng nóng”

Như vậy, để có tác phẩm báo chí chất lượng tốt dự Giải Báo chí Quốc gia và đoạt giải, có rất nhiều yếu tố tạo thành. Nhưng yếu tố quyết định nhất vẫn là cơ quan báo chí phải có một đội ngũ phóng viên - những người làm báo có tài năng, nhiệt huyết, dám dấn thân trong công việc và nghề nghiệp.

bao chi dia phuong su truong thanh tren tham do giai bao chi quoc gia hinh 2

Phóng viên phỏng vấn Giám khảo nhà báo Hà Minh Huệ.

3. Nhìn nhận thực tế thấy rằng, để tạo nên “sức bật” trong chất lượng, vẫn còn và vẫn nên là nỗi trăn trở của báo chí địa phương thời gian tới. Dù đã có sự nổi bật hơn, dù khoảng cách với báo chí Trung ương đã ngày càng được rút ngắn thì những hạn chế của báo chí địa phương vẫn cần tiếp tục được khắc phục, điều chỉnh.

Bởi quả thực, báo chí địa phương đến nay vẫn chưa phát huy được thế mạnh sở trường của mình là gắn bó với cơ sở, vẫn còn thiếu các bài viết chuyên sâu từ cơ sở, vẫn còn những “vùng trũng” cả về số lượng và chất lượng. Mảng truyền hình, phát thanh có nhiều tỉnh vẫn chưa được đầu tư nhiều về công nghệ, các tác phẩm vẫn chưa thật đặc sắc…

Thế nên, trong câu chuyện của những giám khảo chấm giải, vẫn còn đó những kỳ vọng rằng, báo chí địa phương trên thảm đỏ quốc gia cần có những tác phẩm xuất sắc hơn, có sức lay động và tiếng vang bên ngoài địa hạt của tỉnh, có tính phát hiện sắc sảo, sâu sắc hơn trong lý giải và mới mẻ trong cách thể hiện hơn nữa.

Báo chí đang chuyển mình, chuyển đổi số mạnh mẽ thì những mong muốn về các sản phẩm báo chí đa phương tiện càng phải được nâng cao và chất lượng hơn, đó cũng là điều mà báo chí địa phương cần đầu tư và coi trọng hơn nữa.

Có thể nói, tham dự Giải Báo chí Quốc gia là điều kiện, là môi trường, là cơ hội tốt để những người làm báo ở địa phương đánh giá, nhìn nhận mình trong hoạt động báo chí, từ đó có những bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, nâng cao năng lực, trình độ tay nghề, và ở một góc độ khác, đây cũng là dịp để báo chí báo chí địa phương được cọ xát, “cạnh tranh” trong tâm thế tự tin với những người làm báo trong cả nước, đặc biệt là nhà báo ở các cơ quan báo chí lớn…

Trong thách thức luôn mở ra cơ hội và mong rằng, những người làm báo địa phương sẽ nắm bắt và ngày càng khẳng định được mình. Bài học lớn vẫn luôn là “không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền”… Sự bền ở đây là tính bền vững, bền sức, là phong độ được duy trì, là lửa nghề được lan tỏa…

Hà Vân

Bình Luận

Tin khác

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và mối duyên nợ đầu tiên với báo chí

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và mối duyên nợ đầu tiên với báo chí

(CLO) Được biết đến không chỉ là một vị tướng lừng danh có sức ảnh hưởng sâu rộng đến lịch sử Việt Nam và thế giới thời hiện đại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là một nhà báo xuất sắc với ngòi bút chiến đấu mạnh mẽ.

Công tác hội
Chi hội nhà báo báo Giáo dục và Thời đại tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động

Chi hội nhà báo báo Giáo dục và Thời đại tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động

(CLO) Chiều 25/4, Ban Kiểm tra (Hội Nhà báo Việt Nam) đã làm việc với Chi hội nhà báo báo Giáo dục và Thời đại nhằm nhìn nhận, đánh giá công tác Hội năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Công tác hội
Hội Nhà báo Việt Nam và Indonesia: Tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa báo chí hai nước

Hội Nhà báo Việt Nam và Indonesia: Tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa báo chí hai nước

(CLO) Chiều 22/4 tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi đã chủ trì cuộc hội đàm với đoàn đại biểu Hội Nhà báo Indonesia do ông Sihono, Giám đốc báo chí Pancasila Hội Nhà báo Indonesia, vùng Yogyakarta làm Trưởng đoàn.

Công tác hội
Nâng cao vị thế, vai trò của Liên Chi hội Nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam

Nâng cao vị thế, vai trò của Liên Chi hội Nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam

(CLO) Sáng 19/4, Liên Chi hội nhà báo Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Đồng chí Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam tham dự và chỉ đạo Hội nghị.

Công tác hội
Lan tỏa tinh thần đổi mới, củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh

Lan tỏa tinh thần đổi mới, củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh

(NB&CL) Thời gian qua, hoạt động công tác hội đã có nhiều những đổi mới thiết thực, đúng, trúng với những chuyển biến thời cuộc và hoạt động thực tiễn. Đặc biệt, thực hiện chủ trương hướng về cơ sở, các cấp Hội ở nhiều địa phương đã tập trung triển khai nhiều nội dung, ý tưởng đổi mới sáng tạo, góp phần củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, hiệu quả.

Công tác hội