Cũng như các tờ báo, đài phát thanh, truyền hình của quốc gia, trong thời đại số hóa, báo chí địa phương cũng chịu tác động nặng nề và đứng trước yêu cầu phải thay đổi để tồn tại, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc.
Trải qua 56 năm thành lập và phát triển, báo Nghệ An hiện có đội ngũ 85 cán bộ, phóng viên, nhân viên, được phân bố trong 9 phòng chuyên môn, đảm nhiệm xuất bản 2 ấn phẩm báo in và 1 ấn phẩm báo điện tử.
Nghệ An là tờ báo dẫn đầu trong hệ thống báo Đảng địa phương về công tác phát hành báo in, đạt trên 16.400 tờ/kỳ (tăng so với năm 2010 hơn 6.000 tờ/kỳ), lượt truy cập báo điện tử ngày càng tăng cao không chỉ bạn đọc trong nước mà còn từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo bà Phạm Thị Hồng Toan – Tổng Biên tập báo Nghệ An thì báo Nghệ An là một trong những tờ báo đầu tiên của cả nước đi đầu trong đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học và phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong vận hành tòa soạn. Quy trình xuất bản của báo Nghệ An đã được thực hiện hoàn toàn trên hệ thống mạng điện tử. Công tác lưu trữ, thư viện, bảo mật tài liệu, công văn đi, đến đều được số hóa. Nghệ An cũng là tờ báo sớm thực hiện mô hình tòa soạn hội tụ.
Theo ông Phan Nguyên Hảo - Phó Giám đốc Sở TT&TT Nghệ An: Theo lộ trình, Nghệ An sẽ chính thức ngưng phát sóng toàn bộ các kênh chương trình truyền hình tương tự để chuyển sang phát sóng số kể từ ngày 31/12/2018. Bởi số hóa truyền hình mặt đất mang lại nhiều lợi ích cho người xem như nâng cao chất lượng về hình ảnh, âm thanh, tăng số lượng kênh được truyền so với chỉ một kênh truyền hình tương tự.
Còn ở Hà Tĩnh, nhà báo Phan Trung Thành - Phó Giám đốc Đài PT&TH Hà Tĩnh cho biết: Những năm gần đây, Đài tiếp tục đầu tư để từng bước số hóa kỹ thuật sản xuất chương trình, hệ thống máy dựng phim tuyến được lắp đặt, nhiều phần mềm về kỹ thuật dựng hình, kỹ xảo được ứng dụng.
Hiện tại, truyền hình Hà Tĩnh đã sản xuất theo tiêu chuẩn công nghệ HD. Đây là công nghệ có độ phân giải cao chỉ sau chuẩn công nghệ 4K đang được sử dụng tại một số Đài trong nước. Hệ thống lưu trữ dữ liệu lên đến 16 TGB.
Đồng chí Nguyễn Công Thành - Phó Tổng Biên tập Báo Hà Tĩnh cùng đoàn cán bộ báo Nghệ An.
Nhằm đa dạng hóa phương thức truyền dẫn, truyền hình Hà Tĩnh hiện có 10 phương thức truyền dẫn, gồm: analog, số mặt đất, số vệ tinh, truyền hình trực tiếp, VTVgo, MyTV, NetTV, K+, truyền hình cáp, truyền hình FPT. Ngoài ra, nội dung các chương trình còn được chọn lọc để đưa lên Fanpage, Youtube… thỏa mãn tối đa nhu cầu lựa chọn của công chúng.
Riêng phát thanh, Hà Tĩnh truyền dẫn theo 2 phương thức là FM và phát thanh trực tuyến. Giờ đây các thiết bị đầu cuối không chỉ là TV, radio mà kể cả destop, laptop, máy tính bảng, Smart phone… đều có thể xem và nghe được PT&TH Hà Tĩnh với độ phân giải hình ảnh cao, chất lượng âm thanh tốt.
Theo Thạc sỹ Trần Long - Quyền Trưởng phòng chuyên đề Đài PT&TH Hà Tĩnh, Đài đang thực hiện quản lý công việc và nội dung tin bài qua hệ thống phần mềm Hdstatiom. Với ứng dụng này, các bộ phận riêng rẽ, nhưng lại được liên kết lẫn nhau và giám sát lẫn nhau trong một không gian chung theo mô hình tòa soạn hội tụ. Đài phấn đấu giảm số lượng, nhân lực đến mức tối thiểu, nhưng lại mở rộng thời lượng và nâng cao chất lượng ở mức tối đa. Để thực hiện điều này, đòi hỏi phải phát huy sức mạnh của công nghệ, giúp cho mỗi người có thể làm việc bằng 2, bằng 3, từ một kíp 2 người, mỗi ngày sản xuất được 2 chương trình thời sự, nay có thể sản xuất lên tới 5 chương trình thời sự, 2 bản tin quốc tế…
Phó TBT báo Hà Tĩnh Nguyễn Công Thành cho rằng, việc xây dựng tòa soạn hội tụ không chỉ đơn thuần là sắp xếp lại vị trí làm việc mà quan trọng là cấu trúc lại quy trình phối hợp giữa các bộ phận trong tòa soạn với nhau. Việc phát triển mô hình tòa soạn hội tụ sẽ bảo đảm chất lượng nội dung thông tin trong tòa soạn được kiểm soát theo hướng tập trung.
Trên quan điểm đó, báo Hà Tĩnh sớm tổ chức tham quan, học hỏi kinh nghiệm làm báo hiện đại của các tờ báo đi trước như Tuổi trẻ, Nghệ An… Tiếp đó là mở nhiều lớp tập huấn báo chí đa nền tảng cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, tổ chức tòa soạn hội tụ, giao ban hằng ngày, trước 7 giờ sáng tất cả phóng viên đã đăng ký nội dung sản phẩm xuất bản trong ngày với các phòng, ban. Ban Biên tập có kế hoạch chủ động trong mua sắm thiết bị như: hệ thống máy chủ, đường truyền, xây dựng các moodun riêng thực hiện các chương trình giao lưu trực tuyến, tọa đàm trực tuyến…
Nhờ vậy, đến nay đội ngũ phóng viên, biên tập viên của báo Hà Tĩnh đáp ứng khá tốt yêu cầu làm báo trong thời đại số, nhất là số anh chị em làm báo điện tử. Hiện phóng viên tác nghiệp không chỉ 2 trong 1 mà là 3-4 trong 1 để cho ra đời sản phẩm hoàn chỉnh gồm cả tin, bài, ảnh, video, thậm chí có cả đồ họa, biểu chỉ tiêu sơ đồ so sánh phát triển kinh tế - xã hội…
Sự nỗ lực của tòa soạn đã đem lại kết quả đáng mừng. Theo đánh giá của Alexa – trang Web xếp hạng của các Website trên toàn thế giới, báo điện tử Hà Tĩnh (baohatinh.vn) thường nằm ở top 3 đến top 7 trong hệ thống 63 tờ báo Đảng điện tử của địa phương cả nước về chỉ số phát triển, độ tin cậy của thông tin và lượng bạn đọc truy cập.
Rõ ràng, trong thời đại kỷ nguyên số đòi hỏi không chỉ ý chí, quyết tâm mà cả sự đầu tư không hề nhỏ của tòa soạn và các cơ quan quản lý của tờ báo đó.
Khắc Hiển