Báo chí “oằn mình”, “méo mặt” trên "Trận tuyến thông tin Covid- 19”

04/04/2020 09:55

(CLO) Không than thở, giãi bày, nhưng sự thực là các nhà báo thuộc các phương tiện thông tin đại chúng khắp mọi miền đất nước đều “oằn mình”, “méo mặt” với trận tuyến “Thông tin Covid – 19”.

Thời lượng thông tin chặn dịch, dập dịch dày đặc hơn bất cứ khi nào, kể cả báo in, báo nói, báo hình... khi ấy việc tác nghiệp cũng vô vàn khó khăn, nhưng thu nhập lại sa sút nhìn thấy từng ngày!

Phóng viên VTV tác nghiệp trong đợt dịch Covid- 19. Ảnh: T.L

Phóng viên VTV tác nghiệp trong đợt dịch Covid- 19. Ảnh: T.L

Dịch Virus Covid – 19 càng kéo dài, trầm trọng càng tác động rộng vào muôn đường muôn ngả hoạt động kinh tế của nước nhà. Nhiều doanh nghiệp lớn, nhỏ, nhiều tổ chức kinh tế, Tập đoàn kinh tế mạnh thì nay thực lực cũng chững lại. Họ không còn dư sức sắm vai “mạnh thường quân” cho báo này, tạp chí nọ, đài kia nữa. Họ cũng không còn là nguồn thu nhập, trang trải cho báo chí “tự chủ” thông qua quảng cáo. Nguồn thu nhập thường xuyên của báo in trông nhờ nhiều vào việc bán báo. Báo phát hành rộng, tiara nhiều thì thu nhập khấm khá, góp sức ổn định đời sống của nhà báo và cán bộ công nhân viên trong tòa soạn. Thu nhập cao thì lương, thưởng cho người làm việc; nhuận bút cho bài viết, cho cộng tác viên cũng cao lên, sẽ “hút” mạnh những cây viết “danh tiếng” viết đều đặn cho báo...

Nay, dịch bệnh dai dẳng, cái khó dẳng dai, thiếu “nguồn” tài chính nên người viết cũng sinh nản lòng, thậm chí ngại viết. Đã thế, các quầy bán báo chuyên nghiệp cũng thưa thớt khách mua báo lui tới, bởi cần sự “giãn cách” xã hội, bởi tránh tự mang “họa” vào thân. Cho nên lắm mẻ báo đưa tới nhà đại lý rồi... lần lần lại phải thu về cả thùng, cả bịch. Thật méo mày, méo mặt!

Báo chí và nhà báo Việt Nam vốn giầu ý chí cách mạng. Mỗi khi có giặc giã họ luôn đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng của dân tộc do Đảng lãnh đạo. Bởi thế báo chí và nhà báo được xem là khí phách Việt Nam. Cho nên, những ngày này họ thực sự “Chung sức, đồng lòng để chiến thắng đại dịch Covid- 19” theo lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Tuy khó khăn, gian khổ, khắt khe, nghiệt ngã, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng do lây chéo như nữ nhà báo nọ đã phải, ảnh hưởng đến cộng đồng, đến tổ ấm gia đình, nhưng trách nhiệm nghề nghiệp của họ vẫn luôn đặt lên trên hết.

Xã hội, người đọc, người nghe, người xem trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng chính thống (báo in, báo nói, báo hình, báo ảnh) vẫn rất kỳ vọng vào họ, tin cẩn vào họ bởi tính trung thực, độ tin cậy cao. Cho dù thông tin trên mạng tràn lan, nhanh, hấp dẫn... nhưng là thông tin cá nhân, tùy tiện, thiếu kiểm chứng; thậm chí thù địch, giả dối, bịa đặt nhằm bôi nhọ, đả kích, chống phá chế độ của chúng ta. Khi đó, thông tin báo chí của chúng ta bằng trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, là nguồn thông tin chính thống, tiếp nhận từ đầu nguồn sự kiện, được xử lý kĩ lưỡng, kiểm định chặt chẽ từ trí lực, bản lĩnh của tập thể Ban biên tập.

Mỗi khi đất nước có giặc giã, hoặc gặp đại dịch khủng khiếp như hiện nay thì tính cách mạng của báo chí lại bùng lên mạnh mẽ, lại vào cuộc đầy ý chí như các chiến sĩ cầm súng, như các y bác sĩ tận tụy hết mình trị bệnh cứu người trong đại dịch, đại hiểm nguy.

Thời điểm đất nước đang huy động tổng lực thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ không để vỡ trận, làm lây lan dịch ra toàn xã hội thì cho dù mưa rét sụt sùi ở miền Bắc, nắng mưa thất thường của miền Trung và cái nóng oải người ở Nam Bộ thì các nhà báo vẫn dấn thân tiếp cận thực tế để giữ chuyên trang, chuyên mục; vẫn phải phản ánh sự quyết liệt ngăn chặn dịch, quyết liệt dập dịch, cùng mọi mặt hoạt động để ổn định xã hội, để vươn lên, đi tới... Tác nghiệp để có một khuôn hình, có tiếng nói của nhân vật, để phản ánh đúng thực trạng, để khen, chê đúng bản chất của vấn đề, sự việc, sự kiện... để báo chí ra đúng kỳ, giàu lượng thông tin lúc này là vô cùng khắt khe, nghiệt ngã, vô cùng quyết liệt của tập thể các Ban biên tập, Báo chí và Truyền thông, mà không điện thoại, online hay trực tuyến nào có thể thay thế hết.

Để các cơ quan báo chí phát huy được vai trò truyền thông của mình, các cơ quan chủ quản, các cơ quan quản lý báo chí và Nhà nước cần có sự quan tâm, có chế độ, chính sách hỗ trợ báo chí và nhà báo trong thời “Thông tin đại dịch Covid-19”!    

Nguyễn Uyển

    Nổi bật
        Mới nhất
        Báo chí “oằn mình”, “méo mặt” trên "Trận tuyến thông tin Covid- 19”
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO