Báo chí phải làm tốt hơn chức năng định hướng tư tưởng dư luận, tạo sự đồng thuận cao
(CLO) Đó là nhấn mạnh của ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tại Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023, ngày 24/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Hội nghị do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và các đại biểu dự hội nghị. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)
Báo chí phải đồng hành với lợi ích quốc gia, dân tộc
Theo báo cáo đánh giá công tác báo chí năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm 2023; báo cáo về hoạt động công tác Hội Nhà báo Việt Nam đều thống nhất nhận định, năm 2022, báo chí tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, thể hiện những bước chuyển mình quan trọng. Công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý báo chí tiếp tục được thực hiện nhất quán theo phương châm chủ động, kịp thời, nhạy bén, hiệu quả.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá, báo chí đã thể hiện rõ nét vai trò dẫn dắt, chủ động, kịp thời, đạt hiệu quả trong tuyên truyền về những vấn đề, sự kiện quan trọng của đất nước góp phần tạo sự đồng thuận xã hội... Mặc dù đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương cũng nêu một số tồn tại, hạn chế của báo chí trong năm qua.

Ông Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Hội nghị.
Cụ thể, ở một số cơ quan báo chí, tỷ lệ giữa thông tin tích cực và thông tin về mặt trái chưa cân đối; tính định hướng, tính dẫn dắt của báo chí trong một số vụ việc, trường hợp cụ thể còn chậm, thiếu nhạy bén. Tình trạng "báo hóa" tạp chí, các biểu hiệu "tư nhân hóa" báo chí vẫn chưa được khắc phục triệt để. Ngoài ra, vẫn còn thông tin giật gân, câu khách, không bảo đảm tính chính trị, tính định hướng, tính nhân văn; có trường hợp vi phạm luật báo chí và đạo đức nghề nghiệp.
Một số Sở Thông tin và Truyền thông chưa phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm, e dè, né tránh trong xử lý vi phạm hoạt động báo chí trên địa bàn. Thêm vào đó, vai trò, trách nhiệm của nhiều cơ quan chủ quản đối với cơ quan báo chí còn hạn chế, mờ nhạt, đặc biệt đối với cơ quan chủ quản là các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp...
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh tới vai trò, sứ mệnh quan trọng của báo chí trong công tác tư tưởng văn hóa, công tác tuyên giáo của Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch.
"Phương hướng, nhiệm vụ của báo chí năm 2023 không chỉ là ngắn hạn mà còn hướng tới một sự kiện quan trọng là kỷ niệm 100 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (năm 2025). Với đất nước, năm 2023 là năm bản lề, hướng tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng, hướng đến 100 năm thành lập Đảng (năm 2030), 100 năm thành lập nước (năm 2045). Vì thế, các cơ quan báo chí cần xác định rõ các định hướng này để có kế hoạch hoạt động ngắn hạn, trung và dài hạn, đáp ứng yêu cầu thông tin trong tình hình mới," ông Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các cơ quan báo chí cần tiếp tục bám sát các mục tiêu của Đảng về quản lý phát triển báo chí, đặc biệt là định hướng xây dựng nền báo chí cách mạng, chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại. Đây là những tư duy mới của Đảng trong công tác phát triển báo chí được đề cập đến trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng.
Đặc biệt, Hội nghị Trung ương 6 còn nhấn mạnh đến vấn đề vừa ứng dụng mạnh mẽ khoa học-công nghệ, vừa phải phát huy vai trò, nhân tố con người trong hoạt động báo chí.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh trao bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác báo chí năm 2022. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng hoạt động báo chí có tác động trực tiếp tới sự nghiệp cách mạng của đất nước trên tất cả các lĩnh vực, vì thế báo chí phải làm tốt hơn chức năng định hướng tư tưởng dư luận, tạo sự đồng thuận cao trong thực hiện nhiệm vụ chung, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp tuyên truyền.
Thực tế, cùng với lĩnh vực tư tưởng lý luận, văn hóa, báo chí được đánh giá là lực lượng xung kích đi đầu, tiên phong lan tỏa mạnh mẽ điều tốt đẹp trong xã hội, phản bác điều sai trái.
Về tính thực tiễn của báo chí, ông Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các cơ quan báo chí cần bám sát thực tiễn để phản ánh thực tiễn phong phú của nhân dân mọi miền đất nước, kiều bào ta ở nước ngoài, đồng thời thực hiện tốt chức năng định hướng thông tin của mình; đồng hành cùng dân tộc, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, hướng tới tính nhân văn.
Các cơ quan báo chí cần nhận thức đầy đủ hơn chức năng và nhiệm vụ phản biện xã hội của mình để làm tốt hơn nữa vai trò của mình, góp phần đưa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước đi vào thực tiễn.
Trong thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ này, báo chí cũng cần tỉnh táo, kiên định không để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá. Cùng với đó, báo chí cần tiếp tục làm tốt vai trò đồng hành, tiên phong hơn nữa trong nhiệm vụ thông tin đối ngoại.
Để thực hiện được các nhiệm vụ nêu trên, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa gợi mở một số vấn đề các cơ quan báo chí cần tập trung trong thời gian tới, trong đó thực hiện tốt việc xây dựng đề án tổng thể kỷ niệm 100 năm báo chí cách mạng nước nhà; Các cơ quan quản lý cần rà soát đánh giá công tác báo chí, xuất bản để hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến báo chí. Để có thể đứng vững và tiếp tục phát triển trong bối cảnh hiện nay, các cơ quan báo chí cũng cần quan tâm phát huy các nguồn lực con người, đầu tư, tài chính. Nguồn lực con người là quan trọng nhất, vì thế các đơn vị cần quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng người làm báo.
Cùng với đó, trên cơ sở đường lối chung của Đảng, các đơn vị chú trọng tận dụng nguồn lực đầu tư cho việc ứng dụng công nghệ. Riêng nguồn lực tài chính, cùng với ngân sách Nhà nước, các đơn vị đẩy mạnh tự chủ, hợp tác tuyên truyền. Các cơ quan báo chí cần chú trọng xây dựng tổ chức Đảng trong cơ quan, phát huy tốt vai trò của tổ chức Đảng cũng như từng đảng viên trong cơ quan báo chí.
Một nền báo chí nhân văn sẽ có sức mạnh bảo vệ giá trị tốt đẹp
Tại hội nghị Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm phát động hưởng ứng tuyên truyền gương điển hình tiên tiến giai đoạn 2022-2025 theo Quyết định 1256 ngày 9/12 của Thủ tướng. Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm đề nghị các cơ quan báo chí đóng góp nhiều hơn nữa cho việc tìm ra và tôn vinh những tấm gương có sáng kiến, giải pháp có ích cho xã hội.
Theo ông Lâm, đây là việc báo chí kể những câu chuyện ý nghĩa, truyền cảm hứng, thổi bùng những giá trị tốt đẹp, đồng cảm, hướng thiện, giúp hoá giải bế tắc để tiếp tục sống tốt hơn. Tính nhân văn, chính xác, khách quan là giá trị cốt lõi và là lý do tồn tại của báo chí. Một nền báo chí nhân văn sẽ có sức mạnh bảo vệ giá trị tốt đẹp, lợi ích tối cao, thiết thực của đất nước và nhân dân.
Khi đất nước vượt qua đại dịch Covid-19, lãnh đạo Bộ TT&TT điểm lại những cơ quan báo chí có nhiều chuyên mục tốt, tuyến bài hay, ý nghĩa, lay động cảm xúc trên báo chí cách mạng. Trong đó có nhiều tuyến bài ghi dấu ấn với lượt truy cập cao, thu hút bạn đọc.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nguyễn Nguyễn.
Đồng thời, những cơ quan báo chí khác cũng được biểu dương với những chuyên mục, câu chuyện khắc họa những con người bình dị “không ai biết mặt biết tên”, nhưng có niềm tin vào chính nghĩa, tình yêu cuộc sống thuần khiết. Có những chuyên mục duy trì nhiều năm, đạt hàng trăm nghìn đến hàng triệu lượt truy cập.
Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng chung, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho rằng mỗi ngày mở điện thoại, máy tính ra đọc báo chí điện tử, đập vào mắt vẫn là những biểu hiện bất cập, lệch lạc, cẩu thả trong tác nghiệp của một bộ phận phóng viên, và thậm chí của cả một số tòa soạn báo và tạp chí.
Nhiều bản tin, bài báo còn thiếu tính nhân văn, sa đà chạy theo thị hiếu giật gân để câu khách, câu view mà quên đi giá trị cốt lõi của báo chí. Trong khi đó, một số cơ quan lấy danh nghĩa phản biện, chống tiêu cực đã có không ít bài báo, nhà báo nặng về khai thác những vấn đề mặt trái của xã hội, phê phán một cách tùy tiện, thậm chí nâng quan điểm, đưa tin thiếu kiểm chứng, quy chụp tội danh, kết luận thay các cơ quan có thẩm quyền…
Ông cho biết, nhằm lan tỏa, tạo động lực, động viên, khuyến khích, cổ vũ người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong cả hệ thống chính trị, ngày 9/12, Thủ tướng đã có Quyết định 1526 ban hành đề án “Tuyên truyền gương điển hình tiên tiến giai đoạn 2022-2025”. Đề án coi báo chí là lực lượng tiên phong, đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện, truyên truyền, nhân rộng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc, nhân tố nổi trội, dẫn đầu trong các phong trào thi đua, gương người tốt, việc tốt trong đời sống xã hội.
Thay mặt Ban tổ chức Hội nghị báo chí toàn quốc, Bộ TT&TT đề nghị các cơ quan báo chí nghiên cứu kỹ và hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng, phát huy vai trò, tạo niềm tin và ổn định xã hội. Trong đó, các cơ quan cần kể nhiều câu chuyện, tấm gương truyền năng lượng, cảm hứng tích cực cho người dân và cho doanh nghiệp; kể chuyện nhiều hơn, phân tích nhiều hơn, với một tâm hồn cảm thông, chia sẻ và một cái đầu bình tĩnh, sáng suốt.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm đề nghị: “Đất nước cần một nền báo chí hướng xã hội vào việc suy nghĩ và tìm kiếm lời giải cho những vấn đề lớn, trọng đại. Tìm kiếm giải pháp bao giờ cũng khó hơn là bình phẩm, chỉ trích. Các cơ quan báo chí hãy đóng góp nhiều hơn nữa cho việc tìm ra và tôn vinh những tấm gương có sáng kiến, giải pháp có ích cho xã hội, giúp ích cho công tác chỉ đạo, điều hành đất nước”.
Tại Hội nghị, Ban Tổ chức đã lựa chọn 32 tập thể để tặng bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương vì thành tích xuất sắc trong công tác báo chí năm 2022.
HV