Dự buổi Khai giảng khóa học, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã dành thời gian trao đổi với các học viên nhiều vấn đề quan trọng và thiết thực. Một trong những vấn đề được ông chia sẻ là câu chuyện báo chí cần tạo niềm tin xã hội và giữ thương hiệu như thế nào trong bối cảnh hiện nay.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu khai giảng lớp học - Ảnh: Việt Hùng
Người đứng đầu Bộ Thông tin và truyền thông phân tích rằng, báo chí tạo niềm tin xã hội, thì phóng viên chúng ta phải là người được tin cậy nhất trong xã hội. Nhưng Bộ trưởng cũng trăn trở: “Chúng ta chắc đã đến lúc phải suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này, có chương trình hành động về vấn đề này, để tăng niềm tin của xã hội vào những người làm báo. Lấy lại thương hiệu cho những người làm báo, việc này chỉ có thể là chính chúng ta làm, không ai ngoài chúng ta cả”. Ông cũng nói thêm rằng: “Báo chí muốn sống tốt thì phải là một thương hiệu trong xã hội. Hội nhà báo, các cấp và các cơ quan báo chí phải chung tay giữ gìn thương hiệu nhà báo, không để con sâu làm rầu nồi canh. Không còn thương hiệu thì sẽ mất hết, không sống được. Chẳng ai giữ được tên mình ngoài mình cả”.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng cho biết, hiện nay, các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được ngày càng nhiều đơn khiếu nại nội dung thông tin báo chí của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và công dân. Trong đó, nhiều đơn thư có tổ chức hoặc cá nhân đứng tên, phản ánh về việc báo chí thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Có doanh nghiệp thì thiệt hại lớn về kinh tế, thương hiệu, có doanh nghiệp thì sạt nghiệp, có người thì mất đi danh dự, gia đình. Một bài báo vô trách nhiệm thôi nhưng có thể ảnh hưởng đến số phận của một tổ chức, một con người cụ thể…
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị các đồng chí là quản lý, lãnh đạo các cơ quan báo chí phải thường xuyên quán triệt, nhắc nhở, xây dựng chuẩn mực phóng viên, xây dựng văn hoá người làm báo. “Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phải xử lý nghiêm những vi phạm này, công khai trên các phương tiện đại chúng. Cục Báo chí, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cũng đã công khai đường dây nóng để tiếp nhận các phản ánh từ tháng 9 năm 2018”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cương quyết.
Các học viên tham dự Lễ Khai giảng - Ảnh: Việt Hùng
Về quản lý và phát triển, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, quản lý là để phát triển bền vững. Quản lý phải theo kịp sự phát triển. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Với tinh thần tăng cường quản lý, kỷ cương để báo chí phát triển tốt hơn, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của đất nước, cần đổi mới cách quản lý, theo kịp sự phát triển các quan điểm mới của Đảng, của Nhà nước về quản lý báo chí, theo kịp sự phát triển của xã hội, theo kịp sự phát triển của công nghệ. Cần chủ động là người đầu tiên đưa thông tin ra mạng. Phân biệt rõ tai nạn nghề nghiệp và sự chống phá Đảng và nhà nước để xử lý”
Ngoài ra, đề cập đến đời sống của những người làm báo, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: Anh em làm báo phải sống được bằng nghề. Không sống được bằng nghề thì khó làm tốt được. Bây giờ cơ quan báo chí nhiều, thị trường quảng cáo đã nhỏ, lại đang bị mạng xã hội lấy mất đến gần 40%, nên báo chí rất khó khăn. Lời giải nào? Báo chí nên quy hoạch lại để tinh hơn. Bộ trưởng nhấn mạnh rằng, việc quy hoạch không phải để siết báo chí mà làm cho báo chí phát triển lành mạnh, bền vững hơn, vì mục tiêu phụng sự Tổ quốc phát triển, nói gọn là: Sống được, phụng sự được. Cũng không thể làm một cách quá hành chính. Trung ương cũng đã cho chúng ta làm có lộ trình. Khi làm cũng phải xem đến từng cơ quan báo chí, từng người. Định hướng đã có, từng cơ quan chủ quản, từng cơ quan báo chí phải tự làm. Khó đâu thì Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ sát cánh. Phải làm ráo riết từ hôm nay, vì lộ trình mấy năm sẽ qua đi rất nhanh.
Về tác nghiệp của báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đặt vấn đề: Báo chí có thể nhanh hơn mạng xã hội không? Câu trả lời là không. Theo Bộ trưởng, báo chí của chúng ta không nên chạy đua với mạng xã hội về việc đưa tin nhanh nhất. Hãy đưa tin có kiểm chứng. Mạng xã hội đang mất uy tín vì Fake News, đang tạo ra một nhu cầu ngày một lớn hơn về tin chính xác, về tin có kiểm chứng. Và đây chính là mảnh đất của báo chí. Mạng xã hội không chỉ cạnh tranh với báo chí mà còn giúp xã hội nhìn rõ hơn giá trị của báo chí. Báo chí phải thấy rõ giá trị của mình để phát huy, thay vì bắt chước thì hãy giữ giá trị cốt lõi của mình.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho rằng báo chí phải dùng công nghệ nhiều hơn. Cái mà chúng ta phải học mạng xã hội chính là công nghệ. Công nghệ mới để làm việc cũ của chúng ta tốt hơn. Công nghệ mới cũng tạo ra những giá trị mới hơn cho báo và cho độc giả. Công nghệ sẽ giải phóng cho người làm báo nhất là lãnh đạo cơ quan báo chí tránh khỏi những việc lặp lại, cho chúng ta nhiều thời gian hơn để sáng tạo. Nhưng công nghệ cũng sẽ lấy mất công việc của những người trung bình, bắt buộc mỗi chúng ta phải đào tạo lại để thích ứng.
P.V