Báo chí tuyên truyền Nghị quyết 57: Lan toả tinh thần đổi mới sáng tạo
(CLO) Nghị quyết số 57 - NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đang nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ các cơ quan thông tấn báo chí trên cả nước.
Từ báo in truyền thống đến các nền tảng truyền thông số hiện đại, một mặt trận thông tin rộng khắp đã được thiết lập, cho thấy quyết tâm đưa Nghị quyết vào cuộc sống một cách sâu rộng và hiệu quả.
VOV tiên phong với chuyên mục 'Đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên số'
Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) đã thể hiện vai trò tiên phong trong công tác tuyên truyền với chuyên mục 'Đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên số - Nghị quyết 57 và hiện thực hóa tại Việt Nam'. TS Đồng Mạnh Hùng, Trưởng ban Thư ký Biên tập, thành viên Ban Chuyển đổi số VOV, nhấn mạnh chuyên mục này tập trung làm rõ mục tiêu, nội dung cốt lõi của Nghị quyết, đồng thời giới thiệu những thành công trong ứng dụng khoa học công nghệ của các đơn vị, doanh nghiệp và những gương mặt nhà khoa học tiêu biểu.
“Các kênh phát thanh đã thiết lập các chuyên mục riêng, trong khi báo điện tử và trang thông tin điện tử đồng loạt đưa Nghị quyết lên nền tảng số, biến mọi loại hình truyền thông thành lực lượng tuyên truyền chủ chốt”, ông Hùng cho biết.

Theo TS Đồng Mạnh Hùng, nội dung tuyên truyền được cập nhật liên tục, tập trung vào việc giúp người dân nắm rõ mục tiêu và nội dung cốt lõi của Nghị quyết. Bên cạnh đó, các thành công trong ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và cải cách hành chính của các đơn vị, doanh nghiệp trong nước cũng được đặc biệt nhấn mạnh.
Các chuyên mục và bài viết còn giới thiệu những nhà khoa học tiêu biểu và các nghiên cứu đột phá, đồng thời cập nhật thông tin về tiến bộ khoa học trên thế giới thông qua mạng lưới phóng viên thường trú tại nhiều quốc gia. Đặc biệt, kinh nghiệm thực tiễn từ nông dân và các tập thể lao động trong việc ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống được chia sẻ, mang đến những hướng dẫn gần gũi và thiết thực.
"Điều cốt lõi mà chúng ta cần khắc sâu vào nhận thức của mỗi người dân chính là sự khẳng định về một tầm nhìn chiến lược, một con đường phát triển đúng đắn mà Đảng và Nhà nước đã lựa chọn khi đặt khoa học công nghệ làm trọng tâm trong kỷ nguyên văn minh này," TS Đồng Mạnh Hùng khẳng định. "Trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến những bước tiến vũ bão của khoa học, nếu chúng ta không chủ động nắm bắt, không quyết liệt ứng dụng và phát huy những thành tựu đó, nguy cơ tụt hậu không chỉ là một viễn cảnh mà còn là một thực tế hiển hiện”.
TS Đồng Mạnh Hùng đặc biệt nhấn mạnh đến việc truyền tải những thành tựu khoa học một cách sinh động và dễ hiểu. Theo ông, báo chí không chỉ nói về những con số khô khan hay những khái niệm trừu tượng. Nhiệm vụ của báo chí là phải kể những câu chuyện về những phát minh, những ứng dụng cụ thể, cả trên bình diện quốc tế lẫn những nỗ lực nghiên cứu đầy tiềm năng của người Việt. Chỉ khi người dân, cán bộ, công chức thực sự 'thấm' được tầm quan trọng, thấy được những thay đổi tích cực mà khoa học công nghệ mang lại cho cuộc sống hàng ngày, cho công việc của họ, thì sự hưởng ứng và hành động mới thực sự lan tỏa.

Không chỉ vậy, vai trò định hướng và phản biện của báo chí cũng được lưu ý khi Nghị quyết 57 không chỉ là những mục tiêu trên giấy. Nó là một lộ trình cụ thể, ví dụ như việc xây dựng một nền công nghiệp bán dẫn vững mạnh, phát triển các sản phẩm công nghệ cao mang thương hiệu Việt. "Báo chí cần phải làm rõ những mục tiêu này, giúp người dân hình dung được tương lai mà Nghị quyết hướng tới. Đồng thời, chúng ta cũng cần một tinh thần cầu thị, sẵn sàng phê bình những tư tưởng lạc hậu, những rào cản trong quá trình triển khai, thậm chí phản biện những quan điểm sai lệch để bảo vệ sự tiến bộ và tính đúng đắn của Nghị quyết", TS Đồng Mạnh Hùng nhìn nhận.
Bên cạnh đó, VOV đặc biệt chú trọng đến việc phục vụ các đối tượng thính giả khác nhau. Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số VOV xây dựng các chương trình phát thanh, được thực hiện bằng 12 thứ tiếng dân tộc, nhằm đảm bảo rằng những chủ trương, chính sách quan trọng, đặc biệt là nội dung của Nghị quyết 57, được truyền tải một cách dễ hiểu và gần gũi nhất đến từng cộng đồng.
Thanh Hóa: Tuyên truyền bằng công nghệ, lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo
Tại Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh (PT-TH Thanh Hóa) đã có những cách tiếp cận sáng tạo và hiệu quả trong công tác tuyên truyền Nghị quyết 57. Ông Phạm Văn Báu, Giám đốc Đài PT-TH Thanh Hóa, cho biết điểm nổi bật là tính cụ thể, rõ ràng và khả năng gợi mở cao trong các sản phẩm báo chí của Đài.
"Không chỉ dừng ở việc phản ánh sự kiện, chủ trương, các bản tin và chuyên mục đã đi sâu vào từng nội dung của nghị quyết: từ yêu cầu đổi mới thể chế, cơ chế quản lý, chính sách đầu tư cho KH-CN; thúc đẩy nghiên cứu và phát triển; tăng cường hợp tác quốc tế; đến mục tiêu nâng cao thứ hạng đổi mới sáng tạo của Việt Nam trên bảng xếp hạng toàn cầu".

Theo ông Báu, Đài đã giới thiệu hàng trăm nhân vật, mô hình, giải pháp trong gần một năm qua, từ startup nông nghiệp ứng dụng AI, hệ thống chuyển đổi số tại các trường học, bệnh viện, doanh nghiệp; mô hình ‘Một cửa điện tử’ đến các nền tảng số giúp người dân tra cứu thông tin quy hoạch, nộp hồ sơ trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt…
Việc phỏng vấn và giới thiệu các nhân vật, doanh nghiệp, nhà sáng chế, chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ không chỉ lan tỏa tinh thần sáng tạo mà còn cụ thể hóa những nội dung trong Nghị quyết 57, giúp khán giả hình dung rõ hơn con đường chuyển đổi số quốc gia và vai trò của từng cá nhân, tổ chức trong hành trình đó.
“Nội dung tuyên truyền của Đài hướng mạnh vào việc cổ vũ các cấp, các ngành chủ động ứng dụng công nghệ, nâng cao năng lực số; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới sáng tạo; nâng cao nhận thức và kỹ năng số cho người dân”, ông Báu cho hay.
Kết quả của công tác tuyên truyền này, theo ông Báu, đã mang lại những chuyển biến rõ rệt trong triển khai thực hiện Nghị quyết tại nhiều địa phương trong tỉnh, với việc chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã đưa các ứng dụng số vào quản lý điều hành; nhiều doanh nghiệp đã số hóa quy trình sản xuất; các ngành giáo dục, y tế, tài chính công đều đang thúc đẩy triển khai nền tảng số, góp phần xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số tại Thanh Hóa.
"Một điểm đáng ghi nhận trong cách Đài PT-TH Thanh Hóa triển khai tuyên truyền Nghị quyết 57 là việc chúng tôi 'tuyên truyền bằng chính công nghệ'", ông Phạm Văn Báu chia sẻ. "Với mục tiêu đó, Đài đã chủ động ứng dụng mạnh mẽ các công cụ truyền thông số vào hoạt động báo chí của mình”.
Theo ông, Đài đã vận hành nền tảng báo hình trên mạng xã hội, tối ưu hóa nội dung trên website, YouTube, TikTok, Facebook, Zalo và sản xuất các bản tin đồ họa, infographics và podcast công nghệ. Sự đa dạng trong các kênh tiếp cận này đã giúp Đài tạo ra những kênh tiếp cận đa dạng, thu hút giới trẻ - lực lượng then chốt trong công cuộc chuyển đổi số.
Ông Báu nhấn mạnh hiệu quả của sự kết hợp này: "Sự kết hợp giữa công nghệ truyền thông hiện đại và nội dung chính luận thời sự đã giúp các sản phẩm báo chí của Đài dễ tiếp cận, đồng thời giữ vững tính định hướng, tính giáo dục và lan tỏa thông tin tích cực."
Những nỗ lực tuyên truyền sâu rộng và đa dạng của các cơ quan báo chí trên cả nước, tiêu biểu như VOV và Đài PT-TH Thanh Hóa, đang góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận và thúc đẩy hành động trong toàn xã hội, hiện thực hóa mục tiêu đưa khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trở thành động lực đột phá cho sự phát triển của Việt Nam trong kỷ nguyên mới.