Báo chí Việt Nam 2021: Trở về để đi xa hơn…

Thứ bảy, 01/01/2022 08:30 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Năm 2021 vừa qua - năm thứ hai đại dịch COVID-19 hoành hành, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi mặt đời sống, trong đó có báo chí. Nhưng, chính trong những thời khắc gian nan ấy, báo chí Việt Nam thực sự đã là lực lượng tiên phong trên tuyến đầu chống dịch.

Dù vậy, để thực sự xứng đáng là “binh chủng đặc biệt”, báo chí Việt Nam vẫn cần phải hoàn thiện mình, để tiến xa hơn nữa, để thực hiện trọn vẹn sứ mệnh được tin cậy giao phó: thể hiện trung thực dòng chảy chính của xã hội; khơi dậy khát vọng Việt Nam, lan toả năng lượng tích cực, lấy cái đẹp, dẹp cái xấu… Và để hiện thực hóa sứ mệnh ấy, như nhắc nhớ của Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, “muốn đi xa thì phải về gần. Hơn lúc nào hết báo chí cần quay về với những giá trị cốt lõi của mình”.

1. “Một ngày vào bệnh viện nhiều lần, ở bệnh viện 7, 8 tiếng liền ban ngày rồi tranh thủ về, tối quay vào lần nữa. Cứ thế ròng rã nhiều ngày, cứ 3-5 ngày lại test COVID-19 một lần. Trong môi trường đặc biệt có khả năng lây nhiễm cao khủng khiếp như thế tôi xác định nằm trong diện bị nhiễm bất cứ lúc nào… Lúc đó với tôi, suy nghĩ lớn nhất là khi đã vào đây thì sẽ cố gắng để quay được thật nhiều tư liệu. Nếu lỡ có bị mắc COVID-19 thì ra khu dã chiến vẫn có tư liệu, thời gian để làm hậu kì tác phẩm. Thế nên việc tác nghiệp diễn ra liên tục, dày đặc, tận dụng từng ngày quý giá, trong thời gian sớm nhất, nhanh nhất để làm sao ghi được nhiều hình, nhiều nhân vật nhất... Thực sự, bản thân tôi trước khi tới bệnh viện cũng không hình dung hết được sự khốc liệt của cuộc chiến này”. Đó là hồi ức của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư- tác giả của “Ranh giới”- bộ phim tài liệu phóng sự tạo nên những xúc cảm mạnh mẽ nhất về cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 trong năm 2021 vừa qua. Thực sự, để có được những thước phim được đánh giá là “chân thực đến ngạt thở” ấy, đạo diễn Tạ Quỳnh Tư và ê kíp đã phải “sống cùng, quan sát và cảm nhận”, nén lại những nỗi sợ bình thường rất con người để hòa mình vào cuộc chiến “giằng co với tử thần giữa lằn ranh sinh tử”.

Điều đáng trân trọng là, báo chí Việt Nam 2021 còn rất, rất nhiều những sự dấn thân đáng khâm phục. Khó có thể kể hết đã có bao nhiêu nhà báo xung phong lên tuyến đầu, xông pha vào tâm dịch để “độc giả hình dung được những vất vả nguy hiểm của lực lượng y tế một cách chân thực nhất” như nhà báo Bùi Ngọc Tân - Tạp chí điện tử Tri thức trực tuyến Zing News tâm niệm. Khó có thể nói hết họ đã vượt qua những hiểm nguy, vượt qua những nỗi sợ như thế nào? Cũng khó có thể kể hết những vất vả gian truân của những nhà báo, của các tòa soạn khi chẳng may nhiễm COVID-19 hay có phóng viên trở thành F0. Nhưng một điều có thể khẳng định, là hết thảy các phóng viên, biên tập viên, lãnh đạo các tòa soạn đã hừng hực quyết tâm vì những dòng tin về cuộc chiến chống dịch không bao giờ bị đứt đoạn.

“Tại Báo CAND từng xảy trường hợp một lái xe bị nhiễm COVID-19. Cả Tổng Biên tập, Phó Tổng Biên tập và một số lãnh đạo phòng, ban của Báo trở thành diện F1, F2. Lúc ấy, đã có ý kiến đề nghị Báo nên xin lãnh đạo Bộ cho tạm dừng xuất bản một thời gian. Tôi không đồng ý với đề nghị này. Tôi quyết định vẫn duy trì xuất bản báo như thường”, “trong dịch bệnh chúng ta phải nỗ lực gấp đôi và luôn có những phương án linh hoạt trong mọi hoàn cảnh. Khi bắt đầu có đợt dịch lần thứ 4, Đảng uỷ, Ban Biên tập của báo đã họp và thống nhất phải nỗ lực chuyển đổi toàn bộ hoạt động của tòa soạn từ trực tiếp sang online, cái gì chuyển đổi được thì chuyển đổi, cái gì áp dụng được công nghệ thì phải áp dụng triệt để”- quyết tâm của BBT Báo CAND, của BBT Báo Giao thông hẳn cũng đã là quyết tâm sắt đá của nhiều cơ quan báo chí Việt Nam trong những ngày chống dịch vừa qua.

bao chi viet nam 2021 tro ve de di xa hon hinh 1

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm Báo Sài Gòn Giải phóng, chiều 13/5/2021 Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Từ những sự dấn thân và quyết tâm ấy, như khẳng định của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XV diễn ra ngày 24/10/2021, “báo chí đặc biệt tiên phong cung cấp kịp thời thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19, thông tin các quan điểm chỉ đạo, lãnh đạo của T.Ư Đảng, của Tổng Bí thư và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa ổn định phát triển sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống người dân, phổ biến về những tấm gương tận tụy, hy sinh của lực lượng chống dịch tuyến đầu, về tinh thần đoàn kết, lòng nhân ái và tình thương yêu trong cộng đồng, xã hội cũng như cả những khó khăn, thiếu thốn của đồng bào nơi tâm dịch...”. “Báo chí trên nhiều phương diện, đã là “tấm gương tinh thần trong đó nhân dân nhìn thấy bản thân mình” như lời Các Mác đã nói”- Chủ tịch nước nhấn mạnh.

2.Nhưng, ở phương diện khác, bức tranh báo chí Việt Nam 2021 vẫn còn những gam màu chẳng mấy tươi sáng, tích cực. Như khẳng định của người đứng đầu Bộ TT- TT: Vẫn còn đó những tồn tại của báo chí, như cơ quan chủ quản buông lỏng quản lý cơ quan báo chí, xa rời tôn chỉ mục đích, báo hoá tạp chí, cơ quan đại diện tràn lan tại các tỉnh và thiếu quản lý, liên kết có xu thế tư nhân hoá, sách nhiễu doanh nghiệp…

bao chi viet nam 2021 tro ve de di xa hon hinh 2

Thực tế, đã có những cái tít mà có lẽ chẳng người cầm bút chân chính nào muốn bắt gặp, vẫn xuất hiện trên mặt báo trong năm qua: “Hai nữ phóng viên bị bắt tại Bắc Ninh”, “Khởi tố nhóm phóng viên “cưỡng đoạt tài sản” hiệu trưởng trường tiểu học”…

Đó có lẽ là một phần lý do để những ngày cuối năm 2021, Bộ TT&TT đã ban hành văn bản về việc chấn chỉnh tình trạng lợi dụng danh nghĩa báo chí để sách nhiễu, hoạt động trái pháp luật.

Thực tế đã diễn ra tình trạng một số cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên, cộng tác viên có hành vi vượt quá chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, với nhiều cách thức gây phiền hà như: gửi văn bản yêu cầu giải trình, cung cấp thông tin, cử nhà báo, cấp giấy giới thiệu cho phóng viên, cộng tác viên tác nghiệp về những vấn đề không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép; yêu cầu cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu như cơ quan thanh tra, điều tra; gây sức ép bằng cách liên tục gọi điện, nhắn tin...

Đặc biệt, có hiện tượng một số nhà báo, phóng viên, cộng tác viên lợi dụng việc nắm được những thông tin nội bộ một chiều, chưa được kiểm chứng về những tồn tại, sai sót của cơ quan, doanh nghiệp, địa phương để gợi ý, gây sức ép, thậm chí là đe dọa để sau đó đề nghị ký kết hợp đồng truyền thông, quảng cáo hoặc thu lợi bất chính; vòi vĩnh cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân...

bao chi viet nam 2021 tro ve de di xa hon hinh 3

Trước văn bản này, như khẳng định của Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng: “Quản lý nhà nước đã xử lý nghiêm các phóng viên vi phạm, đã đình bản cả tờ báo nếu vi phạm nghiêm trọng, đã thay đổi qui định để có thể đình bản đến 12 tháng. Đã có công cụ đo lường, giám sát hàng ngàn cơ quan báo chí, đánh giá từng tờ báo, từng phóng viên và cả không gian báo chí”. Không chỉ sự “vào cuộc” của cơ quan chức năng, bản thân “báo chí đã chủ động làm sạch báo chí, dám nói về cái xấu của mình, của đồng nghiệp mình”. Đó thực sự là tâm thế và nỗ lực đáng mừng.

bao chi viet nam 2021 tro ve de di xa hon hinh 4

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chúc mừng Báo Nhân dân nhân dịp kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Báo chí đã thực hiện xong phần sắp xếp của qui hoạch báo chí. Phần tiếp theo của qui hoạch là phát triển báo chí. Và đây mới là phần chính của qui hoạch. Đó là việc xây dựng các cơ quan báo chí lớn mạnh, Nhà nước phải tập trung nguồn lực vào đây, vì có lớn mạnh thì mới chuyên nghiệp, mới định hướng, dẫn dắt được dư luận….

Hiện nay, hàng năm chi thường xuyên cho báo chí, thông qua giao nhiệm vụ và đặt hàng, là dưới 0,5% tổng chi thường xuyên của ngân sách nhà nước. Chi đầu tư cho báo chí cũng thấp, chỉ chiếm khoảng 0,25% tổng chi đầu tư của ngân sách nhà nước. Bộ TT&TT đã đề xuất Chính phủ chỉ đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tăng thêm đặt hàng tin bài để chi thường xuyên cho báo chí chiếm khoảng 0,65% chi thường xuyên của ngân sách. Chính phủ đã ký chủ trương tăng đặt hàng báo chí cho giai đoạn 2021-2025, Bộ TT&TT sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ mức bổ sung cụ thể cho báo chí. Làm được việc này thì mới giữ được báo chí cách mạng phát triển đúng hướng, xứng tầm nhiệm vụ và không trở thành báo chí thị trường… Nguồn thu từ quảng cáo của các cơ quan báo chí nước nhà cũng đã giảm đi gần 3 lần, chỉ còn lại khoảng 35% so với trước đây, phần còn lại là rơi vào tay các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google. Các nền tảng này đang không đóng thuế, không tuân thủ luật pháp về nội dung, về quảng cáo, vi phạm bản quyền báo chí. Các nghị định đang sửa đổi sẽ đưa các nền tảng này vào hoạt động theo luật pháp, nhằm không bảo hộ ngược, để báo chí truyền thông trong nước và nước ngoài phải cùng một mặt bằng quản lý nhà nước.

(Phát biểu của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại lễ kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2021)

3.Với 851 cơ quan báo chí, 20.000 phóng viên, 50.000 người làm việc ở các cơ quan báo chí, có thể nói đây là lực lượng hùng hậu của báo chí truyền thông nước nhà.

Nhưng sự đổi thay trong cách thức tiếp nhận thông tin của công chúng, sự xuất hiện ngày càng nhiều của các phương tiện truyền thông mới, đặc biệt là mạng xã hội, sự lấn lướt của các nền tảng xuyên biên giới…, đặc biệt là đại dịch COVID-19 đang đẩy báo chí vào những sức ép chưa từng có, trong đó sức ép lớn nhất là kinh tế báo chí.

Để tồn tại và phát triển, báo chí đã, đang “buộc mình đổi mới”, nỗ lực tìm cho mình một lối thoát và lối thoát chung nhất, đang được nhiều cơ quan báo chí hướng tới ấy là chuyển đổi và “nâng cấp” chính mình, vừa để thích nghi với những nhu cầu thông tin mới vừa giữ cho mình lợi thế riêng biệt trong biển sóng cạnh tranh thông tin ngày càng dữ dội. Lợi thế ấy là những bài viết chất lượng cao, thông tin sâu, mang chính kiến riêng của tòa soạn dựa trên sự cân nhắc kỹ lưỡng vì lợi ích cộng đồng, lợi ích xã hội, đặt lên trên mọi suy diễn chủ quan, vượt qua những mưu đồ trục lợi của cá nhân. Nhiều tòa soạn đã đạt được thành công bước đầu với sự đổi mới này. Thậm chí, từ lợi thế ấy, đã manh nha một hướng đi mới- dù thực chất đã là xu hướng tất yếu từ lâu của báo chí thế giới- thu phí truy cập ấn bản điện tử. Năm 2021 vừa qua, Tạp chí Ngày nay (ngaynay.vn) đã tiếp nối bước đi tiên phong từ 3 năm trước của báo điện tử VietnamPlus (TTXVN), trở thành tạp chí điện tử đầu tiên ở Việt Nam tiến hành thu phí người đọc.

bao chi viet nam 2021 tro ve de di xa hon hinh 5

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa tại buổi gặp mặt các cơ quan báo chí trên địa bàn TP.HCM và một số tỉnh, thành phía Nam ngày 10/12/2021 - Ảnh: H.K

Báo chí phải là cách mạng, chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, hiệu quả; tiếp tục vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị vừa góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân; đổi mới hình thức trong công tác tuyên truyền sâu rộng hơn đối với các sự kiện quan trọng của đất nước.

(Nhấn mạnh của Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa tại buổi gặp mặt các cơ quan báo chí trên địa bàn TP.HCM và một số tỉnh, thành phía Nam ngày 10/12/2021)

Hành trình “buộc mình đổi mới” của báo chí Việt Nam sẽ còn dài, sẽ còn không ít những thách thức, trở ngại phía trước. Để đi tiếp trên hành trình ấy, báo chí Việt Nam còn nhiều việc phải làm, trước mắt, năm 2022 này, là tiếp tục hòa mình vào chiến lược chuyển đổi số sâu rộng- một đầu việc không dễ dàng nhưng cần thiết để níu chân độc giả. Nói như Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng: Chuyển đổi mô hình làm báo, mô hình kinh doanh, phân phối nội dung trên không gian mạng, sự chuyển đổi từ đưa tin ai, làm gì, ở đâu và khi nào thành phân tích nhiều hơn và sâu hơn, dữ liệu nhiều hơn và xác thực hơn, góc nhìn toàn diện hơn, kể câu chuyện sinh động và thú vị hơn, nhằm tạo ra nhiều hơn giá trị cho độc giả. Và đây là cách để báo chí khác biệt với các mạng xã hội và đề cao các giá trị cốt lõi của báo chí.

Hành trình “buộc mình đổi mới”, tìm đến và đề cao các giá trị cốt lõi của báo chí hôm nay cũng chính là hành trình trở về với sứ mệnh, mục tiêu và những giá trị cốt lõi của nền báo chí cách mạng suốt gần trăm năm qua. Giá trị cốt lõi ấy, trong bối cảnh thời cuộc đất nước hiện nay, như kỳ vọng mà các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước và Chính phủ gửi đến những người làm báo cả nước trong năm qua, là thể hiện trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, dẫn dắt, định hướng thông tin; là khơi dậy khát vọng xây dựng phát triển đất nước hùng cường thịnh vượng của mỗi người dân đất Việt; là lan toả năng lượng tích cực, lấy cái tốt, dẹp cái xấu…

Ra đi để trở về và trở về để đi xa hơn- kỳ vọng của Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cũng là kỳ vọng của hết thảy những người làm báo Việt Nam hôm nay, vì một nền báo chí không chỉ là “tấm gương tinh thần trong đó nhân dân nhìn thấy bản thân mình” mà còn là nguồn sức mạnh giúp cùng dệt nên giấc mơ lớn của dân tộc Việt: hùng cường và thịnh vượng.

Hồng Hà

Tin khác

Ra mắt Tự truyện 'Sống đến bình minh' của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh

Ra mắt Tự truyện "Sống đến bình minh" của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh

(CLO) Sáng 25/4, tại Hà Nội đã diễn ra lễ ra mắt Tự truyện "Sống đến bình minh" của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh. Sự kiện do Đài tiếng nói Việt Nam (VOV), NXB Chính trị Quốc gia Sự thật và gia đình phối hợp tổ chức.

Nghề báo
Tôn vinh các tác giả tâm huyết, bản lĩnh, sáng tạo với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Tôn vinh các tác giả tâm huyết, bản lĩnh, sáng tạo với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

(CLO) Tối 24/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam và Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội tổ chức Lễ Tổng kết và trao giải Cuộc thi viết “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới” lần thứ ba (2023-2024); phát động Cuộc thi viết lần thứ tư (2024-2025).

Nghề báo
Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo làm rõ và xử lý nghiêm vụ hành hung phóng viên ở Thanh Trì

Chủ tịch UBND TP Hà Nội chỉ đạo làm rõ và xử lý nghiêm vụ hành hung phóng viên ở Thanh Trì

(CLO) Chủ tịch UBND TP Hà Nội vừa có công văn giao UBND huyện Thanh Trì chủ trì, phối hợp với CATP Hà Nội làm rõ thông tin phóng viên bị hành hung khi tác nghiệp tại vụ cháy ở Thanh Trì.

Nghề báo
Khởi động cuộc thi viết Sống đẹp lần 4 với chủ đề 'san sẻ yêu thương'

Khởi động cuộc thi viết Sống đẹp lần 4 với chủ đề 'san sẻ yêu thương'

(CLO) Chiều 24/4, Báo Thanh Niên tổ chức lễ phát động cuộc thi Sống đẹp lần 4 – năm 2024 với chủ đề “San sẻ yêu thương”. Thời gian nhận bài dự thi kéo dài từ ngày 24/4 - 30/9.

Nghề báo
Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”

Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”

(CLO) Nhân dịp kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với một số đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Đất nước trọn niềm vui”.

Nghề báo