Báo chí với trách nhiệm lan tỏa mạnh mẽ phong trào trồng cây xanh, bảo vệ môi trường

04/04/2025 06:40

(CLO) Xác định bảo vệ môi trường là nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng và mỗi cá nhân. Trong thời gian qua Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan báo chí nhiều hội viên nhà báo không chỉ đẩy tuyên truyền mà còn trực tiếp tham gia vào công tác trồng rừng, bảo vệ môi trường.

Trồng cây xanh hành động nhỏ, ý nghĩa lớn

Trong hành trình phát triển của Hội Nhà báo Việt Nam đã có nhiều hoạt động tham gia bảo vệ môi trường, đặc biệt là cùng tham gia sáng kiến trồng mới 01 tỷ cây xanh trong 5 năm 2021-2025 của Chính phủ đề xuất. Gần đây nhất Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước tổ chức chương trình trồng cây xanh. Tham gia chương trình còn phóng viên 51 cơ quan báo chí Trung ương, Thành phố Hồ Chí Minh, một số cơ quan đơn vị, doanh nghiệp.

bao chi voi trach nhiem lan toa manh me phong trao trong cay xanh bao ve moi truong hinh 1

Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng (bìa trái) cùng các đại biểu trồng cây tại Trảng Cỏ Bù Lạch. Ảnh: Hoàng Triều

Đoàn đã tham gia trồng 3.300 cây gáo vàng trên diện tích 3,4ha rừng tại khu Trảng cỏ Bù Lạch (thuộc xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước). Tổng kinh phí cho chương trình là 200 triệu đồng, bao gồm cây giống và chi phí chăm sóc trong thời gian 4 năm.

Chia sẻ tại chương trình, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng nhấn mạnh, đây là hoạt động ý nghĩa nhằm hướng đến thông điệp bảo vệ môi trường bền vững nhân ngày môi trường thế giới (5/6). Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, Bình Phước có lợi thế về thiên nhiên với nhiều cánh rừng nguyên sinh vì vậy việc bảo vệ môi trường rừng là hết sức quan trọng, trong đó vai trò của các cơ quan báo chí trong tuyên truyền nội dung này cũng được quan tâm sâu sắc.

Cùng với Hội Nhà báo Việt Nam, cuối năm 2024 vừa qua Báo Nhân dân cùng ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á và tập đoàn BRG đã tổ chức hoạt động trồng cây tại Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai với mong muốn giúp đỡ huyện Bảo Yên phòng chống, hạn chế thấp nhất hậu quả thiên tai gây ra.

Theo đó, đoàn công tác Báo Nhân Dân và các đơn vị tài trợ đã trao 68.000 cây quế giống, trị giá 1 tỷ đồng cho người dân 2 huyện Bắc Hà, Bảo Yên, trong đó có thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh. Số cây trên được bàn giao cho ngành nông nghiệp phối hợp với ngành lâm nghiệp hướng dẫn người dân trồng, chăm sóc, đảm bảo phát triển thành khoảng 20 ha rừng.

Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam chia sẻ: "Việc trao tặng cây xanh là một trong những hoạt động có ý nghĩa lâu dài, bền vững nhằm giúp người dân tạo sinh kế, gây rừng, bảo vệ môi trường sống, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra".

bao chi voi trach nhiem lan toa manh me phong trao trong cay xanh bao ve moi truong hinh 2

Đồng chí Lê Quốc Minh và các đại biểu dự buổi lễ và người dân địa phương tham gia trồng cây quế. Ảnh: Lan Hương

Hưởng ứng tinh thần trồng cây xanh, bảo vệ môi trường của Hội Nhà báo Việt Nam và Báo Nhân Dân đã có rất nhiều cơ quan báo chí, truyền hình, các tạp chí trong cả nước triển khai hoạt động này. Các hoạt động được triển lồng ghép với nhiều cách thức khác nhau, ở những địa bàn miền núi, hải đảo, biên giới tất cả cùng hướng tới mục tiêu trồng cây gây rừng bảo vệ môi trường sinh thái.

Trồng rừng để giữ màu xanh quê hương

Không chỉ ở các cấp hội nhà báo tham gia vào công tác trồng cây xanh bảo vệ môi trường, có những hội viên còn trực tiếp tham gia trồng rừng, phát triển độ che phủ của rừng trên những diện tích đất khô cằn. Nhà báo Nguyễn Tâm Phùng - Báo Nông nghiệp và Môi trường là một trong những nhà báo như thế, hơn 10 năm qua anh đã cần mẫn trồng rừng trên đồi cát trắng. Đến nay, hàng chục ha rừng đã khép tán, tỏa bóng mát giữa nắng hè…

Trước đây, vùng đất phía sau lưng thôn Bắc Ngũ, xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình là những đồi cát trắng phơi mình dưới nắng hè, cát theo gió bay lấn dần vào vườn tược nhà cửa của người dân. Qua nhiều năm vùng cát như hoang hóa hơn và góp thêm cái nóng của những ngày hè thêm oi bức.

Trăn trở với vùng cát đó, nhà báo Nguyễn Tâm Phùng đã mua cây giống cây keo lá tràm mang về, thực hiện trồng rừng trên đồi cát. Mỗi năm, mầm xanh trên đồi cát đã trải qua bao mùa khô hạn để bám rễ lên chồi, vươn lên trong nắng nóng. Đã có năm rừng cây non gặp hạn hán lớn, những vạt rừng rộng lớn đã cháy khô, nhà báo Nguyễn Tâm Phùng phải trồng đi trồng lại nhiều lần. Nhờ sự kiên trì đó hơn 10 năm qua, đồi cát trắng phía sau làng đã được phủ một màu xanh mướt.

bao chi voi trach nhiem lan toa manh me phong trao trong cay xanh bao ve moi truong hinh 3

Từ những đồi cát trắng mênh mông, qua hàng năm nơi đây đã thay đổi diện mạo. Ảnh: Tâm Đức

Từ những đồi cát trắng mênh mông, qua hàng năm nơi đây đã thay đổi diện mạo, từ khi trồng được các cây này, nước trong các ao hồ được giữ lại, diện tích cây xanh thay thế màu trắng của cát. Đến mùa mưa thì diện tích đất cát vẫn được giữ nguyên.

Ban đầu anh cũng chỉ là trồng cây keo xen với những cây phi lao đang gặp hạn hán còn xót lại. Thế rồi cứ miệt mài, năm này qua năm khác, anh liên tục trồng hết lứa cây này lớn thì trồng tiếp lứa cây khác. Năm nào gặp hạn nặng cây chết thì mùa mưa năm sau lại tiếp tục trồng, chứ không nản lòng. Bây giờ rừng đã lên xanh, đã thành rừng cây tràm với diện tích bao phủ trên 20 ha đồi cát.

Nhà báo Nguyễn Tâm Phùng chia sẻ: "Khi tôi mang cây về trồng trên những đồi cát này, bà con cứ nghĩ là chắc là tôi có xin được một dự án gì đấy về trồng rừng, thấy diện tích trồng ngày một lớn bà con cũng nghĩ là mình trồng cho dự án. Bà con cũng bảo sao dự án lại không cho bà con cùng hưởng, cùng làm mà chỉ có một mình?. Tôi cũng giải thích cho bà con là trồng rừng để phủ xanh đất trống đồi trọc, trồng rừng chống lại biến đổi khí hậu, không phải trồng để làm kinh tế hay có dự án nào, lúc đầu bà con không tin nhưng tôi nghĩ giờ sau 5 năm và 10 năm thì bà con tin".

Trong chặng đường làm báo, phóng viên Nguyễn Tâm Phùng đã đi gần hết những cánh rừng ở Quảng Bình. Anh đã từng chứng kiến bao hệ lụy do thiên tai gây ra, mà một phần nguyên nhân chính là phá rừng. Hành động của anh, không chỉ tuyên truyền về trồng cây bảo vệ rừng, mà còn góp phần tuyên truyền trực tiếp nhân dân hiểu được lợi ích của việc trồng rừng để giữ màu xanh quê hương, bảo vệ môi trường để cho tương lai mai sau của thế hệ trẻ.

bao chi voi trach nhiem lan toa manh me phong trao trong cay xanh bao ve moi truong hinh 4

Nhà báo Tâm Phùng - Báo Nông nghiệp và Môi trường. Ảnh: Tâm Đức

Khi hàng chục ha rừng trên cát được khép tán, nắng hè cũng dịu nhẹ hơn, chim chóc đã về làm tổ, mùa mưa không sợ lũ quét, thấy được lợi ích đó người dân trong vùng đã cùng chung tay bảo vệ những cánh rừng đang mang lại những điều yên lành cho cuộc sống. Những cánh rừng đã khép tán, ở đó chất chứa cả tấm lòng của người làm báo, họ muốn gửi đến thông điệp, hãy yêu quý và bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, vì một tương lai xanh.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Báo chí với trách nhiệm lan tỏa mạnh mẽ phong trào trồng cây xanh, bảo vệ môi trường
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO