Báo cho tuổi học trò cần phải hòa mình vào thế giới của học trò

Thứ năm, 14/10/2021 09:28 AM - 0 Trả lời

(CLO) Nhắc đến báo Hoa Học Trò (HHT) hẳn rất nhiều người sẽ nhớ về một thời kỳ mà ở đó có bầu trời tuổi thơ, có trang vở trắng, có tiếng cười hồn nhiên... Đã 30 năm trôi qua các thế hệ người làm báo HHT đã và đang viết tiếp câu chuyện đầy tự hào của chính mình và của thế hệ mình.

30 năm với hàng chục thế hệ học trò đã lớn lên cùng mỗi trang báo hằng tuần. Đó là tuổi học trò của hàng triệu 7X, 8X, 9X… gắn với mỗi trang báo đều đặn trong 30 năm qua nuôi dưỡng tâm hồn học trò, mang đến nhiều kiến thức khoa học bổ ích, giá trị nhân văn và hun đúc đến sự trưởng thành cho nhiều thế hệ trẻ.

bao cho tuoi hoc tro can phai hoa minh vao the gioi cua hoc tro hinh 1

Các tác giả Hội bút Hương Đầu Mùa và cán bộ, phóng viên báo SVVN-HHT được Thủ tướng Võ Văn Kiệt gặp mặt năm 1996 (Nhà báo Nguyễn Như Mai ngoài cùng bên trái). Ảnh: Tư liệu

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày ra mắt số báo đầu tiên của Hoa Học Trò (15/10/1991 - 15/10/2021). Báo Nhà báo và Công luận đã có buổi trò chuyện với nhà báo Nguyễn Như Mai – nguyên Trưởng ban biên tập Hoa Học Trò, một trong những người dành cả đời để cống hiến, để trao gửi yêu thương, niềm tin cho thế hệ trẻ qua mỗi trang báo.

+ 30 năm một hành trình không dài, nhưng cũng đủ để một nhà báo dành trọn đời để cống hiến. Vậy trước đây ông bắt đầu bén duyên với HHT như thế nào? Làm ở báo HHT có những điều gì đặc biệt khác các tờ báo khác?

Tôi "xuất thân" là kỹ sư địa chất, vốn là trưởng biên tập sách của Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật. Ngay từ khi ấy tôi đã viết sách và báo cho thiếu nhi. Đến năm 1990 tôi chuyển sang viết báo cho tờ Thiếu niên Tiền phong. Sau đó tòa soạn có chủ trương cho ra mắt một tờ báo dành cho tuổi mới lớn. Tôi được phân công làm trưởng ban biên tập.

Trước đây, nhiều tờ báo viết cho thiếu nhi nhưng thường mang tính giáo huấn, dạy dỗ các em. Ở HHT chúng tôi coi bạn đọc là chủ thể của tờ báo. Người làm báo "đồng đẳng" với bạn đọc. Đó là một cách nhìn nhận, cách làm báo rất mới lúc bấy giờ.

+ Khi chính thức vào làm, công việc chủ yếu của ông là gì, có những khó khăn như thế nào ở thời kỳ đó?

Bấy giờ Hoa Học Trò chưa được coi là một tờ báo chính thống, mà chỉ là một ban trong tờ Thiếu niên Tiền phong. Ban biên tập vẻn vẹn chỉ có ba, bốn người phân công nhau làm.

bao cho tuoi hoc tro can phai hoa minh vao the gioi cua hoc tro hinh 2

Bìa báo Hoa Học Trò số 1 (10/1991).

Chúng tôi vừa viết, vừa tìm cộng tác viên. Nhờ những văn nghệ sĩ quen viết cho trẻ em “mở đường” cho các trang mục. Nhưng chủ yếu là biết khai thác từ chính các em. Thư từ bài vở ùn ùn gửi đến. Chúng tôi phân loại, chọn lựa, biên tập, nâng cấp, kể cả đánh máy, dàn trang...

Đúng như định hướng "Hoa Học Trò ra đời vì bạn, cho bạn và chính là bạn", như lời chào khi ra mắt bạn đọc tuổi Hoa (cách gọi ban đầu HHT). Ngày đó còn nhiều khó khăn, các khâu đều làm thủ công, trang thiết bị còn nhiều hạn chế.

+ Mỗi số báo là niềm háo hức đối với mỗi em học sinh, để tuổi học trò luôn hồn nhiên, vô tư, trong sáng... tôi nghĩ những người làm báo ở tòa soạn HHT cũng gặp áp lực rất lớn?

Đúng là áp lực rất lớn. Bấy giờ mỗi tuần chỉ có một ngày nghỉ là chủ nhật. Mỗi ngày chúng tôi làm việc liên tục nhiều hơn tám tiếng. Chủ nhật chúng tôi cũng không được nghỉ. Phải đi thực tế, tham gia sinh hoạt với các em Hội bút Hương Đầu Mùa. Phải ra sân theo dõi, động viên đội bóng đá nữ Hoa Học Trò vừa ra đời. Cùng chơi bóng với các em.

Để vượt qua thử thách chỉ có thể là niềm đam mê và thỏa sức sáng tạo. Mỗi người mỗi việc, ai cũng hào hứng làm việc. Nhờ vậy, tờ báo lớn mạnh nhanh như “Thánh Gióng", số bản in mỗi kỳ lên tới 20 vạn. Báo có mặt khắp các sạp báo, các cơ sở bưu điện trong Nam ngoài Bắc, được các em mong ngóng từng giờ. Đó chính là niềm vui, động lực thúc đẩy chúng tôi hăng say làm việc quên cả mọi áp lực.

+ Hàng chục năm đã trôi qua, ông nhớ nhất những kỷ niệm nào, nhân vật, sự kiện nào trong suốt hành trình gắn bó với báo?

Thật khó có thể kể hết được, mấy ngày gần đây nhân dịp kỷ niệm tờ báo 30 tuổi, bao nhiêu ký ức tràn về. Tôi viết bài trên trang facebook cá nhân khá nhiều, có bạn đùa là "ăn mày dĩ vãng" nên tôi định dừng lại. Nhưng nhiều người bạn, có cả những người bạn trung thành của báo réo ầm lên là phải nhắc lại một thời của cả một thế hệ trong trẻo, lãng mạn của lứa tuổi Hoa.

Với mỗi em (thường xuyên cộng tác cho báo), tôi đều có những kỷ niệm gắn bó. Và tôi đặc biệt nhớ nhất là các em có hoàn cảnh khó khăn đã từ tờ báo mà vươn lên trong cuộc sống.

bao cho tuoi hoc tro can phai hoa minh vao the gioi cua hoc tro hinh 3

Rất nhiều kỷ niệm, chúng tôi đã có những hành trình xuyên Việt để quảng bá tờ báo, tìm nhân tài cho báo. Những chuyến kéo hội bút đến các trường, luôn được ban giám hiệu các trường ưu ái tổ chức cho chúng tôi giao lưu với các em.

Đặc biệt, trong "lịch sử làng báo" có lẽ không báo nào tổ chức được những ngày lễ hội có sự tham gia của hàng mấy ngàn bạn đọc, như: lễ hội mừng 1 năm báo Hoa ở công viên Bách Thảo, mừng 10 năm sinh nhật tại Công viên Nước Hồ Tây. Ngoài các em học sinh cả nước dự còn có đông đảo các vị lãnh đạo Đảng, nhà nước đến chung vui với các em.

Tôi còn nhớ kỷ niệm thời kỳ đó, chúng tôi đã khởi dựng phong trào bóng đá nữ ở Hà Nội năm 1992. Nhiều cầu thủ từ CLB bóng đá nữ Hoa Học Trò đã trở thành những tên tuổi nòng cốt trong đội tuyển quốc gia những năm đầu tiên phát triển bóng đá nữ.

+ Theo ông người làm báo cho tuổi học trò cần có những tính cách gì, những phẩm chất gì để luôn giữ trong tim ngọn lửa cống hiến của tuổi trẻ?

Đương nhiên, như bất cứ nhà báo nào cũng phải say mê nghề báo. Nhưng với báo cho tuổi học trò, cần phải hòa mình vào thế giới của học trò, biết được các em nghĩ gì, muốn gì, thích gì và cần gì. Luôn luôn đổi mới, phải thay đổi theo thời đại đổi thay.

Nhưng không nên chạy theo thị hiếu tầm thường, mà phải hướng các em tới những giá trị nhân văn, nhân bản, trở thành những con người làm chủ chính mình, làm chủ đất nước mai sau. Thậm chí trở thành công dân thế giới. Muốn được như thế không đơn giản, tránh con đường mòn giáo huấn trước đây, mà phải có cách tiếp cận mới, thông minh hơn, sáng tạo hơn. Và làm được như thế khó chứ không phải dễ.

Nguyên Phong

Bình Luận

Tin khác

Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

(CLO) Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống Báo Khánh Hòa, ngày 26/4, Báo Khánh Hòa tiếp tục phối hợp với Công ty Cổ phần Nước giải khát yến sào Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”.

Nghề báo
Báo Nông thôn Ngày nay kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên

Báo Nông thôn Ngày nay kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên

(CLO) Sáng 26/4, tại TP. Sơn La, tỉnh Sơn La, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt đã tổ chức Lễ tri ân kỷ niệm 40 năm Báo Nông thôn Ngày Nay xuất bản số báo đầu tiên (7/5/1984 - 7/5/2024).

Nghề báo
Nam Định hưởng ứng Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng

Nam Định hưởng ứng Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng

(CLO) Ngày 26/4, Ban Chỉ đạo Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ IX - năm 2024 tỉnh tổ chức hội nghị triển khai Kế hoạch hưởng ứng Giải Búa liềm vàng toàn quốc lần thứ IX - năm 2024.

Nghề báo
Nhà báo Phùng Công Sưởng được phân công làm Phó Tổng Biên tập phụ trách báo Tiền Phong

Nhà báo Phùng Công Sưởng được phân công làm Phó Tổng Biên tập phụ trách báo Tiền Phong

(CLO) Theo quyết định của T.Ư Đoàn, nhà báo Lê Xuân Sơn - Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong - sẽ nghỉ hưu từ ngày 1/5/2024; Nhà báo Phùng Công Sưởng - Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong - sẽ phụ trách Báo Tiền Phong từ ngày 1/5/2024 cho đến khi kiện toàn chức danh Tổng Biên tập.

Nghề báo
Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn Truyền thông về công tác Hội nhập, ASEAN và UNESCO

Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn Truyền thông về công tác Hội nhập, ASEAN và UNESCO

(CLO) Chiều ngày 25/4, nhằm Triển khai Kế hoạch công tác năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị tập huấn Truyền thông về công tác Hội nhập, ASEAN và UNESCO năm 2024.

Nghề báo