Báo Điện tử Tiếng nói Việt Nam tổ chức Diễn đàn 'Chuyển đổi số khu vực công - Tiền đề cho phát triển kinh tế xã hội'
(CLO) Ngày 17/7, Báo Điện tử Tiếng nói Việt Nam (VOV) tổ chức Diễn đàn “Chuyển đổi số khu vực công - Tiền đề cho phát triển kinh tế xã hội”, thu hút sự tham dự của hơn 200 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ban, ngành, viện nghiên cứu, trường đại học, cùng đại diện các doanh nghiệp Nhà nước.
Diễn đàn tập trung thảo luận và tìm giải pháp gỡ bỏ những "nút thắt" đang cản trở quá trình chuyển đổi số trong khu vực công, nhằm khẳng định vai trò tiên phong của lĩnh vực này trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đối mặt với thách thức, đặt mục tiêu lớn
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó Tổng Giám đốc VOV Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là đòi hỏi khách quan của sự phát triển trong thời đại ngày nay, mở ra cơ hội bứt phá cho các quốc gia.
Tại Việt Nam, chuyển đổi số đã được xác định là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đang diễn ra mạnh mẽ, sâu rộng trên mọi lĩnh vực. Việc ứng dụng công nghệ số vào khu vực công không chỉ giúp tối ưu hóa hoạt động của các cơ quan Nhà nước mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp Nhà nước và người dân, tiếp cận dịch vụ công nhanh chóng, nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh.

Tuy nhiên, Phó Tổng Giám đốc VOV Phạm Mạnh Hùng cũng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, thách thức hiện hữu trong quá trình triển khai chuyển đổi số khu vực công.
Đó là vấn đề hạ tầng số chưa đồng bộ, đặc biệt ở cấp cơ sở; dữ liệu thiếu kết nối, thiếu chia sẻ giữa các bộ, ngành, địa phương; nguồn nhân lực nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu và tâm lý e dè đổi mới ở một số bộ phận. Cùng với đó, hệ thống thể chế và chính sách pháp luật về chuyển đổi số còn chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ, với các quy định pháp lý liên quan đến bảo vệ dữ liệu cá nhân, an ninh mạng, định danh điện tử, chia sẻ và kết nối dữ liệu còn chưa đầy đủ và thống nhất.
Ông Hùng bày tỏ mong muốn diễn đàn sẽ là cầu nối để các đại biểu, chuyên gia và nhà hoạch định chính sách cùng trao đổi, hiến kế, tháo gỡ những "nút thắt" này. Mục tiêu cuối cùng là đưa chuyển đổi số khu vực công tiến gần hơn tới mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, từ đó góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Chuyển đổi số: Đột phá thể chế và nền tảng tăng trưởng mới
Các chuyên gia và nhà hoạch định chính sách tại diễn đàn đều nhất trí rằng chuyển đổi số trong khu vực công đang nổi lên như một trụ cột chiến lược trong tiến trình cải cách thể chế quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh yêu cầu nâng cao năng lực quản trị, hiện đại hóa nền hành chính và tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguồn lực công.
Việc thúc đẩy số hóa không còn là xu hướng công nghệ đơn thuần, mà đã trở thành điều kiện tiên quyết để Nhà nước chuyển từ mô hình quản lý hành chính sang mô hình điều hành phát triển.

Phó Tổng Giám đốc VOV Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh, Đại hội XIII của Đảng đã xác định phát triển nhanh và bền vững, dựa chủ yếu vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 10/6/2024 của Bộ Chính trị, được ban hành vào thời điểm chuyển tiếp có tính bản lề của nền kinh tế Việt Nam, đã định vị lại vai trò của khu vực công trong hệ sinh thái số quốc gia, biến chuyển đổi số không chỉ là phương tiện hỗ trợ mà đã trở thành động lực chính của tăng trưởng.
Tại Diễn đàn, các chuyên gia cũng khẳng định, chuyển đổi số khu vực công không đơn thuần là bài toán công nghệ hay kỹ thuật hạ tầng, mà thực chất là vấn đề kinh tế - tổ chức ở cấp quốc gia. Vấn đề này liên quan trực tiếp đến hiệu quả phân bổ ngân sách, năng suất vận hành của bộ máy hành chính và năng lực kiến tạo, điều tiết thị trường của Nhà nước.
Chuyển đổi số khu vực công sẽ chỉ tạo ra đột phá thực chất khi được tích hợp vào quá trình cải cách kinh tế - thể chế, được đo lường bằng hiệu quả phân bổ nguồn lực, năng suất khu vực công và tác động lan tỏa tới thị trường, đúng như tinh thần cốt lõi mà Nghị quyết 57 đã xác lập.