Báo động sốt xuất huyết ở trẻ em tại Cần Thơ: 17 ca nguy kịch, có bé phải thở máy
(CLO) Từ đầu tháng 6 đến nay, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ đã tiếp nhận và điều trị 17 ca sốt xuất huyết Dengue ở trẻ em – một con số đáng báo động khi bệnh diễn tiến nhanh, nhiều ca nhập viện trong tình trạng nguy kịch, thậm chí phải thở máy hỗ trợ.
Trường hợp điển hình là bệnh nhi P.T.C.T. (11 tuổi), nhập viện khi đã sốt cao sang ngày thứ ba, kèm theo ăn uống kém, đau bụng, nôn ói nhẹ, tay chân lạnh, tụt huyết áp - dấu hiệu điển hình của sốc sốt xuất huyết Dengue. Các bác sĩ đã khẩn trương triển khai phác đồ chống sốc tích cực. Sau gần một tuần điều trị, bé T. đã ổn định và được xuất viện.

Nguy kịch hơn, bé gái H.H.T.D. (7 tuổi) nhập viện sau 4 ngày sốt cao, nôn ói hơn 10 lần/ngày, gia đình theo dõi tại nhà nhưng không kịp nhận ra dấu hiệu cảnh báo sớm. Khi đến viện, bé đã rơi vào giai đoạn sốt nặng, phải điều trị tích cực, tái sốt nhiều lần, thậm chí được chỉ định thở máy hỗ trợ.
Hiện sức khỏe bệnh nhi D. đã cải thiện, được cai máy thở và chuyển sang khoa điều trị nội trú để theo dõi sát sao.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Trang, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ cảnh báo: “Khi trẻ có biểu hiện sốt cao liên tục, nôn ói nhiều, mệt lả, tay chân lạnh, vật vã, gia đình cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế. Tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà hay chờ đợi sốt tự khỏi.”
Sốt xuất huyết Dengue là bệnh nguy hiểm nếu không được chẩn đoán và xử trí đúng thời điểm, đặc biệt ở trẻ nhỏ và trẻ trong giai đoạn bệnh chuyển nặng (thường sau ngày thứ 3–5).
Hiện vaccine phòng sốt xuất huyết Dengue (Qdenga) đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ đang triển khai tiêm chủng vaccine này cho trẻ theo đúng lộ trình và độ tuổi phù hợp.
Ngành y tế thành phố cũng khuyến cáo các gia đình cần tăng cường các biện pháp phòng chống muỗi đốt như: ngủ màn, diệt lăng quăng, dọn sạch vật chứa nước, không để muỗi sinh sản quanh nhà.