Bao giờ có một dòng sông di sản?

Thứ ba, 17/09/2019 18:16 PM - 0 Trả lời

( CLO) Sông Hương, dòng sông của thi ca nhạc họa đã đi vào lòng mỗi người.Tự bao dời nay, sông Hương là dòng sông di sản trong tình cảm không chỉ của người dân xứ Huế, người dân nước Việt mà còn lưu dấu trong tâm khảm của bạn bè khắp năm châu khi một lần đặt chân vùng đất kinh đô.

Sự kiện: di sản

Sông Hương : Suối nguồn của thi ca 

Tính từ đầu nguồn trở về đến biển, sông Hương dài chưa đầy 100km. Còn tính riêng đoạn chính được gọi là sông Hương từ ngã ba Bằng Lãng đến cửa biển Thuận An chỉ ngót nghét 30 cây số. Vậy mà nó đã trở thành suối nguồn không bao giờ lặp lại trong cảm hứng sáng tác thi ca, nhạc họa.

Chắc hẳn ai cũng đã từng ít nhất một lần nghe nói đến vẻ đẹp thơ mộng miền Hương Ngự (sông Hương – núi Ngự Bình), bên vẻ đẹp e ấp của cầu Tràng Tiền “gối đầu” lên đôi bờ dòng sông, cùng những tiếng hò Huế du dương trên những chiếc thuyền Rồng.

Cầu Tràng tiền Huế

Cầu Tràng tiền Huế

Tự bao đời nay, sông Hương luôn mang trong mình những lắng đọng với bao trầm tích phù sa được bồi đắp qua hàng trăm năm. Trong khi lai lịch của con sông vẫn chưa được giải mã với nhiều tên gọi khác nhau như Linh Giang, Lô Dung rồi Kim Trà. Dù được gọi với cái tên gì đi chăng nữa, sông Hương vẫn mềm mại, nhẹ nhàng uốn lượn để ôm ấp và nâng niu vóc dáng xứ Huế và làm nên nét đẹp hồn cốt trong tâm hồn xứ Huế như một tất yếu xuôi theo dòng chảy của lịch sử.

Với vẻ đẹp dịu dàng ấy, sông Hương đã truyền cảm hứng cho biết bao nhà văn, nhà thơ và nhạc sĩ sáng tác với những tác phẩm mang đậm chất “sử thi” về dòng sông huyền thoại, mang một vẻ đẹp phóng khoáng và man dại.

Trong tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông”, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã mô tả vẻ đẹp của sông Hương như một “người con gái Di gan phóng khoáng và man dại với bản lĩnh gan dạ, tâm hồn tự do và trong sáng”.

Từ thượng nguồn trước khi đổ về đồng bằng, sông Hương đã trải qua một hành trình “chuyển dạ” mà theo mô tả của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường thì: “Trước khi về đến vùng châu thổ êm đềm, nó đã là một bản trường ca của rừng già, rầm rộ giữa bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như những cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn, và cũng có lúc nó trở nên dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi của hoa đỗ quyên rừng”.

Không chỉ những tác giả ở Huế (nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường sinh ra và lớn lên tại TP Huế, nhưng quê gốc Quảng Trị nên có thể xem ông là người con của xứ Huế - PV), sông Hương còn làm say mê nhiều thi sĩ, nhạc sĩ lần đầu đến Huế để chiêm nghiệm. Nhạc sĩ Phạm Duy trong một lần đến Huế vào năm 1944, vì mến yêu cái đẹp, cái kiều diễm của cảnh vật con người nơi đây, đặc biệt là dòng Hương giang thơ mộng đã khiến ông thổn thức và là cội nguồn để người nhạc sĩ tài hoa này cho ra đời những bản nhạc trữ tình như “Tình ca” với ca từ nhẹ nhàng và khoan thai:

                              Tôi yêu những sông trường

      Biết ái tình ở dòng sông Hương… (Tình ca, 1953)

hay

                              Người về chưa ghé sông Hương

                             Đã nghe tiếng gọi đôi đường đắng cay…

                                                                       (Trường ca Con đường Cái quan)

Tương tự, nhạc sĩ Văn Cao (1923 – 1995) trong lần ghé Huế vào năm 1940 cũng đã rung động bởi vẻ đẹp của dòng Hương giang. Trong một bức thư gửi Tạp chí sông Hương vào năm 1986, ông kể lại:“Huế là một nguồn sáng tạo của tôi trong những năm 1940. Thơ và nhạc là điều tôi tìm nguồn từ ấy. Có lẽ lịch sử và cảnh vật của cố đô có những điều gây cảm xúc cho sáng tạo. Có lẽ sự sáng tạo của người dân Huế giúp tôi làm được âm nhạc và thơ”. Và tác phẩm nổi tiếng Thiên Thai hay bài thơ Một đêm đàn lạnh trên sông Huế…được ra đời từ dạo ấy.

Sẽ là thiếu sót khi nói về Huế mà không nhắc đến cái tên Trịnh Công Sơn. Là một người ưu tú của mảnh đất Thần Kinh, trong mọi tác phẩm âm nhạc của người nhạc sĩ họ Trịnh luôn có hình bóng của xứ Huế. Trong từng nốt nhạc của anh thể hiện một sự mượt mà, sang trọng, sâu lắng rất riêng biệt và rất Huế. Trong hơi thở của mỗi bản nhạc đều ẩn náu một nỗi buồn của Huế, của dòng sông Hương thơ mộng. Đâu đó trong mỗi tác phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hình ảnh của dòng sông Hương, của xứ Huế luôn hiển hiện dù cho nó không bao giờ được nhắc đến…

Sông Hương là vậy, dù ít khi được nhắc đến nhưng ấn tượng mà nó để lại trong mỗi bản nhạc, bài thơ, với người dân Huế, những người yêu Huế vẻ đẹp dịu dàng, đằm thắm, một vẻ đẹp tinh khiết “rất Huế” riêng biệt.

Bên cạnh là suối nguồn cảm hứng cho thi ca, nhạc họa, Sông Hương còn giữ vai trò “mẹ đỡ” cho các chương trình nghệ thuật. Ở những sân khấu nổi trên mặt nước hay bãi bồi giữa sông Hương, các đoàn nghệ thuật tuyển chọn từ tinh hoa văn hóa 5 châu lục thỏa sức biểu diễn phục vụ công chúng và khách du lịch trong các dịp Festival Huế do địa phương này tổ chức.

Bao giờ có một dòng sông di sản?

Vào năm 2004, tại kỳ họp lần thứ 28 của Ủy ban Di sản thế giới diễn ra tại Tô Châu (Trung Quốc), UNESCO đã chính thức đề nghị Việt Nam và chính quyền tỉnh Thừa Thiên- Huế lập hồ sơ tái đề cử để đưa sông Hương và cảnh quan đôi bờ dòng sông vào danh mục Di sản văn hóa thế giới. Tuy nhiên, Thừa Thiên- Huế vẫn chưa thực hiện. Đến năm 2014, đoàn chuyên gia cao cấp của UNESCO khi đến khảo sát tại Quần thể di tích Cố đô Huế cũng đã lưu ý tỉnh Thừa Thiên- Huế nhanh chóng thực hiện vấn đề này. Tuy nhiên, đến nay tỉnh Thừa Thiên- Huế vẫn chậm trễ trong việc lập hồ sơ đưa sông Hương và cảnh quan đôi bờ dòng này vào danh mục Di sản văn hóa thế giới khiến nhiều người khó hiểu, bởi những giá trị mà sông Hương mang lại cho Huế.

Đôi bờ Sông Hương

Đôi bờ Sông Hương

Tại Hội thảo quốc tế về "Quản lý và sử dụng bền vững cảnh quan văn hóa, hệ thống sinh thái, lịch sử tại khu vực lăng mộ Hoàng gia triều Nguyễn và lưu vực thượng nguồn sông Hương", GS.TS Satoh Shigeru (nguyên Giám đốc Viện Nghiên cứu Đô thị và Vùng - Đại học Waseda, Nhật Bản) đánh giá, cụm lăng mộ hoàng gia triều Nguyễn gắn liền với lưu vực thượng nguồn sông Hương là một khu vực có giá trị to lớn về nhiều mặt, xứng đáng để được công nhận di sản thế giới bởi những yếu tố đa dạng được lồng ghép một cách toàn diện; quy tụ quanh hệ sinh thái tự nhiên trải dọc theo sông Hương từ Kinh thành Huế đến các lăng mộ hoàng gia và hệ thống làng mạc dân cư. Và là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa vật thể và tinh thần phong phú.

Trong khi đó, PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó chủ tịch Hội di sản văn Hóa Việt Nam đánh giá, vẻ đẹp của dòng Hương giang "chẳng nơi nào có được".

Nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân từng cho rằng, sông Hương là nơi đẻ ra ca Huế, đẻ ra nhã nhạc và toàn bộ hệ thống đền đài, điện, miếu, lăng tẩm, thành quách... thuộc về kinh thành Huế đều lấy trục sông Hương làm chuẩn. Nhà Nguyễn đã xây dựng kinh thành lùi về phía sau, nằm khiêm tốn cách dòng sông một tầm nhìn với một ý thức rõ ràng là không đụng đến cảnh quan nguyên sơ của nó. Nói cách khác, người ta đã nhận được giá trị đặc biệt của sông Hương và đã tôn trọng bản ngã của sông Hương. Và, từ ngàn đời nay, dòng sông miệt mài tích lũy bồi đắp một nền văn minh sông nước và hóa thân trong cái đẹp của xứ Huế.

Dù sao đi nữa, sông Hương trong lòng mỗi người dân Huế, những người yêu Huế luôn là một báu vật, là một di sản trường tồn được gìn giữ hàng trăm năm qua và mãi mãi về sau…

Hữu Vinh – N.Quốc

Tin khác

Hãng phim hoạt hình làm phim về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hãng phim hoạt hình làm phim về Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Hãng Phim hoạt hình Việt Nam chuẩn bị cho ra mắt 2 bộ phim hoạt hình về Chiến thắng Điện Biên Phủ là "Lời hứa Điện Biên" và "Chiếc xe thồ Điện Biên".

Đời sống văn hóa
Gặp gỡ các tác giả viết cho Thiếu nhi tại TP Hải Dương

Gặp gỡ các tác giả viết cho Thiếu nhi tại TP Hải Dương

(CLO) Ngày 27/3, đại diện Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng đã gặp gỡ hội viên Chi hội Văn học, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương, giới thiệu Giải thưởng văn học Kim Đồng lần thứ Nhất.

Đời sống văn hóa
Dùng công nghệ để “xuất khẩu” hát Xoan ra thế giới

Dùng công nghệ để “xuất khẩu” hát Xoan ra thế giới

(NB&CL) Lần đầu tiên, những người yêu hát Xoan từ khắp nơi trên thế giới có thể tiếp cận những làn điệu Xoan cổ một cách bài bản, có hệ thống bằng các phương tiện công nghệ. Đây là kết quả quan trọng nhất của dự án “Giới thiệu di sản âm nhạc hát Xoan” của nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cùng cộng sự.

Đời sống văn hóa
Tuyệt tác âm nhạc của Rachmaninoff lần đầu công diễn tại Việt Nam

Tuyệt tác âm nhạc của Rachmaninoff lần đầu công diễn tại Việt Nam

(CLO) Những giai điệu tuyệt đẹp trong âm nhạc cổ điển của nhà soạn nhạc lỗi lạc Sergei Rachmaninoff sẽ được phủ khắp khán phòng của Nhà hát Hồ Gươm.

Đời sống văn hóa
Hơn 2.000 tác phẩm dự Liên hoan ảnh nghệ thuật Nam Trung Bộ và Tây Nguyên năm 2024

Hơn 2.000 tác phẩm dự Liên hoan ảnh nghệ thuật Nam Trung Bộ và Tây Nguyên năm 2024

(CLO) Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên lần thứ 29 năm 2024 diễn ra tại thành phố Đà Nẵng trong hai ngày 27 - 28/3.

Đời sống văn hóa