Bao giờ hết chuyện “vung tay quá trán”

10/12/2015 10:09

Câu chuyện Thành ủy Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu), Thành phố Cà Mau (tỉnh Cà Mau) sắp hết tiền hoạt động được báo chí đưa tin mấy ngày nay rõ ràng không khỏi khiến dư luận giật mình. Đúng là câu chuyện thật tưởng như đùa..

(NBCL) Câu chuyện Thành ủy Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu), Thành phố Cà Mau (tỉnh Cà Mau) sắp hết tiền hoạt động được báo chí đưa tin mấy ngày nay rõ ràng không khỏi khiến dư luận giật mình. Đúng là câu chuyện thật tưởng như đùa. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc một số cơ quan nhà nước hết tiền chi lương có nguyên nhân sâu xa từ việc sử dụng ngân sách lãng phí, thậm chí tiêu cực.

Báo động hết tiền… chi lương

Vấn đề ngân sách khó khăn, chuyện công chức “nhịn” tăng lương trong nhiều năm qua do lộ trình tăng lương không thực hiện được, thu hút sự quan tâm của các Đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII vừa qua.

Đáng báo động hơn, mới đây, tại một số địa phương như TP.Cà Mau, Bạc Liêu, chẳng những cơ quan nhà nước không còn tiền trả lương, mà còn mắc nợ cả tỷ đồng. Lý do được địa phương đưa ra là “mất cân đối, ngân sách không còn vốn để chi…”. Trong khi đó, trước tình trạng ngân sách eo hẹp, nợ công tăng cao, thu, chi mất cân đối, Chính phủ “phải thắt lưng buộc bụng”, cắt giảm chi tiêu công… thì vẫn có địa phương vẫn “vung tay quá trán”. Đã thế lại có chuyện địa phương nọ tính chuyện “vác rá” lên Trung ương xin ngân sách chi xây dựng tượng đài, Trung tâm hành chính… chỉ để bằng bạn bằng bè.

anh

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc sử dụng ngân sách, đầu tư không hiệu quả, có tiêu cực, là nguyên nhân gây thâm hụt ngân sách, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của bộ máy công quyền. “Đầu tư công không hiệu quả là nguyên nhân khiến ngân sách bị hao hụt nhiều. Có những địa phương chỉ chăm chú đi xin dự án đầu tư để mưu lợi cá nhân. Bởi lẽ nếu dự án được phê duyệt đầu tư thì ít nhiều lãnh đạo cũng có tiền “lại quả” từ dự án đó. Bên cạnh dự án bị thổi phồng về mặt ngân sách đầu tư, nhưng khi triển khai không đem lại hiệu quả về mặt kinh tế thì đương nhiên người ta phải bù lỗ bằng cách dùng tiền ngân sách. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ dẫn tới thâm hụt ngân sách. Do đó, chuyện địa phương không có hoặc hết tiền trả lương cho cán bộ là điều dễ hiểu”, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nhận định.

Cũng theo chuyên gia Bùi Kiến Thành, việc thâm hụt ngân sách đến mức không còn tiền trả lương cho cán bộ công chức còn xuất phát từ việc địa phương đó chưa tuân thủ chặt chẽ luật ngân sách. “Việc áp dụng luật ngân sách trong thực tế còn rất hạn chế. Còn tình trạng “trên bảo dưới không nghe” thì rất khó kiểm soát việc chi đầu tư công”, chuyên gia Bùi Kiến thành nêu quan điểm.

Nhà nước phải nhanh chóng vào cuộc, xốc lại kỷ cương!

Mới đây, Bộ Tài chính hỏa tốc gửi công văn đến các địa phương có khả năng hụt thu trên cả nước để định hướng xử lý nợ nần.

Một diễn biến khác nghiêm trọng không kém, đó là nhiều xã, huyện đang lâm nợ trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới. Huyện Phước Long (tỉnh Bạc Liêu), nhiều xã nợ từ 27 tỷ đến 54 tỷ đồng. Doanh nghiệp ứng tiền xây dựng lao đao, hàng ngàn giáo viên chậm vài tháng chưa được trả lương… Những tỉnh nghèo Hà Tĩnh, Nghệ An, hiện tượng mỗi xã nợ đọng vài ba chục tỷ đồng không hiếm. Sao không nợ cho được, khi có xã xây trụ sở tới 18 tỷ đồng, riêng cổng ngõ tường rào đã ngốn 6 tỷ?!. Nhà văn hóa đang còn tốt cũng đập để xây mới hết 7 tỷ. Miếu thờ ở xã nọ xây hết 60 tỷ... Mỗi đầu người, bất kể già trẻ, bé choai đã góp 2 triệu đồng/người, mà nợ của địa phương vẫn còn như núi.

Trong 45 xã toàn tỉnh Thanh Hóa đạt chuẩn nông thôn mới, chỉ có 6 xã không nợ, hoặc nợ vài trăm triệu. Còn lại mỗi xã ôm nợ từ 5-6 tỷ đến trên 20 tỷ đồng. Cũng vẫn rập khuôn một “công thức”: trụ sở ủy ban xã hơn 4 tỷ, tường rào cổng ngõ 1 tỷ, nhà truyền thống, bia tưởng niệm hơn 4 tỷ, nhà văn hóa vài tỷ… Theo tính toán của một xã ở vùng này, nếu cắt đất phân lô để bán thì có bán tới… 1.000 lô cũng không đủ trả nợ!

Không thể phủ nhận hiệu quả không nhỏ của chương trình xây dựng nông thôn mới, đã đem lại bộ mặt mới và sức sống mới cho nhiều địa phương khó nghèo cả nước. Tuy nhiên, không ít nơi chỉ chú trọng tô đắp hình thức bên ngoài. Nông thôn mới không lẽ chỉ  đổ tiền vào xây xã đường, huyện đường nghênh ngang, cổng cao rào lớn, nhà bia miếu mạo hoành tráng?. Nông thôn mới mà người nông dân không được đầu tư, thay đổi gì về tập quán, cách thức nuôi trồng hiện đại, hiệu quả, để lớp trẻ khỏi phải bỏ quê đi tha phương cầu thực, thì có tác dụng gì?! Những tiền tỷ kể trên nếu đừng chi vung vãi, thì thừa sức đầu tư  sắm cho người nông dân những “chiếc cần câu” để thực sự thoát nghèo, làm giàu tại chính ruộng vườn của mình.

Phiên thảo luận đánh giá về các chương trình mục tiêu quốc gia giai  đoạn 2011-2015 tại hội trường Quốc hội cách đây một tháng, các đại biểu đã thừa nhận sự “vung tay quá trán” ở nhiều địa phương trong cuộc chạy đua nông thôn mới. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời báo chí sau đó, cũng cho biết đã chỉ đạo thống kê lại, khi “có nơi hoàn thành chương trình nông thôn mới nhưng nợ đầm đìa là làm sao?”.

Nếu Nhà nước không nhanh chóng và quyết liệt trong việc xốc lại kỷ cương, việc vỡ nợ dây chuyền tại các địa phương quen “bóc ngắn cắn dài” e khó tránh khỏi.❏

Khánh An

[su_note note_color="#e2e8ec"]Đại biểu Quốc hội Bùi Đức Thụ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cảnh báo trước tình trạng tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau quá tay chi tiêu làm thâm hụt ngân sách vừa qua

Thời gian qua có thành phố Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau xảy ra tình trạng khó khăn về ngân sách, việc bố trí ngân sách đến cuối năm, nợ xây dựng cơ bản rất khó khăn. Trước tiên, cần phải xem nguyên nhân cụ thể xuất phát từ đâu, nếu do dự toán không sát thực tiễn thì phải rút kinh nghiệm ngay. Nếu trong quá trình điều hành ngân sách có những vấn đề đột xuất phát sinh, theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước thì có thể chi, nhưng địa phương phải tính toán nguồn bổ sung.

Qua giám sát ở địa phương cho thấy, tình trạng nợ ngân sách địa phương tương đối phổ biến, nhiều địa phương có mức nợ cao. Đơn cử chương trình xây dựng nông thôn mới, có xã đã nợ từ 3 - 10 tỷ đồng, thậm chí có nơi nợ tới vài chục tỷ đồng. Số lượng xã như vậy tương đối nhiều, dẫn đến tổng nợ lớn.

“Nếu cộng cả ngân sách cấp huyện, cấp tỉnh, cũng như ngân sách các bộ ngành, thì con số nợ của ngân sách đang ở mức đáng báo động. Tình trạng này cần phải rút kinh nghiệm và có biện pháp kiên quyết xử lý kịp thời ngay”.

Việc điều hành không đúng quy định làm bùng nổ chi gây nên nợ nần, ảnh hưởng đến an ninh tài chính quốc gia.

Việc quản lý điều hành ngân sách phải có trong dự toán, tuân thủ theo đúng quy trình dự toán. Những khoản chi đột xuất phát sinh ngoài dự toán phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt mới được chi. Nếu không thực hiện đúng theo nguyên tắc này là trái với Hiến pháp, pháp luật, phải làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm minh, kịp thời.

Đối với chi đầu tư phải thực hiện đúng Luật Đầu tư công, khởi công một dự án mới phải có nguồn tài chính đảm bảo, thực hiện đúng tổng mức đầu tư, không cho phép phát sinh ngoài dự toán. Trong năm 2016, Nghị quyết Quốc hội yêu cầu phải sử dụng ngân sách tập trung ưu tiên số một là trả nợ, thứ hai là bố trí cho các dự án công trình chuyển tiếp cấp bách, phần còn lại mới được xem xét đầu tư dự án mới.[/su_note]

GS.TS Trần Ngọc Thơ (ĐH Kinh tế TP.HCM)GS.TS Trần Ngọc Thơ (ĐH Kinh tế TP.HCM): Sự lỏng lẻo trong quản lý nợ công, chi tiêu ngân sách nhà nước ở các địa phương đã được nói từ lâu. Tuy nhiên, sự việc xảy ra ở Bạc Liêu hay Cà Mau xét về khía cạnh nào đó có thể là yếu tố tích cực. Phải chăng sau những lời hứa, cam kết của Chính phủ, các chương trình siết chặt, kiểm soát đầu tư công ở các tỉnh thành bắt đầu có tín hiệu tích cực. Hay các tỉnh thành này đã “hết phép”, hay họ đang quá thật thà? Từ trước đến nay chính sách tài khóa của Việt Nam lỏng lẻo từ trên xuống dưới, liệu còn các tỉnh thành nào chưa bị lộ, hay tiếp theo còn có tỉnh thành nào khai báo hay họ vẫn còn “phép” để đối phó?

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn (giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright)Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn (giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright): Chuyện một số địa phương “đổ nợ”, không còn tiền trả lương cho công chức là hệ quả của tình trạng “vung tay quá trán”, ỷ lại ngân sách nhà nước của các địa phương bấy lâu nay. Nó cũng là hệ lụy của tư duy nhiệm kỳ hay hiện tượng “hoàng hôn” nhiệm kỳ được nhắc nhiều thời gian gần đây. Thật ra, tình trạng chi tiêu vượt dự toán đến mức không cân đối được ở cấp địa phương không mới. Khi rơi vào tình thế chi vượt thu, từ trước đến nay nhiều địa phương vẫn không quá lo lắng do cơ chế ràng buộc ngân sách mềm vẫn còn giá trị. Họ sẽ được ngân sách Trung ương rót bù đắp bằng cách này hay cách khác. Theo tôi, đã đến lúc cần phải ràng buộc trách nhiệm sử dụng ngân sách bằng quyết tâm chính trị, bằng cơ chế ngân sách cứng chứ không thể dựa mãi quyết tâm kinh tế như hiện nay.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi LanChuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Nhiều địa phương không đủ ngân sách chi lương cho cán bộ là tình trạng đáng báo động. Nguyên nhân sâu xa xuất phát từ việc chi ngân sách còn biểu hiện nhiều lãng phí. Có rất nhiều dự án đầu tư không cần thiết trong lúc này, nhưng họ vẫn đòi hỏi Nhà nước cấp kinh phí đầu tư. Có địa phương cam kết khi đầu tư xây dựng trụ sở, Trung tâm hành chính, tượng đài… sẽ thực hiện huy động từ nhiều nguồn khác nhau. Nhưng muốn làm gì thì làm, tiền đó cũng là tiền của dân, mà cuối cùng nhân dân sẽ là người phải gánh chịu nếu hậu quả xảy ra. Cho nên, yêu cầu số một đó là phải biết tiết kiệm chi tiêu, tránh lãng phí đầu tư công khi chưa cần thiết. Chính phủ cũng nên cứng rắn hơn trước những đề nghị, xin xỏ của các địa phương.

Ông Võ Thành Hưng- Vụ trưởng Vụ Ngân sách (Bộ Tài chính)Ông Võ Thành Hưng- Vụ trưởng Vụ Ngân sách (Bộ Tài chính): Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu các tỉnh, thành báo cáo về tình trạng thu chi hiện nay sau hai trường hợp Bạc Liêu và Cà Mau. Sắp tới, Bộ Tài chính sẽ có động thái mới siết chặt lại việc chi tiêu của các địa phương, theo chỉ thị 06 của Thủ tướng, các địa phương phải tự cân đối được chi tiêu, nếu bị thâm hụt sẽ phải có phương án cắt giảm chi và nguồn dự phòng, nguồn tiết kiệm 10% để tự bù đắp.

Nợ có địa chỉ, sao không xử lý?

Chuyện nợ đọng ở nhiều địa phương có chung một nguyên nhân đơn giản là chi nhiều hơn thu.

Dù là nợ xây dựng cơ bản như ở Cà Mau hay nợ tiền soạn thảo văn bản, tiếp khách, mua máy photo như ở Bạc Liêu. Nhìn từ khía cạnh thu chi ngân sách thì đây là vấn đề nhức nhối đã nhiều năm qua.

[caption id="attachment_68670" align="aligncenter" width="500"]ĐBQH Cao Sĩ Kiên. ĐBQH Cao Sĩ Kiêm[/caption]

Ví dụ về nợ đọng xây dựng cơ bản, vào đầu nhiệm kỳ này (năm 2011), trước tình trạng các nơi phê duyệt quá nhiều dự án vượt khả năng cân đối vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ, thời gian thi công kéo dài, kế hoạch đầu tư bị cắt khúc ra từng năm, hiệu quả đầu tư kém, gây phân tán và lãng phí nguồn lực của Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị (số 1792) về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ.

Chỉ thị này từng được đánh giá là cứu vãn nguy cơ vỡ nợ không chỉ ở tầm địa phương. Quả thực, bằng việc siết chặt các nguồn vốn, chỉ thị đã tạo ra bước ngoặt lớn về đầu tư công. Tinh thần của chỉ thị sau này tiếp tục được thể hiện trong Luật đầu tư công năm 2014.

Tuy nhiên, 5 năm sau ngày ban hành chỉ thị 1792, vào cuối tháng 4 năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã tiếp tục ban hành một chỉ thị về tăng cường các biện pháp xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn vốn đầu tư công.

Theo chỉ thị mới này, mặc dù các cấp, các ngành đã có nhiều nỗ lực trong việc tăng cường quản lý, từng bước khắc phục tình trạng nợ đọng trong xây dựng cơ bản nhưng kết quả còn hạn chế.

Tình trạng phê duyệt quá nhiều dự án vượt khả năng cân đối và thi công vượt vốn kế hoạch vẫn còn khá phổ biến, nhất là ở địa phương.Rõ ràng việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản chậm chuyển biến. Vấn đề là các khoản nợ không phải từ trên trời rơi xuống, tất cả đều có trên sổ sách, giấy tờ và đều có địa chỉ cụ thể.

Vậy nhưng chưa thấy vụ việc nào được xử lý theo quy định pháp luật, chế tài không nghiêm. Chúng ta nói rất nhiều nhưng giải quyết không đi đến tận cùng. Hệ quả là người ta nhìn nhau, cuối cùng thấy không xử lý ai nên sinh ra “nhờn”.

Một đồng từ ngân sách cũng từ tiền đóng thuế của dân. Thử hỏi nợ đọng xây dựng cơ bản nói riêng và các khoản nợ của các địa phương nói chung, những khoản nợ mà không đúng quy định pháp luật thì những người phê duyệt dự án gây nợ sẽ chi trả hay lại lấy ngân sách xử lý?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng “phê duyệt quá nhiều dự án vượt khả năng cân đối”, trong đó phải kể đến nguyên nhân từ “tư duy nhiệm kỳ”.Chưa nói đến tiêu cực đằng sau các dự án, chỉ riêng tư duy muốn làm cho hoành tráng rồi “vung tay quá trán” khiến thế hệ sau gánh nợ đã đủ phải bị kỷ luật nghiêm khắc.

Nợ nần đều có địa chỉ, đã đến lúc không thể nói mãi vào khoảng không.

CAO SĨ KIÊM (Đại biểu Quốc hội)

Nghịch lý ngân sách "tôm hùm" tại Việt Nam

Những dự án hành chính, tưởng niệm “nghìn tỷ” được ví như món tôm hùm trên mâm tiệc đầu tư của các địa phương: hoành tráng nhưng lãng phí và gây bội thực trong bối cảnh khó khăn chung.

Trình bày trong tham luận diễn đàn Tái cơ cấu đầu tư công gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng kinh tế xanh do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 24/11, Tiến sĩ Huỳnh Thế Du - Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright- nêu vấn đề nghiêm trọng nhất của Việt Nam hiện nay là “cơ chế ngân sách tôm hùm”, tức nhiều địa phương hay đơn vị muốn có những công trình quy mô được hỗ trợ từ ngân sách Trung ương mà không quan tâm đến hiệu quả và sự hữu dụng.

Những ví dụ được ông liệt kê là câu chuyện dự án tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng trên 400 tỷ đồng ở Quảng Nam, hay mới đây là Sơn La - một địa phương thu ngân sách hơn 3.000 tỷ đồng nhưng lại có kế hoạch xây cụm tượng đài và quảng trường đến 1.400 tỷ đồng. Công trình nhà bảo tàng mười mấy nghìn tỷ ở Hà Nội bỏ không nhưng đã lại triển khai kế hoạch xây dựng công trình khác hơn 11.000 tỷ đồng. Mới đây nhất nổi lên là việc các địa phương lên kế hoạch xây dựng các trung tâm hành chính tập trung nghìn tỷ.

Ngay với việc xây dựng các trung tâm hành chính tập trung, ông phân tích lý do tiết kiệm chi phí đi lại, giao dịch là không hợp lý bởi một lượng rất lớn công chức vẫn “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, tiết kiệm thời gian của việc tập trung không có ích gì trong khi phải bỏ ra những nguồn lực khổng lồ và đập bỏ những công trình có thể sử dụng mấy chục năm nữa.

Hệ quả của sự lãng phí này sẽ tạo áp lực rất lớn lên ngân sách, đặc biệt trong bối cảnh nợ công tăng và sắp tới sẽ phát hành trái phiếu. Tính toán cho thấy nếu lấy mức lãi suất 12% như ngân hàng Thế giới hay dùng thì chi phí mất đi của 1.000 tỷ một năm lên đến 120 tỷ đồng.

Trước đó trong giai đoạn 2011-2015, Việt Nam phải thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó tái cơ cấu đầu tư công, tức quản lý và sử dụng nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước được coi là một trong ba trụ cột chính. Đến nay, dù quy mô đầu tư công đã giảm từ mức đỉnh cao trên dưới 20% GDP giai đoạn 1999-2006 về còn khoảng 12% GDP năm 2014, nhưng các chuyên gia cho rằng nguồn vốn của Nhà nước vẫn còn bị sử dụng lãng phí và không hiệu quả.Tiến sĩ Huỳnh Thế Du cũng đề xuất phải thiết lập nguyên lý “ai ăn bánh người đó trả tiền” thay vì người này ăn người khác trả tiền. Việc phân bổ ngân sách cũng nên được thiết kế sao cho mỗi đầu mối nhận ngân sách có thể biết được các nguồn cũng như nhu cầu chi tiêu trong dài hạn, giảm thiểu các khoản phân chia.

Tại kỳ chất vấn Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã chất vấn các Bộ trưởng về số vốn Nhà nước bị thất thoát, lãng phí khi dùng để xây dựng những công trình lớn nhưng sau đó trở thành “đống sắt rỉ” hay bỏ không. Trước vấn đề này, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh thừa nhận thất thoát, lãng phí trong đầu tư công là có thực và nghiêm trọng, song “rất khó” định lượng được con số chính xác ngay bởi đây là vấn đề lớn, bao quát nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, vị trưởng ngành nhấn mạnh dù khó vẫn phải quyết liệt ngăn chặn tình trạng này, vì có như vậy đất nước mới phát triển.

Huyền Thư (Báo điện tử VnExpress)

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bao giờ hết chuyện “vung tay quá trán”
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO