Quảng Nam:

Bao giờ người dân được hưởng lợi từ chính sách bảo vệ và phát triển rừng?

Chủ nhật, 07/07/2019 16:09 PM - 0 Trả lời

(CLO) Nghị định 75 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với giảm nghèo nhanh, bền vững... đã đi vào cuộc sống nhiều năm nay. Tuy nhiên, tại tỉnh Quảng Nam, đến thời điểm này nhiều nơi người dân vẫn chưa được hưởng lợi vì đất rừng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

“Mỏi mòn” chờ... sổ đỏ

Việc chậm được cấp GCNQSD đất đã gây ra nhiều khó khăn, thiệt thòi cho người dân trong phát triển kinh tế và bảo vệ rừng. (Ảnh: H.T)

Việc chậm được cấp GCNQSD đất đã gây ra nhiều khó khăn, thiệt thòi cho người dân trong phát triển kinh tế và bảo vệ rừng. (Ảnh: H.T)

Tháng 9/2015, Chính phủ ban hành Nghị định 75/NĐ-CP về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2015 - 2020. Theo đó, nguồn kinh phí thực hiện được trích từ Ngân sách Trung ương đối với diện tích rừng thuộc Bộ, ngành quản lý.

Đối tượng được áp dụng là các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng, gồm: Hỗ trợ khoán bảo vệ rừng là 400 nghìn đồng/ha/năm với diện tích tối đa 30 ha một hộ gia đình; Hỗ trợ khoanh nuôi tái sinh có trồng rừng bổ sung tối đa không quá 1.6 triệu đồng/ha/năm trong 3 năm đầu và 600 nghìn đồng/ha/năm cho 3 năm tiếp theo.

Ngoài ra, còn có trợ cấp gạo trồng rừng thay thế nương rẫy với định mức 15kg gạo/khẩu/tháng và tối đa không quá 7 năm. Tuy nhiên, để nhận được những mức hỗ trợ trên, các đối tượng được áp dụng bắt buộc phải có “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) hoặc quyết định giao đất của cấp có thẩm quyền”.

Tại tỉnh Quảng Nam, cho đến thời điểm hiện tại mới chỉ có một số ít người dân được cấp sổ đỏ đất lâm nghiệp, còn lại là vẫn canh tác trên diện tích đất chưa được công nhận. Điều này đồng nghĩa với việc người dân các đồng bào dân tộc thiểu số và người bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam chưa được nhận quyền lợi của mình theo Nghị định 75/NĐ-CP của Chính phủ.

Ông Hồ Văn Sơn (xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) chia sẻ: “Khi được Nhà nước giao đất rừng để phát triển kinh tế, tôi thấy rất phấn khởi. Thế nhưng nhiều năm nay, tôi vẫn chưa được cấp sổ đỏ đất lâm nghiệp. Địa phương tạo điều kiện cho gia đình tôi vay vốn ưu đãi ngân hàng để trồng rừng, nhưng khi rừng đến tuổi khai thác thì bị làm khó. Vì chính quyền yêu cầu phải chứng minh được rừng trồng trên đất có nguồn gốc rõ ràng”.

Còn ông Hồ Văn Việt (xã Trà Leng, huyện Nam Trà My) cho biết, gia đình canh tác nhiều héc ta rừng, kể cả trồng cây quế bản địa nhưng đến nay vẫn chưa được cấp bìa đỏ đất lâm nghiệp nên khó tiếp cận các nguồn vốn vay ngân hàng. Ngoài ra, việc bán gỗ keo thủ tục hồ sơ rườm rà gây phiền phức vì không có sổ đỏ.

Nguyên nhân của tình trạng chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho người dân được xác định là do thiếu kinh phí thực hiện và do sai lệch giữa hồ sơ địa chính với thực tế vì trước đây đơn vị tư vấn đã có nhiều sai sót trong đo đạc bản đồ đất lâm nghiệp theo tỷ lệ 1/10.000.

Tại huyện Nam Trà My, tính đến năm 2011, tổng hồ sơ được lập 10/10 xã trên địa bàn huyện là 1.695 hồ sơ, nhưng số sổ đỏ đã cấp cho người dân mới chỉ là 731. Tương tự, UBND xã Phước Xuân (huyện Phước Sơn) xác nhận, trên địa bàn xã chỉ có 107 hộ được cấp bìa đỏ đất lâm nghiệp từ năm 2011 về trước và 8 năm nay hầu như không có trường hợp nào của xã được cấp giấy trên đất rừng mình quản lý, sử dụng.

Cần sớm vào cuộc

Nhiều đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Nam Trà My vẫn chưa được hưởng lợi từ chính sách rừng theo Nghị định 75 của Chính phủ. (Ảnh: H.T)

Nhiều đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Nam Trà My vẫn chưa được hưởng lợi từ chính sách rừng theo Nghị định 75 của Chính phủ. (Ảnh: H.T)

Những huyện miền núi khác ở Quảng Nam như Đông Giang, Phước Sơn, Nam Giang, Hiệp Đức... cũng rơi vào tình trạng tương tự. Tại huyện vùng cao Đông Giang, từ năm 2017 đến nay chỉ có các xã A Rooih, Ma Cooih và thị trấn P´rao được cấp bìa đỏ đất lâm nghiệp; các xã còn lại hầu như “treo bìa đỏ”.

Theo UBND huyện Đông Giang, riêng xã A Rooih và thị trấn P´rao, địa phương cấp được 2.321 bìa đỏ đất lâm nghiệp tỷ lệ 1/10.000 và đang họp xét gần 1.000 hồ sơ tại xã Ma Cooih với diện tích đo đạc chỉnh lý hơn 1.212ha. Chủ tịch UBND huyện Đông Giang - Đinh Văn Hươm cho rằng, sở dĩ các xã còn lại chưa tiến hành đo đạc, chỉnh lý và đăng ký, cấp bìa đỏ đất lâm nghiệp vì thiếu kinh phí ít nhất 17 tỷ đồng.

Không những nhiều người dân chưa được hỗ trợ tiền từ chính sách rừng theo Nghị định 75, mà nhiều chủ rừng lớn cũng nằm trong hoàn cảnh tương tự. Như Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voi, trong tổng số diện tích 8.172 ha tiếp nhận từ UBND cấp xã bàn giao theo Nghị định 75, hiện nay chỉ có hơn 4.942ha có hồ sơ pháp lý, diện tích còn lại chưa đảm bảo hồ sơ để hưởng lợi chính sách.

Nghị định 75 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2020 chỉ còn hơn một năm nữa là kết thúc. Hơn lúc nào hết, UBND các huyện và các ban, ngành chức năng của tỉnh Quảng Nam cần sớm vào cuộc một cách quyết liệt, sắp xếp bố trí nguồn kinh phí để tổ chức thực hiện việc đo đạc và chỉnh lí bản đồ địa chính để sớm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho người dân.

Điều này không chỉ có ý nghĩa trong việc quản lý địa giới hành chính trong lĩnh vực đất đai mà còn là sớm giải quyết quyền lợi chính đáng của người dân theo cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng. Từ đó chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số của Chính phủ mới có ý nghĩa để người dân yên tâm phát triển kinh tế cũng như chăm sóc và bảo vệ rừng.

Hoàng Thao

Tin khác

“Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” đến với ngư dân Thanh Hóa

“Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” đến với ngư dân Thanh Hóa

(CLO) Chiều 26/4, Báo Pháp Luật TP HCM phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hoá tổ chức chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển”.

Đời sống
Đoàn bay 919 của Vietnam Airlines kỷ niệm 65 năm thành lập

Đoàn bay 919 của Vietnam Airlines kỷ niệm 65 năm thành lập

(CLO) Sáng 26/4, Đoàn bay 919 thuộc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), tiền thân là Trung đoàn Không quân vận tải 919, đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 65 năm thành lập.

Đời sống
EVNGENCO1 nỗ lực vận hành các nhà máy điện đáp ứng nhu cầu huy động của hệ thống

EVNGENCO1 nỗ lực vận hành các nhà máy điện đáp ứng nhu cầu huy động của hệ thống

(NB&CL) Trong tháng 3/2024, phụ tải hệ thống điện tăng 10,96% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 2,14% so với kế hoạch năm 2024 của Bộ Công Thương. Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện tăng, EVNGENCO1 đã bám sát chỉ đạo của Bộ Công Thương và EVN triển khai các giải pháp để đảm bảo cung ứng điện mùa khô 2024, nỗ lực vận hành các nhà máy đáp ứng nhu cầu huy động của hệ thống điện quốc gia.

Đời sống
Đầu tháng 5, miền Bắc có thể đón không khí lạnh, mưa rào, giông lốc

Đầu tháng 5, miền Bắc có thể đón không khí lạnh, mưa rào, giông lốc

(CLO) Chuyên gia khí tượng dự báo, từ những ngày đầu tháng 5, miền Bắc sẽ có khả năng xuất hiện mưa rào và giông trở lại, còn miền Nam gió tây nam cũng có xu hướng xuất hiện, gây mưa giông.

Đời sống
Công an TP HCM cảnh báo chiêu thức lừa đảo dịp lễ 30/4-1/5 và mùa du lịch hè

Công an TP HCM cảnh báo chiêu thức lừa đảo dịp lễ 30/4-1/5 và mùa du lịch hè

(CLO) Theo Công an TP HCM, dịp lễ 30/4-1/5 và mùa du lịch hè, tội phạm sẽ dùng thủ đoạn lừa người dân mua các tour du lịch giá rẻ, vé máy bay giá rẻ để chiếm đoạt tiền.

Đời sống