Bảo hiểm nghệ thuật: Mảnh ghép còn thiếu của thị trường mỹ thuật

Thứ năm, 10/12/2020 10:08 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Nghệ thuật nói chung hay mỹ thuật nói riêng, muốn bắt nhịp và đồng hành được trong dòng chảy văn hóa quốc tế cần phải trở thành một thị trường. Nhưng vì nhiều lý do, mỹ thuật nước ta còn đang thiếu một mảnh ghép quan trọng để nó trở thành một thị trường đúng nghĩa.

5 năm mới được một lần tổ chức triển lãm, nhưng ngay trước khi khai mạc Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2020, ông Mã Thế Anh - Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm; Trưởng Ban Tổ chức Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020 - cho biết, theo “kiểm tra sơ bộ” đã có 5 tác phẩm mỹ thuật bị hư hại và một tác giả đã quyết định rút tác phẩm không tham dự triển lãm.

Họa sĩ Nguyễn Quốc Huy - một trong những họa sĩ có tác phẩm bị thiệt hại cho biết, tác phẩm của ông dự triển lãm có giá khoảng 50.000 USD. Ông Huy cũng sẽ yêu cầu ban tổ chức Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc phải bồi thường vì làm xước tác phẩm.

Ông Tuấn “Cá sấu” và tác phẩm tranh kính đã vỡ của Mai Trung Thứ. Ảnh: Việt Hưng

Ông Tuấn “Cá sấu” và tác phẩm tranh kính đã vỡ của Mai Trung Thứ. Ảnh: Việt Hưng

Trả lời câu hỏi về vấn đề bồi thường, cụ thể như trong trường hợp tác giả đòi đền bù, Ban Tổ chức sẽ lấy nguồn tiền nào để đáp ứng? Liệu có phải từ ngân sách nhà nước không? Ông Thế Anh cho biết: “Sẽ trả lời dịp khác”. Dịp khác là khi nào thì không ai biết.

Một chuyện khác, hồi tháng 8/2020, giới mộ điệu tác phẩm nghệ thuật thời kỳ Đông Dương ở Việt Nam rất bất ngờ khi Tuấn “Cá sấu” - một người chơi tranh nổi tiếng ở Hải Phòng công bố trong đau buồn rằng bức tranh kính của Mai Trung Thứ mới được ông đấu giá thành công từ Pháp đã bị vỡ trên đường vận chuyển từ TP. Hồ Chí Minh ra Hải Phòng.

Ông Tuấn cho biết, bức tranh được ông đấu giá thành công với số tiền 70 nghìn đô la. Tác phẩm được đóng thùng gỗ và vận chuyển an toàn về tới sân bay Tân Sơn Nhất. Sau khi mở thùng gỗ ra chiêm ngưỡng, chụp ảnh, bức tranh chỉ được đóng gói theo quy cách thông thường (gồm bìa giấy và xốp mỏng) để bay ra Hải Phòng. Bức tranh quý đã bị vỡ tan nát trong sự xót xa của khổ chủ.

Ngoài thiệt hại nặng nề, hai sự việc trên đều có một đặc điểm chung có thể thấy ngay: Tất cả đều không được mua bảo hiểm.

Trên thế giới, chuyện tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao bị hư hỏng không hiếm. Ví dụ, bức tranh “Le Rêve” của Pablo Picasso của nhà sưu tập Steve Wynn. Trong khi cho bạn bè xem tác phẩm, cùi chỏ của Wynn đã làm thủng bức tranh và tạo ra một vết rách dài khoảng 5cm trên tác phẩm. Bức tranh sau đó được sửa chữa và cuối cùng được trưng bày tại Phòng trưng bày Acquavella ở New York vào năm 2008 và tại Bảo tàng Nghệ thuật Philadelphia vào năm 2009. Nhiều năm sau, bức tranh cuối cùng đã được nhà sưu tập tư nhân mua với giá hơn vài triệu đô la - thấp hơn rất nhiều so với giá trị ban đầu của bức tranh.

Một trường hợp khác, tác phẩm điêu khắc “Le Poisson” (Con cá) của Constantine Brancusi (1876 - 1957) trị giá 22,5 triệu đô la. Sau khi bị gãy làm đôi, nó được phục hồi và giá trị bị giảm xuống còn hơn 16 triệu đô la.

Thế nhưng, các thiệt hại trị giá nhiều triệu đô la này đã được bên thứ ba chi trả đầy đủ vì chủ sở hữu của chúng đều bỏ tiền ra mua bảo hiểm.

Ông Tuấn “Cá sấu” cho hay, tại sân bay, trước khi đóng gói bức tranh của Mai Trung Thứ, ông đã hỏi hãng bay về việc mua bảo hiểm nhưng đơn vị vận tải không cung cấp dịch vụ bảo hiểm này. Các tác phẩm tham gia triển lãm nói chung, không chỉ tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, cũng thường không được mua bảo hiểm mặc dù nó có giá trị tương đối cao.

Tìm hiểu về vấn đề bảo hiểm nghệ thuật, bà Nguyễn Ngọc Thanh - Giám đốc một công ty bảo hiểm tại TP. Hồ Chí Minh nói ngắn gọn: “Ở Việt Nam không có bảo hiểm tác phẩm nghệ thuật bởi không có sản phẩm, không có khách hàng, không ai mua”.

Trong khi giới mỹ thuật tương đối hoàn thiện về rất nhiều mặt, kỳ vọng mỹ thuật Việt Nam trở thành một thị trường đúng nghĩa thì bảo hiểm tác phẩm nghệ thuật lại là vấn đề chưa bao giờ được đặt ra. Tại sao lại có chuyện này? Có phải những người sở hữu tự tin tuyệt đối về sự an toàn của tác phẩm quý giá của mình hay vì lý do gì mà các hãng bảo hiểm không cung cấp sản phẩm bảo hiểm này?

Forbes đã từng đưa ra ước tính rằng, ở cấp độ toàn cầu giá trị bảo hiểm của tác phẩm nghệ thuật được bảo hiểm là khoảng 500 triệu đô la tới 1 tỷ đô la. Rất khó để đưa ra con số chính xác do cách các công ty bảo hiểm lưu giữ hồ sơ của họ, nhưng nếu những ước tính đó là đúng, điều đó có nghĩa là có rất nhiều tác phẩm nghệ thuật không được bảo hiểm ngoài kia đang tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Trên thế giới hiện tại có rất nhiều loại hình bảo hiểm tác phẩm nghệ thuật, chủ yếu dựa vào nhu cầu của các chủ sở hữu tác phẩm. Về cơ bản, tác phẩm nghệ thuật là dạng vật chất hữu hình, các rủi ro có thể xảy ra cũng tương tự các loại vật chất khác như hao mòn, cháy nổ, hư hỏng, đổ vỡ, mất cắp, v.v… Nó cũng được loại trừ trong một số trường hợp bất khả kháng điển hình như chiến tranh, hạt nhân, sâu bướm và động vật phá hoại. Nhưng cũng bởi nó là tác phẩm nghệ thuật nên nó có tính chuyên biệt cao và cách xác định giá trị không bao giờ là tuyệt đối.

Theo thông lệ quốc tế, giá trị mua bảo hiểm thường chiếm từ 1% - 3% mỗi năm. Cách xác định giá trị của một tác phẩm nghệ thuật thường dựa vào một số tiêu chí cơ bản như: Giá trị vào thời điểm mua; Chi phí sửa chữa, thay thế; Và giá trị công bố (thường được tái thẩm định sau mỗi hai đến ba năm tùy thuộc vào thị trường hoặc nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm).

Trong số này, tiêu chí “giá trị vào thời điểm mua” rất quan trọng. Bởi nó liên quan chặt chẽ đến các hồ sơ pháp lý đi kèm với tác phẩm. Như trong các câu chuyện nêu trên, nếu như ông Tuấn “Cá sấu” tuyên bố bức tranh được đấu giá thành công với giá trị 70 nghìn đô la, chắc chắc, hồ sơ đấu giá có thể hiện việc này. Đây là một cơ sở quan trọng khi một nhà bảo hiểm xác định giá trị bức tranh.

Nhưng đối với các mua bán trao tay, cho dù giá trị thực có thể từ vài nghìn tới vài chục nghìn đô la, nhưng sự rắc rối của yếu tố “ngầm hiểu” sẽ không thể bảo chứng cho giá trị tác phẩm. Đương nhiên, sẽ khó lòng có một thỏa thuận giữa chủ sở hữu tác phẩm với nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm.

Minh bạch luôn là một con đường dài và khó đi để mỹ thuật Việt Nam từ “nền mỹ thuật” trở thành một “thị trường mỹ thuật”.

Tử Hưng

Tin khác

Hoa hậu Lương Thùy Linh trở thành Đại sứ văn hóa đọc

Hoa hậu Lương Thùy Linh trở thành Đại sứ văn hóa đọc

(CLO) Hoa hậu Lương Thùy Linh xuất hiện tại sự kiện lễ khai mạc Ngày Sách và Văn Hóa đọc Việt Nam lần 3 năm 2024 với vai trò Đại sứ văn hóa đọc TP.HCM.

Đời sống văn hóa
Công bố tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT nghề thủ công mỹ nghệ

Công bố tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT nghề thủ công mỹ nghệ

(CLO) Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 43/2024/NĐ-CP ngày 19/4/2024 quy định chi tiết về xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân (NSND), Nghệ nhân ưu tú (NSƯT) trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ.

Đời sống văn hóa
Kỷ niệm 1.085 năm Ngô Quyền xưng vương và định đô ở Cổ Loa

Kỷ niệm 1.085 năm Ngô Quyền xưng vương và định đô ở Cổ Loa

(CLO) Tối 19/4, tại Đình Ngự Triều Di Quy - Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đông Anh long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 1085 năm Đức vua Ngô Quyền xưng vương và định đô ở Cổ Loa (939-2024).

Đời sống văn hóa
Khai mạc Hoạt động văn hóa năm 2024 với chủ đề 'Giữ nghề xưa trên phố'

Khai mạc Hoạt động văn hóa năm 2024 với chủ đề "Giữ nghề xưa trên phố"

(CLO) Chiều 19/4 tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội, số 50 phố Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã diễn ra chương trình khai mạc Hoạt động văn hóa năm 2024 với chủ đề "Giữ nghề xưa trên phố".

Đời sống văn hóa
Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt bộ sách 'Thưởng thức triết học'

Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt bộ sách "Thưởng thức triết học"

(CLO) Nhân dịp bộ sách Thưởng thức triết học ra mắt độc giả Việt Nam, ngày 20/4 tới đây tại Hà Nội, Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng và Viện Pháp tại Hà Nội tổ chức chương trình giao lưu và ra mắt bộ sách với chủ đề "Mỗi đứa trẻ là một triết gia".

Đời sống văn hóa