(NB-CL) Theo điều tra Xu hướng Báo chí Thế giới (World Press Trends) thường niên mới được Hiệp hội Báo chí và các Nhà xuất bản tin tức (WAN-IFRA) công bố ngày 1/6/2015, lần đầu tiên trong thế kỷ này, doanh thu từ phát hành báo chí thế giới đã vượt qua doanh thu từ quảng cáo trên báo chí. Dù bị “bầm dập” giữa nhiều loại hình truyền thông đang thắng thế khác, báo in vẫn cố tìm cho mình một khoảnh đất, dù nhỏ hẹp, để tồn tại.
Sự chuyển dịch chấn động
“Đây là một sự chuyển dịch chấn động từ mô hình lấy trọng tâm là từ doanh nghiệp tới doanh nghiệp, hay từ nhà xuất bản tới nhà quảng cáo - sang trọng tâm từ doanh nghiệp tới khách hàng, hay từ nhà xuất bản tới độc giả”. Ông Larry Kilman, Tổng thư ký WAN- IFRA, đã khẳng định như vậy khi bình luận trước việc doanh thu từ phát hành báo chí thế giới đã vượt qua doanh thu từ quảng cáo trên báo chí. Cụ thể, doanh thu từ xuất bản và quảng cáo của báo chí đã đạt 179 tỷ USD trong năm 2014 - nhiều hơn so với doanh thu từ xuất bản sách, âm nhạc hay phim ảnh. 92 tỷ USD trong số này đến từ báo in và báo điện tử, trong khi 87 tỷ USD đến từ quảng cáo. Có lẽ ông Larry Kilman sử dụng hai từ “chấn động” cũng không quá lời nếu biết rằng trong thế kỷ 20, quảng cáo từng mang lại tới 80% doanh thu tại một số thị trường truyền thông.
Không bàn nhiều tới câu chuyện sụt giảm trong doanh thu quảng cáo báo in bởi điều này là minh chứng rõ nét nhất cho thực tế không thể phủ nhận là báo in đã và đang suy giảm rất nhiều sức hút so với nhiều loại hình truyền thông mới khác. Ở đây, chỉ muốn nhìn nhận việc báo in gia tăng nguồn thu từ phát hành đồng nghĩa với việc báo chí đã tìm được những thị trường mới và những mô hình kinh doanh mới phù hợp với các sản phẩm tin tức như quảng cáo và lưu hành ấn bản.
Châu Á chuộng báo giấy nhất thế giới
Cũng theo số liệu của WAN-IFRA, hiện có khoảng 2,7 tỷ người trên thế giới đọc báo in. Lượng phát hành báo in đã tăng 6,4% toàn cầu trong năm 2014 so với năm trước đó và đã tăng tổng cộng 16,5% trong 5 năm. Lượng phát hành đã tăng +9,8% ở châu Á năm 2014 so với năm trước đó, tăng +1,2% ở Trung Đông và châu Phi, và tăng +0,6% ở châu Mỹ Latinh. Trong vòng 5 năm, lượng phát hành báo chí tăng +32,7% ở châu Á, +3,7% ở Trung Đông và châu Phi, và khoảng +3% ở châu Mỹ Latinh; giảm -8,8% ở Bắc Mỹ, -21,3% ở châu Âu và -22,3% ở Australia và châu Đại Dương. Ngành kinh doanh báo chí tại Ấn Độ vẫn là ngành công nghiệp báo in ổn định nhất thế giới.
Bên cạnh sự yêu thích của các độc giả châu Á, báo chí đang cố nâng lượng phát hành của mình thông qua các chiến lược mới nhằm kiếm được nhiều doanh thu hơn từ lượng người theo dõi ít hơn. Những chiến lược này bao gồm tăng giá bìa và giảm chi phí sản xuất qua việc giảm số lần in.
Tính trên toàn cầu, hơn 93% doanh thu báo chí đến từ báo in, và báo in vẫn sẽ tiếp tục là nguồn doanh thu chính trong nhiều năm nữa.
Chỗ của báo chí trong truyền thông xã hội
Với khả năng đưa tin, chia sẻ, thu hút, tìm kiếm thông tin nhanh chóng, truyền thông xã hội đang giữ tỉ số 1-0 với báo chí truyền thống nếu chỉ xét về tính tốc độ. Nhưng báo chí vẫn có chỗ đứng quan trọng của mình, nếu duy trì được chất lượng, và kết hợp được những ưu việt mà truyền thông xã hội đem lại để tăng cường sức mạnh cho mình. GS Geneva Overholser của trường báo chí USC Annenberg (Mỹ) trong bài viết “What is Journalism Place in Social Media?” (Chỗ của báo chí trong truyền thông xã hội là gì?) nhận định: "Nếu quan tâm của chúng ta chỉ là làm thế nào sử dụng mạng xã hội như một “công cụ” cho báo chí, chúng ta có nguy cơ bị kéo lùi lại đằng sau. Điều cần chú ý hơn là làm thế nào báo chí thực hiện vai trò đem lại những giá trị báo chí thực sự (mang những giá trị được phổ quát được thế giới công nhận) vào lãnh thổ rộng lớn của truyền thông xã hội”.
GS Geneva Overholser cho rằng: "Không để truyền thông xã hội lấn lướt báo chí, mà báo chí, với những nội dung chuyên biệt, cần thiết cho độc giả (must-read content) tìm cách để có sự trợ giúp từ truyền thông xã hội, nương theo sức mạnh của truyền thông xã hội để tăng cường sức mạnh cho mình".
TRANG THƯ