Báo Tết Việt đầu tiên: Cảo thơm lần giở!

Thứ bảy, 25/01/2020 14:00 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Đến nay vẫn chưa có kết luận chính xác về gốc tích của báo Tết báo Xuân, nhưng có thể nói, nó là sản phẩm “nằm gọn” trong thế kỷ 20. Lần giở lại những tờ báo Tết đầu tiên của làng báo Việt để có thể hình dung được phần nào bức tranh báo Tết Việt buổi ban đầu.

Từ giả thuyết dành cho ‘‘Lục Tỉnh Tân Văn”

Đã có rất nhiều những ý kiến tranh cãi, những tranh luận qua lại của các nhà nghiên cứu xung quanh câu chuyện tờ báo nào là ấn phẩm báo Tết báo Xuân đầu tiên của nền báo chí Việt Nam. Đã có những băn khoăn rằng tại sao Gia Định báo - tờ báo đã được xác định là tờ báo Việt ngữ đầu tiên (ra mắt ngày 15/4/1865) lại không phải là tờ báo xuất bản báo Tết tiếng Việt đầu tiên. Tuy nhiên, phần đa các nghiên cứu đều chung khẳng định rằng kể từ số ra mắt cho đến khi đình bản vào năm 1910, Gia Định báo chưa một lần ra số Tết. Căn nguyên vì sao thì cho đến nay chưa ai có thể lý giải được.

1402tnttx10

Trong dòng chảy của rất nhiều nghi hoặc, băn khoăn về tờ báo Tết tiếng Việt đầu tiên, nhà nghiên cứu Sơn Nam trong một bài viết trên báo Văn Nghệ TP.HCM năm 1986 đã cho rằng “báo Lục Tỉnh Tân Văn số ra ngày 27 tháng chạp năm Đinh Tỵ tức ngày 30/1/1908” là số báo xuân đầu tiên của báo chí Việt. Theo nhà nghiên cứu Sơn Nam, sở dĩ ông khẳng định vậy vì trong số báo này có bài dài “Khuyên ăn Tết”, trong đó “khuyên bà con bớt ăn chơi, đả phá các hủ tục như đốt vàng bạc, đốt pháo, dựng nêu, treo bùa, noi gương người Âu vui chơi vừa phải trong đôi ba ngày đầu năm mà

thôi”. Tuy nhiên, trái ngược với quan điểm của nhà nghiên cứu Sơn Nam, một số nhà nghiên cứu khác lại cho rằng tờ Lục Tỉnh Tân văn số Đinh Tỵ 1908 chỉ là tờ báo ra vào dịp Tết chứ không phải là báo Xuân vì phần hình thức tờ báo này không khác gì tờ báo ra ngày thường.

Đến cú đột phá mang tên “Nam Phong số tết Mậu Ngọ năm 1918”

Nếu giả thuyết dành cho Lục Tỉnh Tân Văn nhận được nhiều ý kiến trái chiều thì nhiều nhà nghiên cứu lại thừa nhận khá đồng nhất rằng Nam Phong Tạp chí, ra đời năm 1917 tại Hà Nội và kéo dài tới năm 1934, là tờ báo ra báo xuân đầu tiên bằng chữ quốc ngữ, khi xuất bản số Báo Tết mùa xuân Mậu Ngọ năm 1918. Điều đáng lưu ý là trong 211 số báo của Nam Phong, cũng chỉ duy nhất số Xuân Mậu Ngọ này là Nam Phong cho ra mắt số đặc biệt mừng Xuân mới.

5_150202 (2)

Theo các nhà nghiên cứu, khác với Lục Tỉnh Tân Văn, sở dĩ gọi “Nam Phong số Tết Mậu Ngọ năm 1918” là số báo Tết bởi số báo này được chủ bút - học giả Phạm Quỳnh - chủ trương ngay từ đầu là một số báo đặc biệt. Đặc biệt từ hình thức với lối trình bày khác biệt có nhiều điểm tương đồng với cách trình bày báo Tết hiện nay như số báo không đánh số thứ tự theo thường lệ, bìa màu vàng cam nhạt, với hình bìa là hai ông già tay cầm cành đào tượng trưng cho hai vị Hành khiển phán quan Mậu Ngọ bàn giao ấn tín cho nhau; tất cả các bài viết đều nằm trong khung hoa, có nhiều tranh minh họa và không có quảng cáo và số trang rất lớn lên tới hơn 120 trang…

 Nội dung “Nam Phong số Tết Mậu Ngọ năm 1918” cũng mang tính chất riêng biệt như có bài viết chuyên biệt Tết và đặc biệt đúng kiểu dàn dựng báo Xuân hiện nay là như một “mâm cỗ” Tết với truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ, câu đối, tranh minh họa. Đặc biệt, mở đầu số báo, chiếm tới hai trang đầu tiên là bài viết mà nhiều tờ báo tết hiện nay thường gọi là bài dẫn đề, bài Cover, “thư ngỏ đầu Xuân” là bài viết do chính chủ bút Phạm Quỳnh viết chia sẻ với độc giả yêu thương của mình về lý do có sự hiện diện của ấn phẩm đặc biệt trong ngày Xuân. “Cả năm có ngày Tết là vui… Bản báo muốn cho khúc đàn riêng của mình không đến nỗi sai nhịp với khúc cảm chung của xã hội trong buổi đầu năm xuân mới, giời ấm khí hòa, cảnh vật tươi cười, lòng người hớn hở, lại muốn không trái cái chủ nghĩa lúc bình thường, bèn định in riêng ra tập ngày Tết này, ngoài những số báo thường, trước là để cùng quốc dân góp một phần vào cuộc vui chung, sau là để tặng các bạn đọc báo đã có bụng tin yêu gửi mua từ đầu đến nay một cái quà hợp với cảnh năm mới… Trong sáu tháng nay, các bạn đọc báo đã cùng với bản báo vẫy vùng trong bể học vấn, rong ruổi trên trường nghị luận, những món chắc bổ để nuôi tinh thần trí thức cũng đã nếm qua ít nhiều mà biết cái dã vị thực thà. Vậy nay xin hiến các bạn một mâm đồ ngọt, gọi là cái quà ăn chơi trong vài ngày Tết: mứt bách quả, bánh ngũ sắc, mỗi thứ một ít… toàn là những thức ngon miệng dễ tiêu vậy. Mong rằng các bạn sẽ vui lòng mà nếm cái quà năm mới này. Có thức gì không vừa ý xin cũng rộng thứ cho…”- chủ bút Nam Phong “trải lòng”.

3_124280

Phong vị đặc biệt trong ngày Tết cổ truyền

Lịch sử báo chí Việt Nam ghi nhận, “tiếp bước” Nam Phong tạp chí trong việc xuất bản ấn phẩm đặc biệt vào ngày Tết cổ truyền dân tộc, là tờ Ðông Pháp Thời báo (Le Courrier Indochinois), ra số xuân năm Mậu Thìn 1928. Ðông Pháp Thời báo số xuân năm Mậu Thìn 1928 cũng được các nhà nghiên cứu xếp vào hàng một trong những tờ báo xuân đầu tiên xuất bản trên đất Sài Gòn. Ðông Pháp Thời báo xuất bản ba kỳ/tuần (thứ hai, thứ tư, thứ sáu), có từ 4 đến 8 trang khổ lớn 65x40cm. Báo ra số đầu tiên ngày 2/5/1923, số cuối (số 809) ra ngày 22/12/1928. Thời kỳ đó, Đông Pháp thời báo do ông Nguyễn Kim Đính làm chủ nhiệm và ông Trần Huy Liệu làm chủ bút. Đến năm 1927, ông Diệp Văn Kỳ về làm chủ bút tờ báo này.

Cũng từ chủ trương của chủ bút Diệp Văn Kỳ, cuối năm 1927, để đón chào năm mới Mậu Thìn 1928, Đông Pháp thời báo xuất bản số báo đặc biệt: Đông Pháp thời báo Xuân Mậu Thìn 1928. Báo in hai màu đen – đỏ. Đúng tính chất một ấn phẩm báo chí cho ngày Tết, Đông Pháp thời báo Xuân Mậu Thìn 1928 có nhiều tác phẩm văn thơ, trong đó đa phần là của cộng tác viên là các nhà thơ, nhà văn từ 3 miền của đất nước. Trong đó, có những bài “rất Tết” được độc giả ca ngợi như bài "Chơi xuân" của tác giả Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu. “Người ta sanh ra ở đời, nếu chẳng chơi thì cũng thiệt, mỗi năm một lần xuân, nếu bỏ qua thì cũng hoài: Vậy thời chơi xuân cũng là phải. Chơi xuân vẫn là phải, song mà cách chơi thế nào cho lịch sử, thời những bạn chơi ai đó tưởng cũng nên giảng cầu. Cầu ở trong sử truyện xưa nay, nhiều cách chơi xuân rất lý thú” - Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu viết.

4_127072

Sau ấn phẩm Tết Đông Pháp thời báo Xuân Mậu Thìn 1928, những năm sau đó, trên cả 3 miền đất nước lần lượt xuất hiện nhiều ấn phẩm báo Xuân báo Tết. Có thể kể ra đây: Thần Chung Xuân Canh Ngọ 1930, Phụ nữ Tân Văn Xuân Canh Ngọ 1930, Công Luận Xuân Tân Mùi 1931, Trung Lập, Xuân Ất Hợi 1933, Ðuốc Nhà Nam Xuân Ất Hợi 1935, Phong Hóa 1934, 1935, 1936, Loa 1935, Chơi Xuân, Quà Tết 1937, Sách Xuân  1937, Khoa Học Phổ Thông 1938, Ngày Nay 1937, 1938, 1939, 1940. …. Trong số đó, được đánh giá là làm báo Tài dài hơi (kéo dài được vài ba bốn mùa báo Tết) “đậm chất báo Tết” hơn cả là Phụ nữ Tân Văn, Phong Hóa, Ngày nay. Phụ nữ Tân Văn - là tờ báo do nhà báo nổi tiếng Đào Trinh Nhất làm chủ bút ra mắt bạn đọc năm 1929. Đây là tờ báo thứ hai của nữ giới xuất bản tại Sài Gòn sau tờ Nữ giới chung của bà Sương Nguyệt Ánh (con gái cụ Đồ Chiểu). Trong số xuân năm 1932, Phụ Nữ Tân Văn có những bài viết đậm không khí XuânTết như “Phụ nữ Việt Nam bước qua mùa xuân năm 1932”, “Thần mùa xuân của Babylon”, “Tao khách với mùa xuân” (Mme Phương Lan)… Trong bốn năm tồn tại (từ 1932 đến 1936), Phong Hóa - tuần báo ra mắt bạn đọc năm 1932 do ông Phạm Hữu Ninh sáng lập, sau này nhượng lại cho nhà văn Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam) - ra bốn số báo Xuân (1933, 1934, 1935, 1936) với trình bày đẹp mắt và hấp dẫn bạn đọc. Sau tờ Phong Hóa, là tờ Ngày nay. Tờ Ngày Nay cho ra mắt bốn kỳ báo Xuân (Tết 1937, 1938, 1939 và 1940) với đặc trưng dễ thấy là tràn ngập tranh minh họa mang chủ đề mùa xuân như thiếu nữ với hoa xuân hoặc các con vật tượng trưng cho con giáp trong năm. 

Từ thuở ban đầu ấy, báo Xuân báo Tết Việt đã dần trở thành một xu hướng làm báo, hơn thế đã trở thành nét văn hóa đặc biệt trong ngày Tết cổ truyền của người Việt, trở thành phong vị rất riêng trong mâm cỗ Tết tinh thần của người dân đất nước hình chữ S.

Thư Trang

Tin khác

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

Phát động cuộc thi ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam

(CLO) Chiều 26/4, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu Cuộc thi ảnh báo chí, nghệ thuật toàn quốc về Quân đội nhân dân Việt Nam và Quốc phòng toàn dân năm 2024.

Nghề báo
Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đài Truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng nhiều chương trình đặc sắc về Chiến thắng Điện Biên Phủ

(CLO) Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện nhiều chương trình trọng điểm, phát sóng đa nền tảng trên các kênh và nền tảng số của VTV.

Nghề báo
Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Gần 100 hội viên học tập chuyên đề làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

(CLO) Ngày 26/4, Hội Nhà báo tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội nghị học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho gần 100 hội viên, nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí trong tỉnh.

Nghề báo
Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

Báo Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”

(CLO) Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống Báo Khánh Hòa, ngày 26/4, Báo Khánh Hòa tiếp tục phối hợp với Công ty Cổ phần Nước giải khát yến sào Khánh Hòa thực hiện chương trình “Đồng hành cùng ngư dân”.

Nghề báo
Báo Nông thôn Ngày nay kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên

Báo Nông thôn Ngày nay kỷ niệm 40 năm ngày xuất bản số báo đầu tiên

(CLO) Sáng 26/4, tại TP. Sơn La, tỉnh Sơn La, Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt đã tổ chức Lễ tri ân kỷ niệm 40 năm Báo Nông thôn Ngày Nay xuất bản số báo đầu tiên (7/5/1984 - 7/5/2024).

Nghề báo