Báo Thể thao & Văn hóa kêu gọi các nguồn lực xây dựng nhiều điểm trường ở vùng sâu, vùng xa
(CLO) Ngày 14/4, Báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) đã phát động chương trình thiện nguyện “Đấu giá nghệ thuật vì mái trường cho em”. Đây là hoạt động hướng tới kỷ niệm 40 năm báo ra số đầu tiên (21/8/1982-21/8/2022).
Chương trình là hoạt động kết hợp giữa báo Thể thao & Văn hóa với các văn nghệ sĩ, các mạnh thường quân và ngành giáo ở các địa phương, nhằm hoàn thiện cơ sở vật chất cho một số trường, điểm trường ở vùng sâu, vùng xa. Đối tượng mà chương trình hướng tới là những ngôi trường vốn đã xuống cấp do thiếu thốn kinh phí đầu tư, trong thời gian qua, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên càng khó khăn hơn.

Nhà tài trợ trao cho Tổng biên tập báo Thể thao và Văn hóa số tiền 200 triệu đồng để dành tặng cho chương trình thiện nguyện “Đấu giá nghệ thuật vì Mái trường cho em”. Ảnh: Hòa Nguyễn
Hoạt động đầu tiên của chương trình thiện nguyện “Đấu giá nghệ thuật vì mái trường cho em” sẽ hướng tới một số điểm trường tại tỉnh Sơn La và Lai Châu, với khoản kinh phí là 150-200 triệu đồng/ 1 điểm trường, cùng các hiện vật khác. Chương trình được triển khai trong thời gian từ tháng 2 -15/8/2022.
Để thực hiện mục tiêu này, sau buổi lễ phát động, BTC sẽ tiến hành cuộc đấu giá nghệ thuật “Vì mái trường cho em”, dự kiến diễn ra vào dịp Tết Thiếu nhi 1/6, trong khuôn khổ Lễ trao giải Dế mèn của báo.
Trọng tâm của buổi đấu giá sẽ là chiếc xe máy Vespa với bức vẽ “We are the children of the world” của họa sĩ Lê Kinh Tài trên thân xe. Cùng với đó, BTC sẽ đấu giá chiếc đồng hồ nam Ernest Borel GS8380C-221- thương hiệu đồng hồ nổi tiếng của Thụy Sĩ; một số tác phẩm nghệ thuật, cùng các kỷ vật giàu ý nghĩa văn hóa của các văn nghệ sĩ, ngôi sao thể thao, người nổi tiếng khác. Toàn bộ số tiền thu được sẽ dành để xây dựng những mái trường cho các em.
Chia sẻ về ý nghĩa của chương trình, nhà báo Lê Xuân Thành, Tổng biên tập báo Thể thao & Văn hóa, Trưởng BTC cho biết: “Với chương trình này, chúng tôi tin vào một cách tiếp cận bền vững để tạo ra nguồn lực hỗ trợ lâu dài và rộng khắp cho những mái trường mến yêu, đó là sử dụng sức mạnh của nghệ thuật. Chúng ta cần phải làm cho nghệ thuật “vị nhân sinh” hơn nữa bằng việc không ngừng đẩy mạnh sáng tác, không ngừng nâng cao thị hiếu thưởng thức và tiêu dùng nghệ thuật. Bằng cách đó, chúng ta có thể mang lại những nguồn lực vật chất hữu ích cho xã hội, đồng thời làm cho cuộc sống của chính chúng ta trở nên phong phú và đẹp đẽ hơn”.