Bảo tồn tháp Bình Sơn gắn với phát triển du lịch

Thứ năm, 11/07/2024 18:53 PM - 0 Trả lời

(CLO) Chính phủ quy hoạch di tích quốc gia đặc biệt tháp Bình Sơn nhằm bảo tồn; phát huy giá trị di tích và gắn với phát triển du lịch.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long vừa ký Quyết định số 598/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử và kiến trúc - nghệ thuật quốc gia đặc biệt tháp Bình Sơn (thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc).

Quyết định nêu rõ, mục tiêu quy hoạch nhằm bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc - nghệ thuật của di tích tháp Bình Sơn gắn với vai trò là trung tâm tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa của huyện Sông Lô; phát huy giá trị di tích trở thành điểm giới thiệu và tôn vinh văn hóa, nghệ thuật dân gian Việt Nam gắn với các thiết chế văn hóa làng xã của đất nước và địa phương.

bao ton thap binh son gan voi phat trien du lich hinh 1

Tháp Bình Sơn là tháp đất nung thời Trần cao nhất còn lại đến ngày nay. Ảnh: Viện Khảo cổ

Quy hoạch nhằm hình thành điểm du lịch văn hóa - lịch sử hấp dẫn, kết nối với các di tích, điểm du lịch khác của huyện Sông Lô và tỉnh Vĩnh Phúc để tạo chuỗi sản phẩm du lịch phong phú, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo Quy hoạch, vùng bảo vệ di tích được tổ chức thành hai không gian chính: Khu vực tháp Bình Sơn ở phía Nam và khu vực chùa Vĩnh Khánh ở phía Bắc.

Đối với khu vực tháp Bình Sơn sẽ giữ nguyên vị trí Tháp hiện trạng; bảo đảm duy trì tầm nhìn từ các hướng đến Tháp; tổ chức hệ thống cây xanh cảnh quan và sân quanh chân tháp thành điểm nhấn về cảnh quan.

Khu vực chùa Vĩnh Khánh nằm trên đường trục chính di tích, hướng về phía Nam. Khu nội tự gồm các công trình: Tam bảo, nhà Tổ và 2 dãy hành lang, sân chùa. Bố cục tổng thể chùa Vĩnh Khánh theo kiến trúc chùa truyền thống miền Bắc Việt Nam.

bao ton thap binh son gan voi phat trien du lich hinh 2

Sau nhiều thế kỷ kết cấu thân tháp vẫn khá vững chắc. Ảnh: Viện Khảo cổ

Đối với vùng đệm phụ trợ cho di tích, tổ chức, chỉnh trang các không gian xanh, không gian ở và không gian công cộng của cộng đồng dân cư quanh khu di tích bảo đảm hài hòa về cảnh quan, hình thành không gian bổ trợ về hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ, góp phần tôn vinh, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển đô thị.

Vùng đệm bao gồm các không gian chính: Vườn hoa cảnh quan bố trí phía Đông di tích; không gian trường học ở phía Bắc di tích và khu dân cư hiện trạng.

Quy hoạch cũng định hướng phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch. Theo đó, sản phẩm du lịch chủ yếu gồm: Tham quan, tìm hiểu văn hóa - lịch sử di tích tháp Bình Sơn gắn với hoạt động trải nghiệm bằng công nghệ hiện đại (thực tế ảo và 3D mapping...); nghiên cứu, sáng tác tác phẩm kiến trúc, nghệ thuật liên quan đến di tích và văn hóa địa phương; các hoạt động du lịch văn hóa - tín ngưỡng; du lịch lễ hội...

Tháp Bình Sơn (Tháp Then, Tháp chùa Then, Tháp chùa Vĩnh Khánh) là kiến trúc Phật giáo mang dấu ấn của một giai đoạn khá dài (khoảng từ thế kỷ XIV tới XVI). Tháp Bình Sơn - Chùa Vĩnh Khánh toạ lạc trên một gò đất cao và rộng rãi, diện tích khu vực khoanh vùng bảo vệ là 17.200m2, bao gồm: Tháp Bình Sơn, tòa Tam bảo cũ, Tam bảo mới, giếng mực, nhà khách, hồ sen, cổng, các công trình phụ trợ.

bao ton thap binh son gan voi phat trien du lich hinh 3

Hiện tại, nhiều viên gạch của thân tháp vẫn giữ được còn giữ nguyên được màu đỏ son mà không bị rêu mốc. Ảnh: Viện Khảo cổ

Toà tháp Bình Sơn có 15 tầng, trên nóc tháp có một hình khối búp hoa sen chưa nở, bằng đất nung, tạo cho toàn thân tháp dáng vươn lên. Hiện tại, tháp cao 16,5m (chỉ còn 11 tầng và 1 tầng bệ, phần chóp đã bị vỡ), được cấu tạo với bình đồ hình vuông nhỏ dần về ngọn, với cạnh của tầng dưới cùng là 4,45m, cạnh của tầng thứ 11 là 1,55m.

Kết cấu tháp bằng gạch đất nung. Từ bệ tháp đến hết tầng 2, có chiều cao dưới 6m hoa văn hoàn chỉnh nhất. Ở hai tầng này có họa tiết trang trí hàng hoa cúc, cánh sen, lá đề, hoa mặt nhẵn, rồng chạm nổi, cùng mô típ "sư tử hí cầu"…

Toàn bộ tháp được xây bằng 13.200 viên gạch, gồm 2 loại: Loại hình vuông có kích thước 0,22m x 0,22m; loại hình chữ nhật có kích thước 0,45m x 0,22m. Bên ngoài, tháp được ốp một lớp gạch vuông, mỗi cạnh dài 0,46m, phủ kín thân tháp.

Mặt ngoài của gạch ốp trang trí hoa văn rất phong phú như hoa chanh, hình lá đề, sư tử vờn cầu, rồng uốn khúc... Có viên gạch được khắc một hình trang trí, có hình lại do 2 viên hoặc 4 viên ghép lại mới thành. Đường nét trang trí tinh tế, phóng khoáng, hình dáng chắc khỏe.

Không chỉ có giá trị độc đáo về mỹ thuật, kiến trúc nghệ thuật, tháp Bình Sơn còn là ví dụ điển hình về công trình kiến trúc xây gạch. Tất cả các viên gạch đều được làm ngàm ở ngoài, có mộng ở trong. Các viên giáp nhau đều có mộng én, có lỗ đổ chì để câu hòn nọ với hòn kia, tạo nên một khối vững chắc.

bao ton thap binh son gan voi phat trien du lich hinh 4

Những viên gạch được trang trí hoa văn tinh xảo, tỉ mỉ. Ảnh: Viện Khảo cổ

Tháp Bình Sơn được phát hiện và nghiên cứu từ thời Pháp. Theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu, tòa tháp này xuất hiện vào thời Lý và được tu bổ, tôn tạo vào thời Trần.

Tháp Bình Sơn không những có giá trị về kiến trúc nghệ thuật, mà còn có giá trị mỹ thuật cao. Di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Bình Sơn được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt năm 2015.

Khánh Ngọc

Bình Luận

Tin khác

Dời hội chọi trâu Đồ Sơn 2024 đến ngày 21/9

Dời hội chọi trâu Đồ Sơn 2024 đến ngày 21/9

(CLO) UBND quận Đồ Sơn, TP.Hải Phòng quyết định dời hội chọi trâu trong khuôn khổ Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2024 từ ngày 11/9 thành ngày 21/9 do ảnh hưởng của bão số 3.

Đời sống văn hóa
Công bố 2 bảo vật quốc gia mới ở Ninh Thuận

Công bố 2 bảo vật quốc gia mới ở Ninh Thuận

(CLO) Hai bảo vật quốc gia là Tượng thờ vua Pô Klong Garai và Bia Phước Thiện sẽ được trao di sản văn hoá tại Ngày hội văn hoá dân tộc Chăm lần thứ VI, diễn ra từ ngày 27 đến 29/9.

Đời sống văn hóa
Nhiều hoạt động thú vị tại Ngày hội văn hoá dân tộc Chăm lần thứ VI năm 2024

Nhiều hoạt động thú vị tại Ngày hội văn hoá dân tộc Chăm lần thứ VI năm 2024

(CLO) Chiều 9/9, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận chủ trì, phối hợp với các tỉnh, thành phố Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận… tổ chức sự kiện họp báo Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI tại tỉnh Ninh Thuận, năm 2024.

Đời sống văn hóa
Tài liệu lưu trữ cửa ô Hà Nội kể chuyện lịch sử Thủ đô

Tài liệu lưu trữ cửa ô Hà Nội kể chuyện lịch sử Thủ đô

(CLO) Thông qua câu chuyện lịch sử của các cửa ô, trưng bày “Hà Nội và những Cửa ô” giới thiệu về những bước thay đổi, phát triển của Thủ đô với nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau.

Đời sống văn hóa
Trưng bày hơn 200 tư liệu về dân ca Quan họ Bắc Ninh

Trưng bày hơn 200 tư liệu về dân ca Quan họ Bắc Ninh

(CLO) Trưng bày "Dân ca Quan họ Bắc Ninh - Trường tồn và lan tỏa" giới thiệu tới công chúng một loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian độc đáo, đặc sắc và những nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản này.

Đời sống văn hóa