Nghề báo

Báo Tuổi Trẻ: Góc nhìn mới về hòa bình, hòa giải sau nửa thế kỷ thống nhất đất nước

Phan Anh 27/04/2025 14:34

(CLO) Với hàng loạt những sự kiện: Lễ trao giải cuộc thi viết, ra mắt sách cùng tên 'Kể chuyện hòa bình' và đặc biệt là giới thiệu đặc san Tuổi Trẻ 30/4, Báo Tuổi Trẻ mang tới một góc nhìn đương đại, sâu sắc về hòa bình. Đó không chỉ là sự kết thúc chiến tranh mà còn là quá trình hàn gắn, xây dựng tương lai...

'Sum họp một nhà' - Ấn phẩm mang giá trị lưu giữ lâu dài

Trong không khí hào hùng Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Báo Tuổi Trẻ gửi đến độc giả một ấn phẩm đặc biệt - đặc san 'Sum họp một nhà'. Hơn cả một số báo thông thường, đây là một nỗ lực công phu, một hành trình ngược dòng lịch sử để khắc họa sâu sắc ý nghĩa của hòa bình và sự sum vầy dân tộc.

Với 72 trang in màu, phát hành ngày 25/4, đặc san quy tụ những ký ức, những câu chuyện và những phân tích đa chiều từ các chứng nhân lịch sử, những cây bút tên tuổi trong và ngoài nước, tạo nên một ấn phẩm báo chí có giá trị lưu giữ lâu dài.

btt.jpg
Nhà báo Nguyễn Trường Uy giới thiệu đặc san Tuổi Trẻ 30/4. (Ảnh: Báo Tuổi trẻ)

Theo nhà báo Nguyễn Trường Uy, Phó Tổng Thư ký Tòa soạn Báo Tuổi Trẻ, việc lựa chọn chủ đề cho đặc san là một quá trình đầy trăn trở. Cuối cùng, 'Sum họp một nhà' đã được chọn làm sợi chỉ đỏ xuyên suốt, gợi lại khoảnh khắc lịch sử ngày 30/4, khi đất nước thống nhất, khép lại những năm tháng chiến tranh và mở ra một chương mới cho quê hương.

Ông nhấn mạnh: "Đặc san này không nói về chiến tranh, chỉ nói về hòa bình, thống nhất. Về giá trị của hòa bình 50 năm qua, cho hiện tại và tương lai. Đọc đặc san, chúng ta sẽ nhớ về ký ức để sống cho hiện tại, hướng về tương lai".

Đặc san được cấu trúc một cách mạch lạc theo dòng chảy thời gian, bắt đầu với 'Ký ức ngày hòa bình' - nơi những chứng nhân lịch sử, tiêu biểu như Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, kể lại câu chuyện về sự hòa giải từ một căn nhà ở Mỹ Tho và những cảm xúc nghẹn ngào khi đặt chân đến Sài Gòn trong ngày lịch sử. Bên cạnh đó là những chia sẻ chân thành của những người sinh ra vào chính ngày 30/4/1975, về sự gắn kết kỳ diệu giữa ngày chào đời của họ và vận mệnh của đất nước.

Tiếp nối mạch cảm xúc là phần 'Ở lại với quê hương', khắc họa những lựa chọn đầy trăn trở và những nỗ lực phi thường để xây dựng lại cuộc sống sau chiến tranh. Lần đầu tiên, hai nghệ sĩ lớn của miền Nam là Kim Cương và Mộng Tuyền trải lòng về những lý do sâu sắc khiến họ quyết định ở lại, gắn bó với quê hương. Ca sĩ Cẩm Vân cũng mang đến những hồi ức xúc động về những năm tháng gian khó nhưng vẫn tràn đầy tình yêu và hy vọng qua những ca khúc đã đi vào lòng nhiều thế hệ.

btt4.jpg
Bức tranh Vườn xuân Trung Nam Bắc của danh họa Nguyễn Gia Trí về khát vọng hòa bình và thống nhất được in rộng 1 mét, giấy cứng.
btt5.jpg
4 trang ảnh khổ lớn Sài Gòn - TP.HCM những dấu ấn đổi thay 50 năm qua.

'TP.HCM đi tới tương lai' mở ra một góc nhìn về sự phát triển vượt bậc của thành phố mang tên Bác sau 50 năm, từ những khó khăn ban đầu đến khát vọng trở thành một siêu đô thị tầm vóc khu vực. 'Việt Nam Digital' hướng đến tương lai số hóa của đất nước, nơi kiều bào và người dân trong nước cùng chung tay xây dựng một Việt Nam mạnh giàu.

Đặc biệt, phần 'Trở về với Việt Nam' mang đến những câu chuyện độc quyền, lần đầu tiên được tiết lộ, như chia sẻ của con trai cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara về cuốn sách 'Vì cha chúng tôi nói dối', một góc nhìn mới về quá khứ.

Điểm nhấn đặc biệt của đặc san là phụ bản 8 trang, tặng kèm bức tranh 'Vườn xuân Trung Nam Bắc' của danh họa Nguyễn Gia Trí, một biểu tượng của khát vọng hòa bình và thống nhất, được in khổ lớn. Bạn đọc còn có cơ hội tương tác qua điện thoại để thưởng lãm kiệt tác này tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, cùng với trang ảnh khổ lớn về sự đổi thay của Sài Gòn - TP.HCM trong 50 năm qua.

Với tất cả sự công phu và tâm huyết, đặc san Tuổi Trẻ 30/4 không chỉ là một ấn phẩm kỷ niệm mà còn là một tư liệu quý giá, một lời tri ân sâu sắc đến quá khứ và một niềm tin mạnh mẽ vào tương lai hòa bình và thịnh vượng của dân tộc. Như nhà báo Nguyễn Trường Uy chia sẻ, đây thực sự là một số báo "rất đáng để đọc và để lưu giữ như một tư liệu ý nghĩa về hòa bình sau 50 năm sum họp một nhà".

Phủ sóng thông tin kỷ niệm 50 năm thống nhất trên đa nền tảng

Để đảm bảo thông tin về sự kiện trọng đại này được truyền tải một cách nhanh chóng và toàn diện, Báo Tuổi Trẻ đã thiết lập một bộ máy chuyên trách, tập trung mọi nguồn lực cho hàng loạt tuyến bài kỷ niệm 30/4.

Nhà báo Nguyễn Trường Uy cho biết, Tuổi Trẻ Online trở thành một kênh thông tin chủ lực, liên tục cập nhật tin tức thời sự liên quan đến sự kiện. Đồng thời, các tuyến bài hồ sơ, sử liệu và phóng sự thực tế sâu sắc cũng được đăng tải, mang đến cho độc giả những góc nhìn đa chiều và đầy đủ về chặng đường 50 năm hòa bình và phát triển.

"Chúng tôi xác định đây là một sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng, thu hút sự quan tâm sâu sắc của đông đảo bạn đọc", ông Trường Uy nhấn mạnh. "Chính vì vậy, Báo đã huy động mọi nguồn lực, từ việc thành lập bộ máy chuyên trách đến việc tăng cường nhân sự. Chúng tôi đã điều thêm hai phóng viên từ Hà Nội vào TP.HCM để đảm bảo bao phủ thông tin một cách tốt nhất".

btt1.jpg
Phóng viên Quang Định, Báo Tuổi Trẻ tác nghiệp tại sự kiện kỷ niệm 50 năm đất nước hoà bình.

Một mũi nhọn khác trong chiến dịch truyền thông ý nghĩa này của Báo Tuổi Trẻ là việc bám sát các hoạt động kỷ niệm diễn ra trên cả nước. Các phóng viên của Báo đã có mặt tại các sự kiện quan trọng, trong đó có hoạt động diễu binh, diễu hành tại Hội trường Thống Nhất, để ghi lại những khoảnh khắc lịch sử hào hùng và truyền tải đến độc giả một cách chân thực, sống động nhất.

"Đặc biệt, Báo Tuổi Trẻ đã tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ để mang đến trải nghiệm thông tin trực quan và kịp thời cho độc giả. Ngay từ bây giờ, Tuổi Trẻ Online đã thực hiện các buổi live - phát trực tiếp thông qua hệ thống camera giao thông, cập nhật liên tục hình ảnh và không khí kỷ niệm trên khắp thành phố", ông Trường Uy cho hay.

Theo nhà báo Trường Uy, sự đầu tư toàn diện này đã mang lại những kết quả tích cực. Lượng người đọc theo dõi các thông tin về kỷ niệm 50 năm thống nhất trên cả Tuổi Trẻ Online và báo giấy đều rất cao. Số lượng lượt xem trực tuyến và số lượng phát hành báo giấy tăng mạnh, cho thấy sự quan tâm đặc biệt và tình cảm sâu sắc của công chúng đối với sự kiện chính trị có ý nghĩa lịch sử to lớn này.

"Sự quan tâm của bạn đọc là nguồn động lực to lớn để chúng tôi nỗ lực hơn nữa trong việc truyền tải thông tin một cách chính xác, kịp thời và sâu sắc", ông Uy chia sẻ. "Chúng tôi nhận thấy rõ đây là một sự kiện hiếm có, thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng, không chỉ là những thông tin thời sự thông thường mà còn là những ký ức, những cảm xúc thiêng liêng của cả dân tộc".

Theo nhà báo Nguyễn Trường Uy, trong tuần cuối cùng trước ngày 30/4, toàn bộ đội ngũ Báo Tuổi Trẻ đang dồn mọi tâm huyết để hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ, mang đến cho độc giả những nội dung chất lượng, ý nghĩa và giàu cảm xúc nhất nhân dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Báo Tuổi Trẻ: Góc nhìn mới về hòa bình, hòa giải sau nửa thế kỷ thống nhất đất nước
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO