Bảo vệ, phát huy giá trị di sản Chèo trong xã hội đương đại

23/11/2023 19:32

(CLO) Hội thảo quốc tế về di sản Chèo tại Thái Bình nhằm hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO xem xét ghi danh nghệ thuật Chèo là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Ngày 23/11, tại TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình, Khoa các khoa học liên ngành - Đại học Quốc gia Hà Nội và Sở VHTT&DL tỉnh Thái Bình tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật trình diễn dân gian và nghệ thuật Chèo trong xã hội đương đại”.

Hội thảo này là một diễn đàn học thuật của các chuyên gia quốc tế và trong nước để cùng nhau làm rõ những vấn đề chuyên môn về nghệ thuật trình diễn dân gian từ góc độ khoa học liên ngành. Hội thảo nhằm hoàn thiện hồ sơ về nghệ thuật Chèo đệ trình UNESCO xem xét ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

bao ve phat huy gia tri di san cheo trong xa hoi duong dai hinh 1

Hội thảo khoa học quốc tế “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật trình diễn dân gian và nghệ thuật Chèo trong xã hội đương đại”. Ảnh: QĐND

Theo Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Đạo Cương, được sáng tạo và trao truyền qua bao thế hệ, đến nay, Chèo truyền thống vẫn lan tỏa mạnh mẽ và chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt. Người dân nhiều làng xã Bắc Bộ vẫn mê hát Chèo và tham gia hát Chèo, diễn Chèo. Các gánh Chèo xưa tuy không còn, nhưng Chèo vẫn được duy trì trong lễ hội truyền thống, trong các hội thi, hội diễn, trong ngày vui của gia đình và cộng đồng.

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh rằng, hội thảo này chia sẻ những bài học kinh nghiệm liên quan và làm sáng tỏ những ý nghĩa xã hội và kinh tế của di sản, nhìn nhận đầy đủ vai trò của di sản trong sự thúc đẩy gắn kết xã hội, thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa và đối thoại văn hóa.

“Thành công của hội thảo cũng sẽ góp phần mở rộng khái niệm về di sản văn hóa, lồng ghép di sản sống vào các chính sách và chương trình ở cấp quốc gia và thiết lập vững chắc các nỗ lực bảo vệ ở cấp độ quốc tế”, ông Hoàng Đạo Cương phát biểu.

Tại hội thảo, các chuyên gia tập trung thảo luận về các vấn đề: Ghi danh di sản văn hóa phi vật thể theo Công ước của UNESCO và Luật Di sản văn hóa; Sự biến đổi và sức sống của nghệ thuật trình diễn dân gian và nghệ thuật Chèo trong xã hội đương đại; Bảo vệ và phát huy giá trị di sản nghệ thuật trình diễn dân gian và nghệ thuật Chèo trong phát triển bền vững…

Với sự tham gia của các học giả đến từ 6 quốc gia gồm: Mỹ, Thụy Sỹ, Anh, Cộng hòa Séc, Hàn Quốc, Trung Quốc, cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa, tổ chức, trường đại học tại Việt Nam, đại diện cộng đồng chủ thể di sản, hội thảo đã tiếp cận di sản từ góc độ liên ngành.

Trong đó, các nghiên cứu về nghệ thuật Chèo trong nước cùng thực tế bảo tồn, phát huy giá trị di sản, giúp nghệ thuật chèo truyền thống lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội đương đại, hướng tới sự phát triển bền vững.

Một số ý kiến nêu kinh nghiệm về các chính sách bảo vệ và phát huy giá trị di sản tại các nước: Ở Trung Quốc là kịch truyền thống dân tộc Choang, múa truyền thống ở làng của người Thái, múa Nuo; Hàn Quốc là múa dân gian Gigak, múa mặt nạ, kịch nghệ hài hước và châm biếm…

Nhiều tham luận phân tích, làm sáng tỏ sự biến đổi và phát triển của nghệ thuật Chèo trong xã hội đương đại, tiếp tục khẳng định nghệ thuật Chèo đã góp phần làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam.

bao ve phat huy gia tri di san cheo trong xa hoi duong dai hinh 2

Các nghệ nhân làng Khuốc trình diễn nghệ thuật chèo. Ảnh: Báo Thái Bình

Bên cạnh đó, việc cách tân, hướng tới nhu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của công chúng đương đại đã tạo nên sự biến đổi của diễn xướng Chèo. Sự biến đổi ấy là tất yếu khách quan, phản ánh quy luật phát triển của văn hóa nghệ thuật. Hiện nay, có thể nói âm nhạc Chèo đã trở về trong hướng kế thừa, sáng tạo và phát triển tinh hoa âm nhạc dân gian…

Trong khuôn khổ hội thảo, tối 22/11, tại xã Phong Châu, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, các đại biểu trong nước và quốc tế đã được thưởng thức đêm trình diễn nghệ thuật Chèo làng Khuốc.

Tại đêm trình diễn, các nghệ nhân, thành viên CLB chèo xã Phong Châu thể hiện 7 tiết mục đặc sắc của nghệ thuật Chèo như làn điệu “Ván cờ tiên”, “Sắp bay bổng”, trích đoạn chèo “Lão say cu cậu”, “Từ Thức du tiên”, “Lý trưởng mẹ mõ”...

Khánh Ngọc

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bảo vệ, phát huy giá trị di sản Chèo trong xã hội đương đại
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO