Bất động sản công nghiệp: Màu mỡ, tiềm năng nhưng không dễ “xơi”
(CLO) Năm 2020, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị trường bất động sản Việt Nam. Trong khi hầu hết các phân khúc đều bị thiệt hại, thì bất động sản công nghiệp lại phất lên nhanh chóng.

Màu mỡ, nhưng không dễ “xơi”
Theo hội môi giới bất động sản, hiện tại, cả nước có 260 khu công nghiệp đang hoạt động và 75 dự án đang xây dựng.
Bất chấp đại dịch Covid-19, bất động sản phát triển rất mạnh ở một số địa phương như: Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Định, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang;...
Đặc biệt, tỷ lệ lấp đầy lên trên 70%, giá thuê nhà xưởng bình quân cả nước là 60.000 - 80.000 đồng/m2 (tăng khoảng 10% so với năm ngoái), giá đất mua từ 3 - 5 triệu đồng/m2.
Còn theo số liệu của Colliers International, tại thị trường Hà Nội, bất động sản công nghiệp vẫn ổn định và không bị ảnh hưởng nhiều, giá thuê và tỉ lệ lấp đầy vẫn giữ ở mức như quý trước. Bắc Từ Liêm và Long Biên là hai khu vực thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vì hầu hết các khu công nghiệp trong khu vực đều nằm ở đây.
Theo đơn vị này, hơn 60% khu công nghiệp ở Hà Nội được ghi nhận duy trì tỷ lệ lấp đầy 100%, giá chào thuê dao động từ 98 - 160 USD/m2/kỳ, tương đương 2,25 triệu - 3,7 triệu đồng/m2/kỳ.
Trong khi đó, tại TP.HCM, tính đến tháng 12/2020, giá thuê đất khu công nghiệp bình quân tại TP.HCM đạt 160 USD/m2/kỳ (khoảng 3,7 triệu đồng/m2/kỳ), cao nhất cả nước.
Tỷ lệ lấp đầy đạt trên 80% do nhu cầu bất động sản công nghiệp hiện hữu gần như không đổi so với quý trước, trong khi quỹ đất cho thuê hiện hữu chỉ dưới 3.000 ha.
Ngoài ra, trong số các tỉnh phía Nam, Long An đang tiếp tục nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư đang tìm kiếm các phương án thay thế các khu công nghiệp truyền thống tại TP.HCM.
Long An thu hút con số ấn tượng với 1.079 dự án FDI và vốn đăng ký 6,6 tỷ USD tính đến tháng 12 năm 2020.
Mặc dù, bất động sản công nghiệp là điểm sáng hiếm hoi của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, một số “ông lớn” trong ngành vẫn báo lỗ.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020 của Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA), doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ là 94 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế âm 10 tỷ đồng. Luỹ kế cả năm 2020, ITA ghi nhận 624 tỷ đồng doanh thu, giảm 51,5% so với năm 2019, lợi nhuận sau thuế đạt 177 tỷ đồng, giảm 14%.
Tương tự, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020 của Tổng công ty Kinh Bắc (KBC), doanh thu cả năm đạt 2.154 tỷ đồng, giảm 33% cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất ở mức 297,4 tỷ đồng, giảm 71%.
Cơ hội nào cho năm 2021?
Bên cạnh thương chiến Mỹ - Trung, đại dịch Covid-19 như một chất xúc tác, thúc đẩy các công ty nước ngoài chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang các quốc lân cận. Trong đó, Việt Nam là Indonesia là hai quốc gia tiềm năng, hầu hết các công ty quốc tế đang xem xét.
Bên cạnh đó, với việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực vào quý III và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) chính thức được ký kết vào ngày 29/12/2020, sẽ được kỳ vọng biến Việt Nam thành “công xưởng của thế giới” cũng như thu hút thêm nhiều doanh nghiệp châu Âu, đặc biệt là Anh, tham gia thị trường.
Cùng với đó, việc kiểm soát đại dịch của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao cũng là động lực quan trọng để thu hút nhiều vốn nước ngoài vào Việt Nam nói chung và bất động sản công nghiệp nói riêng.
Theo TS Sử Ngọc Khương, giám đốc cấp cao Savills: Bất động sản công nghiệp có liên quan đến nhiều yếu tố như chuỗi cung ứng, kho bãi, cảng biển, giao thông vận tải…
Đồng thời, hiện nay Chính phủ đang ưu tiên các ngành nghề tạo ra sản phẩm có hàm lượng chất xám cao vì đây là những ngành mang tính thời đại, do đó vấn đề về nhân lực, lực lượng lao động có tay nghề để đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài vào bất động sản công nghiệp tại Việt Nam cũng là một bài toán cần phải quan tâm.
Theo ông Khương, dây là một bài toán tổng thể giữa Chính phủ và các doanh nghiệp. Nhà nước sẽ đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông, kho bãi, kho vận cũng như là các chuỗi cung ứng trên tinh thần hợp tác công tư.
Bởi vì, ngân sách của Chính phủ không thể phân bổ đều cho hết các ngành nghề nên việc phối hợp công tư thỏa đáng sẽ góp phần giải quyết bài toán trên.
Hơn nữa, các nhà vận hành chuỗi cung ứng chuyên nghiệp cũng là yếu tố rất quan trọng vì khi các chuỗi cung ứng mang tính toàn cầu thì chúng ta cũng cần các công ty có tầm cỡ để đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư bất động sản công nghiệp.
“Bên cạnh đó, các thủ tục trong xuất nhập khẩu cũng là bài toán cần phải cân nhắc, việc hỗ trợ các DN trong ngoài nước trong việc thông quan hàng hoá cũng như là xuất hàng hoá ra nước ngoài sẽ giúp giảm thiểu được chi phí, tạo lợi thế để thu hút được nhà đầu tư nước ngoài”, ông Khương đánh giá.
Lâm Vũ