Kinh tế vĩ mô

Bất ngờ về địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất Việt Nam kể từ đầu năm

Định Trần 01/05/2025 09:53

(CLO) Không phải Hà Nội hay TP HCM, Bắc Giang mới là địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất nước trong giai đoạn đầu năm 2025.

Báo cáo của Cục Thống kê (GSO) cho thấy, trong 3 tháng đầu năm 2025, Bắc Giang là địa phương dẫn đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế trong quý I/2025.

Cụ thể, ngành công nghiệp là động lực chính đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của Bắc Giang, chỉ số sản xuất công nghiệp trong 3 tháng đầu năm tăng tới 26,58%. Nguyên nhân là do một số công ty mới đi vào hoạt động sản xuất từ tháng 8/2024, hiện tại sản xuất ổn định, doanh thu các tháng quý I/2025 gấp 2,5-3 lần so với cùng kỳ năm trước.

Thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp của tỉnh cũng đạt được những kết quả tích cực. Đến ngày 31/3/2025, toàn tỉnh đã thu hút được khoảng 641,2 triệu USD vốn đầu tư, tăng 2,7% so cùng kỳ năm trước.

bac-giang-co-them-khu-cong-nghiep-3600-ty-dong.jpg
Bắc Giang là địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất nước trong giai đoạn đầu năm 2025. (Ảnh: VT)

“Những kết quả này phản ánh sự nỗ lực của Bắc Giang trong việc cải thiện môi trường, thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Nhìn chung, Bắc Giang đã tận dụng hiệu quả các cơ hội để phát triển kinh tế, khẳng định vị thế dẫn đầu về tăng trưởng kinh tế trong cả nước”, GSO nêu.

Sau Bắc Giang, Hòa Bình là địa phương có tốc độ tăng trưởng quý I so với cùng kỳ năm trước đứng thứ 2 cả nước (12,76%). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,19%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 27,18%; khu vực dịch vụ tăng 5,91%; thuế sản phẩm giảm 5,64%. Công nghiệp và xây dựng là khu vực có đóng góp lớn vào tăng trưởng của tỉnh, đặc biệt là đóng góp của ngành sản xuất và phân phối điện.

Tại Hòa Bình, nhiều công trình,dự án giao thông của tỉnh đồng loạt thi công theo tiến độ như: Cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu; đường liên kết vùng Hòa Bình – Hà Nội và Cao tốc Sơn La; đường nối Khu Bắc Trần Hưng Đạo ra Quốc lộ 6, …

Bên cạnh đó, một số dự án nhà máy nước ngoài đang khẩn trương tập trung hoàn thành các hạng mục để đưa vào sản xuất từ quý II/2025.

“Để đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân 5 năm 2021-2025 từ 9% trở lên, Hòa Bình đang tập trung cải thiện môi trường đầu tư, thu hút dự án lớn và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ”, GSO cho biết.

Tiếp đến là Nam Định đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 11,86%, đứng thứ 3 cả nước và thứ nhất trong vùng Đồng bằng sông Hồng. Thu hút đầu tư nước ngoài cũng là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tính đến ngày 25/3/2025, tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 11 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 227 triệu USD, trong đó cấp mới cho 7 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 121 triệu USD.

Đối với Đà Nẵng, tiếp đà tăng trưởng tích cực của quý IV/2024, kinh tế quý I/2025 trên địa bàn thành phố có nhiều điểm sáng khá tích cực và đạt được nhiều kết quả vượt trội; một số ngành duy trì mức tăng cao, đóng góp đáng kể vào mức tăng chung của toàn nền kinh tế thành phố.

GRDP của thành phố quý I/2025 ước tính tăng 11,36%, với mức tăng này đã giúp cho Đà Nẵng đứng vị trí thứ 4 cả nước và đứng thứ nhất trong vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.

vi-sao-da-nang-lai-thu-hut-nhieu-khach-du-lich-1.jpg
Du lịch là một điểm sáng trong khu vực dịch vụ của Đà Nẵng. (Ảnh: PO)

Du lịch là một điểm sáng trong khu vực dịch vụ của thành phố, sự phát triển mạnh mẽ của thị trường du lịch đã trở thành động lực quan trọng, thúc đẩy sự tăng trưởng đồng bộ trong lĩnh vực dịch vụ du lịch lữ hành, góp phần nâng cao chất lượng và mở rộng tầm ảnh hưởng của ngành. Doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành quý I/2025 ước đạt 838,6 tỷ đồng, chiếm 2,2% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố, tăng 20,0% so với cùng kỳ năm trước.

Lai Châu là tỉnh thuộc vùng Trung du miền núi phía Bắc, tăng trưởng của tỉnh trong quý I/2025 đạt cao 11,32%. Để có được mức tăng trưởng khá, tỉnh đã tập trung vào một số lĩnh vực chủ chốt để thúc đẩy phát triển kinh tế.

Trong đó phải kể đến việc tỉnh chú trọng khai thác tiền năng nông, lâm nghiệp và thủy sản để đạt mục tiêu tăng trưởng của ngành này khoảng 5% trong giai đoạn 2021-2025. Ngay từ những tháng đầu năm, tỉnh đặt mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung; phát triển các cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao.

Đặc biệt địa phương này đã hoàn chỉnh và phát triển Sâm Lai Châu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024-2030; ứng dụng công nghệ cao, sạch, an toàn, bảo vệ môi trường sinh thái, có khả năng chống chọi với dịch bệnh và biến đổi khí hậu.

GSO cho rằng, trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng, Bắc Giang, Hòa Bình hay Nam Định đang nổi lên như các trung tâm tăng trưởng mới ngoài các đô thị truyền thống, giúp giảm áp lực lên các trung tâm lớn như Hà Nội, TP HCM, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng đồng đều hơn giữa các vùng miền.

Đà Nẵng đóng vai trò kết nối chiến lược tại miền Trung, kết nối Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ qua du lịch, logistics và công nghệ thông tin, góp phần nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu. Bắc Giang không chỉ tăng trưởng riêng lẻ mà còn tác động lan tỏa kéo theo các tỉnh xung quanh như Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Nguyên phát triển công nghiệp phụ trợ.

Như vậy, các địa phương dẫn đầu cả nước về tăng trưởng quý I/2025 như Bắc Giang, Hòa Bình, Nam Định, Đà Nẵng và Lai Châu không chỉ là “điểm sáng” về tăng trưởng, mà còn là hình mẫu phát triển, hạt nhân liên kết vùng và là trụ cột trong quá trình thúc đẩy tăng trưởng cả nước để đạt mục tiêu 8% trong năm nay và đạt 2 con số trong kỷ nguyên mới.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bất ngờ về địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất Việt Nam kể từ đầu năm
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO