Chuyện bất thường này tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam - chi nhánh Eximbank Long An có lẽ sẽ khó bị phát hiện nếu bà Vân "chốt lời" 5 tỷ đồng từ phi vụ chóng vánh này để hoàn trả số tiền còn nợ khi mua căn nhà.
Theo tường trình của chủ căn nhà số 649/73 Điện Biên Phủ, phường 25, quận Bình Thạnh, TP.HCM - bà Nguyễn Thị Minh Thu (SN: 1968, ngụ 649/73 Điện Biên Phủ, phường 25, quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết, ngày 17/10/2010, vợ chồng bà ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng nhà đất tại 649/73 Điện Biên Phủ, phường 25, quận Bình Thạnh, TP.HCM cho bà Nguyễn Thị Bích Vân (SN:1967, ngụ 40E Ngô Đức Kế, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM). Giá chuyển nhượng thực tế thỏa thuận giữa hai bên là 10 tỷ đồng; bà Vân trả trước 3,5 tỷ đồng, phần còn lại là 6,5 tỷ đồng hứa sẽ chuyển trả sau khi 2 bên chính thức ký hợp đồng công chứng 30 ngày.
Mặc dù chỉ mua với giá 10 tỷ đồng nhưng khi ký kết hợp đồng công chứng bà Vân yêu cầu được nâng giá chuyển nhượng lên thành 19 tỷ đồng. Thấy bất thường và sợ phải chịu thuế cao nên bà Thu không chấp nhận. Tuy nhiên sau khi nghe bà Vân thuyết phục đang cần vay số vốn lớn để đầu tư và sẽ chịu trách nhiệm nghĩa vụ thuế với Nhà nước theo giá khống này thì cuối cùng, thấy không ảnh hưởng đến mình nên bà Thu cũng đồng ý.
Có được hợp đồng chuyển nhượng trong tay, bà Vân nhanh chóng làm thủ tục chuyển sang tên mình rồi mang đi thế chấp để vay vốn ngân hàng. Và dường như đã có sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng, mọi giao dịch đều diễn ra rất chóng vánh.
Vẫn theo nguyên tắc cho vay 60 - 70% giá trị tài sản đảm bảo, nhưng Eximbank không tiến hành định giá tài sản thực tế mà căn cứ vào giá trị hợp đồng chuyển nhượng khiến cho việc đánh giá tài sản đảm bảo bị sai lệch, giá trị khoản vay vượt gần gấp đôi giá trị tài sản đảm bảo.
Theo hồ sơ vụ việc, ngày 15/11/2010, UBND quận Bình Thạnh ký Giấy CNQSDĐ sang tên bà Vân thì ngày 16/11/2010, hợp đồng vay vốn giữa bà Vân và Ngân hàng Eximbank cũng đã được ký kết. Và ngày 17/11/2010, Ngân hàng Eximbank chính thức bắt đầu giải ngân cho khoản vay này. Điều đáng nói, sau một ngày bắt đầu giải ngân (ngày 18/11/2010), Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Bình Thạnh mới ký giao dịch đảm bảo.
Mặc dù đã mang đi thế chấp ngân hàng và nhận gần 15 tỷ đồng vốn vay nhưng trong các lần khất nợ khoản tiền mua căn nhà, bà Vân vẫn cam kết sẽ giao trả lại Giấy CNQSDĐ (đã sang tên bà Vân) cho bà Thu giữ cho đến khi ngân hàng thông báo giải ngân thì bà Thu mang Giấy CNQSDĐ ra giao và nhận số tiền còn lại. Không những vậy bà Vân còn cam kết, nếu quá ngày 28/5/2011 số nợ này không được thanh toán đủ, bà Vân sẽ ra Phòng công chứng chuyển nhượng để trả lại nhà đất này cho bà Thu.
Sau nhiều lần cam kết, bà Vân vẫn không thanh toán số tiền còn thiếu, ngày 6/7/2011, bà Thu khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc bà Vân phải trả 6,5 tỷ nợ gốc cùng tiền lãi phát sinh. Và tại phiên sơ thẩm ngày 17/7/2012, TAND TP.HCM chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Thu, buộc bà Vân phải thanh toán 7,4 tỷ đồng bao gồm nợ gốc và lãi suất để chấm dứt việc mua bán căn nhà số 649/73 Điện Biên Phủ, phường 25, quận Bình Thạnh, TP.HCM; đồng thời ghi nhận cho bà Thu tiếp tục sử dụng và chỉ giao nhà khi bà Vân đã thanh toán đủ số tiền còn thiếu...
Sau khi bản án có hiệu lực, Eximbank cho rằng quyết định của tòa sơ thẩm làm ảnh hưởng đến quyền lợi Eximbank nên đã có đơn kiến nghị đề nghị xem xét lại bản án theo thủ tục giám đốc thẩm. Ngày 26/11/2015, TAND cấp cao tại TP.HCM có quyết định kháng nghị - hủy toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm 998/2012/DSST của TAND TP.HCM, giao cho TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm lại theo hướng bảo đảm quyền lợi của Eximbank.
Ở một diễn biến khác, sau đơn khởi kiện của bà Thu, ngày 26/10/2011, Eximbank cũng đã khởi kiện hợp đồng tín dụng liên quan căn nhà thế chấp số 649/73 Điện Biên Phủ tại Tòa kinh tế - TAND TP.HCM. Vì sau khi nhận được gần 15 tỷ tiền vay, bà Vân chưa một lần thực hiện trách nhiệm thanh toán tiền gốc và lãi theo đúng hợp đồng tín dụng đã ký kết.
Vụ tranh chấp hợp đồng mua bán nhà 649/73 Điện Biên Phủ hiện đang được TAND quận Bình Thạnh thụ lý giải quyết hơn 1 năm qua. Và vẫn như ở phiên tòa trước, dù tòa đã triệu tập hợp lệ từ tống đạt thụ lý vụ án, lấy lời khai, hòa giải... bà Vân vẫn không đến tòa. Có lúc hết kiên nhẫn, người khởi kiện định rút đơn để chuyển vụ việc sang cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Bình Thạnh nhưng sau đó lại phải quay trở lại “cầu cứu” TAND quận Bình Thạnh. “Chẳng lẽ pháp luật cũng bó tay trước hành vi chiếm đoạt tài sản này?” - bà Thu bức xúc.
Ngoài việc mua nhà để cầm cố đang được tòa thụ lý giải quyết, hiện dư luận đặt ra nghi vấn, có hay không sự thông đồng giữa bà Vân với cán bộ Eximbank khi cố ý định giá không chính xác giá trị tài sản bảo đảm nhằm chiếm đoạt tài sản của ngân hàng?
Thái Anh